Ngôn ngữ nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 82 - 87)

7. Cấu trúc luận văn

3.3. Ngôn ngữ nghệ thuật

Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Không có ngôn ngữ thì không có tác phẩm văn học. M.Gorki khẳng định: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học là ngôn ngữ của đời sống, ngôn ngữ toàn dân nhưng đã được nâng lên thành ngôn ngữ nghệ thuật. Nó đòi hỏi sự trau chuốt, gọt giũa, tinh luyện của nhà văn như Maiacopxki đã nói:

Mới thu về một chữ mà thôi

Những chữ ấy làm cho rung động Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài

Việc sử dụng ngôn ngữ để phản ánh cuộc sống cũng cho thấy tài năng của người cầm bút. Để góp phần tạo nên bức tranh hiện thực đô thị đa sắc màu trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ không thể không kẻ đến tài năng sử dụng ngôn ngữ của nhà văn. Đọc các sáng tác của chị, người đọc cảm nhận được một lối văn chương mộc mạc, giản dị đời thường, vừa sắc sảo, gai góc, bên cạnh đó là một Thu Huệ đằm thắm dịu dàng với những trang văn giàu xúc cảm. Tất cả đều góp phần đem đến cho bạn đọc những xúc cảm thẩm mĩ mạnh mẽ, đồng thời góp phần tạo nên dấu ấn riêng cho phong cách nghệ thuật của nhà văn.

3.3.1. Ngôn ngữ mộc mạc đời thường, gai góc, sắc cạnh

Khác với ngôn ngữ thơ vừa hàm súc, đa nghĩa, vừa giàu hình tượng, ngôn ngữ trong truyện ngắn gần gũi đời thường, mộc mạc giản, dị gần với ngôn ngữ tự nhiên. Truyện ngắn của Thu Huệ sử dụng ngôn ngữ đời thường khá phổ biến. Đó là lời ăn tiếng nói hằng ngày, những câu văn mang tính khẩu ngữ “Vứt mẹ cái bằng đại học của cô đi, sử với chả sách. Ông giáo chủ nhiệm tôi năm lớp mười hôm nọ tôi thấy đi bán sổ số kia kìa, tôi thương hại mua cho vài bộ, thiếu nước ông ta vái sống tôi.” (Tình yêu ơi, ở đâu?). Ngôn ngữ trần trụi thậm chí có phần thô nhám ấy đã phơi bầy được bản chất thực dụng của anh trai Quyên trước cơn sốt kinh tế thị trường. Học hành, bằng cấp, chữ nghĩa sẽ không có nghĩa lí gì cả nếu con người chẳng thể kiếm tiền. Hay: “Cá chó gì. Tao chỉ tin em Hoài thôi. Anh chẳng cần cá cũng thắng bởi anh biết em quá”. Thu Huệ cũng khéo léo sử dụng ngôn ngữ đậm chất địa phương cho một cô gái thôn quê ra thành phố giúp việc: “Ấy bà biết không? Cháu “nà” có bốn đám hỏi nhưng cháu “nà” đéo ưng đám nào. Toàn “nà” đồ chó dái”; “Nàm” thử vài việc chả ra cái gì mà về quê “nại” gặp bọn chó dái. Đéo về nữa. Đéo có tiền tiêu khổ

“nắm” (Của để dành). Những thành ngữ, cách nói dân gian cũng xuất hiện nhiều trong sáng tác của chị: “ nó ăn ốc, mình đổ vỏ. Ở đời chuyện đó thường lắm” (Nước mắt đàn ông), hay “lọt sàng thì xuống đất rồi chôn luôn, không có nia nào cả” (Thời gian của mỗi người). Những câu trần thuật ngắn, câu đặc biệt cũng được sử dụng với mật độ dày đặc “Thế là đi. Như trốn. Như chạy. Như đứa con chẳng ra gì vừa về nhà thấy bố mẹ nghèo bỏ đi” (Với tay là đến).. Đặc biệt, điều thú vị là Thu Huệ đã nhanh chóng cập nhập ngôn ngữ hiện đại của nền kinh tế thị trường làm cho tác phẩm của mình mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống mới “Bên B là chùm khế ngọt, bên A trèo hái mỗi ngày” (Nước mắt đàn

