chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.
1.3.1. Khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới
Lúc này, cách mạng Trung Quốc chưa thành công. Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân khác ở xa. Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng xác định chỗ dựa chủ yếu của ta là các lực lượng đấu tranh giải phóng dân tộc Á - Phi, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Á và Nam Á. Ở khu vực này, nhiều nước đã thoát khỏi ách thống trị thực dân và lãnh tụ của họ có cảm tình với ta như Nehru (Ấn Độ), Aung San (Miến Điện)...
Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 13-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến các lãnh tụ và nhân dân các nước trên thế giới. Trong thư, Người vạch trần tội ác xâm lược và phá hoại hòa bình của thực dân Pháp, nêu lên tính chính nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân ta và khẳng định: “Việt Nam chỉ muốn hòa bình và độc lập, để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới, trước là
với dân tộc anh em Á Đông và dân tộc Pháp. Việt Nam chỉ giữ gìn chủ quyền, độc lập của mình, chứ không hề xâm phạm đến ai” [65, tr. 22]. Người cũng nêu rõ mối quan hệ khăng khít giữa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và phong trào đấu tranh vì hòa bình dân chủ của nhân dân thế giới, trước hết là nhân dân châu Á, đồng thời, Người kêu gọi: “Vì nhân đạo, vì chính nghĩa, vì hòa bình chung và lợi ích chung, nhân dân Việt Nam mong các vị giúp đỡ mọi phương diện” [65, tr. 23].
Ngày 15-1-1947, nhân dịp ngày độc lập của Miến Điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân gửi thư tới chúc mừng nhân dân Miến Điện. Trong thư, Người cũng cảm ơn các vị lãnh tụ châu Á đã tỏ cảm tình với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Người một lần nữa nêu lên mối quan hệ mật thiết giữa vận mệnh các dân tộc châu Á với vận mệnh dân tộc Việt Nam và mong được tất cả các nước giúp đỡ.
Ngày 27-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bức điện cá nhân đến ông Aung San - Phó Chủ tịch Chính phủ Miến Điện, các vị chính khách Ấn Độ - ông Nêru, Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời Ấn Độ, Sara Săngđra Bôdơ, Bộ trưởng Bộ Công chính Ấn Độ, Cripalani, Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ và Ginna, lãnh tụ Đảng Hồi giáo Ấn Độ tỏ lòng cảm động trước những cảm tình mật thiết của họ đối với dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.
Ngày 29-1-1947, nhân ngày Độc lập của Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới ông Nêru - Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời Ấn Độ, tỏ rõ “sự hân hoan với dân tộc Ấn Độ, và rất tin cậy vào sự thắng lợi của các dân tộc Á châu trong cuộc đấu tranh cho tự do và tiến bộ” [65, tr. 39].
Ngày 22-3-1947, Hội nghị đoàn kết đấu tranh cho độc lập dân tộc của các nước châu Á họp ở New Delhi (Ấn Độ). Mục tiêu của hội nghị là thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau hơn nữa giữa các quốc gia dân tộc châu Á, khuyến khích sự phát triển văn hóa, kinh tế và giúp các dân tộc bị áp bức giành được tự do, thoát khỏi ách đô hộ ngoại bang. Nhân cơ hội, Chính phủ Hồ Chí Minh gửi phái đoàn tới tham dự Hội nghị do giáo sư Trần Văn Giàu làm trưởng đoàn. Phái đoàn Lê Ngọc Châu - đại điện của Chính phủ bù nhìn Lê Văn Hoạch cũng đến tham dự.
Tại Hội nghị, phái đoàn của Chính phủ ta đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp cố tình gây chiến tranh xâm lược, tàn sát đồng bào ta; thông báo cho toàn hội nghị biết chính sách và lập trường của Chính phủ ta đối với việc giải quyết mối quan hệ Việt - Pháp; đồng thời kêu gọi các chính phủ và nhân dân châu Á ủng hộ, giúp đỡ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam.
