* Về vai trò của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đối với quản lý nền kinh tế đất nước
Tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước không chỉ là biện pháp huy động các nguồn vốn nhàn rỗi bổ sung cho nguồn tài chính Nhà nước mà còn là công cụ tài chính quan trọng để Nhà nước thực hiện việc điều tiết và kiểm soát vĩ mô. Vai trò của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong công tác quản lý nền kinh tế là rất quan trọng.Vai trò này được thể hiện thông qua một số nội dung chủ yếu như:
Thứ nhất, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước sẽ đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu vốn để đầu tư phát triển, thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung vốn, giúp các doanh nghiệp mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.
Đối với các công trình, dự án đòi hỏi vốn lớn, khả năng thu hồi vốn chậm hoặc các thành phần kinh tế khác không muốn hoặc không có khả năng đầu tư
và trong điều kiện nguồn thu của Ngân sách Nhà nước có hạn, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế nói chung, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp nói riêng.
Thứ hai, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là đòn bẩy kinh tế quan trọng điều tiết tỷ lệ tích lũy và tiêu dùng. Tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước có thể chuyển nguồn vốn nhàn rỗi từ tiềm năng đi vào tiêu dùng, chuyển thành khả năng làm gia tăng tích lũy phục vụ cho đầu tư phát triển.
Thứ ba, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phục vụ sự quản lý và điều tiết kinh tế vĩ mô. Thông qua tín dụng đầu tư phát triển, Nhà nước thực hiện việc khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội của ngành, vùng, lĩnh vực nhất định theo ý đồ, chủ trương chiến lược của mình. Bên cạnh các công cụ kinh tế khác như chính sách đất đai, thuế, chính sách tiền tệ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là công cụ đắc lực, trực tiếp, rất hiệu quả trong điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển, Nhà nước khuyến khích huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển.
Ví dụ: lĩnh vực cơ khí, đóng tàu thủy, đánh cá xa bờ được chú trọng trong giai đoạn hiện nay, nên đã được Nhà nước thực hiện chính sách khuyến khích đặc biệt về tín dụng đầu tư phát triển, như mức vốn cho vay, điều kiện cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay... rất ưu đãi.
Trường hợp cần thiết, để đẩy mạnh tiến độ thi công công trình nhằm phát huy nhanh hiệu quả, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước sẽ là công cụ hữu hiệu, uyển chuyển và năng động thực hiện vai trò điều tiết trong việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Thứ tư, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, xóa dần bao cấp trong đầu tư.
Trước năm 1996, khi Luật Ngân sách Nhà nước chưa ra đời ở nước ta, việc đầu tư trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp là một trong những hình thức bao cấp trong đầu tư. Do việc cấp phát không hoàn lại trực tiếp, các doanh nghiệp thường trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, không chú trọng tìm kiếm giải pháp kinh doanh hữu hiệu làm cho hiệu quả sử dụng vốn thấp. Sự bao cấp trong đầu tư là một trong những nguyên nhân của sự trì trệ và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước không cho không, mà chủ đầu tư sử dụng phải đảm bảo hoàn trả được vốn vay (cả gốc và lãi). Chủ đầu tư là người vay vốn phải tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn tiết kiệm vì phải hoàn trả lại cho Nhà nước vốn vay trong thời hạn vay vốn.
Theo quan điểm của chúng tôi, hình thức cấp phát vốn Ngân sách trực tiếp của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nói chung, trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng sẽ phải dần được thay thế bằng hình thức tín dụng đối với các dự án có thể thu hồi vốn trực tiếp. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này không thể diễn ra một cách nóng vội mà phải đảm bảo tính ổn định.
Kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô (cũ) cho thấy, họ đã thất bại trong việc sử dụng "liệu pháp xốc" như công cụ chuyển đổi nền kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường. "Liệu pháp xốc" là một trong những nguyên nhân làm cho xã hội mất ổn định, đời sống nhân dân bị xáo trộn, tình hình chính trị căng thẳng làm đổ vỡ thành quả cách mạng của nhân dân trong gần một thế kỷ tạo dựng và vun đắp.