ông). Cũng bằng cách viết này chị đã đưa các nhân vật của mình đến gần hơn

với thực tế đời sống. Chân dung con người đô thị hiện lên sống động, chân thực mà chúng ta đễ dàng bắt gặp đâu đó ngay giữa cuộc đời. Chính những yếu tố ngôn ngữ ấy làm cho tác phẩm của Thu Huệ xích lại gần hơn với bạn đọc, đồng thời phản ánh được những chuyển biến trong tư duy ngôn ngữ của con người thời đổi mới.

Bên cạnh đó phải kể đến là khả năng sử dụng ngôn từ vô cùng sắc sảo, gai góc của tác giả. Sự từng trải, vốn hiểu biết sâu rộng về đời sống xã hội con người cùng tài năng vốn có giúp nhà văn có những nhận xét những câu văn ngắn gọn mà như điểm đúng huyệt nói lên được thần thái, tính cách của nhân vật. Xưa kia, Nguyễn Du chỉ với một câu thơ: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng” mà đã vạch mặt bản chất tráo trở, lưu manh của Mã Giám Sinh thì nay cũng với cách sử dụng ngôn ngữ tài tình, sắc sảo Nguyễn Thị Thu Huệ đã lột tả được bản chất của con người đô thị. Bản chất của Hoài “thớt trơ” được miêu tả qua những từ ngữ sắc sảo: “Hoài tiếp tục rít, càng sau càng ngon lành ngọt ngào. Mặt Hoài như có sương phủ, mơ màng một vẻ đàng điếm đĩ thõa” (Xin hãy tin em). Chỉ với

một vài câu văn ngắn Thu Huệ đã lột tả được sự ăn chơi, buông thả, đàng điếm của Hoài. Ngôn ngữ sắc sảo của nhà văn còn thể hiện ở việc nhà văn nói lên những suy nghĩ mà ít người dám nói bằng những từ ngữ có phần mạnh bạo: “

Đàn ông là thế nào? Biết đánh nhau, biết chửi thề, hay biết giúp đỡ người khác? Thế nào để biết một thằng giống đực là đàn ông hay không đàn ông?” (X-Men

có mùi trường đua)…

Như vậy, khi miêu tả con người cũng như bức tranh đời sống đô thị, Thu Huệ sử dụng khá dày đặc chất liệu ngôn ngữ tự nhiên. Đó là ngôn ngữ xuất phát từ lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân. Nhưng sự thông minh, khôn khéo và tài năng của nhà văn là sử dụng chất liệu ấy một cách đúng lúc, đúng chỗ làm cho chân dung, cuộc sống con người đô thị hiện lên sinh động chân thực.

3.3.2. Ngôn ngữ đằm thắm, dịu dàng

Bên cạnh một Thu Huệ sắc sảo, gai góc là một Thu Huệ đằm thắm dịu dàng, giàu chất thơ để hướng vào thế giới nội tâm con người hoặc miêu tả những bức tranh thiên nhiên trữ tình thơ mộng.

Những tình cảm yêu thương ngọt ngào, những buồn vui, cay đắng, bi kịch đổ vỡ, những khao khát và cả những hy vọng, tin yêu… trong thế giới nội tâm con người đô thị được Thu Huệ chạm khắc bằng một thứ ngôn ngữ dịu dàng giàu xúc cảm. Là một người mẹ Thu Huệ đã có nhiều trang văn thực sự xúc động thấm đẫm tình mẫu tử:“Chị đứng ở cửa vào.Thằng anh đeo ba lô đứng bên cạnh. Anh đứng đối diện chị, bế trên tay thằng em đang díp mắt buồn ngủ. Tay cầm chặt chiếc máy bay. Chị cúi lại gần thằng bé. Rúc khuôn mặt đầy nước mắt vào cổ, hít một hơi dài như muốn nuốt mùi da thịt thơm tho của nó vào lòng(…) Chị cúi mặt. Cắn chặt môi. Bất giác chị đưa tay ra nắm lấy tay anh đang bóp chặt. " Xin lỗi anh. Xin lỗi con trai của mẹ..." (Tân Cảng). Đó là nỗi đau đớn pha cả chút hối ận của người mẹ khi phải xa đưa con trai bé bỏng của mình. Bởi chính sự ích kỉ của bản thân, chị đã làm tổn thương trái tim của các con. Cả những rung động đầu đời, những cảm xúc yêu đương ngọt ngào cũng được Thu Huệ miêu tả bằng một cách tinh tế: “Mối tình đầu tiên. Thoáng va chạm, run rẩy đầu tiên. Tất cả tôi gửi gắm nơi anh”; “Người con gái đến tuổi

