Giọng phân tích, chiêm nghiệm, triết lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 91 - 100)

7. Cấu trúc luận văn

3.4. Giọng điệu

3.4.3. Giọng phân tích, chiêm nghiệm, triết lý

Đây là giọng điệu thường thấy trong các truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ đặc biệt trong những truyện ngắn viết về đô thị.

Là một người phụ nữ từng trải, có vốn hiểu biết sâu rộng về đời sống xã hội Thu Huệ đã có nhiều cảm nhận, chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, tình yêu, con người. Những chiêm nghiêm triết lí ấy hiện lên trên từng trang viết làm cho những tác phẩm của Thu Huệ “đằm hơn”, sâu sắc hơn, gửi gắm đến bạn đọc nhiều thông điệp nhân sinh thật ý nghĩa.

Thu Huệ có nhiều chiêm nghiệm thú vị, sâu sắc về quy luật của cuộc sống. Đó là sự ngắn ngủi của kiếp người “Đời người ngắn ngủi lắm.” (Cầu thang).Vì thế hãy biết nâng niu quý trọng cuộc sống, yêu thương nhiều hơn để cuộc sống thực sự có giá trị. Con người sống cũng không nên quá tham lam, ích kỉ cầm được, giữ được thì cũng buông bỏ được :“đừng giữ gì chặt quá. Đừng yêu thương ai hay đồ vật gì quá. Rồi cũng tuột ra khỏi tay thôi” (Không thể kết

thúc). Ai trong cuộc đời cũng phải trải qua những buồn vui, hỉ, nộ, ái, ố, những vấp ngã, chướng ngại, thậm chí là nghịch lí: “Sao con người phức tạp thế. Bão tố và bình yên. Nó là cái gì nhỉ? Bão tố của người này là bình yên của kẻ khác.”(Dĩ vãng). Vì thế hãy dũng cảm đương đầu và bước tiếp. Cần có bản lĩnh để vượt qua chính mình và nghịch cảnh. Những đúc kết kinh nghiệm của dân

gian cũng được chị gửi gắm qua nhiều tác phẩm. Đó là thuyết nhân quả ở đời “mọi thứ đều có giá của nó”; “trồng cây gì ăn quả nấy”; “gieo gì gặt nấy” ; “của đi thay người” (Thiếu phụ chưa chồng, Hậu thiên đường, Phù thủy, Xin hãy

tin em, Chúng ta cần suy nghĩ về chuyện này…). Những bài học nhân sinh sâu

sắc ấy có ý nghĩa cảnh tỉnh sâu sắc đối với con người hôm nay. Bởi lẽ đứng trước những cám dỗ nếu con người thiếu đi bản lĩnh đánh mất nhân cách của mình thì cái giá con người phải trả là quá đắt. Cuộc đời mong manh vô thường, hãy sống sao cho thật ý nghĩa, sống sao để không phải xót xa, ân hận, nuối tiếc.

Sự chiêm nghiệm và triết lý trong tác phẩm của Thu Huệ không chỉ hướng vào tìm hiểu về cuộc sống mà còn đưa ra những triết lí thâm trầm về con người. Đó là những triết lý thú vị về con người hiện đại: “Thế nào để biết một thằng giống đực là đàn ông hay không đàn ông? Không phải ai giống đực cũng là đàn ông. Giống đực khác. Đàn ông khác. Anh thấy khối cô nàng còn hơn đàn ông. Nhiều thằng giống đực lèm nhèm hơn đàn bà” (X-Men có mùi trường đua). Hay “Đàn bà đẹp lại thông minh thì khổ lắm”; “Đa tình lỗi chẳng phải tại đàn bà. Lỗi ở đàn ông” (Hoàng hôn có màu cỏ úa). Đó là những chiêm nghiệm, mà chị đã đúc kết từ những cuộc đời, số phận chị đã đi qua, đã trông, đã thấy dù có thể “ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” nhưng nó là sự thật ở đời. Hơn thế dưới ngòi bút của Thu Huệ, con người đô thị hiện lên không phải là những bậc thánh nhân. Họ là những con người bình thường với cả “ rồng phượng và rắn rết”, có cả phần thanh cao trong sạch lẫn những ham muốn, dục vọng xấu xa thấp hèn. Đó cũng là cách tiếp cận con người theo tư duy đổi mới của văn học Việt Nam đương đại.

