Thâm hụt ngân sách

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nợ công bền vững kinh nghiệm quốc tế và một số gợi ý đối với việt nam (Trang 57 - 59)

2.1. Một số khái niệm có liên quan đến nợ công

2.1.3. Thâm hụt ngân sách

Để làm rõ hơn về thâm hụt ngân sách và vai trò của nó như nhân tố chủ yếu dẫn đến nợ của Chính phủ và là bộ phận chính của nợ công, tại mục này, Luận án làm rõ các khái niệm về thâm hụt ngân sách và mối liên quan của thâm hụt hay thặng dư ngân sách với sự thay đổi quy mô nợ Chính phủ và nợ công.

2.1.3.1. Thâm hụt ngân sách

Thâm hụt ngân sách là nguồn gốc chủ yếu của nợ chính phủ và do đó là nợ công. Chính phủ vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách khi thu từ thuế, phí và các khoản thu khác của chính phủ không đủ cho chi tiêu đầu tư và chi thường xuyên. Ngoài ra, đối với một số trường hợp cụ thể của từng quốc gia, ngoài vay cho bù đắp bội chi, các chính phủ có thể còn có hoạt động vay về để cho khu vực ngoài nhà nước vay lại.

Vì mục đích phân tích tại Luận án này và cũng tương tự như trong các nghiên cứu về nợ công bền vững và phương pháp thống kê báo cáo của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), cần làm rõ thêm về khái niệm thâm hụt ngân sách. Ngoài ra, cũng cần lưu ý khi sử dụng khái niệm ngân sách và thâm hụt ngân sách bao gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương với ý nghĩa là ngân sách nhà nước các cấp. Điều này được áp dụng và chấp nhận chung ở hầu hết các nước cũng như trong các nghiên cứu.

2.1.3.2. Thâm hụt ngân sách cơ sở (PB - primary balance)

PBt = Rt - Gt

PBt: thâm hụt ngân sách cơ sở trong kỳ thống kê Rt: tổng thu ngân sách trong kỳ thống kê

Gt: tổng chi ngân sách trong kỳ thống kê trừ chi trả lãi đến hạn đối với các khoản nợ của chính phủ

Theo thông lệ chung thâm hụt ngân sách cơ sở được tính là tổng thu của ngân sách nhà nước trừ đi tổng chi ngân sách nhà nước chưa tính chi trả lãi đến hạn đối với dư nợ của chính phủ trong một kỳ thống kê, thường là một năm. Trường hợp tổng chi ngân sách chưa tính chi trả lãi lớn hơn tổng thu ngân sách trong kỳ thống kê, ngân sách có bội chi cơ sở (PBt <0); ngược lại, nếu thu ngân sách lớn hơn chi ngân sách chưa tính chi trả lãi trong kỳ thì ngân sách có bội thu cơ sở (PBt > 0).

Khi có bội chi ngân sách cơ sở thì đồng nghĩa với việc một chính phủ chắc chắn phải vay mới để bù đắp bội chi và để trả lãi vay trong cân đối ngân sách nhà nước, khiến cho giá trị tuyệt đối của nợ chính phủ tăng lên. Trường hợp có bội thu ngân sách cơ sở, tổng thu lớn hơn tổng chi, khi đó ngân sách đảm bảo nguồn để trả một phần hay toàn bộ lãi vay và cũng có thể trả nợ gốc để có điều kiện giảm quy mô nợ chính phủ và nợ công.

2.1.3.3. Thâm hụt ngân sách tổng thể

FBt = Rt - Gt - itDt-1

Trong đó:

FBt: thâm hụt ngân sách tổng thể (thâm hụt tài khóa) Rt: tổng thu ngân sách trong kỳ thống kê

Gt: tổng chi ngân sách trừ chi trả lãi đến hạn đối với các khoản nợ của chính phủ it: Lãi suất đối với dư nợ của Chính phủ

Dt-1: dư nợ kỳ trước của Chính phủ

Thâm hụt ngân sách tổng thể được tính bằng tổng thu của ngân sách nhà nước trừ tổng chi ngân sách nhà nước, bao gồm cả chi trả lãi đối với các khoản nợ của chính phủ trong kỳ thống kê. Ngân sách có thể có bội thu ngân sách cơ sở nhưng vẫn có thể có thâm hụt tài khóa. Trong trường hợp đó, thu của chính phủ không đủ bù đắp các khoản chi trong kỳ và chi trả nợ lãi trong cân đối ngân sách. Trường hợp FB > 0 ngân sách nhà nước bội thu tổng thể, đảm bảo trả nợ lãi trong cân

đối ngân sách và có cơ hội để giảm nợ gốc (có nguồn lực để trả một phần nợ gốc và không phát sinh nhu cầu vay mới cho bù đắp bội chi và cho trả nợ gốc). Ngược lại, khi FBt < 0 ngân sách nhà nước có bội chi tổng thể, phát sinh nhu cầu vay mới để bù đắp thâm hụt tài khóa, làm gia tăng giá trị tuyệt đối của tổng dư nợ của Chính phủ.

Cũng cần làm rõ, trong quy định thống kê của IMF được hầu hết các nước thành viên công nhận và thống nhất áp dụng, khoản chi trả nợ gốc không nằm trong tổng chi cân đối ngân sách. Trường hợp có bội chi cơ sở, chính phủ thực chất không có khả năng trả nợ gốc và phải vay mới để đảo nợ cũ (vay mới để trả nợ cũ).

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) nợ công bền vững kinh nghiệm quốc tế và một số gợi ý đối với việt nam (Trang 57 - 59)