7. Cấu trúc luận văn
2.2. Con người đô thị
2.2.1. Con người cô đơn
Bước sang thế kỉ XX, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, ý thức cá nhân bắt đầu trỗi dậy. Các nhà văn đã không ngần ngại phơi bầy tất cả những buồn vui, hỉ, nộ, ái, ố của con người trên các trang văn đặc biệt là cảm thức về nỗi cô đơn. Bằng trực cảm của một nhà văn, một người phụ nữ, Thu Huệ đã đi vào khám phá các phương diện khác nhau của sự cô đơn trong con người. Vật vã, ngập ngụa trong nỗi cô đơn tận cùng là tâm trạng thường gặp của các nhân vật trong truyện ngắn của chị.
Là một đất nước đi lên từ nền văn minh nông nghiệp, văn hóa làng xã trở thành nét đặc trưng của xã hội Việt Nam. Các thành viên trong xã hội ít nhiều đều có sự gắn kết bởi nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đô thị mọc lên nhiều hơn, nông thôn cũng phát triển theo hướng đô thị hóa. Theo đó, những sinh hoạt văn hóa cộng đồng dần mất đi, con người dần mất đi sợi dây kết nối, gắn kết yêu thương. Vì vậy, con người luôn có cảm giác cô đơn, mất dần đi sợi dây gắn kết. Người ta cảm thấy bơ vơ, lạc lõng
ngay khi sống giữa phố phường đô hội tấp nập. Đó là tâm trạng lạc lõng của cô gái sau ba năm ra nước ngoài nay trở về thành phố thân yêu. Những tưởng sẽ tìm lại được những kí ức ngọt ngào ngày xưa, được gặp lại những con người thân quen một thời, được hít thở cái không khí của thành phố một thời gắn bó, nhưng bao trùm lên tất cả là: “Cơn tủi thân, sự cô độc giữa chốn đông người và ý thức những điều mất mát, tốt đẹp đã tuột mất trong đời làm cô không đứng dậy nổi” (Thành phố đi vắng). Cái cảm giác cô độc đến ngộp thở khiến cô không thể hiểu nổi tại sao lại có những đổi thay, mất mát đến vậy. Có phải nó xuất phát từ lối sống vô cảm, dửng dưng của con người đô thị hiện đại. Tỉ lệ nghịch với sự phát triển đi lên của nền kinh tế thị trường lại là sự vơi cạn của tình người ấm áp. Đó còn là cuộc sống cô đơn, nhạt nhẽo của Quang với những chiều chủ nhật buồn trong Chủ nhật được xem phim hoạt hình. Sau những bộn bề, lo toan của công việc thường nhật, những chiều chủ nhật là quãng thời gian con người được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình, người thân. Nhưng đó cũng là những khoảnh khắc mà Quang phải đối diện với chính mình, với sự cô độc trong căn phòng mười bốn mét vuông ngột ngạt. Quang đã có biết bao chiều chủ nhật buồn, hoang mang và trống trải nằm lướt qua những chương trình ti vi và vô thức dừng lại ở chương trình phim hoạt hình. Cảm giác trống rỗng, bơ vơ, trơ trọi khiến cuộc sống anh trở nên nhàm chán, vô vị.
Đáng sợ hơn, đó là cái cảm giác lạc lõng, không tìm được tiếng nói yêu thương gắn kết, không tìm được sự đồng cảm chia sẻ ngay trong gia đình mình. Sống bên cạnh người thân yêu mà vẫn cảm thấy mình cô độc. Ông cậu trong
Nước mắt đàn ông là một người đàn ông có tài, giỏi kiếm tiền nhưng cô độc
trong gia đình dư thừa vật chất. Ông hết lòng cho gia đình nhưng các thành viên khác lại chẳng hết lòng với ông. Những đứa con chỉ biết đến tiền, tiêu tiền, phá tiền mà không cần biết tiền ở đâu ra, bố chúng phải làm những gì để có được số tiền ấy. Một bà vợ ghen tuông, cay nghiệt và chửi chồng như một bà hàng tôm hàng cá. Cay đắng với cuộc sống gia đình nhưng ông vẫn phải chấp nhận và
không thể chối bỏ được vợ con. Truyện ngắn Dĩ vãng cũng là một câu chuyện
buồn. Nhân vật chính là ông Xung- một người lính trở về từ bão tố chiến tranh. Ông khao khát sự bình yên sau những năm tháng đầy bão tố. Nhưng rồi khi trở về với cuộc sống đời thường, cuộc sống đầy đủ và tiện nghi hơn, ông lại trở thành một kẻ cô đơn. Ngôi nhà với 7 căn phòng tiện nghi, không gian đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh nhưng lại lạnh lẽo âm u vô cùng. Vợ bỏ đi, ông sống một mình. Ông thuê người giúp việc chỉ để nó ngủ, xem tivi, ăn cơm cùng. Còn trong Của để dành bà Vy cuối cùng cũng chết trong sự mệt mỏi và cô đơn khi những đứa con luôn cảm thấy mẹ chính là gánh nặng của chúng bởi nơi lạnh nhất không phải là bắc cực mà là nơi thiếu tình yêu thương.
