7. Cấu trúc luận văn
2.1. Bức tranh đời sống đô thị
2.1.1. Đời sống gia đình với những quan hệ đạo đức truyền thống bị phá vỡ
đang hiện hữu trong từng gia đình, trở thành những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Với cái nhìn sắc lạnh, Nguyễn Thị Thu Huệ đã không ngần ngại hướng ngòi bút của mình vào những câu chuyện đời thường để đem đến cho bạn đọc cái nhìn chân thực về cuộc sống của con người đô thị hôm nay.
2.1.1. Đời sống gia đình với những quan hệ đạo đức truyền thống bị phá vỡ vỡ
Trong xã hội Việt Nam xưa, các mối quan hệ trong gia đình rất được coi trọng. Bởi gia đình chính là tế bào của xã hội. Truyền thống của người Việt Nam xưa là con cái vâng lời, hiếu kính với ông bà cha mẹ tổ tiên: “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy” hay “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; vợ chồng thì hòa thuận, thủy chung gắn bó: “Tay nâng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn ta đừng quên nhau”,“Muối ba năm muối đang còn mặn/ Gừng chín tháng gừng vẫn còn cay”; anh em máu mủ ruột già, nghĩa nặng tình thâm, gắn bó như chân với tay... Truyền thống đạo lí tốt đẹp ấy của người Việt Nam cần được nâng niu trân trọng giữ gìn. Nhưng trong cuộc sống đô thị hôm nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường giá trị tốt đẹp đó ít nhiều bị xói mòn, băng hoại. Với cái nhìn chân thực Nguyễn Thị Thu Huệ đã phơi bày tất cả hiện thực cay đắng đó trên trang viết của mình.
Đọc truyện ngắn của Thu Huệ, chúng ta vẫn nhận thấy những tình cảm gia đình ấm ấp vẫn luôn hiện hữu trở thành ngọn lửa nuôi dưỡng hạnh phúc nhiều
gia đình. Hình ảnh của người bà bao dung, nhận hậu, vị tha trở đi trở lại trong nhiều truyện ngắn của chị. Bà trở thành điểm tựa tinh thần, là bến đỗ bình yên cho cháu, giúp cháu vựợt qua những bi kịch, những bão giông và cả những sai lầm vấp ngã trong cuộc đời (Người đi tìm giấc mơ, Một trăm linh tám cây bằng
lăn). Sự ân cần chu đáo, yêu thương vợ con hết lòng của người chồng trong Một nửa cuộc đời. cũng đã giúp anh níu giữ người vợ trở về sau những phút giây
lầm lỡ. Đó còn là sự hi sinh âm thầm của người chị để đứa em trai được học hành thành tài, nên người (Chị tôi), hay tình yêu thương của những người cha, người mẹ cả một đời tần tảo lo cho con cái, mong cho con cái có một cuộc sống đủ đầy hạnh phúc (Của để dành, Nước mắt đàn ông), và cả sự nhẫn nhịn đầy bao dung của những người vợ, người mẹ dịu dàng thủy chung (Ám ảnh, Một
trăm linh tám cây bằng lăng)… Những tình cảm gia đình quý báu ấy là truyền
thống tốt đẹp trong các gia đình người Việt. Nó trở thành dòng suối mát nuôi dưỡng tâm hồn con người, xua tan những bụi bặm, nhọc nhằn của cuộc sống để con người cảm thấy được yêu thương, được bình an và hạnh phúc.
Nhưng nhìn sâu hơn vào bức tranh gia đình đô thị trong nhiều truyện ngắn của Thu Huệ, chúng tôi nhận thấy, tác giả nói nhiều hơn về sự mất mát, sự đi xuống của những tình cảm đạo đức truyền thống. Đó là sự đổ vỡ của hôn nhân, gia đình, sự bất hòa của tình cảm vợ chồng. Gia đình đổ vỡ, vợ chồng không hạnh phúc xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Khi vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, sự yêu thương, chia sẻ đồng cảm dành cho nhau ngày càng vơi cạn, cũng là lúc hôn nhân gia đình đứng trên bờ vực của sự tan vỡ. Không còn nữa hình ảnh những cặp vợ chồng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn, mà là những trận cãi vã, những câu nói tục tĩu, những lời lẽ cay độc xúc xiểm nhau như những người dưng nước lã:
- Không gặp mẹ trẻ à? Mẹ hỏi vóng sang Im lặng.
- Hết tiền bao nên nó đi với thằng khác rồi. Sướng nhỉ? Mẹ lại tiếp tục véo von sang bên bố.
- Câm mồm. Rõ dơ vất con cái ở nhà tớn lên đi với giai. Gái phải hơi giai như thài lài gặp cứt chó.
