Kể từ ngày toàn quốc kháng chiến, sau ba năm chiến đấu theo đường lối tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, nhân dân Việt Nam đã vượt qua giai
đoạn hiểm nghèo; lực lượng kháng chiến đã phát triển và lớn mạnh giành được nhiều thắng lợi lớn. Công tác xây dựng hậu phương chiến tranh nhân dân cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Với chủ trương tự lực cánh sinh, ta đã tự cung tự cấp, bảo đảm yêu cầu thiết yếu của đời sống sinh hoạt, sản xuất và phục vụ kháng chiến. Nói chung, những năm qua, lực lượng kháng chiến của ta đã trưởng thành về nhiều mặt. Về quân sự, sau chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947, từ năm 1948 đến giữa năm 1949, nhờ có đường lối kháng chiến đúng đắn, ta thu được nhiều thắng lợi, đưa quân và dân ta chuyển dần từ thế phòng ngự đơn thuần sang thế chủ động tiến công. Về cơ bản, ta làm thất bại các mưu đồ quân sự của đối phương, đẩy quân đội viễn chinh Pháp chẳng những thất bại trong mưu đồ đánh nhanh thắng nhanh, biến hậu phương địch thành tiền tuyến của ta, đẩy quân Pháp vào thế bị động trên khắp các chiến trường.
Bước vào năm 1950, tình hình có những chuyển biến quan trọng. Cách mạng Trung Quốc thành. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những sự kiện đó làm cho thế của ta thêm mạnh.
Thực dân Pháp ngày càng lúng túng và suy nhược. Đế quốc Mỹ, sau thất bại ở Trung Hoa, ra sức giúp đỡ thực dân Pháp, can thiệp thẳng vào Đông Dương.
Trước tình hình đó, với ý định tranh thủ giành một thắng lợi lớn về quân sự, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, tháng 1-1950, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc lần thứ ba. Sau khi đánh giá tình hình trong nước và thế giới, Hội nghị vạch rõ: “… cần phải nhân đà tiến bộ của bản thân ta, dựa vào sức giúp đỡ của các lực lượng bạn, lợi dụng sự lúng túng của địch, trước mưu mô của đế quốc Mỹ - Anh, mà gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công trong năm 1950 này” [27, tr. 199].
Tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới, nhằm “tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch”. “Mở đường giao thông quan trọng với Trung Quốc và thế giới dân chủ, đại hậu phương của ta”. “Mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc” [121, tr. 227].
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị, chiến dịch này “chỉ cho đánh thắng, không cho đánh bại” [121, tr. 227].
Đầu tháng 9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận, để giúp đỡ Bộ Chỉ huy chiến dịch và động viên tinh thần bộ đội. Với bộ quân phục, Chủ tịch Hồ Chí Minh trèo đèo, lội suối cùng bộ đội và dân quân đi chiến dịch. Sự kiện Bác Hồ kính yêu ra mặt trận gây xúc động mạnh trong lòng cán bộ và chiến sĩ. Bác ra trận là biểu hiện ý chí quyết thắng cao nhất của Đảng và toàn dân, toàn quân ta.
Khắp mặt trận nô nức lập công, phấn khởi tin tưởng vào thắng lợi.
Ngày 16-9-1950, tiếng súng mở đầu chiến dịch đã nổ. Trận then chốt mở màn chiến dịch đánh vào cứ điểm Đông Khê thắng lợi sau 54 giờ chiến đấu gay go, quyết liệt, đã tạo điều thuận lợi cho sự phát triển của chiến dịch.
Sau khi quân ta chiếm hoàn toàn Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Bộ Chỉ huy chiến dịch: “Có thể địch sẽ giành lại Đông Khê để giữ Cao Bằng, hoặc phải đánh lên để đón quân Cao Bằng rút lui”. Người vạch rõ ý đồ tác chiến của ta là “nhử thú vào tròng” để “khép vòng lưới thép” tiêu diệt chúng [121, tr. 232].
Người cũng viết thư gửi các chiến sĩ bị thương trong mặt trận Đông Khê động viên, khen ngợi tinh thần chiến đấu của họ. Lời thư có đoạn: “Chính phủ, đồng bào đều nhớ ơn các chú. Tôi gửi lời khen ngợi các chú và chúc các chú mau lành mạnh để trở lại hàng ngũ tiếp tục chiến đấu giết giặc” [66, tr. 96].
Đông Khê mất, Cao Bằng bị cô lập. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng theo đường số 4, đồng thời triển khai kế hoạch đưa một binh đoàn do Le Pages (Lơ Pagiơ) chỉ huy, tiến lên chiếm lại Đông Khê để đón binh đoàn ở Cao Bằng do Charton (Sactông) chỉ huy và mở cuộc hành quân lớn lên Thái Nguyên nhằm thu hút lực lượng của quân đội ta. Sau một thời gian vừa chuẩn bị, vừa thăm dò ý định của quân đội ta, ngày 30- 9-1950 địch cho binh đoàn Le Pages tiến lên Đông Khê. Quân của Charton ở Cao Bằng cũng bắt đầu rút về. Bộ Chỉ huy mặt trận đã tập trung lực lượng tiêu diệt từng cánh quân địch, diệt quân của Le Page rồi diệt quân của Charton.
Qua 8 ngày đêm chiến đấu ác liệt tại khu núi Cốc Xá và khu đồi 477 ở phía Tây Đông Khê, bằng chiến thuật vận động, quân đội ta đã đánh tan, bắt gọn toàn
bộ quân địch, trong đó có cả Charton và Le Page. Hoảng sợ, quân địch trên tuyến đường số 4 phải rút chạy khỏi Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Lộc Bình, Đình Lập, An Châu về sát Tiên Yên thuộc khu duyên hải. Sau 29 ngày đêm chiến đấu, chiến dịch Biên giới đã kết thúc thắng lợi.
Nhân dịp chiến thắng Biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn và khen ngợi đồng bào Cao - Bắc - Lạng. Người nhấn mạnh: “Chúng ta đã thắng to trong chiến dịch Cao - Bắc - Lạng. Có cuộc thắng lợi đó là vì đồng bào ba tỉnh ta rất hăng hái tham gia kháng chiến. Vì bộ đội ta rất dũng cảm. Vì Chính phủ ta rất kiên quyết. Vì quân, dân, chính của ta đoàn kết chặt chẽ” [66, tr. 104].
Với Chiến dịch Biên giới, quân ta đã diệt và bắt sống hơn 8.000 tên địch, trong đó có 8 tiểu đoàn bị diệt gọn, giải phóng 5 thị xã, 12 thị trấn, nhiều vùng đất đai quan trọng của Tổ quốc trên một dải biên giới dài 750 km, gồm 35 vạn dân. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng. Đất nước được nối liền với hậu phương các nước xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi đó đã giáng một đòn choáng váng vào ý đồ xâm lược của địch, thúc giục nhân dân Pháp đấu tranh phản đối chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, đẩy địch ngày càng lún sâu vào thế bị động về chiến lược. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã tạo ra một chuyển biến cơ bản cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đưa kháng chiến bước vào giai đoạn mới - giai đoạn quân đội ta nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, chủ động tiến công và phản công ngày càng lớn.
Sự biến chuyển nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới với những thời cơ cũng như thách thức là cơ sở của chủ trương đối ngoại và vận động quốc tế thời kỳ mới của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh.