Pháp tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) căn cứ pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền của việt nam đối với trường sa (Trang 108 - 111)

d) Trung Quốc viện dẫn Luật biển làm căn cứ cho yêu sách chủ quyền đối với Trường

2.4. Việt Nam có các căn cứ lịch sử và pháp lý vững chắc về xác lập chủ quyền

2.4.2.1. Pháp tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa

Hiệp ước Pháp -Việt Philastre ngày 15 tháng 8 năm 1874 đặt toàn bộ miền nam dưới sự bảo hộ của Pháp, trong đó có Trường Sa; Hiệp ước Việt Nam đầu hàng Pháp năm 1884 đặt mọi quyền của Việt Nam dưới sự bảo hộ của Pháp. Tuy vậy, từ thời gian này đến đầu thế kỷ XX cả Pháp và các bên tranh chấp Trường Sa hiện nay chưa hề có hoạt động gì với Trường Sa.

Ngày 8 tháng 3 năm 1925 Toàn Quyền Đông Dương tuyên bố quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Pháp.

Tháng 7 năm 1927, Giám đốc Sở Hải dương Đông Dương đã dùng tàu De Lanessan khảo sát ở Trường Sa và dựng một trạm phong vũ biểu trên đảo Itu Aba (tức đảo Ba Bình trong nhóm Trường Sa) – Đó là một trong hai đài khí tượng nằm trong hệ thống đài khí tượng được quốc tế thừa nhận [9].

Tháng 11 năm 1928, Thống Đốc Nam Kỳ cấp giấy phép nghiên cứu mỏ ở Trường Sa cho Công ty Phosphat mới của Bắc Kỳ.

Ngày 13/4/1930, thông báo hạm La Malicieuse đã ra Trường Sa, kéo quốc kỳ Pháp trên một đỉnh cao. Ngày 23/9/1930 Pháp thông báo cho các cường quốc biết Pháp đã chiếm đóng quần đảo Trường Sa.

Đến ngày 14/4/1933, sau nhiều lần thăm dò, chiếm đóng và trao đổi thư từ của các nhà lãnh đạo Pháp, chính quyền thực dân Pháp tại Đông Dương với chiến hạm, tàu thuyền, tàu thuỷ văn đã làm lễ chủ quyền theo nghi thức cổ, chính thức chiếm 6 nhóm đảo lớn và một số đảo nhỏ khác của Trường Sa. Ngày 26/7/1933 Pháp chính thức đăng công báo về sự kiện này.

Ngày 21/12/1933 Thống đốc Nam Kì M.J. Krautheimer ký nghị định đặt quần đảo Trường Sa thuộc quản hạt hành chính tỉnh Bà Rịa. Đến đây chủ quyền Pháp với tư cách bảo hộ Việt Nam ở Trường Sa đã rõ ràng, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trước toàn bộ hành vi chủ quyền của Pháp ở Trường Sa, Philippin, Malaysia, Brunei không có sự phản đối nào. Riêng Trung Quốc cho rằng năm 1933 họ đã phản đối tuyên bố chủ quyền của Pháp [26]. Điều này thật đáng nghi ngờ, bởi năm 1928 Trung Quốc chỉ khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ cực nam của họ. Thực tế thì Trung Quốc không có một yêu sách nào đối Trường Sa đến tận đầu năm 1947 [39]. Trong trường hợp Trung Quốc có phản đối thì nó thiếu tính pháp lý chặt chẽ, bởi sau đó họ đã lại không quan tâm đến Trường Sa cho mãi đến tận năm 1947. Minh chứng là nội dung Tuyên cáo Cairo 1943 và Tuyên ngôn Postdam 1945. Sự thật Trung Quốc không có bất cứ hành động tranh giành hay tuyên bố liên quan nào trong suốt thời kỳ đó.