dậy thì có những đụng chạm đầu tiên với một người đàn ông thường bị xúc động ghê gớm” (Biển ấm). Hay niềm hạnh phúc ngập tràn của cô gái đang yêu và được yêu: “Cả đất trời bao la đầy ánh sáng này. Không có anh sẽ thành vô nghĩa. Có anh. Trăng trở nên thần thánh… Tôi yêu cuộc sống này. Yêu đêm nay quá” (Còn lại một vầng trăng). Với ngôn ngữ đằm thắm trữ tình, Thu Huệ đã miêu tả tất thảy những biến thái tinh vi, những xúc cảm tinh tế trong tâm hồn con người.

Đặc biệt, với ngôn ngữ dịu dàng đằm thắm, thiên nhiên trong nhiều truyện ngắn của chị hiện lên thật thơ mộng trữ tình. Trong Dĩ vãng, tâm hồn của nhân vật Linh đã có lúc rung lên xúc động trước cảnh đẹp khu vườn của ông Xung, thủ trưởng cũ: “Bốn góc vườn là bốn cái cột điện. Ánh sáng vàng vàng tỏa tràn lan trên các lối đi, vườn hoa, tán lá. Đúng là thần tiên. Tôi bỗng run lên vì xúc động”. Hay khung cảnh của một đêm trăng tuyệt mĩ “Đêm nay. Trăng mười sáu. Tròn trĩnh và trinh nguyên, vàng rực tưới ánh sáng xuống nước như thể lần đầu hiển hiện trên đời.” (Cát đợi) “Trăng lên cao và vàng rực góc trời. Ánh sáng vàng chảy như lụa từ trên trời cao mênh mông gió trải xuống mặt hồ (Mùa thu vàng rực rỡ). Đó là khung cảnh êm đềm thơ mộng của thành phố biển:“Thành phố Tuy Hòa nhỏ nhắn, êm đềm quanh năm vỗ sóng. Thắng thuê phòng nghỉ sát bên bờ biển, dưới tán xanh mát rượu của một rừng dừa và phi lao. Làng xóm yên bình. Con người hiền hậu” (Một nửa cuộc đời)… Ẩn sau đó

người đọc cảm nhận được tấm lòng tinh tế, nhạy cảm yêu thiên nhiên, cuộc sống của nhà văn. Sau cái ồn ào, bụi bặm của của sống đô thành con người vẫn luôn kháo khát được trở về với thiên nhiên, sống chan hòa với tự nhiên.

Nhịp sống đô thị xô bồ bon chen ồn ã đôi khi làm cho con người trở nên chai lì cảm xúc. Con người ngày càng quan tâm đến những thực đơn vật chất, chạy theo vòng xoáy của tiền tài danh vọng, chăm lo cho những nhu cầu vật chất xa hoa nhiều hơn. Cùng với đó là sự thờ ơ, vô cảm, bàng quan với cuộc sống, con người xung quanh. Chính những trang văn dịu dàng, đằm thắm thấm đượm

tình người, tình yêu với thiên nhiên, cuộc sống của Thu Huệ đã đánh thức những xúc cảm nhân văn trong tâm hồn con người. Giống như dòng nước trong trẻo mát lành chất thơ ấy làm cho cuộc sống cân bằng hơn trong xã hội bụi bặm hôm nay: Bởi văn chương chính là thứ khí giới thanh ca, đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm phong phú và trong sạch hơn”(Thạch Lam).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)