Ngày 25-3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Chính phủ gửi điện chúc mừng tới ông Nêru, Phó Thủ tướng Chính phủ lâm thời Ấn Độ, Chủ tịch Hội nghị Liên Á và các đại biểu tham dự hội nghị. Trong bức điện, Người nhấn mạnh: “Ngày khai mạc Hội nghị Liên Á là một ngày vui mừng và là ngày lịch sử cho tất cả các dân tộc Á châu, gia đình châu Á của chúng ta”. Người thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam và Chính phủ chúc mừng sự thành công của hội nghị và gửi đến hội nghị thông điệp: “Nhân dân Việt Nam, một bộ phận của đại gia đình châu Á, đang đấu tranh giành thống nhất và độc lập. Chúng tôi mong rằng tất cả các nước anh em ở châu Á hết lòng giúp chúng tôi” [65, tr. 114].
Các đại biểu dự hội nghị đã bày tỏ cảm tình và ra lời kêu gọi nhân dân châu Á ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Ngày 2-4-1947, các đoàn đại biểu các nước tham dự Hội nghị Liên Á gửi bản kiến nghị lên Ban Tổ chức Hội nghị, nói lên tình cảm của mình đối với nhân dân Việt Nam và cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đồng thời, các đại biểu đề nghị Ban Tổ chức Hội nghị không cho phép Đặng Ngọc Châu phát biểu tại Hội nghị với tư cách là đại biểu của Việt Nam. Các đại biểu nhấn mạnh: “Bằng việc đó, Hội nghị sẽ tự chứng minh được lòng trung thành đối với sự nghiệp của các dân tộc bị áp bức và biểu lộ được ước vọng mạnh mẽ của các đại biểu” [Xem Phụ lục 1].
Sau khi Hội nghị Liên Á bế mạc, Cựu Quốc trưởng và Thủ tướng Miến Điện, qua đại biểu Việt Nam, gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh bức thư thể hiện cảm tình của cá nhân ông và của nhân dân Miến Điện đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Mở đầu bức thư, ông viết: “Ở Miến Điện, với tư cách cá nhân, tôi đã cố gắng duy trì mối quan hệ gần gũi ở mức tốt nhất có thể với cuộc đấu tranh vì tự do hiện nay của nhân dân Việt Nam anh hùng”. Cuối thư, ông khẳng định “cùng đại đa số nhân dân Miến Điện, chúng tôi coi cuộc đấu tranh của Việt Nam như một
phần cuộc đấu tranh của chính mình” và sẵn sàng giúp đỡ không chỉ bằng tình cảm đơn thuần mà bằng cả hành động [Xem Phụ lục 2].
Hội nghị Liên Á đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết và nâng cao sự hiểu biết của các nước trong khu vực với cuộc kháng chiến của nhân dân ta, tạo điều thuận lợi cho những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa đại diện Chính phủ Hồ Chí Minh với Chính phủ các nước sau này.
Ngày 8-9-1947, Hội nghị Liên đoàn các nước Đông Nam châu Á được tổ chức tại Bangkok. Tham dự hội nghị có các nước trong khu vực như Xiêm (Thái Lan), Cao Miên (Campuchia), Lào, Mã Lai (Malayxia), Diến Điện (Mianma) và Nam Dương (Inđônêxia). Đại biểu của Chính phủ Việt Nam là ông Lê Hy - Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam ở Bangkok. Đây là hội nghị có tầm vóc lịch sử đối với khu vực. Tại đây, Hội nghị đã cùng nhau biểu quyết thành lập Liên đoàn Đông Nam châu Á “là một tổ chức phi chính thức, không liên quan đến chính phủ”, có mục đích là “xây đắp nền móng, hầu một ngày kia dựng lên một tổ chức chính thức lâu dài và thiết thực là Liên bang Đông Nam Á châu”. Tuy còn sơ khai, nhưng Liên đoàn Đông Nam châu Á ra đời là minh chứng cho tình hữu nghị, đoàn kết của các dân tộc Đông Nam Á trong sự nghiệp đấu tranh để bảo vệ hòa bình.
