Không gian-thời gian nghệ thuật nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 71)

7. Cấu trúc luận văn

3.2. Không gian-thời gian nghệ thuật nghệ thuật

3.2.1. Không gian nghệ thuật

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật, thể hiện tính chỉnh thể của nó” đồng thời “thể hiện quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của thời gian hay của một giai đoạn văn học” [11, tr134]. Như vậy không gian nghệ thuật chính là môi trường sống của nhân vật, là nơi diễn ra các biến cố, sự kiện của câu chuyện. Việc tạo dựng không gian nghệ thuật như thế nào phụ thuộc vào tài năng và ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Nếu như trong điêu khắc và hội họa, chất liệu đặc trưng để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật là hình khối, đường nét, màu sắc, vì vậy những người nghệ sĩ chỉ có thể lựa chọn cho mình một không gian tĩnh. Nghĩa là, trong hội họa và điêu khắc không có sự, vận động phát triển của không gian, thời gian. Nhưng với chất liệu đặc trưng để xây dựng tác phẩm văn học là ngôn từ, nên nhà văn có thể dễ dàng đưa người đọc di chuyển đến nhiều không gian, thời gian khác nhau. Có thể là không gian rộng lớn nhưng cũng có thể là không gian hẹp, có thể là không gian thực cũng có thể là không gian tâm tưởng mang nặng tâm trạng của con người. Qua việc khảo sát các truyện ngắn của Thu Huệ viết về đề tài đô thị, chúng tôi nhận thấy trong các sáng tác của chị xuất hiện một số kiểu không gian như: Không gian gia đình, không gian căn phòng, không gian tâm tưởng.

3.2.1.1. Không gian gia đình

Một tỷ lệ lớn truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ chọn không gian gia đình làm nền cảnh cho câu chuyện. Chúng ta bắt gặp kiểu không gian này trong nhiều câu chuyện của Thu Huệ như:Sống gửi thác về, Nước mắt đàn ông, Hậu thiên đường, Phù Thủy, Tân Cảng, Ám ảnh, Của để dành... Những mặt trái

của nền kinh tế thị trường, sự thay đổi quan niệm, giá trị sống của con người đương đại được phản chiếu trong không gian đô thị thu nhỏ: gia đình.

Gia đình vốn là tổ ấm thiêng liêng mà ở đó các thành viên gắn kết yêu thương, là nơi con người tìm được bến đậu bình yên sau những bão giông của cuộc đời nhưng trong những ngôi nhà xa hoa lộng lẫy kia biết bao con người vẫn ngày đêm sống với nỗi cô đơn, giày vò, bi kịch. Đó là nỗi cô đơn buồn tủi của người phụ nữ trong những đêm dài thiếu vắng bóng chồng; nỗi đau đớn của hai đứa trẻ khi phải li biệt mỗi đứa một nơi (Tân Cảng); là nỗi đau, sự bất lực của một người đàn ông không đủ sức níu kéo, gìn giữ hạnh phúc đời mình (Dĩ

Vãng); là sự đau đớn cô đơn của người cha suốt một đời hi sinh cho gia đình

(Nước mắt đàn ông); sự bế tắc của cô con gái khi thiếu vắng tình thương, sự quan tâm chăm sóc của mẹ để cuối cùng đi vào vết xe đổ của mẹ (Hậu thiên

đường); là sự ngờ vực không hiểu được chính cha mẹ của mình (Phù Thủy); là

nỗi ám ảnh của người con khi chứng kiến thói gia trưởng, trăng hoa của chính cha mình (Ám ảnh) và cả những xáo động của cuộc sống gia đình trước cơn sốt kinh tế thị trường (Mi-nu xinh đẹp)… Tái hiện không gian gia đình, Thu Huệ đã thấy được những tác động ghê gớm của nhịp sống hiện đại, của nền kinh tế thị trường đối với từng gia đình. Bởi lẽ gia đình chính là tế bào của xã hội. Mọi sự biến động của xã hội đều ít nhiều tác động đến gia đình.

