Từ cái nhìn cảm thương, tin tưởng

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 68 - 70)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2.1. Từ cái nhìn cảm thương, tin tưởng

Những người yêu văn chương đã đưa ra nhiều lý do để giải mã sức hút của Nguyễn Ngọc Tư khi truyện ngắn Cánh đồng bất tận liên tục gặt hái những thành công trong và ngoài nước. Có ý kiến cho rằng truyện Nguyễn Ngọc Tư hấp dẫn người đọc bởi hệ thống phương ngữ Nam Bộ được sử dụng tự nhiên mà điêu luyện, bởi những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất chín rồng. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của ngôn ngữ Nam Bộ trong việc tạo nên phong cách độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng một phương ngữ để kể những câu chuyện ở một vùng đất nào đó, tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư không thể có được một sức đồng cảm rộng rãi như thế từ người đọc cả nước. Thậm chí, khi tác phẩm của chị được dịch ra tiếng nước ngoài, khi thổ ngữ không còn đậm đặc, người ta vẫn yêu mến Nguyễn Ngọc Tư. Điều cốt lõi ở đây là cái nhìn. Độc giả yêu quý Nguyễn Ngọc Tư bởi cái nhìn cảm thương, tin tưởng mà chị dành cho những phận người.

Trong các tập truyện ngắn như Ngọn đèn không tắt, Cánh đồng bất tận

cái nhìn này được thể hiện rất rõ. Nhà văn dành nhiều tình cảm cho những con người nghèo khổ ở nông thôn, đặc biệt quan tâm đến những bi kịch, những lầm lỡ, những trái ngang của họ. Tác giả đã nhìn họ bằng đôi mắt thấu hiểu, đồng cảm, xót thương. Mối tình năm cũ là truyện ngắn viết về nỗi đau của con người sau chiến tranh. Trong nguồn cảm hứng nhìn nhận lại của văn học sau 1975, Nguyễn Ngọc Tư cũng nhận thấy một sự thật rằng “huân chương, huy chương chỉ làm ấm ngực, niềm đau khuất ở một góc lòng, có kẻ nhìn thấy, có người không”. Nỗi đau của dì Thấm vì sự hi sinh của chồng trong chiến tranh thì ai cũng cảm nhận được. Nhưng nỗi đau của ông Mười khi nhìn dì Thấm bị nỗi nhớ thương dày vò, tình cảm âm thầm mà to lớn ông

dành cho mẹ con dì Thấm thì nhiều người không thấu, bởi nó bị cái bề ngoài lầm lì của ông che khuất. Nguyễn Ngọc Tư đã miêu tả chi tiết ông Mười lau nước mắt cho dì Thấm với tất cả sự thấu hiểu và cảm thông: “Ông Mười vẫn nhẫn nại chậm chiếc khăn lên khuôn mặt chớm già của dì, không nói gì hết, khuôn mặt bì sì của ông hơi dúm lại, dường như ông cũng đau lắm, xót lắm”. Sự thương cảm của nhân vật “má tôi” trong Dòng nhớ đối với người phụ nữ nắm giữ trái tim của chồng mình cũng thật xúc động: “…vậy thì mình nhỏ nhen gì mà giành với người ta chút nầy nữa. Năm nầy qua năm khác mình được sống chung với ảnh, ban ngày ngoài ruộng, ban đêm chung giường. Ngó mặt nhau ăn cơm, ngủ cũng đâu mặt lại ngủ…Còn người ta nhớ thương đứt ruột cũng đành ngồi đây ngó lên, giữa đường gặp nhau chỉ nhìn vậy thôi mà không chào hỏi tiếng nào. Đau lắm chớ”. Trong khi bản thân mình cũng đang bị nỗi đau đớn dày vò, người đàn bà ấy vẫn có một niềm cảm thương cao thượng dành cho người mà đáng lẽ ra bà phải căm ghét. Ẩn hiện đằng sau những trang viết ấy là một nhà văn luôn thấu hiểu những nỗi đau của con người. Cái nhìn cảm thương ấy còn thể hiện rất rõ khi Nguyễn Ngọc Tư viết về những khát khao nhỏ bé của Nương và Điền trong Cánh đồng bất tận. Niềm khao khát tưởng như rất bình thường lại trở nên quá xa xỉ trong cuộc sống rày đây mai đó chưa biết điểm dừng của chúng. Chúng thèm muốn được trồng cây và nhìn nó lớn lên. Chúng khát khao có ông nội để thương “phải chi ông nầy là ông nội mình, thương đỡ chơi, hen Hai?”. Chúng thậm chí không có “cái quyền được đưa tiễn, được xao xuyến nhìn những cái vẫy tay, được nhận vài món quà quê … cùng lời dặn dò quyến luyến, “Đi mạnh giỏi nhen…”. Những sự thiếu thốn ấy mang đến một nỗi mặc cảm lớn lao, khiến hai đứa trẻ tự loại mình khỏi cộng đồng người. Chúng lớn lên trong cô đơn, hoảng loạn đến khi chua chát nhận ra “tụi mình hổng nói tiếng-người”. Nhưng chính niềm tin đã giúp Nương tiếp tục sống và hi vọng một ngày cha thay đổi.

Nguyễn Ngọc Tư nhìn con người thẳng thắn nhưng nhân hậu. Với chị, tình yêu chính là lẽ sống và hy vọng là sức mạnh giúp con vượt qua mọi khó khăn. Quan niệm đó đã chi phối cách tiếp cận, phản ánh con người của Nguyễn Ngọc Tư. Dù gặp nhiều bất hạnh, các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư vẫn nuôi dưỡng yêu thương và không nguôi khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp. Miên trong Cỏ xanh là một cô gái bán bia cục cằn, lầm lũi. Chưa một ai thấy đứa con gái hư hỏng như nó khóc bao giờ, nhưng lời động viên của anh hàng xóm tưởng như bâng quơ lại có khả năng đánh thức giọt nước mắt của Miên. Nguyễn Ngọc Tư đã khiến mọi người phải thay đổi cái nhìn vì nước mắt của Miên cũng “trong vắt y hệt nước mắt của người khác”. Đã là con người thì giọt nước mắt của ai cũng trong trẻo và đáng quý, vì nó có khả năng thanh lọc tâm hồn. Niềm tin chính là động lực để con người vươn lên trong cuộc sống. Chị Hảo (Hiu hiu gió bấc) vẫn “chờ người ta xức dầu Nhị Thiên Đường của chị mà hết đau, chờ người ta đánh cờ mà trong tâm “viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàn”, chờ người ta thôi buồn khi đưa chốt qua sông”. Trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, con người vẫn sống bằng hy vọng, bằng niềm tin dù gặp phải nhiều éo le, bế tắc.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 68 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)