2.1.1.1. Tình hình quốc tế
Tình hình quốc tế giai đoạn này có những diễn biến phức tạp, có tác động đến cuộc chiến tranh Đông Dương. Có thể lược điểm những nhân tố chính sau:
Thứ nhất, sự lớn mạnh của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và lực lượng dân chủ thế giới có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Thời kỳ này, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu đã vượt qua thử thách, đạt được một số thành tựu về kinh tế, chính trị, xã hội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng sau chiến tranh thế giới, tạo cơ sở vững chắc tiến lên con đường chủ nghĩa xã hội.
Liên Xô hoàn thành thắng lợi kế hoạch khôi phục kinh tế năm năm (1945-1950) và đang bước vào thời kỳ phát triển kinh tế theo kế hoạch năm năm tiếp theo. Tốc độ phát triển công nghiệp của Liên Xô từ năm 1950 đến năm 1955 tăng bình quân mỗi năm là 12%. Năm 1953, Liên Xô sản xuất thành công bom khinh khí, đánh dấu thời kỳ cân bằng về sức mạnh quân sự và vũ khí chiến lược so với Mỹ và phương Tây. Với những thành tựu đó, Liên Xô đã cải thiện vị trí cường quốc của mình trong quan hệ quốc tế, là đối trọng số một của Mỹ trên trường quốc tế chỉ sau một thời gian ngắn. Đứng đầu hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, Liên Xô cùng các nước xã hội Đông Âu trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của phong trào cách mạng đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Cách mạng Trung Quốc thành công và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời đã tạo tiền đề khách quan cho việc tăng cường khối xã hội chủ nghĩa. Đáng chú ý là sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, Hiệp ước đồng minh tương trợ và hữu hảo Trung - Xô được ký kết (ngày 14-2-1950), đánh dấu bước phát triển mới, vững chắc của khối xã hội chủ nghĩa.
Lực lượng hòa bình thế giới ngày càng lớn mạnh, tập hợp dưới khẩu hiệu
“Chống bọn mưu chiến, bảo vệ hòa bình”. Đại hội thế giới của các chiến sĩ hòa bình họp tại Pari và Prague tháng 4-1949 đã tập hợp các tổ chức của sáu trăm triệu dân các nước trên thế giới, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo và xu hướng chính trị. Những tổ chức nền tảng của phong trào chiến sĩ hòa bình thế giới là Liên hiệp nghiệp đoàn thế giới, Hội Liên hiệp phụ nữ dân chủ quốc tế, Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới, Đoàn Sinh viên quốc tế ngày đêm đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Thứ hai, chiến tranh lạnh lan sang châu Á dưới chiêu bài “chống cộng” và trở thành đặc trưng của quan hệ quốc tế toàn cầu.
Chiến tranh lạnh được phát động từ năm 1946 sau lời yêu cầu của Thủ tướng Anh Churchill và chính thức được Tổng thống Mỹ Truman thông qua tháng 3- 1947. Mục tiêu đầu tiên và trước nhất của Chiến tranh lạnh tập trung vào Liên Xô và Đông Âu, chống lại sự “bành trướng” của chủ nghĩa cộng sản toàn cầu.
Song từ năm 1948, diễn biến phong trào cách mạng thế giới, đặc biệt là ở châu Á đã vượt qua tầm kiểm soát của Mỹ và các nước đế quốc phương Tây. Châu Á nổi lên những sự kiện đáng chú ý: Tháng 9-1948, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên ra đời; tháng 10-1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập; phong trào giải phóng dân tộc thành công đưa một số nước thuộc địa, như Ấn Độ, Mianma, Inđônêxia... thoát khỏi ách thống trị của các cường quốc thực dân buộc Mỹ và các nước phương Tây chuyển hướng đối phó.
Mỹ ngày càng lộ rõ bản chất tên sen đầm quốc tế, thực hiện chiến lược “trả đũa ào ạt”, “đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản” can thiệp ngày càng sâu vào các khu vực dưới chiêu bài chống Liên Xô, chống cộng. Mỹ không những là đối thủ nguy hiểm của Liên Xô mà còn là kẻ thù chung của các dân tộc.
