phủ Hồ Chí Minh nhằm cứu vãn nền hòa bình
Ngày 16-1-1947, Vincent Auriol, Chủ tịch Quốc hội được bầu làm Tổng thống nước Pháp. Chính phủ Blum từ chức. Nước Pháp bước vào nền Cộng hòa thứ tư. Một tuần sau, Chính phủ của nền Đệ tứ Cộng hòa được thành lập do Paul Ramadier làm Thủ tướng. Nền Cộng hòa mới thừa kế của Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Pháp một món gia tài: Cuộc chiến tranh Đông Dương. Ngày 21-1-1947, Ramadier - Thủ tướng mới nhận chức ra bản tuyên bố lập lờ về vấn đề Đông Dương: “Cuộc chiến tranh này, người ta đã áp đặt cho chúng tôi, chúng tôi không muốn nó trước đây, không muốn nó hôm nay. Chúng tôi đã làm tất cả, nhượng bộ tất cả những hợp lý. Chúng tôi biết nó sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Chúng tôi sẽ chấm dứt nó ngay khi nào trật tự an ninh được đảm bảo” [74, tr. 397].
Ngày 23-1-1947, M.Moutet - Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại chỉ thị cho D’Argenlieu “không được quyết định gì trước khi chính phủ mới cho phương hướng” [74, tr. 398]. Nhưng D’Argenlieu đã làm ngơ trước những chỉ thị của
Chính phủ, tự ý đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Cùng với các hoạt động quân sự, ngày 1-2-1947, D’Argenlieu đã ban hành một quyết định Liên bang nới rộng rất nhiều với những quyền hạn của Chính phủ Lê Văn Hoạch và thừa nhận nước Cộng hòa tự trị Nam Kỳ như “Quốc gia tự do trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp”. Tiếp đó, ngày 4-2-1947, D’Argenlieu gửi một bức điện cho Chính phủ Pháp yêu cầu câu trả lời của Chính phủ về tuyên bố này và đòi hỏi sự khẳng định của Chính phủ là không điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh nữa.
Ngày 10-2-1947, Valluy - Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương tiếp tục gây sức ép với Chính phủ Pháp. Chủ trương của ông ta là phải duy trì được quân số mức 115.000 người, trước tiên là bình định Nam Kỳ, sau rồi mở cuộc tấn công quy mô vào Bắc Kỳ kéo dài cho đến mùa xuân năm 1948. Valluy nhấn mạnh: “Khi đó và chỉ đến khi đó thôi, thì mới đúng lúc để mở cuộc điều đình” [74, tr. 402].
Ngày 12-2-1947, D’Argenlieu lại đề nghị Chính phủ Pháp cho phép thực hiện cuộc hành quân bắt sống “Chính phủ Việt Minh” mà người ta đã phát hiện được nơi ẩn nấp. Moutet phản ứng một cách gay gắt khi nghe kế hoạch này. Ông nói: Chính phủ Pháp không hành động theo kiểu bọn cướp đường, bọn gangsters.
Thực ra, Chính phủ Pháp lúc này còn đang lúng túng chưa biết chọn con đường chính trị nào. Thủ tướng Ramadier vẫn giữ thái độ lập lờ, không từ chối mọi ý định nối lại đàm phán, cũng chẳng hứa hẹn điều gì. Ông đang đợi từ “nhân dân An Nam” xuất hiện “những phần tử tiêu biểu” mà ông có thể ngồi lại điều đình.
Thấy rõ Chính phủ Pháp còn đang lúng túng chưa quyết định được chính sách đối với vấn đề Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục tiến hành một chiến dịch vận động hướng vào dư luận và chính giới Pháp. Liên tục trong các ngày 18, 25 tháng 1, 18 tháng 2 và 5, 8 tháng 3, Người đã gửi những bức điện, thư tới Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Pháp. Người kêu gọi chính giới Pháp hãy có biện pháp ngăn chặn các nhà đương cục ở Đông Dương chấm dứt các hành động chiến tranh, nối lại đàm phán hòa bình để giải quyết quan hệ Việt - Pháp.
