Miêu tả nhân vật qua ngoại hình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 60 - 63)

7. Cấu trúc luận văn

3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.1.1. Miêu tả nhân vật qua ngoại hình

Ngoại hình là dáng vẻ bên ngoài của nhân vật như trang phục, tác phong,

diện mạo... Ngoại hình là yếu tố quan trọng góp phần biểu hiện nội tâm, tính cách, phẩm chất, số phận của nhân vật. Ðây cũng chính là sự thống nhất giữa cái bên ngoài và cái bên trong của con người. Vì vậy, khi tính cách, đời sống bên trong thay đổi, nhiều nét bên ngoài của nhân vật cũng thay đổi theo. Để làm nổi bật sự tỉa tót, chải chuốt, giả tạo của Mã Giám Sinh, Nguyễn Du chỉ miêu tả bằng một câu thơ “Quá niên trạc ngoại tứ tuần/ Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”, hay bản chất của một người đàn bà chuyên buôn phấn bán hoa của Tú bà cũng được đặc tả “Thoắt trông nhờn nhợt màu da/ Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao”. Sau này, trong văn học hiện đại với ngòi bút trào phúng bậc thầy, Vũ Trọng Phụng đã xây dựng thành công những bức chân dung biếm họa của tầng lớp thị dân tư sản Việt Nam những năm ba mươi, mỗi người một vẻ, tất cả hiện lên sống động như những thước phim quay chậm: cụ cố Hồng háo danh mơ màng nghĩ mình được mặc áo xô gai, lụ khụ ho khạc mếu máo: “úi kìa con giai nhớn đã già thế kia kìa”, cháu trai Văn Minh bất nhân, bất hiếu “vò đầu, bứt tai”, “ đăm đăm chiêu chiêu” lo nghĩ chia gia tài trong đám tang ông nội… Cũng qua những chi tiết miêu tả chân dung bên ngoài, Nam Cao đã cho thấy sự tha hóa của Chí Phèo sau khi ra tù: “cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết”. Như vậy có thể nói, những nhân vật thành công trong văn học từ xưa đến nay đều được xây dựng bởi những chi tiết ngoại hình đặc sắc.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ xây dựng được khá nhiều nhân vật gây được ấn tượng với độc giả bằng ngoại hình. “Chân dung tinh thần” của con người đô thị phần nào được thể hiện qua ngoại hình nhân vật. Anh nhà thơ - mối

đầu của Quyên trong Tình yêu ơi, ở đâu? có “bộ mặt gầy và xanh, môi chàng thâm lại vì rượu. Những cái râu mọc xiên xẹo, không hàng lối,…tóc rối tung trên đầu, áo quần xộc xệch”. Với ngoại hình ấy, chàng thi sĩ hiện lên là một người lôi thôi, luộm thuộm, nghiện rượu, nghiện thuốc. Còn Bình - một anh bộ đội phục viên lại là người “có khuôn mặt đẹp một cách cứng cỏi, rất đàn ông” và “giọng anh trầm ấm, chắc nịch. Mái tóc anh lấm tấm bạc. Khuôn mặt trầm tĩnh, đôi môi rộng, khi cười trông sang trọng và quyến rũ. Nhìn anh, nguời ta có thể gửi cả lòng tin của mình. Anh bình thản nói chuyện chứ không vồ vập hay bẻm mép”. Bình hiện lên là một người đàn ông giàu tinh thần trách nhiệm, đầy bản lĩnh đàn ông, tự tin, tự chủ. Đó là mẫu đàn ông đáng tin cậy, xứng đáng là trụ cột trong gia đình. Đó cũng là người đàn ông lí tưởng mà Quyên đang kiếm đợi. Không chỉ là tính cách mà số phận nhân vật cũng phần nào được tái hiện qua những nét vẽ ngoại hình. Kết cục bi thảm của người bác dâu trong Không

