Phần lớn các mục tiêu chủ yếu đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000 đã được thực hiện. Nền kinh tế có bước phát triển mới về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế, tăng được thế và lực hơn hẳn 10 năm trước đó, khắc phục được một bước tình trạng nước nghèo và kém phát triển, nâng cao khả năng độc lập tự chủ tạo thêm điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong thời gian tới "Phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm" [24, tr. 25] và "vẫn coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn là một trọng điểm cần tập trung sự chỉ đạo và các nguồn lực cần thiết" [22, tr. 12]. Với mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001- 2010 là:
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung xây dựng có chọn lọc một số cơ sở công nghiệp nặng quan trọng với công nghệ cao, sản xuất tư liệu sản xuất cần thiết để trang bị và trang bị lại kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và đáp ứng nhu cầu quốc phòng, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển và xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Chất
lượng đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân được nâng lên một mức đáng kể. Thể chế, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được định hình về cơ bản. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường, vị thế trong quan hệ quốc tế được củng cố và nâng cao [22, tr.33-34].
Để thực hiện mục tiêu chiến lược nêu trên, kế hoạch 5 năm 2001-2005 xác định mục tiêu tổng quát là:
Tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao và bền vững. Chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao rõ rệt chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả phát triển kinh tế, xây dựng một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo chuyển biến mạnh về phát huy nhân tố con người, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ. Giải quyết các vấn đề bức xúc về việc làm, cơ bản xóa đói và giảm mạnh số hộ nghèo, ổn định và cải thiện vững chắc đời sống của nhân dân. Tiếp tục tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia [24, tr. 261-262].
Với mục tiêu tổng quát nêu trên được cụ thể hóa thành những chỉ tiêu phấn đấu trong thời kỳ chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm tới là:
- GDP tăng bình quân hàng năm tối thiểu 7,5 % trong 5 năm 2001- 2005, đến năm 2010 ít nhất gấp đôi năm 2000 (bình quân hàng năm trong 10 năm tăng 7,2%). Phát triển được một bước quan trọng tiềm lực kinh tế, cơ sở vật chất - kỹ thuật. Nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; bảo đảm được nhu cầu thiết yếu cho tiêu dùng, một phần đáng kể cho sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu. ổn định kinh tế vĩ mô;
cán cân thanh toán quốc tế lành mạnh, tăng được dự trữ ngoại tệ; kiểm soát được bội chi Ngân sách, lạm phát, nợ nước ngoài trong giới hạn an toàn và tác động tích cực đến tăng trưởng. Tích lũy nội bộ nền kinh tế năm 2005 đạt 27%
GDP, năm 2010 đạt trên 30%. Xuất khẩu trong 5 năm 2001-2005 tăng bình quân hàng năm 13-15%, tính chung 10 năm tăng gấp trên 2 lần nhịp độ tăng GDP.
Tỷ lệ lao động nông nghiệp từ 61,3% hiện nay giảm xuống 56-57%
năm 2005 và còn khoảng 50% năm 2010. Tỷ lệ dân cư đô thị năm 2005 khoảng 27-28%, năm 2010 là 32-33% (hiện nay 24%).
- Đối với nông - lâm - ngư nghiệp: giá trị sản lượng nông nghiệp (kể cả thủy sản, lâm nghiệp) tăng khoảng 4%/năm trong 5 năm 2001-2005, khoảng 4.5%/năm trong cả thời kỳ 2001-2010. Tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 37-38 triệu tấn năm 2005, 40 triệu tấn năm 2010; mức xuất khẩu gạo hàng năm khoảng 4 triệu tấn. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP năm 2005 khoảng 20-21%, năm 2010 khoảng 16-17%; tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp tăng lên 25% năm 2005, 30% năm 2010. Thủy sản đạt sản lượng 2,4 triệu tấn năm 2005, khoảng 3 triệu tấn năm 2010. Bảo vệ 10 triệu ha rừng tự nhiên, trong 5 năm trồng thêm 1,3 triệu ha rừng, hoàn thành trồng 5 triệu ha rừng vào năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2005 đạt 7-7,5 tỷ USD, trong đó thủy sản 2 tỷ USD; năm 2010 đạt 8-9 tỷ USD, trong đó thủy sản 3 tỷ USD.