Bên cạnh đó, Thu Huệ cũng đem đến cho người đọc nhiều triết lí về tình yêu thâm trầm, sâu sắc. Cô gái (Đêm dịu dàng) trong giây phút đau đớn bẽ bàng chợt nhận ra sự bỉ ổi của người yêu: “Hóa ra, là như vậy. Tôi cứ tưởng cái gì tôi cũng biết. Nhưng có một điều tôi không hề biết là người ta có nhiều kiểu thay lòng đổi dạ, nhiều kiểu bỏ người tình, ngon lành lắm”. Đó cũng là thực trạng

cay đắng trong tình yêu thời đô thị hóa. Đó là những mối tình “tình một đêm”, “ăn bánh trả tiền”… Tình yêu không phải là thứ tình cảm vĩnh cửu như nhiều người vẫn tôn thờ. Đôi khi, tình yêu nó nhuốm màu nhục cảm, đơn giản chỉ để thỏa mãn dục vọng của con người, khi người ta chán, người ta sẵn sàng rũ bỏ nhau. Nhưng bên cạnh đó, Thu Huệ cũng có nhiều trang văn viết về tình yêu hết sức trong sáng (Sơ-ri đắng). Tình yêu đem đến cho con người nhiều xúc cảm lãng mạn, nó làm con người yêu đời, yêu cuộc sống, và hạnh phúc hơn: “Ăn cũng là một hạnh phúc. Ngủ cũng là một hạnh phúc.Yêu cũng là một hạnh phúc”, khát vọng tình yêu là khát vọng muôn đời của con người giống như thi sĩ Xuân Diệu từng thốt lên: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào?”

Những chiêm nghiệm, triết lí về tình yêu, cuộc sống, con người được Thu Huệ gửi gắm qua thế giới hình tượng nhân vật sống động vì vậy nó dễ dàng chạm tới trái tim và cả trí tuệ của người đọc. Những chiêm nghiệm ấy phần nào được chắt lọc từ chính thực tế cuộc sống, từ những trải nghiệm, kinh nghiệm sống của một người phụ nữ từng trải. Có thể nói, đây cũng là giọng điệu xuất hiện trong truyện ngắn nhiều cây bút thời kì đổi mới, nhưng Thu Huệ vẫn tạo được dấu ấn riêng bởi sự biến đổi linh hoạt, sự đa thanh trong giọng điệu.

Sự khéo léo, tài năng của Thu Huệ là đã biết sử dụng những chất giọng trên vừa “đúng” mà lại vừa “ trúng”. Thói hư tật xấu, những mặt trái, góc khuất của cuộc sống đô thị được Thu Huệ nói tới bằng chất giọng lạnh lùng, mỉa mai, châm biếm nhẹ nhàng mà không kém phần sâu sắc. Nhưng ngay lập tức, Thu Huệ lại tiết chế cảm xúc, đem đến cho bạn đọc những trang văn nhẹ nhàng, thấm đẫm chất thơ như dòng suối mát xoa dịu những nhức nhối trong tâm hồn bạn đọc, gieo vào lòng người những tin yêu, hi vọng. Chính điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho những truyện ngắn của Thu Huệ đồng thời khẳng định lối viết độc đáo, mới lạ của nhà văn.

Tiểu kết

Nếu anh không có giọng riêng, anh khó trở thành nhà văn thực thụ” (Sê- khốp). Tìm hiểu truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ chúng ta nhận thấy đây là một cây bút có phong cách nghệ thuật độc đáo, tìm được cho mình một lối đi riêng, một giọng điệu riêng. Thông qua nghệ thuật xây dựng nhân vật từ ngoại hình, hành động cử chỉ đến ngôn ngữ đối thoại, độc thoại mà phẩm chất tính cách cũng như thế giới nội tâm nhân vật hiện lên chân thực, sống động. Từ đó người đọc hiểu được bức tranh đời sống cũng như chân dung con người đô thị hiện đại. Thu Huệ cũng đã thành công khi xây dựng cho mình thế giới nghệ thuật riêng với nhiều kiểu không gian, thời gian khác nhau. Hơn nữa, sức hấp dẫn của truyện ngắn Thu Huệ còn bởi sự đa dạng, linh hoạt trong giọng điệu trần thuật. Đọc truyện ngắn của chị chúng ta thấy có lúc chị dùng giọng dửng dưng lạnh lùng, cũng có lúc lại thấy giọng điệu phân tích, chiêm nghiệm, triết lý, có khi lại là giọng đằm thắm trữ tình. Những yếu tố nghệ thuật ấy góp phần tạo nên dấu ấn riêng của nhà văn, khơi gợi ở bạn đọc nhiều xúc cảm thẩm mĩ đồng thời làm phong phú thêm bức tranh văn xuôi nữ đương đại Việt Nam.

