Không gian gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 71 - 74)

7. Cấu trúc luận văn

3.2. Không gian-thời gian nghệ thuật nghệ thuật

3.2.1.1. Không gian gia đình

Một tỷ lệ lớn truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ chọn không gian gia đình làm nền cảnh cho câu chuyện. Chúng ta bắt gặp kiểu không gian này trong nhiều câu chuyện của Thu Huệ như:Sống gửi thác về, Nước mắt đàn ông, Hậu thiên đường, Phù Thủy, Tân Cảng, Ám ảnh, Của để dành... Những mặt trái

của nền kinh tế thị trường, sự thay đổi quan niệm, giá trị sống của con người đương đại được phản chiếu trong không gian đô thị thu nhỏ: gia đình.

Gia đình vốn là tổ ấm thiêng liêng mà ở đó các thành viên gắn kết yêu thương, là nơi con người tìm được bến đậu bình yên sau những bão giông của cuộc đời nhưng trong những ngôi nhà xa hoa lộng lẫy kia biết bao con người vẫn ngày đêm sống với nỗi cô đơn, giày vò, bi kịch. Đó là nỗi cô đơn buồn tủi của người phụ nữ trong những đêm dài thiếu vắng bóng chồng; nỗi đau đớn của hai đứa trẻ khi phải li biệt mỗi đứa một nơi (Tân Cảng); là nỗi đau, sự bất lực của một người đàn ông không đủ sức níu kéo, gìn giữ hạnh phúc đời mình (Dĩ

Vãng); là sự đau đớn cô đơn của người cha suốt một đời hi sinh cho gia đình

(Nước mắt đàn ông); sự bế tắc của cô con gái khi thiếu vắng tình thương, sự quan tâm chăm sóc của mẹ để cuối cùng đi vào vết xe đổ của mẹ (Hậu thiên

đường); là sự ngờ vực không hiểu được chính cha mẹ của mình (Phù Thủy); là

nỗi ám ảnh của người con khi chứng kiến thói gia trưởng, trăng hoa của chính cha mình (Ám ảnh) và cả những xáo động của cuộc sống gia đình trước cơn sốt kinh tế thị trường (Mi-nu xinh đẹp)… Tái hiện không gian gia đình, Thu Huệ đã thấy được những tác động ghê gớm của nhịp sống hiện đại, của nền kinh tế thị trường đối với từng gia đình. Bởi lẽ gia đình chính là tế bào của xã hội. Mọi sự biến động của xã hội đều ít nhiều tác động đến gia đình.

Chính bởi lẽ con người không tìm được sợi dây gắn kết, tình yêu, hạnh phúc trong gia đình nên nhiều nhân vật trong truyện ngắn của Thu Huệ đã có thiên hướng xê dịch thoát khỏi không gian ấy. Đó là hình ảnh của Lan trong Một

nửa cuộc đời. Suốt ngày quanh quẩn trong nhà, bên xó bếp với những công việc

thường nhật của một người mẹ, người vợ, Lan cảm thấy ngột ngạt, nhàm chán, vô vị. “Ngày nào em cũng thấy mòn đi, mỗi ngày một tí, một tí… Em trở nên đần độn, trì trệ, quẩn quanh ở xó bếp, xó cửa… Chỉ mươi năm nữa, em thành một cụ già bốn mươi tuổi, không ai nhận ra em nữa”. Chính vì thế, Lan mong muốn vượt thoát ra khỏi không gian gia đình để đến một chân trời mới bên người tình, được nếm trải những ngọt ngào, lãng mạn, bay bổng của tình yêu. Nhưng sau những xúc cảm thăng hoa giữa biển trời bao la, trở về với không gian quen

thuộc, Lan lại thấy day dứt, hối hận. Như vậy sự xê dịch không gian ra khỏi gia đình chỉ là một phép thử để con người biết trân quý hơn những gì mình đang có và có ý thức gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Gia đình người Việt xưa ít nhiều đều có sự gắn kết với cộng đồng xã hội theo kiểu như “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, nhưng trong bức tranh đô thị hiện đại, gia đình gần như có sự bức tử với môi trường xung quanh. Không thấy, không có một sợi dây gắn kết, một mối quan hệ thân xơ nào được nói đến trong ngôi nhà của vợ chồng Tân- Luyến trong Sống gửi thác về. Suốt chiều dài tác phẩm, theo chân cuộc đời của Luyến từ khi lấy chồng, sinh con, rồi chết đi vì bị bạo bệnh, người ta không thấy một mối quan hệ bạn bè thân quen nào hiện hữu trong gia đình của cô. Quanh năm suốt tháng, với cái dáng nằm ngủ úp thìa, ngày qua tháng lại, với từng ấy công việc quen thuộc, từng ấy con người trong gia đình, nhịp sống trôi đi nhịp nhàng đến buồn tẻ. Đó cũng là lối sống quen thuộc của nhiều gia đình đô thị hiện đại, nhà nào biết nhà nấy, không ai quan tâm tới ai, không nhà nào can thiệp vào đời sống riêng của nhà nào.

Có thể nói, không gian gia đình là kiểu không gian xuất hiện nhiều hơn cả trong truyện ngắn về đề tài đô thị của Nguyễn Thị Thu Huệ. Đây không chỉ là không gian sống, không gian sinh hoạt, nơi diễn ra những biến cố sự kiện của câu chuyện mà nó còn là một tín hiệu thẩm mĩ mang nhiều ý nghĩa. Xây dựng không gia gia đình, Thu Huệ đã chỉ ra cả những tác động tích cực lẫn những hệ lụy của quá trình đô thị hóa đối với đời sống mỗi gia đình, cái được đi cùng những cái mất, cái phát triển đi lên đi cùng cả những đổ vỡ. Chính vì vậy mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần phải biết giữ gìn, trân quý những gì mình đang có trước những biến động, đổi thay hàng ngày của xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 71 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)