Dựa vào sức mạnh kinh tế, quân sự, Mỹ buộc các nước đồng minh ký các hiệp ước song phương, đa phương, kiểm soát và lôi kéo các nước, nhằm tập hợp lực lượng thực thi chiến lược “chống cộng” của Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Đặc biệt, với Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật (5-9-1951), ngoài mục đích ràng buộc Nhật Bản về quân sự, chính trị, Mỹ còn muốn dùng Nhật Bản làm bàn đạp từng
bước khống chế cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phong tỏa ảnh hưởng của cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc. Chính sách phản động của Mỹ làm cho quan hệ quốc tế trở nên phức tạp. Mọi mối quan hệ quốc tế dần bị phân hóa và thu hút về hai cực, hai phe Đông - Tây đối lập, mâu thuẫn gay gắt với nhau.
Thứ ba, Mỹ can thiệp, Đông Dương đi vào quỹ đạo Chiến tranh lạnh.
Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đối Việt Nam trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ. Trong bản báo cáo mang tên Lập trường của Mỹ đối với Đông Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định: “Mối đe dọa của cộng sản xâm lược Đông Dương chỉ là một bước trong kế hoạch sẵn có của cộng sản để chiếm lấy tất cả vùng Đông Nam Á”; từ đó họ đưa ra kết luận: “Điều quan trọng đối với quyền lợi an ninh Mỹ là phải cho thi hành mọi biện pháp thiết thực để ngăn chặn sự bành trướng sau này của cộng sản ở Đông Nam Á” [1, tr. 767]. Như vậy, đối với các nhà cầm quyền Mỹ, cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, hơn bao giờ hết, được coi là một bộ phận cấu thành của chiến lược ngăn chặn cộng sản ở Đông Nam Á, mở rộng ra là châu Á - Thái Bình Dương.
Hành động đầu tiên báo hiệu Mỹ bắt đầu can thiệp trực tiếp vào chiến tranh Đông Dương là cùng với Pháp công nhận chính quyền Bảo Đại. Sau khi Hiệp định Elysée giữa Tổng thống Auriol và Bảo Đại (ký ngày 8-3-1949) được Quốc hội Pháp thông qua ngày 2-2-1950, ngay sau đó, ngày 3-2-1950, Tổng thống Mỹ Truman tuyên bố công nhận chính quyền Bảo Đại. Ngày 4-2-1950, Lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn nhận được lệnh chuyển thư công nhận Quốc gia Việt Nam và chính quyền Bảo Đại. Tháng 6-1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Mỹ coi ba vấn đề Triều Tiên, Đài Loan và Đông Dương có liên quan mật thiết với nhau về chiến lược, đều là những nhân tố tác động đến an ninh của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Tháng 8-1950, một phái đoàn liên bộ gồm Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng được cử đi thăm hàng loạt các nước ở Viễn Đông, trong đó có Việt Nam. Ông John Melby - Trưởng phái đoàn - tuyên bố: “Đông Dương là hòn đá tảng trong việc phòng thủ Đông Nam Á. Một thất bại ở đây sẽ không thể không đẩy cán cân Đông
Nam Á lục địa nghiêng về phía cộng sản” [55, tr. 186]. Như vậy, Đông Dương ngày càng trở nên quan trọng trong tính toán của Mỹ.
Ngày 24-12-1950, Donald Heath (Đônan Hít) - Đại sứ Mỹ tại Đông Dương ký với Jean Letourneau (Giăng Lơtuốcnô) bản hiệp ước quân sự quy định các điều khoản Mỹ viện trợ cho quân đội bù nhìn các quốc gia liên kết. Đây là hiệp định đầu tiên giữa Mỹ và Pháp đánh dấu việc Mỹ chính thức dính líu vào chiến tranh Đông Dương.
Cuối tháng 1-1951, Thủ tướng Pháp Pleven và Tổng Tham mưu trưởng quân đội viễn chính Pháp Ala hội đàm với Tổng thống Mỹ Truman về vấn đề viện trợ cho Đông Dương. Cùng với viện trợ, Mỹ can thiệp không chỉ vào vấn đề chính trị mà cả vấn đề quân sự, từng bước thay chân Pháp độc chiếm Đông Dương.
