Đặc điểm con người Nguyễn Ngọc Tư

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 28 - 31)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Đặc điểm con người Nguyễn Ngọc Tư

Timofeep có một nhận đinh rất đúng đắn về sự ảnh hưởng của cá tính nhà văn đến sự hình thành phong cách: “Cá tính của nhà văn thể hiện cả trong ngôn ngữ, trong cốt truyện, trong các tính cách, trong các chủ đề và cả trong những tư tưởng của tác phẩm. Do đó mà hàng loạt tác phẩm của cùng một nhà văn có sự giống nhau trong tất cả các mặt ấy” [42,110]. Những nét tích cách của con người trong cuộc đời thật đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành phong cách nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Chính Nguyễn Ngọc Tư đã thừa nhận: “con người văn chương và con người đời thường của mình chẳng có sự khác biệt là mấy” [21].

Nguyễn Ngọc Tư là một người phụ nữ Nam Bộ bình dị, mộc mạc của vùng sông nước. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, Nguyễn Ngọc Tư có một tuổi thơ khá vất vả. Chị kể: “trước khi viết truyện ngắn đầu tiên, mình đơn thuần là một cô gái nông dân, bỏ dở học hành, ở nhà nấu cơm nuôi ông ngoại, chăm sóc vườn rau, chiều chiều cắt rau cho má đi bán chợ đêm” [13]. Nguyễn Ngọc Tư cũng không phải là một nhà văn được học hành, đào tạo bài bản. Tiếp xúc với Nguyễn Ngọc Tư, ai cũng nhận thấy ở nữ nhà văn sự mộc mạc, chân chất, thật thà. Nét tính cách này chính là nguồn gốc của lối viết giản dị, chân thật, nhẹ nhàng. Văn chương của chị cũng chân thật và mộc mạc như tính cách của một cô gái nông thôn bình dị. Viết văn đối với chị là một cách nói lên tiếng lòng thôi thúc. Không bóng bẩy, cầu kì văn chị viết nhẹ nhàng như hít thở, như ngồi lại thủ thỉ tâm tình dăm câu ba sự với người hàng xóm. Đặc điểm này không chỉ được thể hiện rõ ở những tác phẩm kể chuyện nghĩa tình của người

dân quê mà ngay cả ở những tác phẩm viết về những vấn đề hiện thực cuộc sống khốc liệt, cách kể của chị cũng hết sức tự nhiên, bình dị. Đọc văn của chị, cảm giác như những trang văn được chị viết ra rất dễ dàng, đơn giản, nhưng đằng sau cách kể chuyện giản dị ấy là một nội tâm luôn trăn trở về số phận con người.

Nguyễn Ngọc Tư còn là một người nhân hậu. Chị cũng trọng nghĩa trọng tình như bao con người Nam Bộ ở quê hương chị. Dù cuộc sống của người dân Nam Bộ còn lam lũ, cơ cực, xa lạ với văn minh đô thị hiện đại, chị vẫn luôn cố tìm kiếm để phát hiện và nâng niu những cái đẹp, cái thiện, những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống của những người xung quanh. Bằng ngòi bút của mình, nữ nhà văn đã nỗ lực để gắn kết mọi người, hướng đến một cuộc sống đầy tình yêu thương, hay nói như cách của người Nam Bộ, là một cuộc sống giàu tình nghĩa. Đó chính là thiên chức cao cả của văn chương như Nam Cao đã nói trong Đời thừa: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình...Nó làm cho người gần người hơn”. Nguyễn Ngọc Tư từng tâm sự: “Tôi rất sợ lòng mình vô cảm. Tôi cũng sợ y như vậy khi thấy những người chung quanh không còn biết thương yêu nữa. Nhiều người nhận xét người trẻ giờ đây thực dụng, ít nhân hậu hơn thế hệ đi trước. Tôi không tin là vậy” [56]. Trong suốt quá trình sáng tác, ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư đã không ngừng nỗ lực để củng cố niềm tin vào tình người và chống lại sự vô cảm, lãnh đạm giữa con người với nhau. Vì thế, dù là những sáng tác ca ngợi cuộc sống, đề cao vẻ đẹp tâm hồn con người ở chặng đầu hay những sáng tác bóc trần sự tan vỡ những chuẩn mực đạo đức, sự rạn nứt trong các mối quan hệ rường cột của con người ở chặng sau, chị đều hướng đến mục đích đánh thức tình người, tính người. Văn học muôn đời

dù viết về cái thiện hay cái ác đều là để cổ vũ cái tốt đẹp, cái chất người cao quý trong con người. Cái nhìn đầy thấu hiểu và cảm thông với con người được thể hiện trong tác phẩm của chị rõ ràng có nguồn gốc từ tính cách đôn hậu, nhân ái của một người phụ nữ Nam Bộ chính gốc.

