Tiểu từ tình thái là những đơn vị không biểu thị sự vật, hiện tượng ở thực tại, mà chỉ biểu thị thái độ tình cảm, đánh giá của người nói đối với hiện thực và đối với người nghe. Đặc biệt trong giao tiếp đương diện, tiểu từ tình thái giúp cho phát ngôn giàu cảm xúc và “có hồn” hơn.
Ví dụ 1: “Phải nói tớ vui đến nỗi suýt nữa ôm chầm lấy anh, may mà “thắng” lại kịp. Rồi anh í mở lòng bàn tay tớ ra, lấy cây bút màu hồng (anh í thì toàn xài bút hồng khi chấm điểm cho tớ) viết lên: Mến anh hông?... Giờ thì hiểu sao anh í lại cứ dùng bút hồng rồi, màu hồng là màu của “tình iu” mà
lị.”. [HHT, Số 847, T22, 2010]
( hồng: không)
Xét về mặt ngữ pháp, tiểu từ tình thái thường có vị trí ổn định đối với cấu trúc câu. Nó thường đứng ở đầu hoặc cuối câu, ít chịu ảnh hưởng của biến đổi trật tự và cấu trúc. Trong câu, tiểu từ tình thái đóng vai trò hết sức quan trọng, không phải chỉ vì nó là phương tiện tạo câu, mà còn vì nó là một trong những phương tiện diễn đạt chủ yếu của nội dung tình thái. Khi nói và viết, người ta không phải lúc nào cũng phản ánh khô khan về điều được nói tới, mà nhiều khi còn bày tỏ thái độ, cảm xúc với người nghe về điều muốn nói.
Ví dụ 2: Chuyên mục “Những trái tim đang lớn”, HHT, Số 841
“Ăn cái tết này là tụi mình 18 tuổi rồi. Lớn rồi nên tui muốn làm cái gì đó thật đặc biệt. Cụ thể là Tết này sẽ tự kiếm tiền để sắm sửa quần áo. Tụi tui tính gần hết Tết sẽ viết thư pháp bán đó. Bà thấy được hôn?”
[HHT,841,T9,2010]
(được hôn: được không)
Tiểu từ tình thái hôn, hông đứng ở cuối câu biểu thị mối quan hệ thân mật với người đối thoại. Thái độ biểu thị sự mong muốn đối tượng giao tiếp đồng ý với lời đề nghị của mình.