“Giúp đỡ bạn cũng chính là giúp đỡ ta”, xây dựng tình đoàn kết chiến đấu giữa các nước láng giềng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). (Trang 45 - 50)

chiến đấu giữa các nước láng giềng

* Xây dựng liên minh Việt - Miên - Lào

Sự giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân ba nước Việt - Miên - Lào là nghĩa vụ quốc tế của mỗi nước. Bởi ba dân tộc cùng chung một kẻ thù là thực dân Pháp,

cùng có mục đích chung là giành độc lập, tự do cho Tổ quốc mình, lại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương; hơn nữa ba nước vốn sinh tụ lâu đời trên bán đảo Đông Dương, nên có quan hệ mật thiết với nhau không chỉ về kinh tế mà cả chính trị, quân sự. Chính vì vậy, liên minh chiến đấu của ba nước là nhân tố đảm bảo thành công của sự nghiệp cách mạng chung.

Sau khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh trên toàn lãnh thổ Đông Dương, cuộc chiến đấu của nhân dân ba nước gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chủ trương tăng cường các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào và Campuchia xây dựng các căn cứ địa làm chỗ đứng chân vững chắc cho lực lượng cách mạng bạn và xây dựng, phát triển cơ sở Đảng.

Những trận đánh thắng lợi vào quân Pháp lúc mới mở đầu chiến sự như Sầm Tớ, Na pé (9-1945), Sê Pôn (10-1945), Tha Khẹt (3-1946), Xiêm Riệp (12-1946)... là những biểu hiện tốt đẹp và thể nghiệm thành công bước đầu của chủ trương liên minh chiến đấu giữa ba nước vì độc lập, tự do.

Tháng 2-1947, theo chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, Ủy ban giải phóng Việt - Miên - Lào được thành lập. Đây là hình thức tổ chức liên minh đầu tiên giữa ba dân tộc nhằm mục đích cùng hợp tác theo đuổi đến cùng cuộc chiến đấu chung chống đế quốc và thực dân Pháp. Sau khi Ủy ban nói trên được thành lập, Chủ tịch Chính phủ Cao Miên giải phóng gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ lòng tin tưởng vào sự thắng lợi cuối cùng và kêu gọi sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam. Trong bức thư trả lời ngày 12-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiệt liệt hoan nghênh việc thành lập Ủy ban giải phóng Việt - Miên - Lào và khẳng định một niềm tin tất thắng: “... các dân tộc ta đã sẵn có một tinh thần đấu tranh cao, lại gắng đi tới một sự cộng tác chặt chẽ, thì thắng lợi thế nào cũng thuộc về ta, chúng ta nhất định sẽ giành được độc lập” [65, tr. 47].

Đánh giá cao vị trí chiến trường Campuchia đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng rất quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ và phối hợp chiến đấu giữa nhân dân hai nước. Đầu tháng 2-1948, trong buổi làm việc với đoàn cán bộ Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu phái đoàn báo cáo về những chủ trương và hoạt động cụ thể của Xứ ủy

Nam Bộ để phối hợp với lực lượng kháng chiến Campuchia. Người nhắc nhở các đồng chí Nam Bộ cần giúp đỡ lực lượng kháng chiến bạn, đẩy mạnh hoạt động hơn nữa để hỗ trợ chiến trường Nam Bộ.

Trong những năm 1948-1949, theo sự chỉ thị của Xứ ủy Nam Bộ, nhiều đoàn cán bộ dân vận và các đơn vị vũ trang đã được phái sang Campuchia phối hợp cùng bạn xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển lực lượng và phối hợp chiến đấu. Cuối năm 1949, phong trào đã phát triển rộng khắp trong các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam và Tây Nam Campuchia; căn cứ quân sự được mở rộng và Ủy ban dân tộc giải phóng ra đời do đồng chí Sơn Ngọc Minh đứng đầu lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Phong trào từng bước phát triển xuống vùng đồng bằng, buộc Pháp phải điều quân 6.000 quân từ Nam Bộ sang đối phó. Chúng buộc phải đóng thêm hàng loạt các đồn bốt dọc biên giới Campuchia - Việt Nam hòng ngăn chặn sự phối hợp chiến đấu giữa lực lượng cách mạng hai nước.

