.4Điều kiện về công nghệ

Một phần của tài liệu Vận dụng công cụ phái sinh quản trị rủi ro lãi suất tại các NHTM CP Việt Nam Luận văn thạc sĩ (Trang 78 - 83)

Ngoài các yếu tố trên ra, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin vào mọi hoạt động trên thị trường là một điều kiện hết sức quan trọng. Các giao dịch công cụ tài chính phái sinh vốn là những công cụ đòi hỏi kỹ thuật định giá phức tạp. Công nghệ hiện đại cần được nghiên cứu và đưa vào áp dụng mới có thể xử lý dữ liệu, phân tích, định giá và đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời. Sự hỗ trợ của công nghệ thông tin là không thể thiếu cho sự vận hành của các giao dịch phái sinh. Hệ thống dữ liệu là liên kết từ dữ liệu gốc và cho ra những thông tin hữu dụng đáp ứng cho việc quyết định

thực hiện giao dịch phái sinh. Hiện tại, các NHTMCP Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ trong quá trình hoạt động của mình nên đang tiến hành xây dựng cho mình lộ trình cụ thể đầu tư vào việc nghiên cứu những giải pháp công nghệ đáp ứng cho nhu cầu phát triển và ứng dụng các công cụ phái sinh trong phòng ngừa rủi ro lãi suất.

3.2.2 Về phía cơ quan quản lý

3.2.2.1 Hoàn thiện môi trường pháp lý

Để tạo môi trường pháp lý cần thiết cho việc thực hiện các nghiệp vụ phái sinh tại các NHTM, Nhà nước cần ban hành và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh và phát triển các nghiệp vụ ngân hàng. Các văn bản pháp Luật ban hành phải đảm bảo tạo ra sự cộng tác đồng bộ của các cơ quan quản lý, giám sát tiền tệ-ngân hàng, đồng thời hạn chế thấp nhất sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong hoạt động quản lý.

Về phía NHNN Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy chế có liên quan đến việc thực hiện nghiệp vụ phái sinh tại các NHTM Việt Nam. Cụ thể:

- Hạn chế can thiệp trực tiếp vào lãi suất

Lãi suất thị trường tương đối ổn định trong một thời gian dài cũng là trở lực cho việc hạn chế sử dụng các công cụ phái sinh tại các NHTMCP Việt Nam. Trong tương lai gần, NHNN cần để lãi suất thị trường vận hành theo cung, cầu trên thị trường và chỉ can thiệp ở mức độ gián tiếp, cần thiết nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Tự do hoá lãi suất chính là cách để tạo tính khách quan của thị trường và tạo nền tảng cho thị trường tài chính vận động, phát triển. Biến động lãi suất xảy ra thì tất yếu tạo điều kiện cho nhu cầu phòng ngừa rủi ro lãi suất tại các NHTM cũng như các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không ngừng tăng lên. Từ đó, việc áp dụng các công cụ phái sinh trong quản trị rủi ro lãi suất là giải pháp khả thi.

Cũng nói thêm rằng, từ giữa tháng 4/2010 NHNN đã có “động thái” để lãi suất thật sự tự do hoá, do cung cầu quyết định. Lãi suất thoả thuận từ trung, dài hạn và ngắn hạn đã là một cơ hội cạnh tranh giữa các ngân hàng và đồng thời tạo điều kiện để khách hàng, doanh nghiệp lựa chọn nguồn vốn một cách hiệu quả nhất.

- Ban hành các văn bản hướng dẫn thống nhất về nghiệp vụ phái sinh phòng ngừa rủi ro lãi suất cho các NHTM

Hiện tại, Quyết định số 62/2006/QĐ-NHNN ngày 29/12/2006 ban hành quy chế thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất. Ngoài ra, các nghiệp vụ khác liên quan đến phòng ngừa rủi ro lãi suất vẫn chưa được ban hành và hướng dẫn cụ thể như nghiệp vụ: kỳ hạn lãi suất, quyền chọn lãi suất, giao sau lãi suất…Cơ sở pháp lý được thông qua mới tạo điều kiện cho các NHTMCP và khách hàng thấu hiểu, thực thi. Như vậy, các nghiệp vụ phái sinh này mới hạn chế được rủi ro pháp lý ở mức thấp nhất. Lúc đầu NHNN có thể cho phép các ngân hàng thực hiện thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng đại trà không chỉ một vài ngân hàng mà ở hầu khắp các ngân hàng, không chỉ ở các thành phố lớn mà lan ra các tỉnh, thành của đất nước.

