Vấn đề Hợp tác khai thác chung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) căn cứ pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền của việt nam đối với trường sa (Trang 128 - 132)

Hợp tác khai thác chung là một lựa chọn tương đối hiệu quả đối với những khu vực tranh chấp trên thế giới. Nó “có ý nghĩa như là sự làm loãng và mền hoá những tranh chấp căng thẳng giữa các quốc gia” - xoa dịu quan hệ căng thẳng giữa các nước hữu quan. Cũng có thể hiểu đây là sự biểu hiện thái độ kiềm chế của các bên tranh chấp, đáp ứng nhu cầu trước mắt là giữ cho không khí khu vực Trường Sa cũng như biển Đông được an bình, các nước có thể cùng khai thác – làm sống dậy nguồn tài nguyên đang nằm im tại khu vực tranh chấp phục vụ cho nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế. Hơn nữa, khai thác chung một khi đã dàn xếp, phân chia được tương đối công bằng lợi ích kinh tế có thể giúp cho việc phân định biển sau này trở lên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó nó cũng có ý nghĩa nhất định đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường biển [10].

Trường Sa của chúng ta đã có khai thác chung chưa?Tháng 6/1986 Trung Quốc giải thích với Philippin rằng Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc song đề nghị hai bên gác tranh chấp để khai thác chung. Ngày 14/3/1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm một số đảo của Việt Nam: CoLin, Gạc Ma và Len Đao. Rồi chỉ ngay sau đó, tháng 4/1988 Trung Quốc lại đề nghị Philippin gác tranh chấp để khai thác chung. Rõ ràng khai thác chung mà Trung Quốc đưa ra không phải là thiện chí, mà là để doạ nạt, cảnh cáo các nước khác đừng có tranh chấp với Trung Quốc, tạo nên thế đối trọng với

Việt Nam và chiếm đoạt Trường Sa từ Việt Nam. Thực chất nội dung khai thác chung của Trung Quốc “không phải là một sự phân định chủ quyền công bằng mà là một giải pháp trong đó các nước khác đành phải chấp nhận chủ quyền Trung Quốc, và, đáp lại, Trung Quốc sẽ chấp nhận cho những nước này một số quyền lợi nhất định nào đó”

[21].

Sang đầu những năm 1990, ở mức độ cao rộng hơn nữa, Trung Quốc lại tiếp tục

“đưa ra ý tưởng chủ quyền của Trung Quốc, gác lại tranh chấp và tiến tới hợp tác chung trên cơ sở yêu sách chủ quyền theo đường 9 khúc bao gồm tới 80% diện tích biển Đông. Rõ ràng chủ quyền trên biển Đông thuộc Trung Quốc là điều tiên quyết trong mọi giải pháp của Trung Quốc, bao gồm cả phát triển chung. Công thức phát triển chung của Trung Quốc được miêu tả với sự tham gia của nước ngoài vào sự phát triển và khai thác các tài nguyên của Trung Quốc nằm trên thềm lục địa của nước khác. Cần lưu ý rằng Trung quốc chưa bao giờ đề cập chính xác mức độ hay khu vực, hình thức, nội dung và bộ máy quản lý phát triển chung. Chính sách phát triển chung do Trung Quốc đề nghị là không nhất quán và có sự chọn lọc. … Trên thực tế ý tưởng phát triển chung nhằm vào các khu vực – theo luật quốc tế - nằm dưới quyền tài phán của các quốc gia khác như bãi Tư Chính của Việt Nam” [42].

Vấn đề đặt ra là khai thác chung ở Trường Sa phải đảm bảo đúng bản chất của vấn đề. Nó không thể là một công cụ hay phương tiện phục vụ cho mục đích thiếu thiện chí của bất cứ bên nào, đặc biệt là Trung Quốc. Vì vậy mà Việt Nam và cả các nước trong ASEAN phải hết sức thận trọng, khôn khéo và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa trong hợp tác khai thác chung trước đối thủ có quá nhiều mưu toan và sức mạnh như Trung Quốc. Tạm thời có thể đưa ra một số nguyên tắc công bằng trong khai thác chung Trường Sa như sau: [22]

(i) Cần xác định cụ thể thế nào là gác tranh chấp: Sự thật thì một mặt Trung Quốc nêu ra gác tranh chấp “là có thể ngưng đàm phán phân định chủ quyền”, nhưng thực tế Trung Quốc vẫn trắng trợn “tăng cường những hành động đơn phương cương

và nhu để chiếm đoạt chủ quyền và tạo điều kiện cho việc chiếm đoạt chủ quyền” đối với cả những khu vực thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam. Như: thường xuyên xâm phạm ngư dân Việt Nam, tăng cường tuần tra biển Đông bằng những tàu ngư chính, tuyên bố dự án khảo sát và khai thác biển Đông, áp lực với BP và Exxon-Mobil, ký hợp đồng khảo sát trong vùng Tư Chính-Vũng Mây…. Đây chính là những hành động tranh chấp chủ quyền, chứ không phải thiện chí gác tranh chấp.

