Trước thời kỳ đổi mới, nguồn vốn viện trợ phát triển cho Việt Nam chủ yếu từ Liên Xô (cũ) và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Trong thời kỳ 1975 - 1990, nước ta tiếp nhận hơn 17,3 tỷ Rúp và Đô la (nguồn viện trợ phát triển theo cơ cấu: 12,6 tỷ rúp chuyển nhượng của Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu; 2,318 tỷ đô la viện trợ phát triển song phương từ các nước không thuộc hệ thống SEV; 1,6 tỷ rúp - USD viện trợ phát triển đa phương và 850 triệu USD chính phủ vay của Libi, Angeri, Irắc trong thời kỳ 1976 - 1980) [37, tr. 12-13].
Từ năm 1989 trở về trước, vốn đầu tư phát triển của Nhà nước chủ yếu được cấp phát trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước. Từ năm 1990, thực hiện chủ trương đổi mới chính sách tài chính và huy động mọi nguồn vốn cho đầu tư, vốn đầu tư phát triển của Nhà nước được thực hiện qua hai kênh: cấp phát trực tiếp không hoàn lại theo kế hoạch đầu tư phát triển của Nhà nước cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế, văn hóa, xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng không có khả năng hoàn vốn trực tiếp và cho vay đầu tư với lãi suất ưu đãi cho các dự án đầu tư phát triển theo kế hoạch của Nhà nước (tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước).
Tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được thực hiện tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam từ năm 1990 với số vốn ban đầu được Chính phủ giao là 300 tỷ đồng. Đến năm 1995, khi thành lập Tổng cục Đầu tư phát triển, việc quản lý được thực hiện thông qua Tổng cục Đầu tư phát triển.
Thực hiện Quyết định số 237/KTTH-CP ngày 20/9/1996 và Quyết định số 6213/KTTH-CP ngày 7/12/1996 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đầu tư
phát triển của Nhà nước 4 ngân hàng thương mại quốc doanh cũng được giao nhiệm vụ cho vay ưu đãi. Sau 11 năm (1990-2000) các tổ chức cho vay đã huy động và cho vay khoảng 86.800 tỷ đồng. Nổi bật nhất là tỷ trọng nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển xã hội có xu hướng ngày càng tăng dần (xem phụ lục 2.7).
Nếu như trước năm 1990, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước chưa được sử dụng như một công cụ quản lý và điều tiết nền kinh tế thì trong giai đoạn 1990 - 2000 vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đã tăng trưởng tương đối nhanh cả về giá trị tuyệt đối lẫn giá trị tương đối. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 1990 chiếm tỷ trọng 3,98% so với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Đến giai đoạn 1991-1995 nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước đã chiếm tới 5,64% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và tăng lên không ngừng đạt 15,6% giai đoạn 1996 - 2000.
Vốn này còn tiếp tục có xu hướng gia tăng trong thập kỷ tới.
Những năm đầu, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước chủ yếu do Nhà nước cấp cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam để cho vay. Từ năm 1994, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước được đa dạng và tăng trưởng nhanh, nhiều hình thức huy động vốn được triển khai như phát hành tín phiếu, trái phiếu công trình, trái phiếu Chính phủ, dịch vụ tiết kiệm bưu điện, huy động nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Tích lũy trả nước ngoài (xem phụ lục 2.8).
Nhìn chung những năm gần đây, mức vốn huy động luôn ở mức độ cao và tương đối ổn định, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế về đầu tư bằng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Nếu năm 2001, kế hoạch Nhà nước giao là hơn 24.000 tỷ đồng thì chủ trương của Nhà nước trong giai đoạn tới luôn đảm bảo kế hoạch tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hàng năm khoảng 25.000 tỷ đồng.
Từ 1990 đến 31/5/2000, nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cho vay thông qua kênh Ngân hàng đạt tổng doanh số cho vay các năm là 26.390,484 tỷ đồng, trong đó:
+ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam: 25.000 tỷ đồng, chiếm 94,7% tổng doanh số cho vay.
