Giọng dửng dưng, lạnh lùng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 88 - 89)

7. Cấu trúc luận văn

3.4.1. Giọng dửng dưng, lạnh lùng

Với con mắt tinh nhạy, sắc sảo, Nguyễn Thị Thu Huệ thường nhanh chóng phát hiện ra những mảng tối, những bất ổn của đời sống con người trong xã hội hiện đại. Khi đề cập đến những mặt trái, những thói tật xấu xa của con người, nhà văn thường vạch trần bằng giọng văn lạnh lùng dửng dưng thậm chí là tưng tửng.

Thu Huệ từng chia sẻ : “Ngày trước, những câu chuyện của đời sống đến với tôi, và tôi kể lại chúng theo cách nhìn của một người trẻ, trong một xã hội ít bất an, đâu đó còn nhiều góc bình yên. Bây giờ, đời sống của đám đông, của những thân phận bị trồi lên trụt xuống quẫy đạp nhằm tồn tại trong những cơn sóng táp thẳng, khiến tôi chao đảo, buồn bã và đau đớn. Và tôi đã kể những chuyện qua lăng kính của tôi, những ngày tháng này”[50]. Đi nhiều, hiểu nhiều, biết nhiều giúp chị có cái nhìn thản nhiên và bản lĩnh hơn trước những vấn đề phức tạp của đời sống xã hội. Giống như cây đại thụ, khi đã trải qua nhiều phong ba bão táp nó sẽ kiên cường, mạnh mẽ, vững trãi hơn trước bão tố cuộc đời. Giờ đây Thu Huệ cũng vậy. Đọc Thành phố đi vắng, người đọc sẽ thấy một Thu Huệ điềm tĩnh lạnh lùng, cảm xúc của người viết gần như được tiết chế tối đa, mỗi câu chuyện giống như một bản tường trình của cuộc sống, để bạn đọc tự nhìn nhận, khám phá và bày tỏ thái độ, tình cảm của mình trước mọi vấn đề của đời sống. Lối sống thờ ơ, vô cảm trong đô thị hiện đại được Thu Huệ tái hiện bằng một giọng văn thản nhiên:“Người ngồi cứng đơ như những bức tượng. Mỗi khi xe phanh gấp, tượng người bê tông đó nghiêng nguyên khối, sau trở về trí cũ. Mắt ai cũng nhìn vào khoảng trống trước mặt, đem cho người đối diện cảm giác họ đang suy nghĩ rất sâu về một vấn đề riêng, tất cả đều mang khuôn mặt ơ hờ, bình thản”(Thành phố đi vắng). Đó là giọng điệu dửng dưng, lạnh lùng khi X-Men nói đến việc mình đã giết người: “X-Men nhìn xoáy nàng, thì thầm, nghiêm trang: “Anh giết đấy”,“Không nhớ nhiều thế nào. Mà này, anh phải làm

gì hay nói thế nào,em mới chịu tin, là cô gái trôi ngoài biển ấy nhỉ?” (X-Men có

mùi trường đua).

Nhưng ẩn sau những câu chữ tưởng chừng như dửng dưng vô cảm ấy là bao xót xa của một tâm hồn nhạy cảm trước những biến động của đời sống, của lòng người. Đúng như Thu Huệ đã tâm sự “Lạnh lùng ở câu chữ, nhưng xa xót trong tâm can”. Nhà văn vẫn chưa mất hẳn niềm tin vào con người, rải rác ở đâu đó vẫn còn những người tốt luôn sống vì cộng. Tất cả những trăn trở ưu tư ấy càng chứng tỏ Thu Huệ là một nhà văn chân chính luôn mong muốn đem văn chương để phục vụ cuộc sống. Suy cho cùng mọi tác phẩm văn học có giá trị đều không vượt ra khỏi quy luật Chân- Thiện- Mĩ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 88 - 89)