KẾT LUẬN

1. Bước vào thời kì đổi mới, quá trình đô thị hóa đã tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - văn hóa xã hội Việt Nam. Văn học Việt Nam cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Đề tài đô thị cũng trở thành mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều nhà văn tên tuổi như: Nguyễn Thái Hà, Chu Lai, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Ma Văn Kháng, Đỗ Phấn… Trong đó phải kể đến nữ nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

2. Với ngòi bút tả chân sắc sảo, Thu Huệ đã phanh phui tất cả những góc khuất, những mảng tối, mặt trái của bức tranh đô thị hiện đại. Ẩn sau vẻ ngoài cuộc sống hào nhoáng xa hoa, tiềm ẩn trong lòng xã hội là biết bao thói hư tật xấu, bao tệ nạn chết người. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống có nguy cơ chao đảo và bị đánh tráo. Lòng người hoang mang, cảm giác bất an lo sợ bởi cái ác, cái xấu hiện diện khắp nơi, tình người cạn kiệt, cộng đồng dần mất đi sợi dây kết nối gắn kết, yêu thương. Đồng thời với khả năng đi sâu mổ xẻ hình ảnh “con người bên trong con người”, chân dung con người hiện đại cũng được Thu Huệ tái hiện một cách sinh động. Hình ảnh con người cô đơn co ro như thiếu áo ấm, họ sống thờ ơ, lạnh lùng vô cảm hơn. Nhất là đứng trước vòng xoáy của đồng tiền, của những ham muốn dục vọng nhiều người đã trượt dài trên con đường tha hóa đánh mất đi nhân cách tốt đẹp của mình. Đồng thời, nhà văn cũng gửi gắm khát vọng về một cuộc sống bình an, yêu thương gắn kết nhiều hơn qua thế giới nhân vật của mình. Chỉ ra những tiêu cực, những mất mát, đổi thay ấy trong đời sống đô thị, Thu Huệ muốn rung lên một hồi chuông cảnh tỉnh: mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cả xã hội cần phải làm gì để xây dựng một cuộc sống văn minh, nhân đạo. Đó mới thực sự là sự phát triển bền vững trên con đường tiến vào tương lai của đất nước. Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế phải đi kèm một đời sống văn hóa lành mạnh. Cần gìn giữ, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông. Đây cũng là tiếng nói nhân văn, là đóng góp đáng ghi

nhận của truyện ngắn Thu Huệ nói chung, những truyện ngắn viết về đô thị nói riêng.

3. Tìm hiểu thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ càng giúp chúng tôi khẳng định thêm đây là một cây bút nữ giàu tài năng. Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, nó đòi hỏi người viết phải có phong cách mới lạ, thu hút người đọc “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Giữa khu vườn văn học đương đại đang nở rộ nhiều tài năng trẻ, Thu Huệ vẫn là bông hoa ngát hương để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Những truyện ngắn của chị đặc biệt là mảng truyện viết về đề tài đô thị gây ấn tượng mạnh với bạn đọc không chỉ bởi chất đời, chất hiện thực của nó mà còn bởi nó được xây dựng bằng một văn phong vừa sắc sảo vừa đằm thắm dịu dàng, sự biến đổi linh hoạt trong giọng điệu, sự đa dạng trong thế giới nghệ thuật với nhiều kiểu không gian, thời gian…Chính những yếu tố nghệ thuật ấy góp phần khẳng định phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn và đưa Thu Huệ lên vị trí một trong những nhà văn nữ xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam đương đại. Bởi lẽ đó truyện ngắn của Thu Huệ sẽ còn có sức sống hơn nữa bởi những giá trị nghệ thuật đích thực của nó.

4. Với phạm vi có hạn, đề tài cũng chỉ dừng lại ở việc khai thác bức tranh cuộc sống, con người đô thị cùng nghệ thuật biểu hiện trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ. Những thú vị nào của truyện ngắn Thu Huệ chưa được khám phá trong đề tài sẽ là đối tượng nghiên cứu của những đề tài với phạm vi lớn hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Tuấn Anh (1996), Quá trình văn học đương đại nhìn từ phương diện thể loại, Tạp chí văn học, (9).

2. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội.