Trong các ngày 18-1, 25-1, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Tổng thống Pháp, Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp những thông điệp hòa bình. Người nhấn mạnh: “Chính sách “phản bội các thoả hiệp”, chính sách “việc đã rồi” và chính sách vũ lực
mà giới cầm quyền Pháp ở Đông Dương áp dụng từ trước đến nay, đã bó buộc dân tộc Việt Nam phải võ trang tự vệ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong ước hoà bình, một nền hòa bình hợp công lý và xứng đáng đối với nước Pháp cũng như đối với nước Việt Nam”[65, tr. 32-33]. Người đề nghị Chính phủ Pháp đình chỉ ngay cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này và tin rằng dù có nhiều sự khó khăn song vẫn có thể giải quyết cơn khủng hoảng một cách hoà bình, hợp đạo lý và công bằng.
Nhân dịp Quốc hội Pháp sắp thảo luận về vấn đề Việt Nam, ngày 5-3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Quốc hội và nhân dân Pháp làm rõ sự thật về vấn đề Việt Nam, vì “những người đại diện Pháp ở Đông Dương sẽ tìm cách trình bày các sự việc xảy ra theo lối riêng của họ để làm sai lạc dư luận và tránh trách nhiệm” [65, tr. 82]. Trong thư, Người nêu một cách rõ ràng sự thật diễn biến tình hình ở Việt Nam, nguyên nhân của cuộc chiến tranh Việt - Pháp, vạch rõ thủ đoạn của các nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam, hiện trạng xung đột đang diễn ra dẫn tới nguy cơ một cuộc chiến tranh kéo dài, hao người tốn của. Người nhấn mạnh: “Chiến tranh không nên kéo dài nữa. Chiến tranh không đưa đến đâu cả. Chúng tôi sẵn sàng lập lại hoà bình. Chỉ cần Quốc hội và nhân dân Pháp có một cử chỉ thân thiện” [65, tr. 84].
Ngày 5-3-1947, Chính phủ Pháp đã quyết định cử E.Bollaert - một nghị sĩ xã hội cấp tiến, cựu Ủy viên Hội đồng kháng chiến dân tộc làm Cao ủy Pháp tại Đông Dương thay cho D’Argenlieu vì cho rằng, “ông đô đốc không còn đủ tư cách để lãnh đạo chính sách hợp tác với các nước Đông Dương” [74, tr. 405]. Với việc chỉ định Bollaert, Tổng thống Auriol và Cựu Thủ tướng L.Blum hy vọng rằng “những cuộc đàm phán với ông Hồ Chí Minh có thể sẽ được nối lại” [65, 405]. Nhưng họ đã lầm. Bollaert sang Đông Dương không phải để cứu vãn hòa bình mà đưa nền hòa bình mong manh đến chỗ diệt vong. Một mưu đồ mới đã được dự tính trong giới cầm quyền Pháp. Ngày 1-4-1947, Bollaert đến Sài Gòn.
Nhân cơ hội đó, ngày 19-4-1947, Chính phủ Việt Nam gửi công hàm cho Chính phủ Pháp, một lần nữa kêu gọi Chính phủ Pháp trên cơ sở lợi ích của cả hai dân tộc Việt - Pháp mà nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Chính phủ Việt Nam hy vọng với “việc bổ nhiệm ông Cao ủy mới của Pháp tại Đông Dương, Chính phủ
Pháp dường như tỏ ra có ý muốn hướng chính sách của mình đối với dân tộc Việt Nam vào một con đường mới, xứng đáng với nước Pháp mới”, góp phần cải thiện tình hình Đông Dương theo hướng tích cực hơn bằng cuộc đàm phán nhằm đi đến một giải pháp hòa bình cho xung đột [74, tr. 408-409].
