Thời gian tuyến tính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 78 - 80)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.2.1. Thời gian tuyến tính

Thời gian tuyến tính là thời gian câu chuyện được miêu tả theo trình tự trước sau. Kiểu thời gian này xuất hiện phổ biến trong văn học truyền thống như

Truyện Kiều, Truyền kì mạn lục… Với thời gian tuyến tính người đọc dễ dàng

nắm bắt diễn biến cốt truyện. Hình tượng nhân vật hiện lên sống động từ lai lịch, tên tuổi, số phận từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Tuy nhiên kiểu thời gian này không tạo ra những khúc quanh, ngã rẽ nên chưa tạo nên được sự hấp dẫn, bất ngờ cho câu chuyện. Khảo sát truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ viết về đề tài đô thị, chúng tôi nhận thấy nhiều truyện ngắn xuất hiện kiểu thời gian này như: Sống gửi thác về, Tình yêu ơi, ở đâu? Phù Thủy, Của để dành… Kiểu

thời gian này góp một phần không nhỏ trong việc thể hiện cuộc sống, con người đô thị hiện đại.

Vẫn biết thời gian trôi đi tuần hoàn, cuộc đời con người thì ngắn ngủi, hữu hạn trong cái vòng quay vô tận của đất trời, nhưng từ xưa cho đến nay nhiều thi sĩ vẫn ngậm ngùi tiếc nuối bởi quy luật nghiệt ngã đó của thời gian. Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương từng ngao ngán thốt lên: “Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại/ Mảnh tình san sẻ tí con con”. Sau này, ông Hoàng thơ tình Việt Nam Xuân Diệu cũng tiếc nuối: “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già/ …Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn/ Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”. Ta cũng bắt gặp tiếng lòng đồng điệu ấy trong con người đô thị hiện đại ở nhiều truyện ngắn của Thu Huệ. Nhiều nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ cảm nhận thời gian trôi đi nhanh quá, chưa kịp tận hưởng hạnh phúc, chưa kịp có hạnh phúc, hoặc chưa kịp chuộc lại lỗi lầm thì thời gian đã vụt qua. Đó là sự trôi chảy không ngừng, một đi không trở lại của thời gian, kéo theo là sự tàn phai của nhan sắc, sự khắc khoải mong chờ hạnh phúc trọn vẹn nhưng vẫn rơi vào bi kịch của Quyên trong Tình yêu ơi, ở đâu? Câu chuyện được kể lại theo

dòng thời gian tuyến tính, từ khi Quyên trải qua mối tình đầu với chàng thi sĩ nhiều mộng mơ, đến anh chàng ích kỉ, vũ phu làm cùng cơ quan với anh trai. Hai mối tình tan vỡ, thời gian cứ thế qua đi, mùa đông qua, mùa hạ tới, qua cái thời thiếu nữ nhiều mộng ước, giờ nàng đã hai nhăm. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười khi nàng gặp Bình, thế nhưng hạnh phúc đến với người ta thật dễ dàng còn đối với nàng câu hỏi khắc khoải vẫn chỉ là “ Tình yêu ơi, ở đâu?”. Còn cô gái trong Còn lại một vầng trăng sau khi trải qua biết bao biến cố thăng trầm

trong cuộc đời cô nhận ra rằng: “Thiên nhiên bao la vĩnh cửu. Thiên nhiên tồn tại với muôn đời”, nhưng “Ôi cuộc đời con người ngắn ngủi quá!”. Để rồi thời gian qua đi, khi mất đi những điều quý giá, khi cha không còn bên cạnh mình nữa, cô mới thấy xót xa, ân hận: “Ngày tôi hai mươi tuổi. Tôi có tất cả. Nhưng tôi không có nước mắt để khóc lúc bố tôi chết. Giờ đây. Hơn mười năm sau. Tôi

luôn tràn nước mắt trên mi thương nhớ bố”. Những xót xa, ân hận, day dứt của cô gái giống như một lời nhắn nhủ, mỗi chúng ta cần phải trân quý những người thân yêu bên cạnh mình, đừng để khi mất đi rồi mới thấy tiếc nuối thì đã quá muộn.

Trong cuộc sống thường nhật, đặc biệt trong không gian gia đình, bước đi của thời gian được đánh dấu bằng những công việc, sinh hoạt hàng ngày. Những công việc lặp đi lặp lại ấy cùng với bước đi tuần tự của thời gian khiến cuộc sống của con người trở nên nhàm chán, tẻ nhạt. Truyện ngắn Sống gửi thác về kể về gia đình của vợ chồng Tân Luyến theo thời gian tuyến tính. Cả cuộc đời của cô sống tù đọng quẩn quanh trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi nhưng vẫn thật ngột ngạt bí bách. Dù người cha có đi nhiều nơi, học rộng hiểu nhiều cũng không làm sao thay đổi được cuộc sống nghèo nàn, buồn tẻ về tinh thần của cô con gái. Suốt đời cô, sống tại ngôi nhà của mình cùng chồng và cậu con trai tên Dương. Quanh năm, suốt tháng cuộc sống vẫn trôi đi như thế “Quẩn quanh mãi với vài ba dáng điệu/ Tới hay lui vẫn từng ấy mặt người” (Huy Cận). Rồi một ngày Luyến phát hiện ung thư cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi đi sống gửi thác về. Câu chuyện đem đến cho bạn đọc thông điệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc: con người đừng để những thứ tủn mủn, nhỏ nhặt mà biến cuộc sống của mình trở nên vô nghĩa nhạt nhẽo.

Sự trôi chảy của dòng thời gian tuyến tính trên những trang văn của Thu Huệ nặng trĩu bao suy tư, chiêm nghiệm, ẩn chứa trong đó cả xúc cảm nhân văn sâu sắc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 78 - 80)