CẢNH QUAN SINH THÁ
3.5.3. Phương pháp thành lập bản đồ cảnh quan
Bản đồ cảnh quan được thành lập trên cơ sở liên kết các bản đồ thành phần như bản đồ địa mạo, bản đồ địa hình, bản đồ sinh khí hậu, bản đồ thảm thực vật, bản đồ thổ nhưỡng, bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Đơn vị cơ sở trên bản đồ thường thể hiện cho cấp phân vị thấp nhất của cảnh quan khu vực nghiên cứu. Tùy theo quy mô lãnh thổ, tỷ lệ nghiên cứu thì đơn vị cơ sở có sự khác nhau, có thể là loại, hay dạng, hay nhóm dạng cảnh quan.
- Bản đồ địa mạo, địa hình là cơ sở nền tảng rắn và phân chia các lớp cảnh quan.
- Bản đồ sinh khí hậu được sử dụng làm cơ sở phân chia các kiểu cảnh quan.
- Bản đồ thảm thực vật là cơ sở để phân chia các kiểu thảm thực vật, sinh khối, trữ lượng.
- Bản đồ đất kết hợp với bản đồ thảm thực vật và các bản đồ khác là cơ sở phân chia các loại cảnh quan. Khi chia đến cấp dạng cảnh quan, cần kết hợp giữa bản đồ thổ nhưỡng với bản đồ địa mạo (căn cứ vào độ dốc).
- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là cơ sở để phân chia các nhóm hệ sinh thái đặc trưng: Ví dụ, rừng nguyên sinh ít bị tác động, rừng thứ sinh, rừng trồng, trảng cỏ xen nương rẫy, cây hàng năm, cây công nghiệp, lúa nước, diện tích mặt nước cũng như sinh khối, số lượng...
Các phương pháp được áp dụng trong việc thành lập bản đồ cảnh quan bao gồm các phương pháp truyền thống như: Phương pháp phân tích yếu tố trội; phương pháp so sánh theo các đặc điểm riêng biệt của các chỉ tiêu phân loại từng cấp cảnh quan; phương pháp phân tích tổng hợp để xác định các đơn vị cảnh quan các cấp cũng như thể hiện các khoanh vi cụ thể trên bản đồ.
Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ GIS, việc thành lập các bản đồ thành phần, bản đồ cảnh quan và việc xác định ranh giới của các đơn vị cảnh quan được chính xác hóa. Sử dụng phương pháp liên kết các bản đồ đơn tính với sự trợ giúp của phần mềm GIS; điều này cho thấy ưu thế của phương pháp này so với các phương pháp truyền thống khác.