Nhưng Ramadier đã tìm cách che giấu bản đề nghị này, không chỉ trước công chúng mà ngay cả đối với những vị bộ trưởng cộng sản trong Chính phủ của ông. Ramadier đồng ý cho Cao ủy mới Bollaert và tướng Valluy đặt ra những điều kiện ngưng chiến hết sức hà khắc mà ông biết chắc chắn rằng Chính phủ Hồ Chí Minh không bao giờ đồng ý.
Ngày 11-5-1947, Cao ủy Bollaert cử Paul Mus đến gặp đại diện Chính phủ ta ở Thái Nguyên là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, đưa ra những điều kiện theo đúng những gì được chỉ thị. Những điều kiện để Pháp công nhận Việt Nam độc lập và thống nhất, đó là: 1. Nộp vũ khí cho quân đội Pháp; 2. Để quân Pháp đi lại và đóng quân tự do khắp nơi trên đất nước Việt Nam, quân đội Việt Nam tập kết tại một số địa điểm do quân đội Pháp quy định; 3. Giao trả lính Pháp hay lính lê dương đảo ngũ chạy qua phía Việt Nam và những người nước ngoài khác phục vụ trong quân đội Việt Nam; 4. Thả những người Pháp và người Việt Nam thân Pháp do Chính phủ Việt Nam giữ; 5. Không có những hành động trả thù đối với những người thân Pháp.
Như vậy, nhiệm vụ thăm dò của giáo sư Paul Mus biến thành một việc trao đổi tối hậu thư, để rồi nhận được câu trả lời lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong khối Liên hiệp Pháp, không có chỗ cho những kẻ hèn nhát. Tôi sẽ là một kẻ hèn nhát, nếu tôi chấp nhận” [48, tr. 146].
Ngày 25-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho nhân dân Pháp, vạch rõ bọn thực dân Pháp mù quáng trước thế mạnh tạm thời, đã đưa ra những điều kiện vô lý và nhục nhã để cho hai dân tộc không thể thân thiện với nhau được. Người vạch rõ thực chất ý đồ của thế lực thực dân hiếu chiến Pháp là muốn tiếp tục chiến tranh và cảnh báo “máu người Pháp và người Việt sẽ đổ thêm nữa, khối Liên hiệp Pháp sẽ bị tiêu tan”. Người khẳng định ý chí của nhân dân Việt Nam quyết đấu tranh đến cùng, “thà chết không làm nô lệ” và kêu gọi: “Các bạn hãy giúp chúng
tôi cứu lấy tính mạng của bao nhiêu thanh niên Pháp và Việt, cứu lấy tình thân thiện giữa hai dân tộc và cứu lấy khối Liên hiệp Pháp” [65, tr. 129].
Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện Paul Mus là cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên và cuối cùng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp cho đến Hội nghị Giơnevơ năm 1954.
Tháng 6-1947, tướng R.Salan (Xalăng), người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ nhiều lần trong thời gian ở Pari, được cử trở lại Đông Dương phục vụ trong quân đội viễn chinh. Người viết thư thăm hỏi, phân tích thiệt hơn về cuộc chiến tranh đang diễn ra, nhờ chuyển thư cho ông L.Blum. Trong bức thư này, Người nêu rõ nguyên nhân của cuộc chiến tranh, những thiệt hại đối với quyền lợi kinh tế của Pháp trong ba năm chiến tranh và đề nghị ông L.Blum cố gắng phấn đấu cho chính sách mà ông ta tuyên bố ngày 12-12-1946 là “hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau, dựa trên sự thống nhất và độc lập của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp” [65, tr. 146].
Cũng trong tháng 8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua ông Gilbert, Đại sứ Pháp tại Bangkok đã chuyển tới Tổng thống Pháp bức công hàm với những đề nghị nghiêm túc và nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Tiếc rằng bức công hàm đã bị giấu đi và không đến tay Tổng thổng nước Cộng hòa Pháp, đúng vào thời điểm quyết định Chính phủ phải lựa chọn quay trở lại Đông Dương bằng con đường nào!
