Từ sau khi quan hệ ngoại giao được thiết lập, Liên Xô, Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Việt Nam trên trường quốc tế, làm thất bại âm mưu gây dựng địa vị quốc tế cho Chính phủ bù nhìn Bảo Đại của đế quốc Mỹ và đồng minh của chúng.
Từ tháng 1-1951, báo chí Liên Xô, Trung Quốc đã phối hợp với các cơ quan thông tin Việt Nam vạch trần bản chất tay sai, phản động của Chính phủ bù nhìn Bảo Đại. Tháng 2-1951, tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban Kỹ nghệ và thương mại thuộc Hội đồng kinh tế châu Á - Viễn Đông, đại biểu Liên Xô đã yêu cầu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tham gia Ủy ban và đề nghị trục xuất đại diện của Chính phủ bù nhìn Bảo Đại ra khỏi tổ chức quốc tế này.
Trong năm 1951, đế quốc Mỹ cùng các nước đồng minh triệu tập Hội nghị ở San Francisco để ký “hòa ước riêng” với Nhật Bản. Mỹ và Pháp vận động bù nhìn Bảo Đại đưa đại biểu đi dự hội nghị này với danh nghĩa thay mặt cho Việt Nam -
một nước từng bị quân phát xít Nhật chiếm đóng và thiệt hại nhiều trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngày 4-9-1951, Bộ Ngoại giao ta ra tuyên bố kịch liệt lên án hành động này và vạch rõ, Bảo Đại không có quyền thay mặt cho nhân dân Việt Nam để ký bất cứ hiệp ước gì với nước ngoài và tuyên bố chữ ký của y là hoàn toàn vô giá trị. Dư luận Trung Quốc, Liên Xô và các nước anh em đã ủng hộ mạnh mẽ lời tuyên bố của Chính phủ ta.
Tháng 9-1952, đế quốc Pháp - Mỹ vận động cho Bảo Đại gia nhập Liên hiệp quốc. Năm 1952, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một lần nữa gửi đơn tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khẳng định địa vị pháp lý của ta và đề nghị xin gia nhập tổ chức quốc tế này.
Trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 19-9-1952, đại biểu Liên Xô đã nhiệt liệt ủng hộ đơn xin gia nhập của Việt Nam và đả kích mạnh mẽ đế quốc Pháp - Mỹ và bọn bù nhìn.
Tại Hội đồng Bảo an, đồng chí Yakov Malik (Yacốp Malíc) - đại biểu Liên Xô tuyên bố: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là phản ánh cho nguyện vọng lâu đời, ý chí và quyền lợi tối cao của nhân dân Việt Nam đòi hỏi tự do, độc lập và được giải phóng khỏi ách thống trị và áp bức thực dân ngoại quốc; Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ hợp pháp duy nhất ở Việt Nam - chính phủ đó sẵn sàng cam kết thực hiện những nghĩa vụ đề ra trong bản Hiến chương Liên hợp quốc.
Đồng chí Yakov Malik vạch rõ, nếu các chế độ bù nhìn ở Đông Dương do Mỹ - Pháp dựng lên được nhận vào Liên hợp quốc, thì đó thật là điều sỉ nhục đối với tinh thần dân tộc của nhân dân các nước Đông Dương đang đấu tranh anh dũng giành tự do và độc lập quốc gia. Đó sẽ là một hành động quốc tế hoàn toàn phi nghĩa. Đồng chí còn nêu rõ, sở dĩ từ tháng 11-1948 đến nay, đơn xin gia nhập Liên hợp quốc của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị dìm đi là do âm mưu của Chính phủ Pháp và Chính phủ Mỹ “từ lâu đã có liên quan đến cuộc chiến tranh chống nhân dân Việt Nam” và hiện nay “đang đóng một vai trò chính trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam” [60, tr. 12].
Sau những lời tuyên bố ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại biểu Liên Xô bỏ phiếu chống việc kết nạp Chính phủ bù Bảo Đại nhìn vào Liên hợp quốc và đề nghị kết nạp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm hội viên Liên hợp quốc. Đối lập với Liên Xô, các đại diện của Pháp, Mỹ, Anh một lần nữa phủ quyết đơn xin gia nhập Liên hợp quốc của Chính phủ Hồ Chí Minh vì lợi ích của chính phủ họ.
Tuy Việt Nam không thể thuận lợi gia nhập Liên hợp quốc, song sự phối hợp giữa hai Chính phủ Việt Nam - Liên Xô đã có hiệu quả. Đế quốc Mỹ và đồng minh đã thất bại trong mưu đồ gây dựng địa vị quốc tế cho Chính phủ bù nhìn Bảo Đại.
Ngoài sự ủng hộ về chính trị, ngoại giao, Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân còn giúp đỡ Việt Nam một khối lượng lớn vật chất, trang thiết bị.
Sau chuyến đi thăm Trung Quốc, Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những yêu cầu của Việt Nam đã được đáp ứng trong điều kiện bạn có thể được. Nhiều mặt hàng chiến lược về kinh tế, quân sự, văn hóa đã kịp thời chuyển sang Việt Nam.
Từ Thu - đông năm 1950, quân đội ta bắt đầu mở những chiến dịch phản công lớn trên chiến trường, chấm dứt giai đoạn cầm cự, chuyển sang giai đoạn tổng phản công giành thắng lợi cuối cùng. Bên cạnh chỗ dựa là kinh tế kháng chiến, viện trợ của các nước, nhất là Trung Quốc là nguồn cung cấp quan trọng cho chiến dịch. Theo thỏa thuận từ trước với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi gặp gỡ chính thức đầu tháng 2-1950, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, một số xe vận tải Môlôtôva và thuốc men các loại.
Theo sự thỏa thuận giữa hai nước Xô - Trung, Trung Quốc vẫn đóng vai trò chủ yếu giúp đỡ cách mạng nước ta vì sự gần gũi về địa lý1. Nước Trung Hoa được giải phóng không lâu, Chính phủ và nhân dân Trung Hoa còn nhiều khó khăn nhưng vẫn dành cho nhân dân ta sự ưu ái, giúp đỡ kịp thời và hiệu quả. Chỉ tính riêng Chiến dịch Biên giới năm 1950 nhằm phá vỡ phòng tuyến của địch, khai thông biên giới với Việt - Trung, mở đường Việt Nam ra với thế giới, viện trợ của