Cùng với việc tham dự các hội nghị lớn của khu vực, trong những năm 1947- 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta đã cử các đoàn đại biểu đi các nước Thái Lan, Miến Điện (Mianma), Trung Quốc, Tiệp Khắc để tuyên truyền về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược. Người đã viết một bức thư gửi các đồng chí lên đường và căn dặn: “Các đồng chí phải đem toàn tinh thần và nghị lực của thanh niên yêu nước mà chịu đựng, phấn đấu, khắc phục mọi sự gian nan, để tranh lấy thắng lợi... đem tình thân ái của Tổ quốc để tuyên truyền cho thanh niên và cho cả dân tộc Việt Nam” [65, tr. 384].
Điểm thuận lợi cho ta lúc này là Chính phủ các nước rất có thiện cảm với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Tại Thái Lan, được sự ủng hộ của Chính phủ do ông Pridi Panômyông lãnh đạo, Cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam và Phòng Thông tin được cho phép thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 14-4-1947. Lúc này, Bangkok có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì đó là cửa
ngõ duy nhất của ta liên lạc với thế giới bên ngoài. Một nhà ngoại giao Xôviết lúc bấy giờ làm việc ở phái đoàn đặc biệt của Liên Xô tại Bangkok kể lại: “Cơ quan thông tin của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Bangkok là cơ quan đối ngoại duy nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nằm gần lãnh thổ Việt Nam, nó có thể giữ mối liên lạc với các vùng giải phóng trong nước, nhận thông tin từ đó, rồi phổ biến ở Thái Lan, để gửi sang Pháp, nơi có nhiều người Việt Nam yêu nước đang sinh sống” [53, tr. 270].
Tháng 2-1948, phái đoàn ta dự lễ mừng độc lập của Miến Điện và vận động Chính phủ nước này ủng hộ, tạo điều kiện cho phái đoàn lập Cơ quan đại diện chính thức và Phòng Thông tin ở thủ đô Rangoon. Văn phòng chính thức đi vào hoạt động ngày 16-2-1948.
Thông qua hoạt động ở Thái Lan, Miến Điện, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và chính phủ các nước, sự giúp đỡ nhiệt tình của Việt kiều. Cụ thể là đã tổ chức việc tiếp tế được hàng trăm tấn vũ khí, quân lương qua các đường biển, đường sông và đường bộ đến nhiều chiến trường: Nam Bộ, Khu IV, Khu V, Campuchia, Lào. Chính phủ Thái Lan cho phép ta lập một chiến khu ở vùng biên giới để tổ chức huấn luyện bộ đội. Hàng chục “Chi đội cứu quốc quân” gồm con em Việt kiều được trang bị vũ khí hiện đại, về tham chiến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Cơ quan đại diện ở Bangkok còn là trung tâm phối hợp các hoạt động Việt - Miên - Lào, phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Đông Dương, đặc biệt ở chiến trường Tây Đông Dương.
Có vị trí địa lý thuận lợi, có trang bị điện đài máy móc hiện đại, Cơ quan đại diện và Phòng Thông tin ở Bangkok và Rangoon trở thành trung tâm liên lạc trong, ngoài quan trọng trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Từ hai cơ quan này, Việt Bắc đã nhận những thông tin quan trọng từ thế giới bên ngoài, âm mưu, thủ đoạn của địch đối với cuộc kháng chiến, đồng thời là nơi phát hành các bản tin, sách báo, hình ảnh về cuộc kháng chiến của Việt Nam, kịp thời cho công tác tuyên truyền, đấu tranh, tranh thủ dư luận và sự đồng tình ủng hộ của bên ngoài đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Từ cơ quan đại diện ở Bangkok, Rangoon, chúng ta mở rộng liên lạc ra thế giới bên ngoài. Trong những 1948-1949, ta đã tổ chức được nhiều phòng thông tin ở các châu lục: Pari, New York, Luân Đôn, Singarpore, Hồng Kông, New Delhi và Zurich. Những thông tin truyền ra từ các phòng thông tin trên khắp các châu lục đã thu hút giới báo chí, các hãng thông tấn lớn trên thế giới tiếp cận ngày càng nhiều với cuộc kháng chiến của ta, tìm hiểu và phổ biến ra thế giới những thông tin chân thật nhất về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Thông qua hàng chục lần trả lời phỏng vấn các phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh - đại diện cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam chính thức tuyên bố chủ trương đối ngoại hòa bình, “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước và không gây thù oán với một ai”, vạch trần âm mưu của thực dân Pháp lập chính phủ bù nhìn, cố tình gây ra chiến tranh, qua đó kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Thông qua Hãng thông tấn Reuter của Anh, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời nhắn nhủ thế giới: “...ước mong tất cả các người dân chủ trên thế giới đoàn kết với nhau để bảo vệ cho nền dân chủ trong các nước nhỏ cũng như trong các nước lớn. Mong các người làm cho quyền tự quyết của các dân tộc là quyền do các Hiến chương Đại Tây Dương và Cựu Kim Sơn đảm bảo, được tôn trọng” [65, tr. 138].
