3.2.1. Dân số
Tính đến hết 31/12/2018, dân số trung bình toàn huyện là 91.136 người trong đó dân số thành thị là 4.669 người (5,12%), dân số nông thôn là 86.467 người (94,88%). Tỷ lệ tăng dân số hàng năm có xu hướng giảm, năm 2014 là 8,74%; năm 2015 giảm xuống còn 8,46%; đến năm 2016 giảm còn 8,10% đến năm 2017 tăng lên 8,37%, năm 2018 giảm 8,35%.
Sự phân bố dân cư trên lãnh thổ không đồng đều. Mật độ dân số toàn huyện là 76 người/km2
, cao nhất là Thị trấn Quán Hàu với mật độ dân số là 1.411 người/km2
, thấp nhất là xã Trường Sơn 6 người/km2, 2 xã Trường Sơn và Trường Xuân có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất toàn huyện, mật độ dân số rất thấp, dao động từ 6 – 16 người/km2 [30].
3.2.2. Thu nhập
Cùng với sự phát triển chung của đất nước, đời sống nhân dân huyện Quảng Ninh trong những năm qua không ngừng được cải thiện. Năm 2010 thu nhập bình quân đầu người đạt 12,9 triệu đồng, năm 2011 tăng lên 15,8 triệu đồng, năm 2012 ước tính đạt 18,6 triệu đồng và đến năm 2017 đã đạt 33,4 triệu đồng.
Tỷ lệ hộ đói nghèo theo tiêu chuẩn giai đoạn 2016 - 2020 giảm nhanh từ 2.434 hộ với 9,14% tháng 01/2016 xuống còn 1.648 hộ với 5,875 % tháng 12/2017.
Tuy nhiên, mức thu nhập có sự chênh lệch giữa các vùng đô thị, đồng bằng ven biển và vùng núi [30].
3.2.3. Giao thông
Hệ thống giao thông đường bộ của huyện Quảng Ninh bao gồm quốc lộ 1A (20km), đường Hồ Chí Minh nhánh Đông (35km), đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dọc theo dãy núi Trường Sơn dài 55 km; 7,5 km đường tỉnh lộ 569; 45km đường
huyện; 120km đường xã, 35km đường đô thị và 357,2km đường giao thông nông thôn khác. Ngoài ra huyện còn có hệ thống giao thông đường thủy 40 km và 25km bờ biển.
Trong những năm qua giao thông huyện có những bước chuyển biến khá tích cực. Hệ thống giao thông được mở rộng và nâng cấp lên đường nhựa đến từng ngõ ngách của các xã, đến nay đã có 15/15 xã, thị trấn có đường ôtô đến UBND. Tuy nhiên, các tuyến đường huyện, xã phần lớn là đường cấp phối chất lượng thấp gây khó khăn đi lại đặc biệt là mùa mưa [30].
3.2.4. Lâm nghiệp
Công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng được triển khai đồng bộ. Các địa phương đã củng cố kiện toàn BCĐ phòng cháy chữa cháy rừng từ xã, phường xuống tận thôn xóm; lập phương án, kế hoạch thực hiện. Tiếp tục thực hiện quy hoạch quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân được tăng cường. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng nên trong năm không có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Nhìn chung, huyện Quảng Ninh có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo mô hình nông lâm kết hợp bởi điều kiện đất đai, khí hậu của huyện phù hợp với nhiều loại cây trồng; người dân tại đây đã có truyền thống, kinh nghiệm về trồng rừng; tăng thêm nguồn thu nhập góp phần cải thiện đời sống cho người dân; bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu và đường xá, giao thông thuận lợi. Bên cạnh đó công tác QLBVR ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi trọng. Tuy nhiên, do địa bàn huyện có khí hậu đặc thù thường xuyên gặp nhiều cơn bão lớn dẫn đến đổ gãy các loại cây trồng gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội, công tác QLBVR trên địa bàn huyện cũng gặp nhiều khó khăn bởi giao thông đi lại thuận lợi tạo điều kiện để lâm tặc tiếp cận các khu rừng và dễ dàng xâm hại; lực lượng công tác QLBVR mỏng, thiếu trang bị, phương tiện, chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện tập trung tại hai xã Trường Sơn và Trường Xuân nơi trình độ dân trí khá thấp, có nhiều đồng bào Công giáo nên tình hình an ninh trật tự, chính trị, xã hội tương đối nhạy cảm; tập tục làm nhà gỗ của người dân địa phương, cơ sở hạ tầng, đóng tàu thuyền phát triển nhanh dẫn đến nhu cầu gỗ rất lớn gây nên áp lực lớn cho rừng và công tác QLBVR.