Đời sống xã hội phức tạp, xô bồ với nhiều tệ nạn tiêu cực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 41 - 45)

7. Cấu trúc luận văn

2.1. Bức tranh đời sống đô thị

2.1.2. Đời sống xã hội phức tạp, xô bồ với nhiều tệ nạn tiêu cực

Như đã nói ở trên, nền kinh tế thị trường năng động giàu tính cạnh tranh cùng sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa đã tác động không nhỏ đến đời sống của con người. Với cái nhìn đa chiều, sắc sảo, Nguyễn Thị Thu Huệ đã phanh phui tất cả những mặt trái, những góc khuất của đời sống đô thị hiện đại.

Nhìn vào đời sống đô thị hiện đại, chúng ta không thể phủ nhận rằng, quá trình đô thị hóa, nền kinh tế thị trường giàu tính cạnh tranh đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đất nước đang thay da đổi thịt hằng ngày, chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao, cải thiện rõ rệt. Những con phố, những ngôi nhà xa hoa lộng lẫy mọc lên khắp nơi, xe cộ, đồ dùng tiện nghi, đầy đủ hơn. Đô thị trở thành không gian sống phồn hoa, văn minh, hiện đại, trở thành mảnh đất hứa hấp dẫn con người: “Đó là căn nhà rộng hai trăm năm mươi mét vuông với năm phòng nằm trên con đường gần phi trường, bên cạnh vài chục biệt thự của những thương gia giàu lên nhờ cơ chế thị trường…” (Tân Cảng). Hay “Tôi đi sâu vào trong nhà. Lẩm nhẩm đếm thấy có 7 phòng. Sáu phòng lớn quây tròn quanh một phòng khách. Mỗi phòng đều có một ban công nhìn ra một khu vườn nhỏ, mỗi vườn trồng một loài hoa. Có cảm giác lên thiên đường cũng chỉ êm ái dịu dàng đến thế này thôi” (Dĩ Vãng). Đô thị hóa trở thành cơ hội để con người thực hiện khát vọng đổi đời, khát vọng làm giàu. Con người cũng có cơ hội giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế, mở rộng vốn sống, hiểu biết (Một

trăm linh tám cây bằng lăng, sống gửi thác về…). Đây thực sự là những dấu

hiệu đáng mừng, là những tác động tích cực mà quá trình đô thị hóa đem lại. Nhưng sau vẻ về ngoài hào nhoáng ấy, tiềm ẩn trong lòng xã hội đô thị có biết bao mặt trái, bao hệ lụy tiêu cực. Như “một người thư kí trung thành của thời đại”, Thu Huệ đã chụp lại tất cả những góc khuất, những mảng tối trong xã hội đô thị hiện đại đương thời.

Trước hết đó là một xã hội phức tạp, xô bồ. Trong tác phẩm Trong lúc ăn một bát phở gia truyền, không gian đô thị có thể nói được thu nhỏ “trong không

gian quán phở”. Ở đó có đủ các hạng người. Họ nói năng với nhau bằng những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa: “Để bố mày tìm cái sổ ghi lần trước đã. Cân chúng mày điêu bỏ mẹ, lần nào cũng hao”. Đó là lời của bà chủ quán phở nói với mấy thanh niên cân ga. Niềm tin, tình yêu, sự tin tưởng lẫn nhau giờ trở thành món hàng xa xỉ. Bởi lẽ khi con người ta sống mà chỉ luôn nghĩ đến lợi ích cá nhân thì sự tráo trở, lọc lừa sẽ lên ngôi, ngự trị.