Chính bởi lẽ con người không tìm được sợi dây gắn kết, tình yêu, hạnh phúc trong gia đình nên nhiều nhân vật trong truyện ngắn của Thu Huệ đã có thiên hướng xê dịch thoát khỏi không gian ấy. Đó là hình ảnh của Lan trong Một

nửa cuộc đời. Suốt ngày quanh quẩn trong nhà, bên xó bếp với những công việc

thường nhật của một người mẹ, người vợ, Lan cảm thấy ngột ngạt, nhàm chán, vô vị. “Ngày nào em cũng thấy mòn đi, mỗi ngày một tí, một tí… Em trở nên đần độn, trì trệ, quẩn quanh ở xó bếp, xó cửa… Chỉ mươi năm nữa, em thành một cụ già bốn mươi tuổi, không ai nhận ra em nữa”. Chính vì thế, Lan mong muốn vượt thoát ra khỏi không gian gia đình để đến một chân trời mới bên người tình, được nếm trải những ngọt ngào, lãng mạn, bay bổng của tình yêu. Nhưng sau những xúc cảm thăng hoa giữa biển trời bao la, trở về với không gian quen

thuộc, Lan lại thấy day dứt, hối hận. Như vậy sự xê dịch không gian ra khỏi gia đình chỉ là một phép thử để con người biết trân quý hơn những gì mình đang có và có ý thức gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Gia đình người Việt xưa ít nhiều đều có sự gắn kết với cộng đồng xã hội theo kiểu như “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, nhưng trong bức tranh đô thị hiện đại, gia đình gần như có sự bức tử với môi trường xung quanh. Không thấy, không có một sợi dây gắn kết, một mối quan hệ thân xơ nào được nói đến trong ngôi nhà của vợ chồng Tân- Luyến trong Sống gửi thác về. Suốt chiều dài tác phẩm, theo chân cuộc đời của Luyến từ khi lấy chồng, sinh con, rồi chết đi vì bị bạo bệnh, người ta không thấy một mối quan hệ bạn bè thân quen nào hiện hữu trong gia đình của cô. Quanh năm suốt tháng, với cái dáng nằm ngủ úp thìa, ngày qua tháng lại, với từng ấy công việc quen thuộc, từng ấy con người trong gia đình, nhịp sống trôi đi nhịp nhàng đến buồn tẻ. Đó cũng là lối sống quen thuộc của nhiều gia đình đô thị hiện đại, nhà nào biết nhà nấy, không ai quan tâm tới ai, không nhà nào can thiệp vào đời sống riêng của nhà nào.

Có thể nói, không gian gia đình là kiểu không gian xuất hiện nhiều hơn cả trong truyện ngắn về đề tài đô thị của Nguyễn Thị Thu Huệ. Đây không chỉ là không gian sống, không gian sinh hoạt, nơi diễn ra những biến cố sự kiện của câu chuyện mà nó còn là một tín hiệu thẩm mĩ mang nhiều ý nghĩa. Xây dựng không gia gia đình, Thu Huệ đã chỉ ra cả những tác động tích cực lẫn những hệ lụy của quá trình đô thị hóa đối với đời sống mỗi gia đình, cái được đi cùng những cái mất, cái phát triển đi lên đi cùng cả những đổ vỡ. Chính vì vậy mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần phải biết giữ gìn, trân quý những gì mình đang có trước những biến động, đổi thay hàng ngày của xã hội.

3.2.1.2. Không gian căn phòng

Đối lập với những căn biệt thự rộng lớn xa hoa là hình ảnh của những căn phòng nhỏ hẹp tù túng. Đó là nơi sinh hoạt, là không gian sống, không gian làm việc của con người đô thị hiện đại. Cùng với sự phát triển chóng mặt của quá trình đô thị hóa, dân thành thị ngày càng đông đúc hơn. Khát vọng được ra thành phố, được bám trụ và sinh sống tại những đô thị phồn hoa đã tạo ra sức ép mạnh mẽ về không gian sống tại những đô thị lớn. Phố chật người đông, cuộc sống trở nên ngột ngạt, con người ngày càng đoạn tuyệt với thiên nhiên. Những sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng dần mất đi, con người thu mình trong không gian tù túng chật chội. “Đó là căn phòng mười ba mét vuông chứa tới mười tám người và chuẩn bị đón thêm hai ông bà già là thành hai mươi” (Giai nhân). Hay “Căn phòng mười bốn mét vuông, tầng xép của một khu nhà Pháp cổ, trần cao, sàn gỗ” của Quang trong Chủ nhật được xem phim hoạt hình. Không gian ấy là nơi để nhân vật cảm nhận cuộc sống vô vị nhạt nhẽo của mình với những chiều chủ nhật xem phim hoạt hình. Đó là cảm giác ngộp thở khi “cả tuần ngồi trong căn phòng chín mét vuông, chung với ba đồng nghiệp, dưới ánh sáng của bốn bóng đèn nêông, cửa sổ luôn đóng để chống, bụi chống ồn” của cô gái trong Trong lúc ăn một bát phở Gia truyền. Để rồi cô khao khát có những ngày chủ nhật