+ Ngân hàng Công thương Việt Nam: 813,275 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,1%.
+ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam: 127,925 tỷ đồng; chiếm 0,48%.
+ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam: 449,284 tỷ đồng, chiếm 1,7%.
Đến cuối tháng 5 năm 2000, dư nợ cho vay tại bốn Ngân hàng thương mại này là 11.977, 413 tỷ đồng [31]. Số vốn này được cho vay chủ yếu đối với ngành: điện lực, bưu chính viễn thông, xi măng, mía đường, trồng chăm sóc và chế biến cao su, cà phê, đánh bắt hải sản xa bờ, các dự án phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đã mang lại hiệu quả, đưa các ngành kinh tế này phát triển một bước đáng kể phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thông qua kênh Tổng cục Đầu tư phát triển có xu hướng tăng dần. Từ năm 1995-1998, tổng số vốn tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước theo kế hoạch qua kênh này là 6.483 tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng số vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.
Đến cuối năm 1998, Tổng cục Đầu tư phát triển đã ký hợp đồng cho vay 1.430 dự án với số vốn là 5.924 tỷ đồng. Số vốn này được cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất được ưu tiên, trong đó dự án điện, than chiếm 24% tổng số vốn, dự án sản xuất hàng xuất khẩu khoảng 8,9%, mía đường chiếm 8%, đánh cá xa bờ là 6,1%, xi măng 3,3%, du lịch 4,3%, dự án lâm nghiệp chiếm 3,5%...
Trong số các dự án nói trên có 535 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động cuối năm 1998, với tổng mức vốn đầu tư được duyệt: 7.188 tỷ đồng, số vốn đã cho vay 3 năm: 2.002 tỷ đồng, góp phần làm tăng thêm mỗi năm:
6.667 tỷ đồng doanh thu, 386 tỷ đồng nộp Ngân sách Nhà nước [6].
Đến cuối năm 1999, Quỹ Hỗ trợ phát triển đã nhận bàn giao ở Tổng cục Đầu tư phát triển và Quỹ Hỗ trợ đầu tư quốc gia để tiếp tục quản lý cho vay, thu hồi nợ vay 3.213 dự án với tổng số vốn vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký là 58.360 tỷ đồng, trong đó:
+ Vốn trong nước: 3.048 dự án với số vốn vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký là 11.236 tỷ đồng.
+ Vốn ODA cho vay lại: 165 dự án với tổng số vốn vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký tương đương 3.365 triệu USD.
Trong năm 2000 cho vay bằng nguồn vốn trong nước, Quỹ Hỗ trợ phát triển đã ký hợp đồng tín dụng với 1.213 dự án, với số vốn 6.736 tỷ đồng.
Tổng số giải ngân từ 1/1/2000 đến 31/12/2000 là 4723 tỷ đồng. Cho vay lại vốn ODA, tổng số giải ngân từ 1/1/2000 đến 31/12/2000: 766,73 triệu USD tương đương 11.117 tỷ đồng. Đến cuối năm 2000, dư nợ tại Quỹ Hỗ trợ phát triển là 34.915 tỷ đồng, trong đó:
+ Tổng dư nợ vay đầu tư phát triển bằng nguồn vốn trong nước: 9.367 tỷ đồng.
+ Dư nợ cho vay lại vốn ODA: 25.548 tỷ đồng (tỷ giá 14,500 VND/USD) [34].
Cơ cấu kỹ thuật vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong thời gian qua tuy có biến đổi theo chiều hướng tích cực, song còn chậm: tỷ trọng vốn xây lắp có xu hướng giảm từ 72,5% (năm 1990) xuống 68,5% (năm 1992) và 59% (năm 2000). Chi phí thiết bị chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn
đầu tư cơ bản: năm 1993 là 32%, năm 1996 là 32,1%, năm 1997 là 26,7%, năm 1998 là 25.8% và năm 1999 là 26%, chi phí xây dựng cơ bản khác có xu hướng tăng.