Từ giọng trữ tình mộc mạc, chan chứa yêu thương

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 107 - 110)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2.1. Từ giọng trữ tình mộc mạc, chan chứa yêu thương

Trong giai đoạn sáng tác thứ nhất, những câu chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư là những câu chuyện của cuộc sống đời thường giản dị nơi thôn xóm. Văn của chị là văn của thôn quê bình dị, hồn hậu nên giọng chủ trong các tác phẩm giai đoạn này là giọng trữ tình mộc mạc. Chị cho rằng: “Sống trong môi trường như thế thì cố tạo cho mình giọng văn rặt những ngôn ngữ “sang trọng” mà làm gì” [29]. Giọng điệu trữ tình mộc mạc hiện lên trong những câu văn tả cảnh thiên nhiên, cảnh cuộc sống sinh hoạt của người dân Nam Bộ. Đó là hình ảnh dòng sông gần gũi, thân thương: “Đêm sáng trăng, ngồi trên nhà có thể thấy một dòng chảy líu ríu, sáng loáng. Ban đêm, con sông trước nhà tôi không ngủ, nó thức theo những chiếc tàu rầm rì chảy qua, theo tiếng mái chèo quẫy chách bụp rất đều” (Dòng nhớ); hay cánh đồng vào mùa gió chướng: “Bây giờ, gió chướng non xập xòe trên khắp cánh đồng. Ven các bờ ruộng, bông cỏ mực như những đường viền nhỏ liu riu làm dịu lại mảng rực vàng của lúa” (Cánh đồng bất tận). Những câu văn miêu tả mộc mạc nhưng cũng thật trữ tình và giàu chất thơ.

Kể về cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân Nam Bộ, văn của Nguyễn Ngọc Tư giản dị, mộc mạc như chảy ra chính đời sống nơi này: “Buổi chiều đi làm mướn về, họ tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua lét vì phèn, rồi xối lại đúng hai gàu. Nước vo cơm dùng để rửa rau, rửa rau xong dành rửa ” (Cánh đồng bất tận). Giọng điệu dân dã mộc mạc trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư còn thể hiện ở sự xuất hiện của khẩu ngữ. Rất nhiều những câu chữ dùng khẩu ngữ như vừa được ghi lại trong một cuộc chuyện trò: “Chuyện Thi thế là thôi rồi, mấy thím buổi trưa ngồi quán chú Mười Ba cong

miệng nói với nhau, nghe phong thanh Thi đi lại với con gái trưởng phòng giáo dục huyện, cô nọ mang thai, chuẩn bị cưới. Đâu nè, thầy Thi đâu có tệ như vậy. Ừ, nhưng nghe nói thầy Thi bị “gài” như trong Lan và Điệp. Tội nghiệp” (Huệ lấy chồng). Người Nam Bộ vốn chân chất, mộc mạc, nghĩ sao nói vậy: “Quẹo qua quẹo lại, nói đất nói trời (chỉ thiếu lời thương yêu), cuối cùng hai đứa ra bãi đào khoai. Văn hỏi má Nga đâu, nó cười, chết rồi, chết hồi sanh em, chết trên xuồng” (Thương quá rau răm). Giọng điệu trữ tình mộc mạc trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư còn toát ra qua cách miêu tả đời sống tâm hồn của người dân Nam Bộ. Nguyễn Ngọc Tư đã miêu tả hết sức thành công những tình cảm mộc mạc mà chân thành của người Nam Bộ, như cảm xúc của Nga dành cho Văn trong Thương quá rau răm, “lúc đấy thì nói ít, thẹn thò nhưng ở lại lâu, dọn dẹp lăng xăng, quét trên quét dưới, bắc nồi cơm lên bếp, làm cá nấu canh chua trái giác, sung sướng thấy mình bận rộn giống hệt như mấy nhỏ bạn mới lấy chồng (tụi con gái thường hay điên vậy, tới khi xà quần chồng con thật, lại than số mình cực như trâu).

Giọng điệu chan chứa yêu thương bắt nguồn từ trái tim nhân hậu, dạt dào yêu thương của Nguyễn Ngọc Tư. Nổi bật trong thế giới nhân vật của chị là những con người có số phận bất hạnh, cuộc sống hẩm hiu, duyên phận éo le. Viết về những con người ấy, Nguyễn Ngọc Tư luôn muốn bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc, có thể nói chan chứa yêu thương là giọng điệu chủ đạo bao trùm, chi phối hầu hết các truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư trong giai đoạn từ Cánh đồng bất tận trở về trước. Nỗi lòng của người mẹ gần con mà không được nhận con được diễn tả rất thành công bằng giọng điệu chan chứa yêu thương: “Xuyến đã nghe buồn anh cõng buồn em đi lê thê trong dạ, cô dựa lưng vào tường, những vuông vải phơi trên đầu cồn cào, oằn oại, tơi tả gió. Xuyến ngồi ở đó, ngó nắng, bỗng thèm có con Bi ở cạnh, để khóc với nó chơi, để đi qua niềm đau đang như bão gió tơi bời. Để thấy đời có buồn thêm