3. Lại Huy Bắc (1998), Giọng và giọng điệu trong thơ văn hiện đại, Tạp chí văn học, (9).

4. Kim Dung (1994), Đọc hồi ức Bến trần gian, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, (11).

5. Đoàn Ánh Dương, Vấn đề đô thị trong văn chương Việt Nam hiện đại,

Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

6. Đặng Anh Đào (1993), Hình thức mới trong truyện ngắn hôm nay, Tạp chí Văn học, (3).

7. Phan Cự Đệ (1986), Mấy vấn đề lí luận văn xuôi hiện đại, Tạp chí Văn học, (5).

8. Trần Thanh Địch (1998), Tìm hiểu truyện ngắn, Nxb Tác phẩm mới. 9. Hà Minh Đức (2003), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục.

10. Nhiều tác giả (1997), Giảng văn văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục. 11. Nhiều tác giả, (2000), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục.

12. Nhiều tác giả (2002), Truyện ngắn bốn cây bút nữ Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Thảo, Lý Lan, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nxb Văn học.

13. Đặng Thái Hà (2005), Vấn đề sinh thái – đô thị trong văn xuôi Việt Nam thời đổi mới, Tạp chí Văn nghệ quân đội.

14.Trần Việt Hà (2015), Cảm thức đô thị trong đại tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư Phạm Hà Nội 2.

15. Võ Thị Hảo (1996), Truyện ngắn – sự trớ trêu trong khung hẹp, Tạp chí Diễn đàn Văn hóa văn nghệ Việt Nam, (10).

16. Chu Thị Hiền (2012), Giọng điệu trần thuật trong truyện ngán của các nhà văn nữ đương đại: Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc , Luận văn thạc sĩ Văn học, Trường ĐHSP Hà Nội 2.

17. Trịnh Thị Hiệp (2014) Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Luận văn thạc sĩ Khoa học, Trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên.

18. Phạm Hoa (1993), Đọc sách “Cát đợi” của Nguyễn Thị Thu Huệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, (5).

19. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục.

20. Đoàn Thị Đặng Hương (1996), Những ngôi sao nước mắt, Báo Văn nghệ Trẻ.

21. Đỗ Thanh Hương (2016), Cảm quan đô thị trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Luận án tiến sĩ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.

22. Nguyễn Thị Hương (2014), Đề tài đô thị trong tiểu thuyết Đỗ Phấn, Luận văn thạc sĩ, Đại hoạc Quốc Gia Hà Nội.

23. Hà Thị Hương Lan (2016), Cảm thức đô thị trong tiểu thuyết Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, Luận văn thạc sĩ, Đại học Khoa học Thái Nguyên.

24. Nguyễn Văn Lưu (1997), Luận chiến văn chương, Nxb Văn học.

25. Phương Lựu (2005), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb ĐHSP Hà Nội.

26. Phương Lựu (1998), Suy nghĩ về đặc điểm của nữ văn sĩ, Tạp chí Tác phẩm mới, (3)

27. Phương Lựu, Trần Đình Sử và nhiều tác giả (2006), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục.

28. Vũ Thị Tố Nga (2005), Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội.

29. Nguyên Ngọc (1992), Diện mạo riêng của vụ mùa này, Báo Việt Nam, (7).

30. Vương Trí Nhàn (1998), Sổ tay truyện ngắn, Nxb Hội nhà văn.

31. Vương Trí Nhàn (1996), Phụ nữ và sáng tác văn chương, Tạp chí văn học, (6).

32. Nguyễn Thị Nhuận (2012), Nhân vật nữ trong truyện ngắn, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Luận văn thạc sĩ, Trường ĐHSP Hà Nội 2.

33. Hoàng Phê (2005), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.

34. Hồ Phương (1994), Thế hệ thứ ba, Tạp chí Văn nghệ Quân đội. 35. Trần Đình Sử, Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục.

36. Trần Đình Sử (1996), Lí luận phê bình văn học, Nxb Hội nhà văn. 37. Trần Đình Sử (2005), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục.

38. Bùi Việt Thắng (2002), Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

39. Bùi Việt Thắng (2002), Tứ tử trình làng, Bài giới thiệu cuốn Truyện bốn cây bút nữ, Nxb Văn học.

40. Bùi Việt Thắng (1994), Năm truyện ngắn dự thi của một cây bút trẻ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

41.Trần Văn Thắng, Giọng điệu nghệ thuật trong truyện ngắn Việt Nam thời kì đổ mới (1986-2000), Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM.

42. Bích Thu (1999), Nam Cao về tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo dục. 43. Lý Hoài Thu (2003), “Những truyện ngắn hay”, Tạp chí Văn nghệ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 91 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)