Do vậy, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là một hình thức quá độ chuyển từ phương thức cấp phát vốn Ngân sách Nhà nước sang phương thức tín dụng đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
Thực hiện phương thức này tránh được những hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị, xã hội do "liệu pháp xốc" mang lại.
Thứ năm, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tạo lập tư duy kinh doanh và khuyến khích phát huy nội lực. Chính việc phải đảm bảo hoàn trả vốn vay trong thời hạn vay vốn làm cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phải "tư duy", "động não", "suy tính" để đầu tư, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, hoàn trả được vốn vay. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tính toán hiệu quả kinh tế sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, không trông chờ vào sự bao cấp và cấp không của Nhà nước. Đây là động lực mạnh mẽ tạo nên tâm lý, tư duy "làm ăn" hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc động viên trí tuệ, sức lực toàn dân, phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng đất nước.
Thứ sáu, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tạo điều kiện để mở rộng và phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại.
Tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (trong quan hệ với nước ngoài) không những làm tăng thêm vốn đầu tư phát triển cho đất nước mà còn góp phần giao thương nền kinh tế nước ta với nền kinh tế thế giới.
Thứ bảy, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước không chỉ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà thực hiện cả mục tiêu phát triển xã hội.
Việc phân bổ và sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước còn nhằm khuyến khích phát triển những vùng kinh tế có điều kiện khó khăn, vùng biên giới, hải đảo. Nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước thông qua tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thì những ngành, những vùng kinh tế cần khuyến khích đầu tư sẽ khó có điều kiện tiếp cận được với tín dụng thương mại của các ngân hàng và tổ chức tín dụng.
Tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước còn giải quyết vấn đề xã hội khác thông qua chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình trồng mới rừng, chương trình quốc gia giải quyết việc làm, chương trình phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính sách và cơ chế tín dụng đầu tư phát triển của
Nhà nước đã thể hiện dần sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong xã hội.
Đương nhiên, ưu điểm của tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước không phải tự thân nó có, mà phải thường xuyên hoàn thiện cơ chế tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội và trình độ quản lý kinh tế trong từng thời kỳ.
* Về đặc trưng cơ bản của cơ chế tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước
Cơ chế tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước luôn được điều chỉnh, thay đổi và phụ thuộc đặc điểm, điều kiện, trình độ quản lý kinh tế của xã hội và nhận thức về lý luận và thực tiễn của người làm cơ chế, của cơ quan được giao nhiệm vụ làm cơ chế.
Cơ chế tài chính - tín dụng là một bộ phận cấu thành của hệ thống tài chính - tín dụng thống nhất bao gồm lĩnh vực quan hệ tài chính - tín dụng (đối tượng của hệ thống tài chính - tín dụng) và các tổ chức tài chính tín dụng (chủ thể của hệ thống tài chính - tín dụng). Cơ chế tài chính - tín dụng duy trì sự tác động qua lại giữa chủ thể và đối tượng của hệ thống tài chính - tín dụng.
Bản thân cơ chế tài chính - tín dụng bao gồm một loạt các hệ thống có quan hệ qua lại với nhau bảo đảm mức độ tác động cần thiết của nó đến lĩnh vực các quan hệ tài chính - tiền tệ như kế hoạch hóa tài chính - tiền tệ; các hình thức, các phương pháp, các nguyên tắc thanh toán bằng tiền; cấp phát tài chính và tín dụng, nộp tích lũy; tổ chức kiểm soát bằng nghĩa vụ.
Tóm lại, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến cho rằng cơ chế tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là tổng thể các hình thức và các phương pháp mà Nhà nước sử dụng tín dụng vào mục đích giải quyết các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Cơ chế tín dụng là một phân hệ quan trọng của quản lý, thông qua đó Nhà nước thực hiện khuyến khích phát triển đối với toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng.