Đặc biệt trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, người đọc bắt gặp rất nhiều hình ảnh những người phụ nữ cô đơn. Dễ dàng nhận thấy, nhân vật chính trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ thường là nhân vật nữ. Mỗi nhân vật một số phận, một cảnh đời khác nhau nhưng họ đều mang trong mình nỗi trống trải, cô độc. Đó là cô đơn của những người phụ nữ suốt đời kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc và bến đỗ bình yên nhưng rơi vào tuyệt vọng. Đó là câu chuyện của một người đàn bà trong Người đàn bà ám khói. Vang, nhân vật chính trong tác phẩm suốt đời sống với một niềm mong ước được làm vợ, làm mẹ, có một gia đình vẹn nguyên, hạnh phúc. Nhưng bi kịch chồng chất bi kịch, nỗi đau chồng chất nỗi đau. Vang chẳng được hưởng niềm hạnh phúc của một người vợ đúng nghĩa bởi cô chỉ là vợ hờ của lão thủ trưởng, và bị lão rũ bỏ trách nhiệm ngay sau khi lão chán. Đau đớn hơn nữa là cô con gái bé bỏng của Vang cũng chết. Ngập ngụa trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng, Vang đi khóc đám ma thuê mong có thể khỏa lấp sự cô đơn, buồn tủi. Còn trong Tình yêu ơi, ở đâu? cũng vậy, Quyên cứ đi tìm mãi, tìm mãi một tình yêu đích thực nhưng tình yêu chẳng đến. Trải qua ba mối tình Quyên đau đớn nhận ra rằng: “Tại sao đến giờ nàng vẫn cô đơn, khi mà nàng xinh đẹp, có học, không tật nguyền”. Sau mỗi lần đổ vỡ tình
yêu “Nàng lại sống cô độc với một khối tâm tư của cô gái đang tuổi yêu đương mà không thể giãi bày”.
Không chỉ có những người phụ nữ cô đơn trên hành trình tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc gia đình, thậm chí có những người phụ nữ tưởng như đã có một gia đình hạnh phúc, sum vầy sung túc đủ đầy về vật chất nhưng vẫn cô đơn. Đó là hình ảnh của người vợ trong Tân cảng. Chị vốn có một gia đình viên mãn với hai cậu con trai ngoan ngoãn, một người chồng giàu trách nhiệm. Cuộc sống vật chất tuy nghèo nàn nhưng gia đình vẫn ngập tràn tiếng cười. Mọi việc bắt đầu khi anh có hợp đồng làm việc tới Hy Lạp. Cũng từ đó những vật dụng sang trọng anh gửi về ngày càng nhiều hơn. Những hợp đồng anh kí ngày càng nhiều, càng lớn. Ngôi nhà họ ở không còn chật trội thiếu thốn như xưa thay vào đó là căn biệt thự khang trang tiện nghi đầy đủ. Anh cứ ngỡ rằng như vậy là đủ, là tròn trách nhiệm của người chồng yêu thương vợ con. Nhưng anh không hiểu rằng thân thể người phụ nữ trẻ vẫn luôn khao khát yêu thương: “Anh không nghe thấy tiếng thở dài tức ngực của người chưa đến bốn mươi tuổi, da thịt mát lạnh, thơm tho của sự đầy đủ, nhàn hạ dần đang cần sự yêu chiều ve vuốt. Anh không kịp thấy chị đợi anh bằng chiếc váy sa tanh bóng mát lịm như miếng thạch mới mua. Và anh cũng chẳng kịp thấy một lọ hoa chị cắm góc phòng đang dịu dàng toả hương. Tất cả. Tất cả đều đầy đủ và hoàn thiện. Chỉ đợi có anh. Còn anh. Anh luôn luôn thấy hài lòng và yên tâm khi săn được những hợp đồng mới. Không gì sướng bằng chưa xong việc này đã có việc khác. Để khi về nhà, đi vào qua cánh cửa, bỏ lại xã hội ngoài đường, anh có chị. Có hai thằng bé với một căn nhà như thiên đường trên mặt đất. Anh tưởng thế là đủ. Đủ lắm cho một gia đình cho đếnkhi chị đi”. Chị cứ ngập ngụa trong sự cô đơn như thế cho đến một ngày chị gặp người đàn không đánh thức những yêu thương trong chị: “Chắc là từ hôm chị bay ra Hà Nội họp. Một hợp đồng ký thành công với phía đối tác và chị là người đóng góp không nhỏ. Đêm liên hoan. Chị uống rượu. Ba ly rượu vang khai vị chua chua. Nhẹ nhàng say lúc nào không biết. Chị lâng lâng tỉnh và
thấy mình đang ngồi ghế sau trong một chiếc ôtô sang trọng. Bên cạnh một chàng người Pháp đẹp trai, lịch lãm. Vô thức nói. Vô thức cười. Vô thức thấy lòng chộn rộn. Vô thức thấy rạo rực đôi môi. Và tim vô thức đập nhanh. Mọi thứ đều vô thức. Chắc tại một thứ không vô thức là bản năng đàn bà khao khát trỗi dậy bên trong. Gặp rượu vô thức. Gặp trời Hà Nội se lạnh vô thức. Gặp những động chạm thân xác vô thức. Nó bỗng thành ý thức đánh thức chị dậy. Đến khi chỉ còn chị và người đàn ông đó, mọi thứ như nổ tung ra” (Tân Cảng). Đây trở thành bài học đắt giá cho nhiều cặp vợ chồng chồng thời hiện đại. Đôi khi họ bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, tiền tài, danh vọng mà quên đi những yêu thương giản dị đời thường. Đến khi vật chất đủ đầy cũng là lúc họ nhận ra mình đã không thuộc về nhau, yêu thương đã chết từ lâu. Là một người phụ nữ, Thu Huệ dễ dàng đồng cảm và thấu hiểu với những cô đơn giằng xé trong tâm hồn của những người phụ nữ.
Ẩn sau một cuộc sống xa hoa hào nhoáng của xã hội đô thị lại là hình ảnh của những con người cô đơn đến rã rời. Đi sâu vào tận ngóc ngách tâm hồn của con người, những trang văn của Nguyễn Thị Thu Huệ đã đem đến cho người đọc nhiều cảm nhận sâu sắc về cuộc sống con người đô thị hôm nay.