thong dong hít khí trời, ăn một bát phở ưa thích, ngồi nhâm nhi một cốc cà phê. Nhưng rồi lo lắng, bất an bởi những hiểm nguy luôn rình rập cô lại tự nhốt mình trong “góc phòng mười hai mét vuông, không cửa sổ giữa một chung cư cũ là lựa chọn duy nhất cho ngày cuối tuần nếu không muốn ra đường và đối mặt với bọn cướp chuyên nghiệp” có trang bị vũ khí. Còn người đàn bà ba mươi tám tuổi xinh đẹp chưa chồng trong Giai nhân đã tự giam mình ba ngày quanh quẩn trong bốn bức tường, dọn dẹp lặt vặt, chờ tiếng chuông điện thoại, tiếng gõ cửa của một ai đó để nhắc rằng người ta vẫn nhớ đến cô nhưng tuyệt nhiên không có. Chính trong sự chật hẹp ấy, cô có cơ hội đối diện với chính mình, để cảm nhận một cách sâu sắc, thấm thía nỗi cô độc của cuộc đời. Trong Thành phố đi

vắng, cô gái trở về xứ sở thân yêu của mình sau ba năm xa cách nhưng tất cả

đều vỡ òa trong sự thất vọng bởi cảnh vật vẫn như xưa nhưng tình người đã “đi vắng”. Cô chọn cho mình không gian là căn phòng khách sạn ngày xưa để cảm nhận rõ rệt những mất mát, đổi thay của tình đời, tình người: “Ba năm qua rồi, giờ cô đứng một mình nơi cửa sổ, nhìn xuống đường. Sau lưng cô, trong phòng, không có những bức phác thảo rải kín mặt giường. Không quần áo bừa bãi vắt khắp nơi. Không có anh. Không có bia. Mùa hè nhưng lạnh. Giá vẽ mini gập nguyên dựng góc cửa. Bảng màu và những ống sơn gọn gàng im lặng chân giường”. Nhốt mình trong căn phòng nhỏ, cô gái đã cảm nhận một cách sâu sắc những mất mát, đổi thay của cuộc sống phố phường. Cảnh cũ, người xưa, nhưng mọi thứ xung quanh giờ đã thay đổi, con người trở nên lạnh lùng, vô cảm hơn.

Xây dựng không gian đời tư nhỏ hẹp, biệt lập với không gian đô thị rộng lớn Thu Huệ càng cho thấy con người cá nhân ngày càng cô đơn, thu mình bởi họ luôn cảm thấy lo lắng trước những biến động của đời sống xã hội.

3.2.1.3. Không gian tâm tưởng

Khảo sát các truyện ngắn của Thu Huệ, chúng tôi nhận thấy trong tác phẩm của chị không chỉ xuất hiện không gia đình, không gian căn phòng, nơi diễn ra những sinh hoạt đời tư, công việc, cuộc sống hằng ngày của con người đô thị, mà kiểu không gian tâm tưởng cũng xuất hiện khá nhiều. Đó là không gian tâm trạng chất chứa bao nỗi niềm, tâm tư, ước vọng của con người. Đó có thể là không gian quá khứ, có thể là không gian của mơ ước, khát vọng.

Khi cuộc sống thực tại gặp nhiều bi kịch, con người thường có thiên hướng tìm về với quá khứ, với những hoài niệm. Vì vậy kiểu không gian hồi tưởng cũng là một đặc sắc nghệ thuật xuất hiện trong nhiều truyện ngắn của Thu Huệ. Đó là những kí ức về tuổi thơ ngọt ngào bên mẹ: “Ngày xưa. Mẹ gánh Dương một bên, gánh tép một bên, đung đưa, đung đưa từ chợ chiều về. Qua khu chợ. Qua rặng phi lao. Là biển. Ngày xưa. Lúc mới biết chạy. mẹ hay thả Dương bập

bõm bước trên cát, gần với mép sóng…” (Với tay là đến). Vùng biển nghèo, đầy nắng, đầy gió hiện lên ăm ắp, vơi đầy trong kí ức của Dương. Nơi ấy có bóng dáng hao gầy của người mẹ tảo tần, có khuôn mặt rạng ngời tin yêu, hy vọng của cha, nơi ấy có biết bao người dân chài quanh năm rám nắng mà vẫn nặng nghĩa, nặng tình. Nhưng tất cả chỉ còn trong kí ức, trong hoài niệm, không biết Dương còn có cơ hội để trở về, để cho gió biển tạt vào da thịt, để hít thở hương vị của cát, của mùi mồ hôi trên áo mẹ ướt đầm. Khi mà giờ đây, đối lập với không gian ấy, mình Dương quằn quại đau đớn, vật vã đấu trọi lại những cơn thèm thuốc trong trại cai nghiện.

