Ngôn ngữ đối thoại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 68 - 71)

7. Cấu trúc luận văn

3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.1.3.2. Ngôn ngữ đối thoại

Bên cạnh sử dụng ngôn ngữ độc thoại để thể hiện tính cách, tâm trạng của nhân vật thì Nguyễn Thị Thu Huệ còn sử dụng ngôn ngữ đối thoại.

Con người đô thị hiện đại mải miết chạy theo vòng xoáy của tiền tài, danh vọng vì vậy yêu thương con người dành cho nhau ngày càng ít. Trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, chúng tôi thấy xuất hiện khá nhiều những mẩu đối thoại ngắn, rời rạc giữa các nhân vật. Con người như chìm vào thế giới của cá nhân. Người ta không đối xử với nhau cởi mở, hồ hởi, thân thiện như trước nữa. Tất cả đều kiệm lời tới mức tối đa:

-“Cô có thể ngồi với tôi vài phút, tôi muốn hỏi cô chuyện này”,

-“Dạ”

- “Tôi có việc phải đi xa thành phố ba năm”

- “Dạ”

- “ Hồi trước khi đi, tôi và bạn trai thường ăn ở đây, lúc ấy cô đã làm quản lý, cô có nhớ tôi không”.

-“ Dạ. Tôi có nhớ chị. Bạn chị người Thụy Điển”.

-“ Đúng rồi”.

Đó là đoạn đối thoại giữa cô gái đi xa sau ba năm trở về thành phố thân yêu với người quen cũ trong Thành phố đi vắng. Những câu trả lời ngắn như tiếng của những con rô bốt phát ra từ miệng của cô quản lí nhà hàng đã cho thấy cuộc sống của con người đô thị, mải miết với công việc, với bộn bề lo toan kiếm sống, tình yêu thương, sự quan tâm, cởi mở chân thành con người dành cho nhau ngày càng ít đi.

Suy nghĩ và lối sống của những sinh viên trí thức cũng được phơi bày qua ngôn ngữ đối thoại giữa Hoài và Thanh:

- “Nó vừa ki, vừa Trư như thế mày đánh đu làm gì?

- Nó không ki với tao. Nó làm ăn được toàn đưa tao giữ để chi tiêu. Thằng này tuy cục súc nhưng được cái thật thà. Chỉ ăn ngủ và vần tao chứ không để ý con khác. Trong khi các khóa sau mình bao con hơ hớ ra đấy. Không yêu nó, mày bảo yêu ai?..” (Xin hãy tin em)

Trong Phù Thủy bản chất dâm ô, xấu xa, sự tha hóa biến chất của lão hàng xóm cũng được bộc lộ qua đoạn đối thoại với đứa trẻ:

“- Tại sao bác cứ nhìn cháu. Nó hỏi

- Cháu bao nhiêu tuổi. Ông ta hỏi và ngồi bên cạnh.

- Mười hai tuổi- Nó trả lời

- Lớn quá. Ngực cháu rất đẹp

- Gì cơ ạ? Nó không hiểu ông ta nói gì.

- Ngực cháu ấy. Nó trắng ngần và phổng phao như ngực thiếu nữ. Chú chưa thấy ai có bộ ngực như cháu(...)

- Chú sẽ dạy cho cháu hiểu. Cuộc sống tuyệt lắm. Nhà chú cách nhà cháu cái ngõ, sang đó chú dạy cháu thành người lớn”.

Bộ mặt vô liêm sỉ của kẻ dâm ô đã được phơi bày khi lão hàng xóm gạ gẫm con bé đáng tuổi con mình. Dù là một người đàn ông lớn tuổi, đã có gia đình đàng hoàng, nhưng hắn sẵn sàng buông ra những lời tán tỉnh thô thiển, thiếu văn hóa với một đứa trẻ vị thành niên. Những lời lẽ thô tục ấy như một thứ nước rửa, phơi bày bộ mặt bỉ ổi của hắn, khiến hắn hiện nguyên hình là một tên yêu râu xanh đáng khinh bỉ.

Trong truyện ngắn Thiếu phụ chưa chồng sự trơ tráo, ích kỉ của My cũng được qua những lời nói My nói với chị:

- Thôi đi, chuyện sau này chị đừng bàn ra đây, biết đâu tôi không nhằn được chồng chị trước. Thời của tôi khác thời của chị rồi. Sống như các mẹ, các chị mà ngớ ngẩn à? Giời ơi, biết có sống đến lúc ấy mà ân với cả hận.

- Thế em muốn gì? Em không nghĩ đến thằng cháu ruột em à, và gia đình mình nữa. Con người sống lúc nào cũng chỉ có mình với người mình yêu đâu, có biết bao mối quan hệ?

- Tôi sống với Dương, không cần cưới xin, anh chị cũng chẳng cần bỏ nhau,chỉ cần viết cho tôi một cái giấy cam kết thôi là đủ.

Tôi cóc cần sống vì ai, tôi vì tôi bởi vì có ai vì tôi đâu.”

Qua lời lẽ táo tợn sống sượng của mình, My bộc lộ là một cô gái ích kỉ đến tàn nhẫn, chỉ vì ham muốn, dục vọng các nhân mà sẵn sàng chà đạp, bất chấp cả luân lí đạo đức. Cũng qua đoạn đối thoại này, người đọc cảm nhận được sự nhu mì, yếu đuối, đau khổ thậm chí có phần bế tắc, bất lực của Hảo khi biết chính chồng và em gái ruột là những kẻ đâm sau lưng cô. Khác với lối sống ích kỉ chỉ biết đến mình của My, Hảo là người phụ nữ giàu tình cảm, trân trọng những giá trị đạo đức truyền thống. Hảo cũng là người từng trải khi chị nhận ra rằng, con người không chỉ sống với tình yêu mà xung quanh còn có bao mối quan hệ cần nâng niu giữ gìn, không thể vì tình yêu của bản thân mà chà đạp lên tất cả nhất là tình cảm gia đình thiêng liêng quý giá.

Như vậy ngôn ngữ trở thành thủ pháp hữu hiệu giúp nhà văn tái hiện chân dung nhân vật con người đô thị. Bởi lẽ tính cách nhân vật không chỉ bộc lộ qua hành động cử chỉ, điệu bộ mà còn qua lời nói. Hơn thế thông qua ngôn ngữ, người đọc cũng cảm nhận được thói quen tư duy, giao tiếp của cả cộng đồng trong thời kì đô thị hóa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 68 - 71)