Phán quyết trong các vụ án về đảo Palmas, Đông Greenland, Clipperton đã chỉ ra có một sự thay đổi, phát triển trong việc áp dụng phương thức chiếm hữu thực sự, cụ thể:
- Sự thực hiện quản lý hành chính hay các chức năng nhà nước là những yếu tố cần thiết trong chiếm hữu thực sự được áp dụng tương đối linh hoạt và với những mức độ đòi hỏi khác nhau (vụ án Đông Greenland), đặc biệt là đối với những lãnh thổ có diện tích nhỏ, không đủ điều kiện cho con người sinh sống (vụ án Clipperton).
- Cùng với quá trình hình thành và phát triển của phương thức chiếm hữu thực sự, việc thụ đắc lãnh thổ bằng sử dụng vũ lực đã bị nghiêm cấm trong quan hệ quốc tế.
- Có thể nhận xét về quá trình phát triển của chiếm hữu thực sự như sau: Vụ án đảo Palmas xây dựng cơ sở cho thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu thực sự trong luật quốc tế, với nội dung là yêu cầu hữu hiệu của thụ đắc lãnh thổ gồm cả thụ đắc lãnh thổ ban đầu (khi khám phá, phát hiện ra lãnh thổ) và việc duy trì quyền sở hữu này tiếp theo đó. Vụ án này và các vụ án sau đó đã quy định rằng việc thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu thực sự không chỉ phù hợp với luật quốc tế tại thời điểm có hành động liên
quan đến thụ đắc lãnh thổ nào đó được thực hiện hoặc phát sinh, mà nó còn phải đáp ứng được những yêu cầu của luật quốc tế đã phát triển trong những thời kỳ tiếp theo cho đến tận cái thời điểm giải quyết tranh chấp.
Phán quyết về đảo Palmas, Đông Greenland đã coi tính liên tục của việc biểu hiện các chức năng nhà nước là một yếu tố không thể tách rời cho xác lập quyền sở hữu. Thẩm phán Max Huber đã tuyên bố trong vụ án đảo Phalmas rằng: thậm chí bằng chứng của một quyền sở hữu hoàn toàn hợp lệ trong quá khứ cũng sẽ không đầy đủ để thành lập quyền sở hữu hiện tại bởi vì luật quốc tế trong thời gian đó đã phát triển một quy tắc cụ thể là chủ quyền phải được duy trì liên tục. Và một quyền sở hữu đã thành lập có thể bị mất không chỉ bởi nó bị tự nguyện bỏ rơi mà còn là sự không hành động, tức không hiển thị trạng thái hoạt động liên tục phù hợp với điều kiện hoàn cảnh.
Giả sử một nhà nước A sát nhập lãnh thổ X nhưng lại không làm gì trên đó sau một thời gian dài. Mặt khác nhà nước B lại thực thi và biểu hiện ở đó chủ quyền thực sự hòa bình và liên tục. Trong trường hợp này quyền sở hữu của nhà nước A không thể thắng thế hơn quyền sở hữu của nhà nước B. Theo đó, thẩm phán Max Huber nhận xét rằng biểu hiện liên tục và hòa bình của cơ quan quyền lực nhà nước sẽ được ưu tiên áp dụng trước một quyền sở hữu mà đã có căn cứ trước đó.