Các NHTMCP cần thiết lập cho mình một chương trình quản trị rủi ro lãi suất. Nội dung cơ bản của chương trình này là việc kết hợp chuyển đổi linh hoạt các quyết định kinh doanh với dự báo biến động lãi suất và sử dụng các công cụ phái sinh trong phòng ngừa rủi ro lãi suất như: hoán đổi, kỳ hạn, quyền chọn, giao sau. Chương trình này thực hiện linh hoạt và ứng phó tùy theo tình huống cụ thể
của thị trường. Bộ phận hoặc phòng quản trị rủi ro lãi suất sẽ phụ trách thực hiện theo yêu cầu của ALCO và ban tổng giám đốc.
Trong chương trình quản trị rủi ro lãi suất, các NHTMCP cần thiết xây dựng hệ thống các hạn mức và các văn bản hướng dẫn hoạt động rủi ro cho toàn hệ thống của ngân hàng.Việc quản trị rủi ro phải bắt đầu từ cấp cao nhất là hội đồng quản trị thực hiện và phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận chuyên trách như ban giám đốc, phòng quản lý rủi ro, ban kiểm toán nội bộ...
Quy trình quản trị rủi ro lãi suất bao gồm các bước:
- Nhận dạng rủi ro:
Rủi ro lãi suất có thể xuất hiện từ nhiều nguồn khác nhau, hệ thống đo lường thì đa dạng trong cách tiếp cận rủi ro. Trước nhất, phòng quản lý rủi ro cần tìm hiểu và xem xét bản chất cũng như độ phức tạp của các sản phẩm để có thể nhận dạng rõ ràng nguyên nhân của rủi ro lãi suất tồn tại. Sau đó, phòng quản lý rủi ro cần lập hệ thống đo lường rủi ro lãi suất, đánh giá tác động của rủi ro lãi suất đối với toàn bộ hoạt động của ngân hàng, nhận diện và có thể định lượng được những nguyên nhân chính gây nên rủi ro lãi suất.
- Đo lường rủi ro:
Việc nhận dạng rủi ro cần thiết phải xây dựng những phương cách có thể đo lường được những rủi ro gặp phải từ đó có thể xác định được những tác động của rủi ro lãi suất gây ra. Ban điều hành cần có cái nhìn tổng quan về rủi ro trên tất cả các mặt từ các bộ phận kinh doanh và sản phẩm kinh doanh của ngân hàng để có thể đo lường rủi ro một cách tổng quát. Hệ thống đo lường này cũng cần nêu rõ được các nguồn gây nên rủi ro như: rủi ro tái định lãi suất, rủi ro đường cong lợi nhuận, rủi ro quyền chọn...
Cũng nên lưu tâm rằng tác dụng của kỹ thuật đo lường này phụ thuộc vào thời hạn các giả định và mức độ chính xác áp dụng các phương pháp đo lường. Trong quá trình xây dựng hệ thống đo lường này, các ngân hàng cần phải đảm bảo rằng mức độ chi tiết về bản chất của các hạng mục nhạy cảm lãi suất phải tương thích với mức độ phức tạp và mức độ rủi ro ẩn trong các hạng mục này.
Một đặc tính không kém phần quan trọng trong việc đo lường rủi ro này là tính toàn diện và kịp thời của các hạng mục hiện hành. Ngân hàng cũng cần đảm bảo rằng tất cả các hạng mục đều phải được cập nhật kịp thời vào hệ thống đo lường rủi ro. Để kết quả đo lường tương đối chính xác, ban quản lý điều hành cấp cao của ngân hàng cũng cần hiểu rõ các giả định trong hệ thống cũng như các kỹ thuật mô phỏng phức tạp được áp dụng vì những điều nảy ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đo lường.
- Giám sát rủi ro:
Công tác giám sát rủi ro nhằm đảm bảo rằng tình hình quản lý rủi ro hiện tại và tiềm năng là nhất quán với mục tiêu đặt ra. Việc giám sát này được thực thi thông qua một chiến lược giám sát rõ ràng và báo cáo tình hình thực hiện rủi ro lãi suất mà ngân hàng đang đối mặt với ban điều hành, hội đồng quản trị.
- Kiểm soát rủi ro:
Việc giám sát rủi ro nội bộ của ngân hàng đảm bảo chức năng an toàn và hợp lý của quá trình quản lý rủi ro lãi suất cũng như của tổ chức. Công tác kiểm soát rủi ro là thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát sự tuân thủ các chuẩn mực và tách bạch trách nhiệm một cách hợp lý.
Quá trình kiểm soát hiệu quả bao gồm kiểm toán và cấu trúc hạn mức rủi ro. Việc kiểm toán nhằm kiểm tra lại các bước thực thi trong quy trình để có hướng xử lý kịp thời. Công tác kiểm toán bao gồm kiểm toán nội bộ thường xuyên và kiểm toán độc lập bên ngoài theo định kỳ. Hạn mức rùi ro là hạn mức cho phép việc chịu đựng của các rủi ro. Hạn mức này xây dựng dựa trên rất nhiều yếu tố như vốn, thu nhập của ngân hàng và được điều chỉnh theo từng thời kỳ.
Các NHTMCP xây dựng cho mình quy trình quản trị rủi ro lãi suất cụ thể, các bước cần tiến hành trong việc ứng phó với những rủi ro về lãi suất dự kiến xảy ra. Để có những hành động kịp thời trước những biến động khó lường của lãi suất cần thiết lập các công cụ dự báo lãi suất hiệu quả. Các công cụ đó nhằm vạch rõ xu hướng biến động của lãi suất để kịp thời có những cách phòng ngừa hiệu quả.