7. Cấu trúc luận văn
3.2. Không gian-thời gian nghệ thuật nghệ thuật
3.2.1.2. Không gian căn phòng
Đối lập với những căn biệt thự rộng lớn xa hoa là hình ảnh của những căn phòng nhỏ hẹp tù túng. Đó là nơi sinh hoạt, là không gian sống, không gian làm việc của con người đô thị hiện đại. Cùng với sự phát triển chóng mặt của quá trình đô thị hóa, dân thành thị ngày càng đông đúc hơn. Khát vọng được ra thành phố, được bám trụ và sinh sống tại những đô thị phồn hoa đã tạo ra sức ép mạnh mẽ về không gian sống tại những đô thị lớn. Phố chật người đông, cuộc sống trở nên ngột ngạt, con người ngày càng đoạn tuyệt với thiên nhiên. Những sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng dần mất đi, con người thu mình trong không gian tù túng chật chội. “Đó là căn phòng mười ba mét vuông chứa tới mười tám người và chuẩn bị đón thêm hai ông bà già là thành hai mươi” (Giai nhân). Hay “Căn phòng mười bốn mét vuông, tầng xép của một khu nhà Pháp cổ, trần cao, sàn gỗ” của Quang trong Chủ nhật được xem phim hoạt hình. Không gian ấy là nơi để nhân vật cảm nhận cuộc sống vô vị nhạt nhẽo của mình với những chiều chủ nhật xem phim hoạt hình. Đó là cảm giác ngộp thở khi “cả tuần ngồi trong căn phòng chín mét vuông, chung với ba đồng nghiệp, dưới ánh sáng của bốn bóng đèn nêông, cửa sổ luôn đóng để chống, bụi chống ồn” của cô gái trong Trong lúc ăn một bát phở Gia truyền. Để rồi cô khao khát có những ngày chủ nhật
thong dong hít khí trời, ăn một bát phở ưa thích, ngồi nhâm nhi một cốc cà phê. Nhưng rồi lo lắng, bất an bởi những hiểm nguy luôn rình rập cô lại tự nhốt mình trong “góc phòng mười hai mét vuông, không cửa sổ giữa một chung cư cũ là lựa chọn duy nhất cho ngày cuối tuần nếu không muốn ra đường và đối mặt với bọn cướp chuyên nghiệp” có trang bị vũ khí. Còn người đàn bà ba mươi tám tuổi xinh đẹp chưa chồng trong Giai nhân đã tự giam mình ba ngày quanh quẩn trong bốn bức tường, dọn dẹp lặt vặt, chờ tiếng chuông điện thoại, tiếng gõ cửa của một ai đó để nhắc rằng người ta vẫn nhớ đến cô nhưng tuyệt nhiên không có. Chính trong sự chật hẹp ấy, cô có cơ hội đối diện với chính mình, để cảm nhận một cách sâu sắc, thấm thía nỗi cô độc của cuộc đời. Trong Thành phố đi
vắng, cô gái trở về xứ sở thân yêu của mình sau ba năm xa cách nhưng tất cả
đều vỡ òa trong sự thất vọng bởi cảnh vật vẫn như xưa nhưng tình người đã “đi vắng”. Cô chọn cho mình không gian là căn phòng khách sạn ngày xưa để cảm nhận rõ rệt những mất mát, đổi thay của tình đời, tình người: “Ba năm qua rồi, giờ cô đứng một mình nơi cửa sổ, nhìn xuống đường. Sau lưng cô, trong phòng, không có những bức phác thảo rải kín mặt giường. Không quần áo bừa bãi vắt khắp nơi. Không có anh. Không có bia. Mùa hè nhưng lạnh. Giá vẽ mini gập nguyên dựng góc cửa. Bảng màu và những ống sơn gọn gàng im lặng chân giường”. Nhốt mình trong căn phòng nhỏ, cô gái đã cảm nhận một cách sâu sắc những mất mát, đổi thay của cuộc sống phố phường. Cảnh cũ, người xưa, nhưng mọi thứ xung quanh giờ đã thay đổi, con người trở nên lạnh lùng, vô cảm hơn.
Xây dựng không gian đời tư nhỏ hẹp, biệt lập với không gian đô thị rộng lớn Thu Huệ càng cho thấy con người cá nhân ngày càng cô đơn, thu mình bởi họ luôn cảm thấy lo lắng trước những biến động của đời sống xã hội.