Với anh em châu Á, Người nói: “Số phận của tất cả dân Á châu buộc chặt với nhau. Các anh em Á châu, hãy giúp anh em Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho độc lập và thống nhất. Chúng tôi trông cậy vào sức ủng hộ tinh thần và vật chất mà các anh em có thể giúp được” [65, tr. 138] .
Khi thực dân Pháp ký với Vĩnh Thụy một bản Hiệp nghị (ngày 8-3-1949), mà theo Hiệp nghị này, Pháp xác nhận Việt Nam độc lập, thống nhất và nhận Việt Nam cùng Lào, Campuchia là nước liên kết với Pháp ở Đông Dương, thông qua tờ
Dân quốc nhật báo (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trước thế giới rằng: “Đối với dân Việt Nam, đó chỉ là một tờ giấy lộn. Thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy chẳng lừa bịp được ai. Ngay cả nhân dân Pháp và dư luận thế giới cũng đã hiểu rõ và tố cáo điều đó. Lúc nào quân đội thực dân Pháp hoàn toàn rút khỏi đất nước Việt Nam, thì mới có thống nhất và độc lập... Vĩnh Thụy làm tay sai
cho thực dân, là một tên phản quốc. Pháp luật Việt Nam tuy khoan hồng với những người biết cải tà quy chính nhưng sẽ thẳng tay trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ đã bán nước buôn dân” [65, tr. 581].
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chủ động mở các hoạt động tuyên truyền và liên lạc quốc tế nhằm làm cho các nước hiểu ta và giúp đỡ ta về mọi mặt nhiều hơn. Trong khi sử dụng các cơ quan đại diện ở Bangkok, Rangoon, trong chừng mực là cơ quan đại diện ở Pari làm chỗ đứng, ta tích cực đẩy mạnh cách hoạt động tuyên truyền quốc tế của các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Sinh viên. Hoạt động của ta trong vòng hai năm (1948-1949) đã có ảnh hưởng quốc tế sâu rộng, tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ thiết thực cho cuộc kháng chiến.
Tháng 2-1948, đoàn thanh niên Việt Nam đi dự Hội nghị Thanh niên và sinh viên các nước Đông Nam Á, Hội nghị Thanh niên dân chủ thế giới ở Tiệp Khắc; tháng 8-1948, dự Hội nghị Thanh niên cần lao quốc tế ở Ba Lan; tháng 11-1948, dự Tuần lễ Sinh viên quốc tế ở Tiệp Khắc, sau đó đi thăm các nước Hunggari, Rumani, Bungari; tháng 8-1949, dự Hội nghị Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ hai ở Budapest; tháng 4-1949, dự Đại hội hòa bình thế giới đầu tiên ở Pari; tháng 6-1949, dự Hội nghị Liên hiệp công đoàn thế giới tại Milan (Italia).
Các đoàn đại biểu đã mang tiếng nói và lập trường chính nghĩa của Chính phủ Hồ Chí Minh tới diễn đàn các hội nghị, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế quốc tế của Chính phủ ta. Thế giới, ai cũng quan tâm, chào mừng đoàn đại biểu