Tiềm ẩn trong lòng xã hội đô thị hôm nay là biết bao tệ nạn như rượu chè, cờ bạ, nghiện hút, trộm cướp.... Những tệ nạn chết người ấy đang dần dần xâm nhập, lan truyền với sức mạnh khủng khiếp và hủy diệt đời sống tốt đẹp của con người, đặc biệt là những bạn trẻ thiếu bản lĩnh. Nó giống như một thứ a xít đang dần ăn mòn những truyền thống đạo đức, những thuần phong mĩ tục tốt đẹp của ông cha ta bao đời. Cái ác, cái xấu hiện hữu ở khắp nơi: “Hôm qua hai đứa thanh niên đi vu vơ qua cửa hàng bán ga. Thấy không ai ngồi trông, một đứa nhảy vào ôm bình ga rồi nhảy lên xe đứa kia chở đi. Thế là xã hội có hai thằng cướp”,“Anh có thấy hiếm khi nào phụ nữ ra đường đeo dây chuyền, hoa tai và túi như ngày xưa. Hở ra là bị giật ngay”,“Thì đói, chúng làm liều. Có của thì phải giữu thôi (Trong lúc ăn một bát phở gia truyền). Xã hội ấy khiến con người lo lắng, bất an và sợ hãi bởi cái ác, cái xấu luôn ám ảnh rình rập: “Cô lạnh người…Tự gồng mình che giấu từng cơn run đang chạy khắp người”, “chúng mặc áo choàng dài gần đầu gối. Hai xe máy không biển số. Thằng nào khi vào cũng đeo khẩu trang. Thôi đúng là cướp rồi. Cô có đọc trên báo, dạo này, cướp hay đi xe không biển số, đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang che mặt. Vũ khí của chúng dùng là dao, kiếm hay súng tự chế. Những thứ chúng cướp là xe máy, túi xách, điện thoại di động, máy tính xách tay, dây chuyền…”(Trong lúc ăn một bát phở gia truyền). Còn trong Với tay là đến Dương một chàng thanh niên

Dương chẳng những không mang lại niềm vui, vinh quang cho cha mẹ mà còn sa đà vào các tệ nạn xã hội. Để rồi, trong một lần trở lại thăm quê, Dương không dám đối mặt và nói ra sự thật với gia đình. Cậu đã dối cha mẹ mình là được đi du học. Thương thay, cha mẹ anh vẫn luôn nuôi hy vọng, vẫn luôn hãnh diện về cậu con trai tài hơn người. Họ đâu ngờ rằng Dương đang vật vã trong trại cai nghiện. Nghiện ngập là một mối nguy hại chết người, nó đã cướp đi tương lai của biết bao thanh niên, nó cũng nhấn chìm hạnh phúc của bao nhiêu gia đình. Đó là nỗi đau nhức nhối của cả xã hội.

Mặt trái của xã hội còn được Thu Huệ phản ánh qua mảng tối của những lầu xanh thời hiện đại. Thông qua thói quen của những cô gái làng chơi, Thu Huệ lột trần lối sống bê tha, trụy lạc của không ít gã đàn ông bỉ ổi. Trong Xmen

có mùi trường đua, Thu Huệ viết: “Gái vùng biển nhiều, các anh dân cán bộ, làm ăn, lâu lâu đi đổi gió, đừng gặp gái quen, nó làm lười mình thêm. Đi chơi gái, nó có cái hồi hộp háo hức rất riêng, không như đi nhậu hay mát xa, loanh quanh toàn món quen. Riêng món này, phải lạ mới bõ cái hao tâm khổ tứ nói dối, tạo dựng hiện trường, tốn tiền bạc...”. Những anh cán bộ đạo mạo có học thức nhưng lại có những hành vi, thói quen đi ngược lại với truyền thống đạo đức của dân tộc. Đây là một tệ nạn đáng lên án bởi lẽ nó chính là nguyên nhân gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình, làm bào mòn những giá trị đạo đức tốt đẹp của cha ông.