chút đỉnh, cũng không sao” (Duyên phận so le). Giọng điệu chứa chan niềm cảm thương có khi được thể hiện qua những tiếng kêu than, tiếng thở dài chua xót của người kể chuyện: “Trời ơi, thêm một mùa gió đông nữa mà chưa người nào lấy được chồng. Tuyệt vọng như dì Chín nấu bếp đã đành, còn Mỵ, còn Lam, còn Hường…và cả Xuyến kia nữa, cô sắp qua khỏi thời con gái mất rồi” (Duyên phận so le); “Trời ơi, trừ chị em tôi, không ai thấy được đằng sau khuôn mặt chữ điền ngời ngợi đó là một hố sâu đen thẳm, bến bờ mờ mịt, chơi vơi, dễ hụt chân” (Cánh đồng bất tận). Những câu hỏi tu từ cũng thường được người kể chuyện sử dụng để thể hiện niềm sự xót xa, thương cảm trước những day dứt, đau đớn trong đời sống nội tâm nhân vật. Trong Cánh đồng bất tận, những câu hỏi xót xa vang lên khơi gợi ở người đọc biết bao niềm thương cảm trước hoàn cảnh đáng thương của những đứa trẻ: “Và tôi tự nhớ lại, coi hồi sáng nầy, hồi trưa nầy, mình đã làm gì giống má, kho cá bỏ quá nhiều tiêu? hay vì tôi buộc tóc nhong nhỏng? hay tại tôi ngồi bắt chí cho thằng Điền?”; “Nhưng chín mười tuổi đã đủ để gọi là một kiếp người chưa?”; “Có ai chờ chúng tôi, trên những cánh đồng khơi?”,…Cũng có lúc, Nguyễn Ngọc Tư hòa mình vào những nỗi đau khổ của nhân vật, nói lên nỗi đau của họ một cách da diết. Đó là nỗi đau của anh Hết trong Hiu hiu gió bấc: “Đi một đoạn, nghe đám con nít trộ lên, anh Hết, sao mà khóc vậy. Đâu có. Có mà, nước mắt anh rớt trên con tướng nầy nè, đó, nó ướt nhẹp đó thấy chưa. Hết cười lớn, nói lớn, “Ừ, tại tao thương con chốt. Qua sông là không mong về”, hay nỗi đau của Huệ trong Huệ lấy chồng: “Mà, sao bữa nay gió lạnh quá chừng, gió te tái đưa tới một tiếng gà đang gáy, nghe từng giọt, từng tiếng buồn thỉu”.

Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, người kể chuyện có khi là người dõi theo các nhân vật, khi lại xuất hiện là người trong cuộc tự giãi bày tâm trạng của mình. Nhưng dù xuất hiện ở vị trí hay điểm nhìn nào thì giọng

điệu của người kể chuyện luôn là giọng chan chứa yêu thương. Điều này thể hiện cái nhìn nhân ái của nhà văn về cuộc đời và con người. Chúng ta thấy rất rõ thái độ chủ quan của người kể chuyện. Lời kể trong Lý con sáo sang sông

thể hiện rất rõ thái độ của người kể chuyện đối với mối tình dang dở của Phi với Út Thà: “Nét chữ không bay bướm trong tấm thiệp mộc của Út Thà mang cho tôi một cảm giác lạ lùng. Vui, buồn, chua xót lẫn lộn…”. Nương trong

Cánh đồng bất tận kể lại câu chuyện của chính mình với những nỗi đớn đau và bất hạnh, bằng một giọng điệu tràn đầy cảm xúc. Đối với người cha có trái tim lạnh lẽo, chỉ sống bằng bản năng như con thú tìm mồi, em vẫn luôn đợi chờ những cảm xúc bình thường nhất của con người trở lại với ông: “Sẽ không ra gì nếu một đứa con gái tỏ ra mừng rỡ khi cha nó bị đánh tả tơi, nhưng rõ ràng là cha tôi đang thay đổi, đang sống lại những cảm xúc bình thường nhất. Tôi thích ông như thế này”. Những cảm xúc chân thành được bộc lộ trực tiếp bằng một giọng điệu trữ tình mộc mạc mà chứa chan tình cảm. Và những tình cảm thường thiên về yêu thương, thông cảm hơn là thù hận, oán trách: “Sau nầy, tôi luôn hối tiếc là tại sao ngay lúc ấy không chạy đến và cùng sóng bước cùng ông, tại sao tôi không nhìn ông mà mỉm cười. Để khi đám người kia cắt đồng, đã không còn cơ hội”. Như thế, trong chặng đường đầu, giọng trữ tình mộc mạc, chan chứa yêu thương đã tạo cho nhà văn một phong cách trần thuật độc đáo với những trang văn dân dã, chân chất mà mềm mại, nữ tính và tràn đầy tình cảm.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 107 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)