Giọng mỉa mai, châm biếm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 89 - 91)

7. Cấu trúc luận văn

3.4.2. Giọng mỉa mai, châm biếm

Bên cạnh giọng văn lạnh lùng dửng dưng, giọng điệu trong truyện ngắn Thu Huệ biến đổi linh hoạt thành giọng điệu mỉa mai, châm biếm khi Thu Huệ viết các truyện ngắn phê phán. Với cái nhìn hiện thực, dân chủ nhà văn đã chỉ ra tất cả những thói hư tật xấu, những mặt trái của cuộc sống đô thị.

Giọng điệu mỉa mai, châm biếm được Nguyễn Thị Thu Huệ sử dụng để phơi bày những thói hư tật xấu của con người cùng những mặt trái, nghịc lí trớ trêu của xã hội. Đó là lối sống tha hóa của những anh cán bộ bề ngoài thì đạo mạo, lịch lãm nhưng dễ dàng buông thả theo những cuộc vui: “Đi chơi gái nó có cái hồi hộp riêng, không như đi nhậu, hay mát xa, loanh quanh toàn món quen. Riêng món này, phải lạ mới bõ cái công hao tâm khổ tứ nói dối, tạo dựng hiện trường, tốn tiền bạc. Cái gì lười còn châm chước được chứ chơi gái mà lười thì nhạt lắm” (X-Men có mùi trường đua). Hay là sự giả dối của những kẻ khóc thuê và thuê khóc trong đám tang: “Cứ mỗi đoàn vào viếng thì tiếng khóc lại rồ lên. Đau đớn thảm thiết như thể cái kẻ đang nằm im như thóc, teo tóp trong quan tài mới toe kia là một vĩ nhân đang độ sung sức mới lìa đời, để lại cho nhân gian những công trình thế kỉ? Chẳng lẽ trong đám ma tôi lại phỉ nhổ.”

(Người đàn bà ám khói). Đó còn là lòng tham, sự hiếu kì của con người trong cuộc sống hiện đại: “Việc cậu tôi trúng độc đắc lan nhanh khắp hang cùng ngõ hẻm, nhanh hơn tin bão giật cấp mười ba” (Một chuyến đi). Hay sự thương mại hóa trong các cuộc thi hoa hậu trong (X-Men có mùi trường đua): “Kính thưa ban giám khảo. Kính thưa các nhà tài trợ quý hiếm –dừng cười - Ấy chết em nhầm, các nhà tài trợ quý giá, vì nhờ có tài trợ thì chúng em mới có mặt ở đây hôm nay”…

Tất cả những thói giả dối, bịp bợm, tham lam, ích kỉ, tha hóa biến chất của con người hiện đại được vạch trần phơi bày sắc nét. Những con người ấy, đâu đó vẫn hiện hữu quanh ta để rồi đi vào các trang văn của Thu Huệ đầy ám ảnh. Với cái nhìn thẳng thắn, không né tránh hiện thực Thu Huệ dũng cảm chỉ ra tất thẩy những thói hư tật xấu ấy không nhằm mạt thị con người mà đó là lời cảnh tỉnh: mỗi chúng ta cần có bản lĩnh để giữ gìn nhân cách trước những biến động của đời sống xã hội.

Như vậy có thể nói giọng điệu châm biếm, mỉa mai đã đem đến cho truyện ngắn phê phán của Thu Huệ một âm hưởng riêng. Tuy nhiên nếu xuất hiện nhiều nó dễ gây nhàm chán thậm chí là thất vọng bi quan nơi bạn đọc. Bởi lẽ cái ác, cái xấu luôn song hành tồn tại cùng cái Đẹp, cái Thiện, nếu mỗi nhà văn chỉ đi khơi sâu phê phán những mặt trái của xã hội đôi khi sẽ gây phản ứng ngược lại với người đọc, dễ gây hoang mang, chán nản mất niềm tin cho con người. Công việc của nhà văn không chỉ là lên án phê phán cái ác, cái xấu mà còn phát hiện ra những vẻ đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm ra “hạt ngọc ẩn giấu” bên trong tâm hồn con người để khơi dậy những xúc cảm thẩm mĩ, hướng con người tới Chân- Thiện- Mĩ. Nắm bắt được điều đó nên bên cạnh những trang viết có phần sâu cay, táo tợn đầy mỉa mai người đọc vẫn cảm nhận được một Thu Huệ với chất giọng đằm thắm, trữ tình, dạt dào cảm xúc tin yêu, tươi vui đến bất ngờ: “Hình như cô đang mơ. Những người tò mò nhìn thấy đôi lúc cô lại nhoẻn miệng cười” (Người đi tìm giấc mơ). Hay sự thân thiện, vui vẻ giữa những con người cùng

sống trong một cộng đồng xã hội: “Cảm giác của việc chạy xe thật nhanh, rồi dừng đánh phịch đột ngột làm mọi người dúi dụi, bất ngờ hít sâu mùi của người bên cạnh. Va đập, hít ngửu nhau xong, cô và anh luôn phá lên cười. Khách trên xecũng cười” (Thành phố đi vắng).

Sự linh hoạt ấy không chỉ góp phần tạo nên sự đa giọng điệu trong truyện ngắn của Thu Huệ mà còn tạo nên sự cân bằng giữa các giọng điệu đem đến cho bạn đọc nhiều xúc cảm thẩm mĩ, đồng thời giúp nhà văn phản ánh hiện thực đa diện sâu sắc hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 89 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)