Đó còn là một xã hội coi trọng đồng tiền, mọi mối quan hệ đều dựa trên lợi ích kinh tế. Vì thế người ta tham lam, ích kỉ, bất chấp mọi giá để làm giàu. Khi mà đồng tiền lên ngôi cũng là lúc tình người dần cạn kiệt. Hơn thế, để chạy theo vòng xoáy của tiền tài danh vọng, con người dễ dàng đánh mất đi nhân cách của mình. Vì tiền người ta sẵn sàng tráo trở lọc lừa nhau (Nước mắt đàn

ông). Cũng vì tiền mà bảng giá trị đạo đức xã hội bị đảo lộn. Đó là câu chuyện về thực trạng kinh doanh chó Nhật trong Mi nu xinh đẹp. Chú chó bây giờ không chỉ là một chú chó mà là “hai cây vàng bốn con chín”. Vì thế người ta

nâng nui, chăm sóc, yêu thương chú chó hơn cả những người thân trong gia đình. Cuộc sống gia đình cũng theo đó mà bị xáo trộn. Người vợ, người mẹ, một cô giáo dạy Văn hiền dịu ngày nào bỗng trở thành người vợ cay nghiệt, mắng con chửi chồng không biết ngượng. Còn anh chồng tốt bụng, giàu khát vọng nhưng “lực bất tòng tâm”.

Một trong những mối đe dọa ngấm ngầm của xã hội đô thị hôm nay là sự đánh tráo các gía trị thật giả. Phải đến hai phần ba những câu chuyện trong

Thành phố đi vắng là những câu chuyện đầy ẩn dụ về hai thứ thật và giả.

Những giá trị đạo đức tốt đẹp xưa đang dần bị tráo đổi. Không thể kết thúc nói về một gia đình nhiều đời sưu tập đồ cổ. Những món đồ cổ ấy là biểu tượng của dòng tộc, của những giá trị truyền thống lâu đời tồn tại qua mấy trăm năm. Nhưng vì những cám dỗ vật chất, bà dâu trưởng đã bán đồ cổ mua đồ mới thay vào. Ở đây, Thu Huệ muốn nói về những giá trị lớn lao đời xưa để lại cho chúng ta, nay đã mất dần, hoặc được “làm mới” - bởi sự tráo đổi. Con người vì chạy theo tiếng gọi của dục vọng, của tiền bạc đã thẳng tay lật nhào bàn thờ đạo đức. Kết thúc tác phẩm người chồng thì tha hương, bà vợ thì ngồi viện dưỡng lão - tâm trí bất thường giống như một lời cảnh tỉnh đối với những ai đã chà đạp nên giá trị truyền thống tốt đẹp của người xưa. Lối sống giả tạo, đánh tráo những giá trị đích thực thì cuối cùng dù sớm hay muộn con người sẽ phải trả giá. Truyện ngắn Không thể kết thúc vì thế có ý nghĩa phê phán và thức tỉnh sâu sắc. Ẩn đằng sau những câu chữ là tiếng thở dài nặng trĩu, là nỗi lòng hoang mang, buồn bã, lo sợ của nhà văn về một xã hội đang biến đổi, về những mất mát đổi thay, xáo trộn. Như Thu Huệ đã từng chia sẻ: “Tôi luôn bị ám ảnh về những dòng chảy đang xoay chuyển những thế hệ người Việt theo hướng xấu đi, đang đi xuống. Sự thanh cao, phẩm chất đáng quý của người Việt một là dần bé lại, hai là bị đè nén trước sự trần trụi và thô tục, sự suy cấp đạo đức, bế tắc không lối thoát trong khi vẫn phải sống chứ không chết hay tìm ra một giải pháp khác. Sự bất an, đời sống khó khăn, đơn điệu, những thói quen sinh hoạt văn

hóa cộng đồng ít dần làm người ta mất cảm xúc...Những giá trị tốt đẹp bị triệt tiêu từ từ, thay bằng sự hào nhoáng phô trương của trang phục, đồ dùng tỷ lệ nghịch với văn hóa sống” [50]. Nhưng sâu thẳm trái tim người phụ nữ nhạy cảm, vẫn là tình yêu tha thiết với cuộc đời, niềm tin yêu vào con người. Thu Huệ vẫn tin rằng, đâu đó trong cuộc đời này, cái Đẹp, cái Thiện, người tốt vẫn còn hiện hữu giống như dòng sông cuộc đời dù có nhiều rong rêu, cỏ dại nhưng ẩn sâu dưới đó vẫn là dòng nước mát trong lành.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)