Điều cần lưu ý là NHNN cần quy định các NHTM và khách hàng tham gia trong các nghiệp vụ phái sinh phòng ngừa rủi ro lãi suất nên nghiên cứu và ký kết các hợp đồng khung ISDA, làm cơ sở pháp lý cho các tranh chấp sau này.

- Hoàn thiện quy chế về tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD

Tỷ lệ quy đổi rủi ro cho các hợp đồng phái sinh cần được hình thành. Theo quy định của BIS, mức rủi ro của một danh mục các hợp đồng phái sinh đối với ngân hàng gồm hai phần: rủi ro hiện tại và rủi ro tiềm năng. Rủi ro hiện tại được căn cứ vào các luồng thanh toán giữa các bên đối tác. Rủi ro tiềm năng của các hợp đồng phái sinh có tính đến xác suất mất khả năng thanh toán của các đối tác trong tương lai khi dự báo sự biến động của thị trường. Điều này lại phụ thuộc vào thời hạn và thời hạn còn lại của các hợp đồng phái sinh. Việc xác định mức rủi ro của danh mục các giao dịch phái sinh của ngân hàng là căn cứ để hình thành tỷ lệ quy đổi rủi ro đối với các giao dịch này cũng như tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cho phù hợp. Xu hướng sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro lãi suất sẽ ngày càng phổ biến trong các NHTM.

- Hoàn thiện quy chế về chế độ kế toán

Đến nay, NHNN chỉ mới ban hành chế độ kế toán nghiệp vụ phái sinh tiền tệ tại các TCTD: Quyết định số 29/2006/QĐ-NHNN ngày 10/07/2006 của Thống đốc NHNN; Công văn số 7404/NHNN-KTTC ngày 29/08/2006 của NHNN. Tiếp đến, với Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/04/2007 của Thống đốc NHNN về Chế độ báo cáo tài chính đối với các TCTD, việc công bố thông tin về công cụ tài chính phái sinh trên báo cáo tài chính của các TCTD đã

ở mức đầy đủ, chi tiết cần thiết cho những ai quan tâm. Chế độ báo cáo này gần như quán triệt tuyệt đối các chỉ tiêu cần công bố theo thông lệ quốc tế về trình bày báo cáo tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự. Đáng lưu ý là các thông tin về rủi ro lãi suất cũng được thể hiện rõ ràng trên báo cáo tài chính. Theo quy định tại khoản 1, Điều 7 của Luật kế toán về Nguyên tắc kế toán quy định các doanh nghiệp khi mua hay bán công cụ tài chính phái sinh thì ghi nhận: "Giá trị tài sản được tính theo giá gốc..." và nguyên tắc này được cụ thể hóa bằng các quy định tại Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành như: Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tuy nhiên chưa có hướng dẫn trực tiếp về xử lý kế toán, về trình bày chỉ tiêu tài chính có liên quan trên báo cáo tài chính đối với các nghiệp vụ mua, bán, giao dịch công cụ tài chính phái sinh nói chung và phái sinh về lãi suất nói riêng.

Nếu vận dụng các quy định hiện hành, quy trình xử lý kế toán tại doanh nghiệp như sau: khi doanh nghiệp mua tài sản là công cụ tài chính phái sinh, doanh nghiệp sẽ ghi nhận theo giá gốc; quá trình nắm giữ, nếu giảm giá có thể trích lập dự phòng rủi ro; khi bán hoặc tất toán công cụ tài chính phái sinh, chênh lệch giữa giá bán và giá trị đang ghi sổ kế toán, doanh nghiệp sẽ được ghi doanh thu khác, chi phí khác. Thêm vào đó, trong công tác kế toán, phần lãi, lỗ thực tế phát sinh thì được chú trọng trong khi lãi, lỗ dự kiến thì chưa được quan tâm. Việc xử lý kế toán như vậy về công cụ tài chính nói chung và công cụ tài chính phái sinh nói riêng không phù hợp với thông lệ kế toán quốc tế. Những chỉ tiêu tài chính về công cụ tài chính cần phải trình bày trên báo cáo tài chính doanh nghiệp để cung cấp thông tin cho đối tác, cho người đầu tư, cho cơ quan quản lý... cũng chưa có.

