Miêu tả nhân vật qua hành động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 63 - 65)

7. Cấu trúc luận văn

3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.1.2. Miêu tả nhân vật qua hành động

Hành động nhân vật là phương diện đặc biệt quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật vì việc làm của mỗi người là căn cứ quan trọng có ý nghĩa quyết định nói lên tư cách, lí tưởng, phẩm chất cũng như những đặc điểm thuộc về thế giới tinh thần của người đó. Hơn nữa, trong các tác phẩm tự sự, tính cách nhân vật không phải ngay từ đầu đã được hình thành trọn vẹn. Chính hành động có tác dụng bộc lộ quá trình phát triển của tính cách và thúc đẩy sự diễn biến của hệ thống cốt truyện. Thông qua các mối quan hệ, sự đối xử giữa các nhân vật trong những tình huống khác nhau, người đọc có thể xác định được những đặc điểm, bản chất của nhân vật.

Nguyễn Thị Thu Huệ có biệt tài khiến nhân vật tỏa sáng hoặc tắt lịm hoàn toàn thông qua một hành động điển hình. Hoài trong Xin hãy tin em là một nhân vật như thế. Hoài vốn là cô gái bản tính lại ngang tàng, mạnh mẽ, được mệnh danh là một “cao thủ” có thể “uống hàng lít rượu trắng không say, hút thuốc lào không mệt mỏi, nhảy đầm thâu đêm và đánh đu được với những người đàn ông chịu được cô”. Cô nổi tiếng khắp trường và còn lan ra cả khu vực xung quanh. Khi yêu Thắng, một kĩ sư điện, Hoài đã cố gắng thay đổi hẳn trở thành một người con gái ngoan hiền. Nhưng chính trong buổi sinh nhật của mẹ người yêu, Hoài đã không kiểm soát được hành vi của mình: “Hoài lắc lắc, uốn éo mông và run rẩy thân hình…người Hoài giật đùng đùng, tóc cô rũ rượi, tay chân vung vẩy…như một cô gái điếm rẻ tiền thỉnh thoảng đến các vũ trường nhử khách…”. Hành động ấy đã tố cáo bản chất ăn chơi, sa đọa của Hoài, khiến cả người yêu và gia đình anh sốc nặng. Còn trong Tình yêu ơi, ở đâu?bản chất gia trưởng, vũ phu và ích kỉ người yêu thứ hai của Quyên cũng được vạch trần qua những hành động của hắn. Khi Quyên khoe những tấm ảnh chụp thời sinh viên hắn đã nổi

điên lên, ghen tuông mù quáng, thậm chí hắn xúc phạm Quyên, giang tay tát Quyên, lấy tất cả những món đồ hắn đã tặng cô đập tan, xé nát. Hành động thô bạo thiếu văn hóa ấy cũng xé toang vẻ ngoài có học thức, lột trần bản chất con người vô liêm sỉ của hắn. Hay Hải trong Một nửa cuộc đời là một người chồng chu đáo, yêu thương vợ con, hết lòng vì gia đình. Phẩm chất tốt đẹp của người đàn ông ấy được thể hiện qua hàng loạt những hành động, cử chỉ ân cần, chăm sóc yêu thương anh dành cho vợ và con gái. Sự giả dối của cô con dâu trưởng trong Không thể kết thúc lại được bóc trần qua hành động đánh tráo chiếc bình cổ.... Như vậy tính cách nhân vật được bộc lộ qua những hành động, cử chỉ của nhân vật trong quan hệ với nhân vật khác, ở những tình huống khác nhau.

Không chỉ góp phần thể hiện tính cách, phẩm chất, hành động cũng là một phương diện quan thể hiện thế giới nội tâm nhân vật. Thông qua những hành động, cử chỉ bên ngoài, người đọc cảm nhận được những tâm trạng phức tạp của con người. Đó là tâm trạng đau đớn của hai anh em khi phải xa nhau trong Tân

Cảng. Những đau đớn, tuyệt vọng của cậu bé khi phải lên máy bay rời xa em

trai được diễn tả qua hàng loạt những hành động: “Nó đi vào giữa hai hàng ghế. Chăm chăm đếm như không cần biết có ai bên mình. Một. Hai. Ba. Bốn. Và năm. Nó dừng lại. Bên ô cửa sổ..Thằng anh cứ đứng ở hàng thứ 5 như bị thôi miên bởi ông béo bụng(..). Thằng anh nhìn mẹ mắt đầy nước.Nó lắc đầu tuyệt vọng. " Dưới này cơ mà con". Chị lại gọi. Nó vẫn lắc đầu, nhìn người đàn ông đầy vẻ kinh hãi. Rồi chị nhìn. Nói " Con hẹn với em là ngồi ở đây. Ô cửa số 5(..). Thằng anh vẫn lắc đầu. Nó nhìn mẹ bằng đôi mắt mở to chưa từng thấy bao giờ. Rồi lại nhìn qua ô cửa đã bị lão béo kéo sập tấm chắn nắng xuống và đang nhắm mắt ngủ. Thằng anh chồm người qua mọt người khách bên ngoài. Chồm qua lãi béo. Đấm như điên vào ô cửa tròn đã đóng(...)Thằng anh vừa đấm vào ô cửa, vừa hét trong những giọt nước mắt: " Bé ơi, có thấy anh không. Anh đang ở đây này". Cònsự dửng dưng, lạnh lùng vô cảm của bác tài được thể hiện qua những hành động: “bác tài nào cũng như người máy, thành thạo vài động

tác đơn giản, chính xác, lịch sự. Khách quẹt thẻ, im lặng tự vào chỗ ngồi. Khách trả tiền mặt, bác nhìn thẳng, tay chìa đưa vé, nhận tiền bỏ vào cái hộp nhỏ bên cạnh. ” (Thành phố đi vắng). Con người giống như những con rô bốt thành thạo những động tác nhưng không bao giờ biểu lộ xúc cảm, không buồn, không vui, không gắn kết yêu thương.

Như vậy những hành động việc làm của nhân vật không chỉ góp phần tạo kịch tính cho câu chuyện, thúc đẩy cốt truyện phát triển mà thông qua đó nhà văn còn tái hiện chân dung tinh thần, cuộc đời, số phận của các nhân vật. Cũng thông qua những hành động, việc làm đó, bạn đọc cảm nhận được thói quen sinh hoạt, nếp sống của con người đô thị hiện đại với bao đổi thay, xáo trộn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 63 - 65)