thể kết thúc cũng được miêu tả qua ngoại hình “một người mờ mắt, mất trí nhớ, tay chân bị tháo cụt từng ngón”. Đó là cái giá phải trả của những con người giả dối vì chạy theo những giá trị vật chất tầm thường mà chà đạp nên giá trị truyền thống tốt đẹp bao đời. Hay hình ảnh của Dương trong trại cai nghiện những ngày cuối đời cũng hiện lên đầy ám ảnh: “Nằm bệt trên giường, toàn thân như sáp không có xương (…) đôi mắt đục mờ như có một màn sương che phủ”(Với tay là đến). Đó là kết cục của những thanh niên thiếu bản lĩnh dễ dàng tha hóa trước những cám dỗ, tệ nạn xã hội. Như vậy thông qua những chi tiết miêu tả ngoại hình, người đọc cảm nhận được phẩm chất, tính cách, số phận của nhân vật.

Đặc biệt trong nhiều truyện ngắn của mình, Thu Huệ quan tâm miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của những người phụ nữ. Mỗi câu chuyện là một cuộc đời, mỗi nhân vật đều có những nét vẽ riêng, thông qua những chi tiết miêu tả ngoại hình, người đọc cảm nhận được thế giới tâm hồn, tình cảm, ước mơ, khát vọng và phẩm chất của những người phụ nữ hiện đại. My trong Thiếu phụ chưa chồng

có “vẻ đẹp của cô gái thôn quê khỏe mạnh đang tuổi dậy thì…Người My thấp, chắc lẳn…Khuôn mặt tròn. Hai mắt to. Môi dày và đỏ. Ngực to hông nở. Bà Ngài bên hàng xóm bảo My có bộ ngực và cái mông giết đàn ông…”. Đó là vẻ đẹp của một cô gái lẳng lơ, đầy ham muốn dục vọng. Bởi những ham muốn ấy, My đánh mất đi nhân cách của mình, bất chấp luân thường đạo lí để thỏa mã dục vọng của bản thân. Còn trong Tân Cảng những khao khát đời sống bản năng

trong sạch của người phụ được miêu tả qua những chi tiết ngoại hình tinh tế: “Anh không nghe thấy tiếng thở dài tức ngực của người chưa đến bôn mước tuổi, da thịt mát lạnh, thơm tho của sự đầy đủ, nhàn hạ dần đang cần sự yêu chiều ve vuốt”. Đó cũng là những nhu cầu chính đáng, lành mạnh của con người.

Giống như một nhà quay phim tài ba, với góc quay cận cảnh, từng khuôn mặt thị dân hiện lên sắc nét, sinh động, mỗi người một vẻ. Không chỉ vậy, nhà văn còn đưa ống kính của mình lên cao để có cái nhìn bao quát, thâu tóm được bức tranh toàn cảnh về đời sống con người đô thị: “Người ngồi cứng đơ như những bức tượng. Mỗi khi xe phanh gấp, tượng người như bê tông đó nghiêng nguyên khối, sau trở về vị trí cũ. Mắt ai cũng nhìn vào một khoảng không trước mặt…tất cả đều mang khuôn mặt ơ hờ, bình thản” (Thành phố đi vắng). Với những chi tiết đắt giá hình ảnh con người đô thị lạnh lùng vô cảm như những bóng ma câm lặng được nhà văn chộp lấy qua những chi tiết miêu tả ngoại hình sống động. Cuộc sống đô thị tiềm ẩn bao bất trắc, thói hư tật xấu, khiến con người luôn có cảm giác bất an, hoang mang, lo sợ. Nỗi niềm hoang hoải ấy cũng hiện lên trên từng khuôn mặt thị dân: “Phía khuất lấp, là một người đàn ông râu rậm, mặt lì, cắm cúi nhai”,“ Mặt bà cụ xanh lét. Ông cụ thất thần, dáng xiêu vẹo”,“chúng mặc áo choàng dài gần đầu gối. Hai xe máy không biển số. Thằng nào khi vào cũng đeo khẩu trang” (Trong lúc ăn một bát phở gia truyền). Bằng những chi tiết miêu tả ngoại hình có chọn lọc, Nguyễn Thị Thu Huệ đã mang

đến cho nhân vật của mình sự sinh động riêng. Điều đó cũng chứng tỏ nỗ lực tìm tòi, khám phá tạo nên phong cách riêng cho nhà văn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 60 - 63)