Đối với Lào, trên tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, thực hiện cam kết với Chính phủ kháng chiến Lào, từ đầu năm 1947, Chính phủ ta đã gửi quân tình nguyện phối hợp chiến đấu với quân và dân Lào mở mặt trận phía Tây. Từ sau chiến thắng Việt Bắc Thu đông năm 1947, với chủ trương “Tây tiến”, chúng ta lần lượt cử các đơn vị đại đội, trung đoàn, tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang bám trụ trên đất bạn để chiến đấu và làm nghĩa vụ quốc tế, cùng bạn xây dựng căn cứ, mở rộng khu giải phóng.

Các mặt trận liên minh chiến đấu hỗn hợp trên ba nước: Liên khu X với Thượng Lào, Liên khu IV với Trung Lào, Liên khu V với Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, Nam Bộ với Đông và Tây Bắc Campuchia từng bước hình thành và phát triển. Sự hình thành các mặt trận liên minh đoàn kết chiến đấu giữa ba nước có tác dụng rất to lớn về mặt chiến lược. Nó đã thay đổi hình thái chiến trường, bố trí lực lượng trong chiến tranh, do đó làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của địch, buộc chúng lâm vào thế bị động đối phó trên chiến trường.

Một sự kiện có ý nghĩa quan trọng với cách mạng ba nước là Hội nghị Cán bộ công tác Miên - Lào do Trung ương Đảng triệu tập (ngày 15-2-1949) đã đề ra

bốn phương thức để thúc đẩy tình đoàn kết chiến đấu Việt - Miên - Lào chống kẻ thù chung. Đó là:

“a) Không đứng trên lợi ích Việt Nam mà làm công tác Lào - Miên;

b) Nắm chắc nguyên tắc dân tộc tự quyết, phải do Lào - Miên tự quyết định lấy; c) Không đem chủ trương, chính sách, nguyên tắc Việt Nam ứng dụng vào Lào - Miên như lắp máy;

d) Cần giúp đỡ Lào - Miên để bạn tự làm lấy” [3, tr. 384].

Sự phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau giữa ba nước Đông Dương trong kháng chiến chống Pháp phát triển từ đó và thu được nhiều thắng lợi.

* Phối hợp chiến đấu với quân giải phóng Trung Quốc

Trung Quốc và Việt Nam là hai nước liền kề nhau về biên giới, có quan hệ với nhau về mọi phương diện văn hóa, chính trị, kinh tế. Nay quan hệ ấy lại càng mật thiết hơn khi cả hai nước cùng gánh vác chung một lý tưởng đấu tranh vì độc lập, tự do. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là mối quan hệ tương hỗ, tương trợ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nước Việt Nam được thắng lợi trong sự độc lập, thì sự thắng lợi ấy sẽ là một điều lợi cho Trung Hoa. Trung Hoa và Việt Nam có chung với nhau một biên giới rộng mấy ngàn dặm. Nay Việt Nam không phải là một thuộc địa của Pháp nữa, nước Trung Hoa sẽ bớt đi một lo ngại về miền Nam, vì trong dự định của một vài chính khách Pháp (như P. Đume chẳng hạn), thì bọn thực dân Pháp vẫn ngấm ngầm định nhòm ngó mấy tỉnh trù phú miền Nam Trung Hoa như Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây”. Từ đó, Người khẳng định: “Trung Hoa và Việt Nam có quan hệ như răng với môi vậy”. Do đó, chính sách của Việt Nam đối với Trung Hoa tóm lại là phải thân thiện [64, tr. 72-73]. Bên cạnh đó, Người cũng khẳng định, thắng lợi của quân và dân Trung Quốc “sẽ có kết quả về mặt tinh thần” rất lớn đối với Việt Nam.