Trong khi thực hiện các giải pháp hoàn thiện cơ chế tín dụng đầu tư - bộ phận quan trọng của cơ chế kinh tế - cần phải tính đến những đặc điểm tổ chức sản xuất và công nghệ trong ngành xây dựng, trong các tổ chức thiết kế và các doanh nghiệp xây lắp.
Tiếc rằng cho đến nay có rất nhiều các quy chế và các hướng dẫn về tín dụng đầu tư do Ngân hàng Nhà nước ban hành đã không xét đến những đặc điểm của ngành xây dựng cơ bản.
Không thể đồng ý với quan điểm của một số nhà kinh tế cho rằng các quan hệ tiền tệ trong lĩnh vực XDCB không có gì khác biệt so với các quan hệ tiền tệ trong công nghiệp. Khác với sản phẩm của ngành công nghiệp, sản phẩm của ngành xây dựng chỉ có thể được chế tạo tại nơi sử dụng trong tương lai. Chuyên môn hóa và hợp tác hóa trong lĩnh vực xây dựng lại là sự thu hút tất cả các bên tham gia và tập trung các quan hệ kinh tế giữa họ trên một điểm lãnh thổ hoặc trong một khâu tập trung xây dựng. Điều này xuất phát từ những đặc điểm của bản thân sản phẩm của xây dựng cơ bản là sẽ trở thành tư liệu lao động được sản xuất ở trạng thái cố định gắn với địa điểm xác định.
Sản phẩm được tạo ra trong lĩnh vực XDCB chỉ gia nhập vào vòng luân chuyển của nền kinh tế quốc dân sau khi nó trở thành tài sản cố định. Sự tham gia của tài sản cố định vào vòng luân chuyển của nền kinh tế quốc dân được thực hiện thông qua các tài sản lưu động và giá trị của tài sản cố định được dịch chuyển từng phần sang đó nhờ lao động. Các tài sản cố định cũng được bồi hoàn trong sản phẩm của chu kỳ sản xuất tương ứng. Sự biến đổi H-T trong lĩnh vực XDCB chứng tỏ sự đóng góp nhất định của quỹ tích lũy trong thu nhập quốc dân hoặc quỹ khấu hao trong tổng sản phẩm xã hội. Còn sự biến đổi T-H nói lên rằng các giá trị vật chất (một phần cấu thành hiện vật của thu nhập quốc dân và quỹ khấu hao) được rút ra từ vòng luân chuyển của nền kinh tế quốc dân để rồi sau khi trải qua lĩnh vực XDCB sẽ có được hình thái vật chất dưới dạng các tài sản cố định.
Từ những đặc điểm của các quá trình trên được phản ánh bằng những biến đổi T-H và H-T có thể đi đến kết luận rằng các quá trình được điều chỉnh bằng các quan hệ tiền tệ trong lĩnh vực XDCB khác biệt so với các quá trình được điều chỉnh bằng chính các quan hệ này trong các ngành, các lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân. Do đó cơ chế tín dụng đầu tư phải có những quy định phù hợp với đặc thù riêng của sản phẩm xây dựng và ngành xây dựng như quy định về thời gian vay, lãi suất vay v.v...
Tầm quan trọng của cơ chế tín dụng đầu tư trong quản lý kinh tế được xác định bởi mức độ đáp ứng các điều kiện kinh tế và các nhiệm vụ hoàn thiện công tác quản lý. Cơ chế tín dụng đầu tư phải được hướng vào việc tiếp tục hoàn thiện các quan hệ tín dụng trong nền kinh tế quốc dân. Trong quá trình tổ chức cần phải tính đến những điều kiện biến động trong quá trình vận động của nền kinh tế mà bản thân sự phát triển của nó đã không ngừng làm nảy sinh các vấn đề mới.
Như vậy, đặc thù của sản phẩm ngành XDCB đã quy định những nét đặc trưng của cơ chế tín dụng đầu tư như là hình thức và giải pháp mà Nhà nước tác động lên nền kinh tế nói chung và cơ chế tài chính - tín dụng quốc gia nói riêng.