Vụ án Đảo Clipperton giữa Pháp và Mêxicô (1931)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) căn cứ pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền của việt nam đối với trường sa (Trang 42 - 43)

(i) Tóm tắt nội dung

Đảo Clipperton rộng khoảng 9 kilômét vuông, là đảo san hô ở phía đông Thái Bình Dương, phía tây nam Mexico và phía tây của Trung Mỹ. Đảo không đủ điều kiện cho dân cư sinh sống.

Pháp và Mêxico tranh chấp quyền sở hữu với đảo từ trước năm 1909 và đến ngày 02 tháng 3 năm 1909, hai nước đã thoả thuận đưa vụ việc ra trọng tài giải quyết. Trọng tài được lựa chọn là vua nước Ý – Victor Emmanuel III. Ngày 28 tháng 01 năm 1931, Trọng tài đã đưa ra phán quyết giải quyết vụ việc.

(ii) Lập luận của các bên

Mêxico: Mêxico cho rằng Tây Ban Nha đã phát hiện ra đảo trước Pháp từ rất lâu, nên nước này có chủ quyền và để lại kế thừa cho Mêxico.

Pháp: Cuộc viễn chinh của hải quân Pháp năm 1858 đã phát hiện và tuyên bố chủ quyền của Pháp đối với đảo mà không có phản đối của bất kỳ quốc gia nào. Sau đó, Pháp cho phép tiến hành khai thác phân chim trên đảo. Năm 1897, tàu chiến của Pháp ghé thăm đảo với mục đích khẳng định chủ quyền đối với đảo.

Tòa xác nhận rằng trong trường hợp bình thường việc xác lập chủ quyền yêu cầu quốc gia chiếm hữu thực hiện thường xuyên các hoạt động mang tính quyền lực nhà nước như thành lập cơ quan quản lý hành chính trên lãnh thổ chiếm hữu. Tuy nhiên, trong trường hợp này, điều đó là không cần thiết. Đối với một vùng lãnh thổ hoàn toàn không thể sinh sống hay định cư được thì tại thời điểm mà quốc gia chiếm hữu xác lập chủ quyền và không có tranh chấp với các quốc gia khác, việc nắm quyền sở hữu được xem như hoàn thành. Các đòi hỏi khắt khe của nguyên tắc chiếm hữu thực sự hầu như không áp dụng đối với loại lãnh thổ này, ngoại trừ yếu tố hoà bình. Tây Ban Nha phát hiện ra đảo trước Pháp nhưng không có sự ghi dấu chủ quyền nào. Còn khi Pháp tuyên bố chủ quyền với đảo thì không bị Tây Ban Nha hay Mêxico tranh giành hoặc phản đối.

Cũng có nét giống như trong vụ án Greenland, khuynh hướng áp dụng phương thức chiếm hữu thực sự trong phán quyết về đảo Clipperton là áp dụng phương thức này ở mức tối thiểu nhất. Phán quyết đã khẳng định quan điểm cho rằng xác lập chủ quyền trên những vùng lãnh thổ hoàn toàn không thể sinh sống được không đòi hỏi việc thực hiện quyền lực nhà nước một cách liên tục, thường xuyên. Song thực tế này không làm mất đi giá trị của học thuyết chiếm hữu thực sự. Mà vụ án là một lưu ý mới về sự phát triển của việc áp dụng phương thức chiếm hữu thực sự thích ứng với từng vụ việc và đối với các điều kiện khác nhau của lãnh thổ chiếm hữu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) căn cứ pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền của việt nam đối với trường sa (Trang 42 - 43)