- Đối với công nghiệp và xây dựng: Công nghiệp vừa phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, vừa áp dụng công nghệ tiến bộ, đi nhanh vào một số ngành, lĩnh vực có công nghệ hiện đại, công nghệ cao. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (kể cả xây dựng) bình quân trong 5 năm tới đạt 12%/năm, trong 10 năm đạt 13%/năm. Sản lượng một số sản phẩm năm 2005 và 2010 so với năm 2000: điện tăng 70% (2005) và 170% (2010), dầu thô (kể cả khí đốt quy ra dầu thô) tăng 50% và 90%, than sạch tăng 50%
và 80%, xi măng tăng 83% và 170%, thép tăng 92% và 185%, phân lân tăng
74% và 110%, phân đạm gấp 12 lần và 36 lần, giấy tăng 66% và 200%, vải tăng 87% và 140%, thuốc chữa bệnh đáp ứng 40% và 50% nhu cầu; cơ khí chế tạo đảm bảo 25% và 40% nhu cầu trong nước; tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm cơ khí lắp ráp đạt 50% và 60%. Đến năm 2005, công nghiệp và xây dựng chiếm 38-39% GDP và thu hút khoảng 20% lao động xã hội đang làm việc; tỷ lệ này được nâng lên 40-41% và 23-24% vào năm 2010. Sản phẩm công nghiệp xuất khẩu năm 2005 chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, năm 2010 khoảng 75%.
- Đối với các ngành dịch vụ: phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, toàn bộ các hoạt động dịch vụ tính theo giá trị gia tăng đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân 7-8%/năm, đến 2005 chiếm 41-42% GDP, khoảng 23-24% tổng số lao động; đến năm 2010 các tỷ lệ này được nâng lên 42-43% và 26-27%.
- Về cơ cấu kinh tế vùng, tiếp tục phát triển các vùng động lực có mức tăng trưởng cao, tích lũy lớn, bền vững về kết cấu hạ tầng, môi trường. Đồng thời phát triển các vùng khác trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng vùng, liên kết với vùng động lực tạo mức tăng trưởng khá.
- Cơ cấu nền kinh tế phải đáp ứng nhu cầu về cạnh tranh thành công cả thị trường trong nước và ngoài nước.
- Nâng lên đáng kể chỉ số phát triển con người (HDI) của nước ta trong so sánh quốc tế. Chất lượng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần được nâng lên rõ rệt trong một xã hội an toàn, lành mạnh với môi trường sinh thái được bảo vệ và cải thiện.
- Năng lực khoa học và công nghệ trong nước đủ sức ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiếp cận được trình độ thế giới và tự phát triển được trên một số lĩnh vực, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ
vật liệu mới. Phát triển mạnh công nghệ phần mềm phục vụ tốt yêu cầu trong nước và trở thành lĩnh vực xuất khẩu quan trọng.
- Kết cấu hạ tầng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và có một bước đón trước. Xây dựng bộ khung kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc, điện lực đồng bộ và từng bước hiện đại hóa; phát triển hệ thống cấp, thoát nước ở cả thành thị và nông thôn.
- Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước được tăng cường; doanh nghiệp Nhà nước được đổi mới, phát triển, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, chi phối được các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Kinh tế hợp tác, kinh tế cá thể, tiểu thủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đều phát triển mạnh. Năm 2010, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được định hình về cơ bản và vận hành thông suốt, có hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hợp tác cùng phát triển và cạnh tranh theo pháp luật.
Để thực hiện mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đã nêu trên, điều cần thiết phải tạo ra bước đột phá mạnh mẽ về khoa học và công nghệ, phát triển có chất lượng nguồn nhân lực đủ sức tiếp thu công nghệ cao của thế giới và nâng cao năng lực nội sinh, đáp ứng được yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, cần phải tạo lập và cải thiện tốt các yếu tố vật chất đảm bảo an toàn và điều kiện cơ bản cho sự phát triển trong mọi tình huống. Trước hết, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, coi đó là nền tảng để giữ vững ổn định kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước, đồng thời phát triển năng lượng đi trước một bước bảo đảm an toàn năng lượng để phát triển sản xuất và tiêu dùng dân cư;
tăng khả năng đáp ứng cao về kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội với chất lượng tốt, trên tất cả các vùng, coi đó là yếu tố cần thiết và rất cơ bản để phát triển bền vững; bảo đảm an toàn môi trường, xử lý tốt vấn đề cấp bách về môi trường đã phát sinh, ngăn ngừa sự phá hoại và ô nhiễm môi trường, phòng
chống thiên tai. Ngoài ra, còn phải tạo ra bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý đề thúc đẩy phát triển. Đến năm 2005 trong tổng GDP thì công nghiệp và dịch vụ chiếm 79-81%; nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 20-21% [24, tr. 265].
Như vậy, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2001- 2010 là hết sức nặng nề với quyết tâm xây dựng thành công nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong giai đoạn 2001-2010 đòi hỏi chúng ta phải biết tranh thủ và tận dụng mọi nguồn lực sẵn có, phát huy những lợi thế so sánh của đất nước và sử dụng nguồn tài lực một cách hiệu quả nhất.