- Thế đấy. Bà đây không đi thì ở nhà nhìn chúng mày đú a?” (Phù Thủy) Đó là cuộc đối thoại của hai vợ chồng trong Phù Thủy. Họ xúc phạm nhau, nguyền rủa nhau, coi nhau không khác kẻ thù, thản nhiên sống theo kiểu “ông ăn chả bà ăn nem”. Những gia đình như thế, đâu đó vẫn hiện hữu quanh ta, giữa chốn phồn hoa đô thị. Sau vẻ ngoài hào nhoáng, vẹn nguyên, hạnh phúc là sự rách nát, đổ vỡ của biết bao tình cảm gia đình thiêng liêng quý giá.
Đặc biệt có một nguyên nhân gây ra những đổ vỡ của hạnh phúc gia đình mà Thu Huệ đề cập đến trong nhiều truyện ngắn của mình, đó là ngoại tình. Ngoại tình trở thành vấn nạn của xã hội. Những cuộc tình tay đôi, tay ba, những cuộc tình lén lút, vụng trộm… tất cả đều dẫn đến những đau đớn bi kịch và nguy cơ tan rã của gia đình. Vấn đề này được Thu Huệ đề cập tới trong nhiều truyện ngắn như: Thiếu phụ chưa chồng, Tân Cảng, Của Cha, của Con và những cành vạn niên thanh… Trong Thiếu phụ chưa chồng, Dương là một người đàn
ông có học thức, anh cũng đã có một gia đình hạnh phúc, một người vợ hiền dịu - Hảo cùng một cậu con trai ngoan ngoãn. Nhưng bất chấp luân lí, đạo đức, Dương đã ngoại tình với chính em vợ của mình – My. Trơ tráo, ích kỉ, tàn nhẫn hơn khi Dương và My công khai quan hệ về chung sống với nhau đẩy Hảo rơi vào bi kịch đau đớn tủi hờn. Kết thúc tác phẩm Hảo chết, con trai Dương có dấu hiệu tâm thần, My sinh ra một đứa con gái dị tật, Dương đem hai đứa con bỏ đi. Đó là cái kết đầy cay đắng và nước mắt, cũng là lời cảnh tỉnh con người đừng vì những phút giây lạc thú thỏa mã dục vọng cá nhân tầm thường mà đánh mất đi bao điều quý giá. Còn trong Của Cha, của Con những cành vạn niên thanh
đình hạnh phúc của mình. Người Cha đã ngoại tình khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp: “Cha đã phản bội mẹ. Cha quan hệ với một người đàn bà khác. Đúng khi mẹ thành đạt nhất, Cha chuẩn bị được thăng chức thì người đàn bà kia mang tài liệu của Cha và cô ta, cùng cái bụng bầu đến gặp Mẹ, đòi một số tiền lớn, để cô ấy không tung tóe mọi chuyện”. Cái giá mà Cha phải trả cũng thật đớn đau: sự nghiệp tan biến, gia đình tan nát, vợ bỏ đi, Cha phải bán nhà và đưa con đến một ngôi nhà mới ven sông. Chìm đắm trong nỗi đau quá khứ, Cha đã vô tình để đứa con gái của mình trở thành miếng mồi ngon của lão hàng xóm. Bi kịch nối tiếp bi kịch, nỗi đau chất chồng nỗi đau.
Như vậy ngoại tình đã trở thành vấn đề nhức nhối và khá phổ biến trong cuộc sống đô thị hiện đại. Có những câu chuyện ngoại tình xuất phát từ tình yêu, từ cuộc sống hôn nhân gia đình ngột ngạt, thiếu hạnh phúc như Nước mắt đàn
ông, Một nửa cuộc đời… Nhưng chủ yếu Thu Huệ nói tới những tiêu cực, mặt
trái của vấn nạn này. Khi ý thức cá nhân trỗi dậy, con người chạy theo những cảm xúc nhất thời, những ham muốn dục vọng bản năng đã đánh mất những giá trị đạo đức tốt đẹp, đẩy chính mình và gia đình vào bi kịch đau đớn.