Đối với một vài TCTD đang thực hiện thí điểm mua, bán các loại công cụ tài chính phái sinh khác (ngoài phái sinh ngoại tệ), TCTD phải tự vận dụng thông lệ quốc tế cho việc ghi chép kế toán và xác định kết quả hoạt động kinh doanh.

Đặc biệt, hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam còn chưa có các chuẩn mực tương đồng với các chuẩn mực kế toán quốc tế về công cụ tài chính, đặc biệt trong đó là các Chuẩn mực IAS 39 "Các công cụ tài chính: Ghi nhận và xác định giá trị"; IAS 32 "Công cụ tài chính: Thuyết minh và trình bày thông tin"; IFRS 7 "Các công cụ tài chính: công bố".

Việc thiếu vắng các tiêu chuẩn kế toán chất lượng cao để ghi nhận, đánh giá giá trị công cụ tài chính nói chung và công cụ tài chính phái sinh nói riêng sẽ

ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định kết quả tài chính, đến quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp.

Khi các nghiệp vụ mua, bán, giao dịch về công cụ tài chính phái sinh ở quy mô lớn, khi các biến số cơ sở giao động mạnh, mức độ sai lệch của số liệu kế toán sẽ lớn và hậu quả xấu có thể không tính được đối với bản thân doanh nghiệp và sự phát triển của nền kinh tế. Vấn đề cấp bách đặt ra là hoàn thiện chế độ kế toán Việt Nam, hướng theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Giải pháp lựa chọn để hoàn thiện chế độ kế toán Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và quản trị rủi ro của doanh nghiệp; giám sát an toàn thị trường của cơ quan quản lý nhà nước là hài hòa chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế.

Bộ Tài chính cần phải sửa đổi những quy định không phù hợp của Luật Kế toán, của Chế độ kế toán doanh nghiệp đồng thời xây dựng bổ sung các chuẩn mực kế toán Việt Nam về công cụ tài chính phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế. Những nguyên tắc kế toán không trọng yếu có thể vận dụng riêng cho Việt Nam nhưng những nguyên tắc trọng yếu cần đảm bảo hoà hợp với các chuẩn mực kế toán quốc tế. Có như thế, chế độ kế toán Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi, tháo gở vướng mắc trong việc hạch toán các nghiệp vụ phái sinh.

Bên cạnh đó, lãi thu được từ việc thực hiện nghiệp vụ phái sinh cũng phải tính thuế trong khi bản chất các công cụ này là nhằm mục đích chính phòng ngừa rủi ro. Điều này chưa khuyến khích các công cụ phái sinh phát triển. Trong thời gian tới, NHNN cùng Bộ tài chính cùng phối hợp tháo gở rào cản này để việc thực hiện các nghiệp vụ phái sinh trong quản trị rủi ro lãi suất được thực thi một cách thuận tiện nhất.

- Hoàn thiện quy chế về thanh tra, giám sát

Công tác thực hiện các nghiệp vụ phái sinh tại các NHTMCP cần phải được NHNN thanh tra, giám sát. Hoạt động này nhằm mục đích kiểm soát, xem xét tính đúng đắn, hợp lý trong việc thực thi của các NHTM. Thế nên, NHNN cần sớm ban hành các quy chế hướng dẫn công tác thực hiện này để các nghiệp vụ phái sinh hoạt động theo đúng nghĩa của nó với tinh thần phòng ngừa rủi ro xảy ra, giảm thiểu rủi ro chứ không nhằm mục tiêu đầu cơ, hưởng chênh lệch giá. Công tác thanh tra phải được thực hiện định kỳ, liên tục nhằm kiểm soát tốt nhất việc vận dụng các công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro lãi suất, tránh tình trạng

đầu cơ ồ ạt với giá trị lớn gây xáo trộn thị trường. NHNN có thể quy định các giới hạn giá trị giao dịch tối đa của mỗi nghiệp vụ đối với mỗi ngân hàng nhằm ngăn chặn sự lạm dụng gây ra hậu quả xấu cho nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Vận dụng công cụ phái sinh quản trị rủi ro lãi suất tại các NHTM CP Việt Nam Luận văn thạc sĩ (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)