Áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật thuộc lĩnh vực phát triển rừng như trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, nông lâm kết hợp. Cần nghiên cứu chọn loại cây trồng phù hợp với từng địa phương, đáp ứng được lợi ích kinh tế cũng như môi trường. Nên chọn cách trồng rừng hỗn giao để phòng cháy, thử nghiệm và ứng dụng kỹ thuật xây dựng băng xanh cản lửa và các kỹ thuật tiến bộ khác trên nguyên tắc các vùng rừng tập trung được quy hoạch hợp lý và khoa học. Nghiên cứu ứng dụng phương pháp dự báo cháy rừng theo độ ẩm của vật liệu cháy cho rừng thông. Đối với các khu rừng cần phục hồi phải tiến hành chăm sóc, phát dây leo tạo điều kiện để rừng sinh trưởng và phát triển nhanh, mặt khác làm giảm khối lượng vật liệu cháy trong rừng. Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho công tác chữa cháy rừng dần dần thay thế phương pháp thủ công hiện đang áp dụng. Nghiên cứu các vật liệu xây dựng thay thế gỗ từ rừng tự nhiên. Khuyến khích việc sử dụng các loại sản phẩm đó để từng bước thay đổi thói quen sử dụng gỗ và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ rừng tự nhiên.
Ứng dụng công nghệ thông tin, GIS, viễn thám, các phần mềm về quản lý, theo dõi diễn biến tài nguyên, thường xuyên cập nhật tình hình bảo vệ rừng. Xây dựng hệ thống cảnh báo cháy, hệ thống thông tin liên lạc chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng. Sử dụng công nghệ thông tin, internet để tuyên truyền vận động nhân dân cùng nhau bảo vệ rừng. Nghiên cứu, xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế và chương trình, mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện phù hợp với đặc điểm của địa phương.