Nạn nhân đau khổ nhất của những cuộc chia li, của những gia đình không hạnh phúc không ai khác chính là những đứa trẻ vô tội. Tình cảm vợ chồng rạn nứt, sự đổ vỡ hôn nhân đã đẩy những đứa trẻ vào bi kịch cùng quẫn, gây ra những mất mát, tổn thương tâm hồn không thể bù đắp. Đến với Phù thủy chúng ta bắt gặp sự rách nát đổ vỡ trong gia đình “nó”. “Nó” sống trong gia đình có cả cha với mẹ. Nhưng thứ mà nó nhận lại không phải là tình yêu thương mà là những trận cãi vã, chửi rủa của cha và mẹ. Điều “nó” ngạc nhiên và không thể hiểu được là tại sao bố mẹ nó ban ngày có thể chì chiết, văng tục, chửi bậy, mạt sát nhau như kẻ thù ấy vậy mà đêm xuống mẹ lại nằm ngủ trong lòng bố êm ái như thế! Nỗi đau trở nên ám ảnh và vỡ òa khi “nó” biết cả bố và mẹ không ai quan tâm đến nó, coi nó là gánh nặng cản trở ba mẹ đi tìm hạnh phúc mới. Ý thức được điều đó, nó không còn là đứa trẻ vô tư mà tâm hồn trở nên đau khổ
hờn căm, u uất. Còn trong Tân Cảng hình ảnh hai đứa trẻ trong thời khắc chia tay thực sự đã khiên trái tim bạn đọc nhói buốt: “Thằng anh mở to mắt nhìn xuống, một tay nắm chặt thằng siêu nhân trắng. Bên dưới. Phía xa. Chỉ thấy nắng chiếu vào ô cửa kính laong loáng như những tấm gương trời. Người đi tiễn bé xíu với những cái đầu đen như hạt đỗ. Nó lùi người lại. Chùi nước mắt. Đi ra đứng giữa hai hàng ghế, và nhìn mẹ. Mẹ nó đang cúi gục xuống khóc.Chiếc máy bay lạnh lùng chạy một vòng ra xa và dừng lại. Rú to lên. Rồi nhấc hẳn lên khỏi mặt đất. Đằng sau những tấm kính. Thằng em vẫn đứng với chiếc máy bay trên tay, lấy ngón trỏ chỉ vào những chấm trắng bé xíu và đếm "Một. Hai. Ba. Bốn... Năm”. Niềm khao khát mãnh liệt của những đứa trẻ là có một gia đình vẹn nguyên, đủ đầy tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ. Cũng không có nỗi đau nào hơn nỗi đau sự li biệt, gia đình tan đàn xẻ nghé, mỗi người một chân trời riêng. Đó là nỗi đau mà không có thứ của cải vật chất nào có thể bù đắp. Những đứa trẻ như thế liệu rằng sẽ có một cuộc sống hạnh phúc khi phải chịu quá nhiều mất mát, tổn thương. Đó sẽ là nỗi ám ảnh theo chúng suốt cuộc đời. Từ đó nhà văn cũng lên án, phê phán một cách nghiêm khắc đối những bậc làm cha làm mẹ, chỉ vì hạnh phúc của cá nhân mình mà đẩy những đứa trẻ vô tội đến bi kịch đau đớn.
Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng thế giới tâm hồn, là môi trường giáo dục quyết định đến nhân cách của con người. Vì vậy, lối sống của cha mẹ là tấm gương ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách cho con cái. Trong Hậu Thiên đường cũng chỉ vì sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của mẹ mà vô tình đã đẩy
cô con gái đi vào vết xe đổ của chính mình. Một trăm linh tám cây bằng lăng cũng là câu chuyện đầy nhức nhối. Nỗi ám ảnh về một người cha vũ phu đã ăn sâu trong tiềm thức của “anh”. Khi cha “anh” đánh mẹ, ông không biết rằng mình đang gieo rắc hận thù và đẩy con mình vào vòng lao lí. Hành động nóng nẩy, thiếu kiểm soát của “anh” khi giết người đàn ông vũ phu đánh vợ chính là kết quả của nỗi đau ám ảnh trong quá khứ về hình ảnh người cha luôn đánh vợ,
chửi con. Còn truyện ngắn Ám ảnh cũng là một bức tranh gia đình xám xịt của cuộc sống đô thị. Ông bố Thạnh là một người đàn ông gia trưởng, ích kỉ, vũ phu và dâm đãng. Dù có một gia đình viên mãn, một người vợ hiền thục cùng ba đứa con đã lớn nhưng ông ta vẫn tìm thú vui bên ngoài với những người đàn bà khác. Ông ta đối xử với vợ con lạnh lùng, độc đoán và tàn nhẫn. Là một đứa trẻ mới lớn, hàng ngày chứng kiến cảnh cha mình đi chơi gái, Thạnh thấy ghê tởm cha mình, căm ghét những người đàn bà đĩ thõa lẳng lơ chuyên phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Sự ghê tởm, lòng hận thù trở thành nỗi ám ảnh khiến Thạnh luôn nghĩ tới cái ác, tới việc giết người. Giấc mơ khủng khiếp của Thạnh là cầm súng bắn chết người đàn bà nhân tình của bố cùng đưa con riêng của ả ta để rồi mình bị tử hình như tiếng chuông cảnh tỉnh: hãy cứu lấy nhân cách trẻ thơ. Khi cha mẹ chẳng thể là tấm gương cho con cái, khi cha mẹ bất chấp luân lí và đạo đức chạy theo dục vọng tầm thường cũng là lúc họ đang ươm mầm nuôi dưỡng những tội ác cho chính con cái của mình. Những đứa trẻ sẽ không có một môi trường lành mạnh để phát triển nhân cách thì ắt cái ác được nuôi dưỡng. Đó thực sự là lời cảnh báo cho mỗi gia đình và cả xã hội.