Với sự tham gia tích cực của Mỹ, cuộc chiến tranh Đông Dương đã đạt tới một quy mô mới. Nó được “quốc tế hóa” và trở thành một bộ phận của cuộc thập tự chinh “chống cộng” của Mỹ.
Thứ tư, xu hướng trung lập của các nước thứ ba nổi lên như là xu thế mới trong quan hệ quốc tế
Thế giới những thập niên 50 của thế kỷ XX gắn liền với cuộc Chiến tranh lạnh và sự đối đầu giữa hai hệ thống. Sự tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai khối góp phần phân hóa thế giới về hai phe. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một bộ phận không nhỏ các nước mới giành được độc lập chọn hướng phát triển trung lập, là đối tượng lôi kéo của các nước lớn, nhất là Mỹ và các nước phương Tây.
Dưới sức ép của các thế lực phản động, đứng đầu là Mỹ, nhiều nước châu Á, đặc biệt là Nam Á và Đông Nam Á, đã chọn con đường đứng ngoài tranh chấp hai phe và tỏ ra trung lập trong vấn đề Đông Dương. Giới cầm quyền các nước này lo ngại cuộc chiến tranh Đông Dương trở thành cuộc đụng đầu nóng giữa hai phe, làm cho châu Á thêm mất ổn định, thế lực đế quốc sẽ can thiệp và gây bất lợi cho giới cầm quyền. Những nước đầu tiên đi theo con đường này phải kể đến Ấn Độ và Inđônêxia, vốn là những nước từng kề vai sát cánh cùng Việt Nam trong thời gian khó khăn nhất.
Để giữ lập trường thống nhất với phần lớn các nước thuộc Liên hiệp Anh đối với Đông Dương, chống lại sức ép của Anh, Mỹ và không muốn căng thẳng với Pháp trong lúc chưa giải quyết xong việc trao trả một bộ phận lãnh thổ Ấn Độ, ngày 24-5-1950, G.Nerhu - Thủ tướng Ấn Độ đã tuyên bố khẳng định lập trường trung lập của mình.
Cũng vào dịp tháng 5-1950, Quốc hội Inđônêxia thảo luận vấn đề công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước xu thế đòi thừa nhận ngay Chính phủ Hồ Chí Minh, nhóm thân Mỹ trong Quốc hội đã đề nghị hoãn cuộc thảo luận để có thời gian điều tra xem xét thêm vấn đề. Ở một số nước Á - Phi khác cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Tình hình càng căng thẳng hơn khi Mỹ dùng chính sách quân sự và chiến tranh can thiệp sâu vào châu Á - Thái Bình Dương. Tháng 6-1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, lôi kéo thêm nhiều nước đi vào quỹ đạo Chiến tranh lạnh. Ngày 5-9-1950, Hòa ước riêng Mỹ - Nhật được ký kết tại Washington, cùng lúc với liên minh quân sự ANZUS ra đời làm cho sự đối đầu hai phe ở châu Á - Thái Bình Dương càng thêm căng thẳng. Sự phân hóa lực lượng Á – Phi, nhất là các nước Đông Nam Á theo hai hướng càng triệt để hơn. Một số nước nước liên kết chặt chẽ với các nước phương Tây, nhất là Mỹ (Thái Lan, Mianma). Đồng thời, một số nước hướng tới chính sách cân bằng Đông - Tây để chống lại sự can thiệp và áp đặt từ bên ngoài, tìm kiếm sự tồn tại hòa bình giữa hai xu hướng nhằm duy trì nền độc lập, phát triển kinh tế, xã hội có lợi nhất cho dân tộc và giới cầm quyền.
Trong bối cảnh thế giới căng thẳng và phân hóa gay gắt như vậy, xây dựng và củng cố mối quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân, mở rộng quan hệ với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, với các lực lượng đấu tranh cho hòa bình và dân chủ thế giới nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ về tinh thần, vật chất đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta trở thành định hướng cho hoạt động đối ngoại và vận động quốc tế trong thời kỳ mới.