Nguyễn Ngọc Tư không phải là một người sôi nổi, chị thuộc “cái tạng buồn”. Đọc văn của Ngọc Tư, người ta thấy âm hưởng chủ đạo là nỗi buồn, sự trầm lắng, ngậm ngùi. Đặc điểm này cũng xuất phát từ cái tạng riêng mà nữ nhà văn đã tự thú nhận: “Có lẽ cái tạng của mình nó vậy, vui chỉ vui ngoài mặt vậy thôi. Và nhiều khi cũng cố để viết vui vui nhưng viết một hồi cuối cùng vẫn thấy ngậm ngùi” [59]. Bởi thế, thường thấy xuất hiện trong văn chị những nỗi buồn, những niềm cảm thương, những tiếng thở dài ngậm ngùi cho những thân phận nhỏ bé, những mảnh đời bất hạnh, những kiếp người bi kịch. Và cũng như nhiều nhà văn khác, trong đời thực, Nguyễn Ngọc Tư là một người cô đơn. Nhưng chính những nỗi cô đơn ấy lại là cội nguồn của sự sáng tạo:“sống trong thế giới phụ nữ, rất dễ nuôi cô đơn để viết” [1]. Có một thực tế phải công nhận rằng văn chương xưa nay đa phần được sinh ra từ nỗi buồn, nỗi cô đơn chứ không phải là sản phẩm của những niềm vui hoan hỉ và nhà văn nào cũng có một con người cô đơn bên trong thôi thúc họ sáng tác như một cách tự giãi bày. Nguyễn Ngọc Tư cũng thế, chị tâm sự rằng mình là một con người cô đơn trong cuộc đời và là một nhà văn cô đơn trên văn đàn: “Trong cõi văn chương, tôi là đứa cực kỳ cô đơn. Nên tôi rất dễ dàng để nhân vật của mình sống trong cô đơn tận cùng, trong hoang hoải, chán chường. Tôi, cũng như những con người trong “Cánh đồng bất tận”, sống giữa nhiều người, sống giữa cộng đồng, sống giữa biển người nhưng có cảm giác như bị bỏ rơi…” [21]. Khi được phỏng vấn: “Nguyễn Ngọc Tư sợ nhất điều gì trong cuộc sống?”, chị đã trả lời: “Tôi sợ mất mình, sợ lạc mình ở một

nơi mà cả đời không tìm lại được” [21]. Chị đã miêu tả nỗi cô đơn, lạc lõng của con người từ chính những trải nghiệm cảm xúc chân thật của mình. Trong thế giới nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư, những con người cô đơn chiếm số lượng đông đảo và xuất hiện xuyên suốt hành trình sáng tác của chị. Các nhân vật trong tác phẩm của chị dù sống giữa một “biển người mênh mông”, “một thế gian thênh thang” vẫn cảm thấy đơn độc. Ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư dường như đã đi thật sâu như đến tận cùng nỗi cô đơn của con người. Sự cô đơn, lạc lõng của con người được chị phát hiện ở nhiều dạng thái, lý giải ở nhiều góc độ. Sự am hiểu đến mức sâu sắc về nỗi cô đơn của con người ấy không thể xuất phát tự một người trong đời thực chưa từng nếm trải và thấm thía những biểu hiện của cô đơn như một phần bản ngã con người.

Như vậy, hầu hết những đặc điểm, tính cách con người của Nguyễn Ngọc Tư đều có ảnh hưởng đến sự hình thành phong cách của nữ nhà văn này. Đây là sự ảnh hưởng chủ yếu, rõ nét và dễ nhìn thấy. Độc giả vẫn thường thân thương gọi Nguyễn Ngọc Tư bằng cái biệt danh “cô Tư”. Đọc tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bao giờ ta cũng thấy một “cô Tư” đằng sau đó, một “cô Tư” mộc mạc, buồn buồn mà rất đỗi nhân hậu.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)