Không chỉ có đổ vỡ trong hôn nhân gia đình, nhiều tình cảm gia đình thiêng liêng cũng dần bị băng hoại. Một trong những đạo lí được người Việt coi trọng là đạo hiếu. Đã là con cái thì phải hiếu kính với bậc sinh thành. Thế nhưng trong cuộc sống đô thị hiện đại hôm nay, đạo lí tốt đẹp ấy có nguy cơ đổ vỡ. Ông Cậu trong Nước mắt đàn ông là một người đàn ông có tài, giỏi kiếm tiền nhưng lại cô độc trong chính ngôi nhà dư thừa về vật chất mà lại vơi cạn tình cảm, tình thân gia đình. Suốt đời ông lăn lội bôn ba để kiếm sống, để làm giàu. Người đàn ông ấy từng phải nếm bao vị đắng ở đời, thậm chí là hy sinh tất cả cho gia đình, vợ con. Nhưng thứ ông nhận lại lại là sự lạnh lùng thậm chí là vô ơn của chính con cái mình. Con cái chỉ nói với ông chuyện tiền bạc chứ không có nổi những phút giây ngắn ngủi tâm sự với cha mình. Đối với chúng, cha chỉ như cái máy rút tiền không hơn không kém. Chúng coi đó là thứ đáng có được,
nhận nó như một lẽ tự nhiên. Tất nhiên chúng không biết đến khái niệm cho đi và đền đáp lại. Khi chúng càng được nhận từ cha mẹ nhiều hơn thì sự vô ơn càng lớn lên. Còn trong Của để dành, bà Vy suốt đời yêu thương, cung phụng, chăm sóc các con. Chồng mất sớm, mình bà tần tảo nuôi dạy các con thành người, ai cũng được học hành, có công việc tốt những mong ba đứa con sẽ là chỗ dựa, niềm an ủi khi tuổi già “con cái là của để dành của cha mẹ”. Nhưng đến khi bà ngã, không đi được thì cả ba con trở nên cáu bẳn, đùn đẩy trách nhiệm. Cuộc sống gia đình đảo lộn. Ai cũng vin vào cái cớ mình quá bận mà quên đi đạo hiếu với mẹ. Họ ích kỉ và nghĩ rằng chỉ cần bỏ tiền ra thuê ô sin về chăm lo cho mẹ là xong. Họ rảnh rang rũ bỏ trách nhiệm báo hiếu của mình. Những đứa con không hiểu rằng, những lúc ốm đau như thế, sự chăm sóc, yêu thương của các con chính là niềm an ủi, là bài thuốc chữa lành những vết thương đối với cha mẹ. Chính sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm ấy làm cho người mẹ càng thêm đau đớn, buồn tủi.
Gia đình vốn là chốn nương thân để con người tìm được sự bình yên, ấm áp trước những bão giông của cuộc đời. Vậy mà giờ đây sự rạn nứt, đổ vỡ trong các mối quan hệ gia đình làm cho con người cảm thấy bất an, cô đơn thậm chí đau khổ và bi kịch ngay chính trong gia đình. Với những câu chuyện đời thường, Thu Huệ đã đặt ra bao vấn đề nhức nhối đem lại cho người đọc nhiều bài học nhân sinh sâu sắc. Bằng tấm lòng yêu thương, tác giả cũng đồng cảm, sẻ chia với những đau đớn mất mát, những bi kịch đổ vỡ trong đời sống gia đình của con người. Đồng thời nhà văn cũng rung lên hồi chuông cảnh tỉnh: mỗi người tự phải biết điều chỉnh hành vi đạo đức, lối sống của mình để giữ gìn hạnh phúc gia đình, trân quý những gì mình đang có. Đó cũng là tiếng nói đầy nhân văn có ý nghĩa thức tỉnh sâu sắc với tất cả chúng ta hôm nay.