Nợ trong nước và nợ nước ngoài

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nợ công bền vững kinh nghiệm quốc tế và một số gợi ý đối với việt nam (Trang 56 - 57)

2.1. Một số khái niệm có liên quan đến nợ công

2.1.2. Nợ trong nước và nợ nước ngoài

2.1.2.1. Nợ nước ngoài của quốc gia

Nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ của người cư trú của một quốc gia này với chủ thể không phải là người cư trú của quốc gia đó. Người cư trú bao gồm Chính phủ, các chủ thể thuộc Chính phủ, các chủ thể thuộc khu vực tư nhân bao gồm doanh nghiệp, các ngân hàng, các tổ chức tài chính tín dụng.

Khái niệm nợ nước ngoài của quốc gia có thể có khác biệt trên giác độ thống kê khi có sự khác nhau về định nghĩa, quy định của pháp luật của từng nước. Không có quy ước thống nhất về các quy định chi tiết này. Về cơ bản, thông thường người cư trú khi thống kê nợ có thể khác với người cư trú khi áp dụng các chính sách khác, đặc biệt là khi tính toán thống kê về thương mại, áp dụng chính sách thuế. Theo định nghĩa phổ biến thì người cư trú là các chủ thể và cá nhân có thời gian cư trú tại một quốc gia trong thời gian trên 183 ngày (6 tháng). Quy định này hiện đang áp dụng tại Việt Nam khi tính toán các cán cân đối ngoại, áp dụng chế độ thuế thực hiện theo các cam kết quốc tế về thuế (như các hiệp định song phương và khu vực về tránh đánh thuế trùng).

2.1.2.2. Nợ trong nước và nợ nước ngoài của chính phủ

Luận án này không chi tiết phân loại nợ trong nước nói chung vì không phải là yếu tố tác động đến phân tích bền vững và an toàn nợ công. Nợ trong nước của chính phủ là các khoản nợ do chính phủ phát hành tại thị trường trong nước, không phân biệt chủ thể và không phân biệt loại tiền phát hành. Chính phủ có thể phát hành nợ trong nước bằng loại tiền tệ khác với nội tệ.

Nợ nước ngoài của chính phủ là các khoản nợ Chính phủ phát hành cho các chủ thể nước ngoài. Chủ thể nước ngoài có thể là các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ các quốc gia hoặc các ngân hàng quốc tế hoặc khu vực và người nắm giữ trái phiếu quốc tế của chính phủ.

Về phạm vi tính toán nợ nước ngoài, thông thường thống kê không tính đến các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn như các khoản tín dụng hàng hóa trả chậm hoặc vay tín dụng ngắn hạn. Điều này tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia. Trong phạm vi phân tích của Luận án này, tác giả thống nhất sử dụng phân loại và thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo đó cũng không tính các khoản nợ ngắn hạn như nêu trên.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nợ công bền vững kinh nghiệm quốc tế và một số gợi ý đối với việt nam (Trang 56 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)