Còn trong Thành phố không mùa đông không gian của quá khứ hiện cũng hiện về trong dòng hoài niệm của nhân vật. Kỉ niệm ùa về trong tâm trí, những không gian quen thuộc của ngày xưa: “Lúc này đây, tôi lại được hít trong không gian mát lạnh của mưa, của miền rừng cộng với độ lạnh trong xe cái mùi hương êm dịu của những hạt ngô rang”. Không gian kí ức gắn liền với những kỉ niệm ấm áp về gia đình. Nhưng tất cả chỉ còn là hoài niệm, tiếc nuối.

Không chỉ tìm về với không gian hồi tưởng, tìm đến một thế giới khác, thê giới của những giấc mơ, của khát vọng cũng là cách để con người xoa dịu những bi kịch trong thực tại. Trong Người đi tìm giấc mơ kiểu không gian tâm tưởng cũng xuất hiện trở thành tín hiệu thẩm mĩ giàu ý nghĩa. Đó là không gian xuất hiện trong những giấc mơ của một cô gái chịu quá nhiều bất hạnh. Cuộc đời cô là một chuỗi những buồn đau, mất mát, thiếu thốn và bi kịch: không có cha, lên tám tuổi mẹ lại bỏ đi theo người khác, lớn lên lấy một người chồng tật nguyền và thường xuyên bị gia đình nhà chồng đánh đập… Cuộc sống hiện thực có quá nhiều bất hạnh đau đớn cô tìm đến những giấc mơ. Giấc mơ được đổi đời, giấc mơ được làm hoa hậu, giấc mơ được hạnh phúc được lên thiên đường... Đó là không gian của ước mơ, khát vọng khi đời thực cô chịu qua nhiều đắng cay, tủi hờn.

Mai trong truyện Một đời sống khác luôn bị giày vò bởi căn bệnh đau đầu

quái ác. Sau mỗi giấc mơ, cơn đau đầu lại kéo đến. Cùng với cuộc sống hiện thực, Mai sống cùng những giấc mơ. Những giấc mơ làm cô đau đớn: “Những giấc mơ thật ám ảnh. Gần gũi. Cô đã khóc. Đã cãi nhau. Đau khổ. Tức giận. Vui vẻ”. Giấc mơ đưa Mai về với những kỉ niệm của mối tình đầu:“ Mơ thấy anh chở mình bằng xe đạp, leo dốc Tam Đảo Mùa đông trời tối. Vắng không bóng người. Mình buồn ngủ, anh lấy cái khăn buộc lưng mình vào lưng anh, gò mình leo dốc”. Giấc mơ đưa Mai đến gặp bố, gặp bà, với những kỉ niệm đã qua và cả những điều sắp đến. Giấc mơ giờ đây cũng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô. Phải chăng những áp lực của cuộc sống hiện đại hôm nay đang đè nặng lên con người, nó khiến con người ta trở nên ngộp thở, đau đớn. Nỗi đau âm ỉ ăn sâu vào tiềm thức của con người. Làm thế nào để giải tỏa những đau đớn và căng thẳng đó. Làm thế nào để con người có một cuộc sống thật sự thanh thản. Đó cũng là câu hỏi nhức nhối mà nhà văn đặt ra giữa cuộc sống hiện đại xô bồ.

Như vậy, với cách xây dựng không gian theo dòng tâm trạng, truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ không chỉ đi sâu vào khám phá đời sống tâm lí của con người mà còn diễn tả được đời sống hiện thực vô cùng phức tạp và luôn biến động.

3.2.2. Thời gian nghệ thuật

Cũng theo Từ điển thuật ngữ văn học “Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật (…) thể hiện sự cảm thụ độc đáo của thời gian về phương thức tồn tại của con người trong thời gian” [11, tr264]. Mỗi hành động, sự kiện đều phải xảy ra ở một thời điểm nào đó. Vì vậy, đi liền với không gian nghệ thuật là thời gian nghệ thuật. Mỗi nhà văn, mỗi thời đại lại có quan niệm khác nhau về thời gian. Như trong văn học trung đại Việt Nam, các nhà thơ quan niệm rằng thời gian là tuần hoàn, xuân qua xuân lại lại. Nhưng đến các

nhà Thơ Mới, Xuân Diệu lại cho rằng thời gian là tuyến tính, một đi không trở lại, mỗi khoảnh khắc trôi qua là mất đi mãi mãi. Do được xây dựng bằng ngôn ngữ nghệ thuật nên thời gian trong tác phẩm dễ dàng biến đổi linh hoạt, có thể là

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 71)