Chính phủ Pháp nghiêng hẳn về tả, thực dân Pháp ở Đông Dương lựa chọn con đường gây ra chiến tranh để kết thúc chiến tranh. Ngày 10-9-1947, tại thị xã Hà Đông, Cao ủy Bollaert đọc một bài diễn văn mà nội dung cơ bản là không công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh và lộ rõ ý đồ xúc tiến chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”.
Ngày 19-9-1947, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám gửi điện cho Cao ủy Bollaert bác bỏ lập trường thực dân của Pháp và nhắc lại lập trường đấu tranh cho độc lập, thống nhất và sự hợp tác anh em với nhân dân Pháp. Một lần nữa, Chính phủ ta đề nghị với Chính phủ Pháp lập tức đình chỉ chiến sự và mở cuộc đàm phán hòa bình nhằm giải quyết vấn đề xung đột.
Minh đã vạch rõ lập trường phản động trong bài diễn văn của Bollaert là không chịu công nhận độc lập, thống nhất của Việt Nam, âm mưu gây nội chiến bằng cách lập chính phủ bù nhìn chống lại chính phủ nhân dân chân chính do Quốc hội bầu ra một cách hợp pháp. Đồng thời, Người kêu gọi xây dựng hợp tác anh em trong hòa bình giữa nhân dân hai nước Pháp và Việt Nam trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, bình đẳng và tự do.
Nhưng mọi cố gắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta không được đáp lại. Ngày 7-10-1947, thực dân Pháp mở Chiến dịch thu đông với lực lượng quân sự quy mô lên tới 20.000 quân, tiến công vào căn cứ địa Việt Bắc. Mục đích của chúng là bắt sống cơ quan đầu não kháng chiến, phá tan căn cứ địa cách mạng, tiêu diệt quân chủ lực. Chúng hy vọng dùng thắng lợi quân sự này nhanh chóng kết thúc chiến tranh, đặt ách thống trị thực dân ở Việt Nam.
Cùng với hoạt động quân sự quyết liệt, thực dân Pháp nhanh chóng dựng lên chính quyền bù nhìn. Ngày 6 và ngày 7-12-1947, Bollaert gặp Bảo Đại tại Vịnh Hạ Long và ký kết văn kiện ghi nhận bước đầu tiên Bảo Đại quay lại làm tay sai cho Pháp. Ngày 23-12-1947, Chính phủ Pháp tuyên bố trao cho Cao ủy Pháp ở Đông Dương “quyền thương lượng cần thiết để lập lại hòa bình nhưng không phải với Chính phủ Hồ Chí Minh” [48, tr. 148].
Những hành động trên cùng với cuộc tiến công quân sự đã đóng mọi cánh cửa đi đến kết thúc chiến tranh bằng cuộc đàm phán hòa bình. Với thái độ dứt khoát, thực dân Pháp đã bắt đầu một cuộc chiến tranh thật sự, gây ra những thiệt hại thật sự to lớn đối với cả hai dân tộc Việt - Pháp.
Cùng với việc đấu tranh quân sự với Pháp, trong những năm 1948-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chú trọng triển khai các hoạt động nhằm tranh thủ và vận động dư luận Pháp. Người nhiều lần gửi thư và thông điệp tới nhân dân Pháp khẳng định rõ lập trường của Chính phủ Việt Nam đối với các vấn đề có liên quan đến xung đột Việt - Pháp và kêu gọi nhân dân Pháp có hành động đòi Chính phủ Pháp chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược vô nghĩa này. Khi trả lời các phóng viên nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhằm làm cho dư luận thế giới hiểu thêm về cuộc chiến tranh Đông Dương, khẳng định chủ trương của Việt Nam là luôn muốn hợp
tác với Pháp. Trả lời phỏng vấn của báo Tribune (4-1949), Người nói rõ: “Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoàn nghênh họ như anh em bầu bạn” [65, tr. 587].