Xác nhận rằng khi Pháp tuyên bố xác lập chủ quyền tại Trường Sa duy nhất có Nhật lên tiếng phản đối. Đầu năm 1939 Nhật chiếm Trường Sa và ra công hàm thông báo cho Đại sứ Pháp ở Nhật rằng Nhật là nước đầu tiên đã thăm dò Trường Sa từ năm 1917 do Hoàng Gia ủng hộ, nên đặt đảo dưới sự kiểm soát của Nhật. Trên thực tế, người Nhật (công ty tư nhân Mitsui Bussan Kaisa) đến Trường Sa khai thác Phốt – Phát từ năm 1920 mà không có giấy uỷ quyền nào của chính phủ mình. Họ đề nghị Pháp nhượng quyền cho khai thác, nhưng Công Ty này thấy việc khai thác không hiệu quả nên họ đã bỏ đi vào năm 1923.

Ngày 04/4/1939 Pháp phản kháng hành vi của Nhật. Nhật chiếm đóng và cản trở Pháp thực thi chủ quyền ở Trường Sa bởi họ nhận thấy Trường Sa có vị trí chiến lược trong kiểm soát sự giao lưu, tiếp tế của cả Trung Quốc và Đông Dương, giúp họ thực hiện ý đồ bành trướng thuộc địa ở Đông Dương. Sau cùng, Nhật đã phải rút quân ở Trường Sa khi bại trận ở thế chiến II, từ bỏ các quyền đối với đảo năm 1951 tại Hoà ước San Francisco. Trong cuộc tranh chấp Pháp - Nhật tại Trường Sa không có tiếng

nói của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc sẽ bị tổn hại bởi Nhật chiếm đóng Trường Sa và thực hiện được ý đồ của họ.

Ngày 05/4/1939 Chính phủ Anh thừa nhận Trường Sa thuộc Pháp.

Tháng 7 năm 1946, “một lực lượng đặc nhiệm nhỏ của Pháp đã tiến vào Trường Sa và ở đó một số người Việt Nam đã có mặt trên nhiều đảo khác nhau. Ít tháng sau, vào tháng 10 năm 1946 một tàu chiến có tên là Chevreud cũng được thông báo là đã đổ bộ lên đảo Trường Sa và đảo Ba Bình”, đặt một bia đá trên đảo Ba Bình đánh dấu sự có mặt trở lại của Pháp [39]. Pháp đã kịp thời phục hồi chủ quyền Trường Sa ngay khi Nhật rút quân và trước khi người Trung Quốc xuất hiện ở đây năm 1947, hoặc sau đó là sự lên tiếng của Philippin. Năm 1947, Trung Hoa đã chỉ cho quân đến Trường Sa cắm cờ và không chiếm đóng. Pháp và Trung Quốc đã mở cuộc thương thuyết ở Paris và Tưởng Giới Thạch đã bác bỏ đề nghị đưa tranh chấp ra trọng tài của Pháp.

Như vậy, Pháp đã luôn nỗ lực cho thực thi chủ quyền thực sự tại Trường Sa, lên tiếng bảo vệ chủ quyền đó trước hành vi chiếm đóng của Nhật hay xâm phạm của Trung Quốc. Chúng ta thừa nhận đã có một khoảng trống thời gian từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, việc chiếm hữu vật chất đối với Trường Sa của Việt Nam yếu đi so với trước. Nhưng điều kiện tự nhiên của Trường Sa không nhất thiết phải thực thi chủ quyền thường xuyên tại đó, và quan trọng là Pháp đã tiếp tục hành vi chủ quyền này khi chưa hề có bất cứ sự tranh giành hay một chủ quyền cạnh tranh nào đó được hình thành.

Hành vi chủ quyền của Pháp là rõ ràng và phù hợp với yêu cầu của luật quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Nó sẽ có giá trị làm tan biến đi những tranh cãi hay sự cố tình nhầm lẫn về chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa. Việc Trung Quốc hay các nước khác phản đối không thể có giá trị ảnh hưởng hay làm mất đi tính hoà bình, thực sự, đầy đủ và liên tục chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa. Bởi chủ quyền này của Việt Nam đã hình thành một cách rõ ràng từ trước đó rất lâu rồi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) căn cứ pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền của việt nam đối với trường sa (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)