Con người với khát khao hạnh phúc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 55 - 59)

7. Cấu trúc luận văn

2.2. Con người đô thị

2.2.4. Con người với khát khao hạnh phúc

Cuộc sống đô thị hiện đại phát triển làm cho đời sống vật chất của con người ngày càng được nâng cao và cải thiện rõ rệt. Nhưng thực tế cũng cho thấy, ẩn sau vẻ bề ngoài hào nhoáng của xã hội hôm nay, con người sống cô đơn, lạnh lùng vô cảm và ngày càng mất đi sự kết nối. Cùng với đó là sự lo âu, là nỗi bất an về một xã hội thiếu tình người và nhiều mối hiểm nguy, bất trắc. Vì vậy khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, giàu tình yêu thương, bình yên và hạnh phúc trở thành khát vọng mãnh liệt của con người. Các nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ đều đã trực tiếp hoặc gián tiếp nói lên khát vọng chân chính ấy.

Trước hết đó là khát vọng hoàn lương, làm lại cuộc đời sau những sai lầm vấp ngã. Đứng trước những cám dỗ, những tệ nạn, nhiều cá nhân đã đánh mất đi nhân cách của mình. Với trái tim giàu tình yêu thương, Thu Huệ đã đi sâu vào thế giới tâm hồn bên trong con người để phát hiện, nâng niu và trân trọng những khát vọng thầm kín của con người. Nhà văn vẫn tin tưởng rằng bản chất tốt đẹp vẫn luôn như đốm lửa âm ỉ cháy trong tâm hồn mỗi người. Đó là niềm mong ước được trở về với cuộc đời sau những lầm lỗi của Dương trong Với tay

là đến. Những hình ảnh tươi đẹp về cha, về mẹ, về vùng biển nghèo mà yên ả,

chan hòa trở thành miền kí ức ngọt ngào trong tâm trí Dương khi anh đang phải vật vã trong trại cai nghiện. Cuộc sống giản dị, bình yên ấy giờ thành niềm khát vọng mãnh liệt sau những vấp ngã, sai lầm của một thời tuổi trẻ bồng bột, thiếu bản lĩnh. Hạnh phúc đôi khi rất giản đơn, nhưng chỉ đến khi tuột khỏi tầm tay con người mới chợt nhận ra thì đã quá muộn. Đó còn là hình ảnh của Hoài trong truyện ngắn Xin hãy tin em. Vốn là cô gái ham chơi nổi tiếng nhưng vì tình yêu Hoài sẵn sàng thay đổi bản thân, từ bỏ những thói hư tật xấu của mình để trở thành người con gái dịu dàng nữ tính. Cái kết không có hậu của tác phẩm có thể kiến bạn đọc có nhiều tiếc nuối nhưng câu chuyện cũng đã chuyền đến bạn đọc

một thông điệp đầy ý nghĩa: tình yêu có thể cảm hóa con người, làm cho con người sống Người hơn, nhân văn hơn.

Đó còn là khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, yêu thương, hạnh phúc cũng được nhà văn gửi gắm qua nhiều truyện ngắn đặc sắc. Đó là mong muốn về một xã hội không có cái ác, cái xấu bủa vây rình rập (X – Men có mùi

trường đua, Trong lúc ăn một bát phở gia), khi ấy con người tìm được sự bình

an, có thể thong dong dạo phố, uống cà phê, đeo những bộ trang sức mình thích mà không sợ bọn cướp có trang bị vũ khí. Là niềm khao khát tìm được tiếng nói tri âm với những người thân (Nước mắt đàn ông, Tân cảng, Phù thủy) để những mất mát, đổ vỡ, những đau đớn dằn vặt không hiện hữu trong mỗi gia đình, những yêu thương trở thành sợi dây gắn kết những thành viên trong gia đình, những nụ cười thay cho những giọt nước mắt chia li đổ vỡ. Hơn tất cả là niềm khao khát về một xã hội giàu tình thương yêu, tình đời, tình người ấm áp (Thành phố đi vắng)…

Trong sáng tác của Thu Huệ, chị nói nhiều đến tiếng lòng, khát vọng của giới mình. Bằng sự đồng cảm Thu Huệ đã nói lên nỗi lòng của những người phụ nữ. Mỗi người một cảnh ngộ, một số phận nhưng ẩn sâu trong trái tim những người phụ nữ ấy vẫn là khát vọng được yêu, được hạnh phúc. Trên hành trình tất tả tìm hạnh phúc ấy, những người phụ nữ nếm trải đủ dư vị của tình yêu, có cả những giọt nước mắt ngọt ngào, cả những giọt đắng, niềm đau; những hy vọng đợi chờ, tin yêu, cả những chán chường tuyệt vọng… Quyên trong Tình yêu ơi,