Để khai thác chung, Trung Quốc phải tỏ rõ thiện chí gác tranh chấp bằng thái độ và những hành động cụ thể, các nước hữu quan phải thực sự thiện chí cụ thể hoá và nâng lên mức cao hơn nữa nội dung của Tuyên bố ứng xử biển Đông; thực hiện triệt để nghĩa vụ của mỗi bên nêu trong đó; hoặc là những văn bản pháp lý khác tương tự như vậy. “Thêm vào đó, các nước liên quan phải ký kết rằng sẽ không dùng những gì mình làm trong thời gian gác tranh chấp như chứng cớ cho lý lẽ chủ quyền”.

(ii) Khu vực khai thác chung phải được xác định một cách hợp lý để đảm bảo công bằng: Đây là việc lý lẽ tranh chấp của các bên phải được kiềm chế, giới hạn ở mức hợp lý tối thiểu nhất. Không thể là một nước tranh chấp vùng lãnh thổ nào thì vùng đó phải gác tranh chấp để cùng khai thác. Toàn bộ quần đảo Trường Sa và vùng biển của nó có thể được coi là vùng khai thác chung, và cần xác định khu vực này một cách khách quan, khoa học theo luật quốc tế. Còn lại các vùng khác như bãi Tư Chính- Vũng Mây hay Nam Côn Sơn thì không thể chấp nhận, cũng như không thể chấp nhận khai thác chung trên cơ sở yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, hay những quan điểm mập mới như: “vùng biển lân cận vùng biển liên quan”. Tiếp theo cần phải coi Hoàng Sa và vùng biển của nó cũng là khu vực tranh chấp, và chấp nhận khai thác chung thì mới đảm bảo công bằng.

(iii) Tỷ lệ trách nhiệm và quyền lợi của khai thác chung: Tỷ lệ trách nhiệm và quyền lợi cho mỗi nước phải tương đương với tỷ lệ diện tích của vùng khai thác chung thuộc về mỗi nước. Nhưng do chủ quyền chưa được xác định nên rất khó hoặc không thể xác định được tỷ lệ diện tích của mỗi bên. Vì vậy, việc các bên có thể đàm phán

hoặc nhờ trọng tài, hoặc chia đều cho các bên tranh chấp cũng có thể là một đề xuất khả thi.

Nhìn ra thế giới, Những mô hình khai thác chung được coi là có khả thi áp dụng cho vấn đề khai thác chung ở Trường Sa có thể là: mô hình Nam cực; mô hình cơ quan khai thác nguồn tài nguyên ở khu vực Trường Sa; Chế độ Cộng quản…[6, 7, 10]. Và ở ngay khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khai thác chung cũng không phải là xa lạ. Hoạt động này đã được tiến hành thiện chí, công bằng và hợp lý ở nhiều khu vực khác nhau:

+ Đông Nam Á có các hoạt động: Bản ghi nhớ khai thác chung Thái Lan-Mã Lai 1979; Thoả thuận sử dụng chung vùng nước lịch sử Việt Nam-Campuchia 1982; Thoả thuận khai thác chung Việt Nam-Mã Lai cho vùng chồng lấn trong Vịnh Thái Lan và ngoài cửa Vịnh Thái Lan 1992; Thoả thuận trên nguyên tắc khai thác chung Việt Nam-Thái Lan-Mã Lai ở vùng chồng lấn 3 nước trong Vịnh Thái Lan 1999.

+ Biển Đông Trung Hoa: ngày 18/6/2008 Nhật và Trung Quốc đã thoả thuận một khu vực khai thác chung không dựa trên đường yêu sách của Trung Quốc tới sát lãnh thổ không bị tranh chấp của Nhật, mà nằm lân cận đường trung tuyến Nhật-Trung, lân cận với đường yêu sách của Nhật. - Phải chăng vì các nước tranh chấp Trường Sa không mạnh như Nhật nên Trung Quốc đã dùng sức mạnh áp đảo, cá lớn nuốt cá bé nhằm khai thác chung dựa trên yêu sách đường 9 đoạn phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế, và dần hợp thức hoá chủ quyền Trung Quốc.

Liệu các bên có thể chấp nhận gác vấn đề chủ quyền, gạt bỏ những mưu toan chính trị cũng như vấn đề an ninh quốc gia xuất phát từ vị trí của Trường Sa để cùng nhau lập ra một cơ quan quản lý việc khai thác chung? Sau đó nữa là làm sao để có thể xác định được phạm vi của vùng khai thác chung, các tiêu chí hay cách thức phân chia lợi ích công bằng cho mỗi quốc gia. Trả lời cho những câu hỏi này để vạch ra một giải pháp hữu hiệu nhất đòi hỏi mỗi quốc gia liên quan không những phải thận trọng suy

tính, mà còn nỗ lực xây dựng lòng tin và thiện chí trong đàm phán. Và thật sự điều đó là vô cùng phức tạp!

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) căn cứ pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền của việt nam đối với trường sa (Trang 128 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)