Các tư liệu lịch sử cho thấy, trước khi cách mạng Trung Quốc thành công, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải tập trung lực lượng để giành thắng lợi trong cuộc nội chiến chống Tưởng Giới Thạch nên chưa có điều kiện giúp cuộc kháng chiến của ta. Song, thực dân Pháp phản động đã tung tin về sự hợp tác giữa quân giải phóng Việt Nam và quân giải phóng Trung Quốc ở biên giới Bắc Bộ để che đậy

cho những thất bại quân sự của chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua báo giới nước ngoài để làm rõ vấn đề này: “Ai cũng biết rằng quân giải phóng Trung Hoa còn cách biên giới Việt Nam hai, ba ngàn cây số. Ai cũng biết rằng từ ngày kháng chiến đến nay, quân và dân Việt Nam chỉ do lực lượng của mình mà chiến thắng quân Pháp” [65, tr. 587].

Hội nghị Cán bộ Trung ương lần thứ sáu, họp từ từ 14-1 đến 18-1-1949, khẳng định quan điểm tự lực tự cường, tương trợ lẫn nhau giữa Việt Nam - Trung Quốc: “Phong trào cách mạng nước láng giềng ta là bạn đồng minh trực tiếp của ta. Mỗi thắng lợi của cách mạng Tàu là một thắng lợi của bản thân ta và ngược lại, mỗi thắng lợi của ta là thắng lợi của nhân dân Tàu... Vì hai bên có thể giúp đỡ lẫn nhau, bù đắp cho nhau, để chiến thắng thực dân đế quốc và bù nhìn tay sai của chúng, đang cùng nhau thiết lập chế độ dân chủ mới” [26, tr. 34-35]. Hội nghị cũng khẳng định rõ lập trường quyết không ỷ lại vào quân giải phóng Trung Quốc, mà phải chống lại khuynh hướng cho rằng không cần phải đánh Pháp, quân giải phóng Trung Quốc tiến sát biên giới Việt Nam thì quân đội Pháp sẽ tự rút lui; khẳng định lập trường tự lực cánh sinh, ta tự giải phóng cho ta, trên cơ sở Việt Nam độc lập và thống nhất thật sự.

Với tinh thần giúp bạn là giúp ta, Chính phủ Hồ Chí Minh sẵn sàng giúp đỡ nước bạn khi họ cần đến ta. Vào đầu năm 1949, cách mạng Trung Quốc giành được thắng lợi to lớn, làm chủ một vùng đất rộng lớn. Quân Quốc dân Đảng đang cố dồn lực lượng bám giữ vùng Hoa Nam. Các khu giải phóng của bạn ở sát biên giới Trung - Việt gặp nhiều khó khăn. Tháng 3-1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử đại diện sang gặp Trung ương Đảng đề nghị cho quân đội sang giúp xây dựng, củng cố biên khu Việt Quế và Điền Quế, phát triển lực lượng chính trị, vũ trang, chuẩn bị chờ quân giải phóng tiến xuống phía Nam.

Theo yêu cầu của bạn, Ban Thường vụ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Bộ Tổng Tư lệnh phái một số đơn vị bộ đội sang Trung Quốc. Quân đội Việt Nam đã phối hợp với lực lượng của bạn Nam Quảng Tây (Trung Quốc) mở chiến dịch Thập vạn Đại Sơn (từ 10-6 đến 5-7-1949) tiêu diệt một bộ phận quân Tưởng Giới Thạch, giữ vững và mở rộng khu giải phóng Ung - Long - Khâm trên

đất bạn, giúp bạn chuẩn bị đón Quân giải phóng đang tiến xuống Hoa Nam sát biên giới nước ta. Hoàn thành nhiệm vụ, các đơn vị Việt Nam trở về Tổ quốc.

Ngày 1-10-1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Đầu tháng 12- 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng cách mạng Trung Quốc thành công và tỏ ý hy vọng rằng mối quan hệ anh em giữa hai dân tộc Việt - Hoa ngày càng mật thiết.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(166 trang)