ở đâu?là câu chuyện cảm động về hành trình kiếm tìm hạnh phúc của cô gái tên Quyên. Quyên luôn khao khát tìm kiếm được người đàn ông đích thực của cuộc đời mình để dựng xây hạnh phúc. “Tình yêu ơi, ở đâu?” cũng là câu hỏi khắc khoải chưa có lời giả đáp đối với cô gái đã hai nhăm tuổi. Mối tình đầu của cô là một nhà thơ nghiện rượu. Cô yêu anh qua những tập thơ của anh, nhưng rồi cô nhận ra rằng “tình không như là mơ, và người không đẹp như thơ”, họ đã chia tay. Rồi cô gặp một người đàn ông thứ hai, hắn là kẻ có học, gia đình giàu có

nhưng cực kì ích kỉ, gia trưởng, ghen tuông đến mù quáng. Mối tình thứ hai tiếp tục đổ vỡ. Những tưởng rằng Quyên sẽ tìm được hạnh phúc khi gặp Bình người đàn ông góa vợ, tốt tính, giàu trách nhiệm nhưng rồi “tình yêu ơi, ở đâu?”, hạnh phúc vẫn chưa gõ cửa trái tim mình. Quyên không thể trở thành người thừa trong gia đình anh khi hai đứa con anh không thể sẵn sàng đón nhận một người phụ nữ khác. Mơ ước bé nhỏ, giản đơn mà trở nên xa vời với Quyên. Thế nhưng những éo le, sóng gió đó không làm khỏa lấp khát vọng được yêu, được hạnh phúc của cô. Tương tự như vậy, người thiếu nữ trong Cát đợi luôn hoang mang trên con đường đi tìm hạnh phúc. Cô vẫn bao nhiêu năm nhang hương cho một tình yêu qua cố dù biết rằng người ấy vẫn ngày ngày chỉn chu chở vợ con đi làm mỗi sáng. Rồi anh đã đến- người tình tuyệt vời có đầy ắp những gì cô khiếm khuyết. Cô ngập tràn sung sướng trong cảm giác hạnh phúc “tôi yêu và được yêu”. Nhưng cô cũng chẳng bao giờ có được hạnh phúc trọn vẹn, bởi lẽ cô chỉ là người đến sau. Người đàn bà ngẩn ngơ ngồi với cát, cát mềm mại, bao dung trìu mến và chị đợi một ngày nào đó tình yêu của mình sẽ quay lại. Trên con đường ngược xuôi kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc, người phụ nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ lúc thất vọng đau đớn, khi cô đơn tuyệt vọng nhưng vượt lên tất cả họ vẫn luôn hi vọng về một tình yêu trọn vẹn.

Nhìn vào bức tranh đô thị hiện đại trong truyện ngắn Thu Huệ, bạn đọc không tránh khỏi những hoang mang, lo lắng về một xã hội có quá nhiều mặt trái, cái ác, cái xấu giăng mắc khắp nơi. Đó là hiện thực Thu Huệ không hề né tránh. Làm tròn sứ mệnh của một nhà văn hiện thực, Thu Huệ đã ghi lại một cách chân thực những góc khuất, những gam màu tối của cuộc sống đô thành hiện đại. Nhưng ẩn sau những trang văn tưởng như lạnh lùng, dửng dưng ấy lại là một trái tim “nóng”, một tấm lòng luôn đau đáu về những vấn đề nóng hổi của xã hội. Đọc truyện ngắn của chị, người đọc vẫn cảm nhận được những khao khát, tin yêu về một cuộc sống tốt đẹp, văn minh hơn được chị gửi gắm qua thế giới nhân vật của mình. Đó cũng là giá trị nhân văn của những tác phẩm văn học

chân chính. Bởi “Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”(Nam Cao)

Tiểu kết

Với cái nhìn tả chân sắc sảo, Nguyễn Thị Thu Huệ đã phơi bày bức tranh hiện thực xã hội hiện đại hôm nay với đầy đủ gam màu sáng tối. Xã hội đô thị hiện lên là miền đất đô hội, văn minh, phát triển. Nhưng Thu Huệ nhạy cảm hơn với những tiêu cực, mặt trái của đời sống đô thành. Bức tranh đô thị được tác giả tái hiện không chỉ từ môi trường gia đình với nhiều giá trị đạo đức bị phá vỡ mà đó còn là khung cảnh đô thị xô bồ tiềm ẩn biết bao hiểm nguy, tệ nạn. Không hề né tránh, Thu Huệ đã đem đến cho người đọc nhiều cảm nhận sâu sắc về những đổ vỡ, mất mát của bức tranh đô thị hiện đại. Cùng với đó, với khả năng đi sâu khám phá thế giới con người bên trong con người, Nguyễn Thị Thu Huệ cũng tái hiện chân dung sinh động của con người hiện đại. Sống trong xã hội có nhiều biến động, con người luôn cảm thấy bất an, cô đơn. Họ cô đơn ngay trong chính không gian gia đình- nơi mà đáng lẽ con người tìm được sự bình yên, ấm áp, tìm được chỗ dựa tinh thần vững chắc. Đặc biệt là hình ảnh của những người phụ nữ luôn khắc khoải trong hành trình kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc. Hơn thế, sống trong một xã hội mà nhiều giá trị truyền thống bị chao đảo, con người chạy theo những giá trị vật chất thì tình yêu thương trở thành món quà xa xỉ. Con người thiếu vắng tình cảm, sống thờ ơ, vô cảm, lạnh lùng hơn. Sau tất cả những bi kịch đổ vỡ ấy, con người luôn khao khát được hạnh phúc, mong muốn về một cuộc sống giàu tình yêu thương và an bình hơn. Đó cũng là tiếng lòng của nhiều nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ. Chính điều đó đã tạo nên giá trị nhân văn của truyện ngắn Thu Huệ, là lí do vì sao truyện ngắn của chị lại neo đậu và gây nhiều dư ba trong lòng độc giả.

Chương 3.

NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN ĐỀ TÀI ĐÔ THỊ TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ THU HUỆ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 55 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)