Lập luận: Trường Sa của Việt Nam không phải là “Nam Sa” của Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) căn cứ pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền của việt nam đối với trường sa (Trang 84 - 85)

Văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/01/1980 có viết: “về đặc trưng địa hình và núi mạo, tài liệu Việt Nam viết: quần đảo Hoàng Sa có các núi linh tinh hơn 130 ngọn. Thế nhưng, các đảo thuộc quần đảo Tây Sa chỉ cao hơn mặt biển 5- 06 mét, chỗ cao nhất cũng chỉ 15,9 mét, địa thế thấp, bằng phẳng, hoàn toàn không có nhiều núi. Quần đảo Tây Sa có tất cả 35 đảo, đá ngầm và bãi cát, nên càng không có cái gọi là 130 ngọn núi”…. Từ đó khẳng định rằng Bãi Cát Vàng, Đại Trường Sa, tức quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam không phải là quần đảo “Tây Sa” và quần đảo “Nam Sa” của Trung Quốc, mà chỉ có thể là “những đảo và bãi cát ven biển miền Trung Việt Nam” [17].

“Trong nhiều sử sách của Việt Nam và Trung Quốc đều có ghi chép về Đại Trường Sa. Nhưng theo vị trí của nó thì rõ ràng không phải quần đảo Nam Sa của Trung Quốc mà là những đảo và bãi cát ven bờ biển Việt Nam” [27].

Xem xét kết luận trên của Trung Quốc ta thấy có hai vấn đề:

(i) Người Trung Quốc tỏ ra không biết rằng các hòn đảo ở ngoài biển theo chữ Hán thường được gọi là “sơn”, ví dụ chỉ ở ven bờ biển tỉnh Triết Giang của Trung

Quốc đã có tới 40 - 50 hòn đảo mang tên “sơn” như: Đan Sơn, Trương Bạch Sơn, Đại Ngũ Sơn, Trung Vệ Sơn, Nhất Giang Sơn, v.v..., ở Việt Nam tên nhiều đảo cũng mang chữ “sơn” như: Lý Sơn, Ngoại La Sơn (Cù Lao Ré), Cửu Đầu Sơn, Lò Chúc Sơn v.v...

Phủ biên tạp lục viết: “quần sơn linh tinh bách nhất thập dư đỉnh” rõ ràng là nói về đảo chứ không phải núi trên đất liền như các học giả Trung Quốc đã dẫn.

(ii) Trung Quốc cũng tỏ ra không biết rằng cho đến thời Lê Quý Đôn, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được gộp làm một và gọi dưới một tên chung là Bãi Cát Vàng, Hoàng Sa, Đại Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa, Đại Trường Sa.... Các bản đồ hàng hải phương Tây trước đây cũng vẽ gộp hai quần đảo làm một như vậy [32]. Đại Nam nhất thống toàn đồ in khoảng năm 1838, với sự quen thuộc đó vẫn vẽ chung hai quần đảo làm một, tuy đã ghi hai tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa riêng biệt. Sau này khoa học hàng hải và đo đạc bản đồ phát triển mới tách ra thành hai quần đảo riêng biệt [17].

Thời phong kiến, do những kỹ thuật đo lường và quan niệm về không gian và thời gian chưa chính xác như ngày nay nên người Việt đã mô tả và thể hiện trên bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa là một nhóm các đảo và khoảng cách so với bờ gần hơn thực tế. Còn các đảo ven bờ đã được vẽ sát dọc bờ biển và không có quần đảo hay nhóm đảo tương tự nào khác để có thể nhầm lẫn với Hoàng Sa, Trường Sa được [49].

Năm 1958 và 1974 Trung Quốc và Việt Nam đụng độ ở Hoàng Sa. Trung Quốc xác nhận đụng độ đó ở “Tây Sa” của Trung Quốc. Tức Trung Quốc đã từng công nhận Hoàng Sa của Việt Nam là Tây Sa của Trung Quốc từ hồi đó [17]. Vậy không thể nói Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không phải Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc được.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) căn cứ pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền của việt nam đối với trường sa (Trang 84 - 85)