7. Cấu trúc của luận văn
2.1.1.1. Từ hiện thực một vùng miền Nam Bộ
Bối cảnh chủ yếu trong hai tập truyện Ngọn đèn không tắt và Cánh đồng bất tận là bức tranh hiện thực Nam Bộ. Sinh ra va lớn lên ở Cà Mau - một vùng đất khá xa xôi so với trung tâm của cuộc sống hiện đại, vốn liếng của Nguyễn Ngọc Tư ở chặng đầu sáng tác là những gì mắt thấy tai nghe mỗi ngày ngay trên chính quê hương mình. Trần Hữu Dũng cho rằng: “Trong văn Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta ở khắp mọi phương trời tìm lại được quê hương đích thực trong tâm tưởng, những tình tự ngủ quên trong lòng mình” [10].
Bước chân vào thế giới truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, người đọc như được bao bọc bởi một bầu khí quyển Nam Bộ mộc mạc, dân dã. Đó là hình ảnh một Mút Cà Tha hiện lên với những nét đặc trưng của vùng thiên nhiên sông nước: “Cù lao Mút Cà Tha nằm gần cuối sông Dài, trên nó một chút có một nhánh sông khác rẽ về phía mặt trời, rộn rịp được đoạn đó rồi thôi. Mút Cà Tha nằm hiu hắt, lâu lâu mới thấy bóng dáng một con tàu lớ ngớ chạy vào rồi lại tẽn tò quay ra vì lầm đường, vì không biết đằng sau cù lao, sông cụt” (Thương quá rau răm). Cảnh sắc miền quê Nam Bộ hiện lên trong văn Nguyễn Ngọc Tư với nhánh lục bình, trái mù u,…thật giản dị: “Những chiều
phai, nhìn ra sông thấy lục bình trôi, lơ phơ mấy cái bông lục bình quá thì, cũng phai như chiều gió. Ngó ra sau nhà thấy một vạt đồng trũng sâu, ngoi lên mặt lúa những bông lúa thưa thớt, xanh xao. Vườn cũ có vài cây vú sữa, mù u rụng trái đầy mặt đất, mấy bụi tre bụi trúc vút lên trời một chòm xanh ngắt…” (Thổ sầu).
Những bức tranh sinh hoạt vùng thôn nông bình dị, giản đơn mà yên ả và thanh bình cũng xuất hiện nhiều trong văn của Nguyễn Ngọc Tư thời kì đầu. Đó còn là những lối đi, là con xóm nhỏ quen thuộc đối với người dân Nam Bộ: “Lối vô nhà trải đất đỏ, người đi ra đi vô đã mòn mấy hòn tròn tròn trọc lóc. Lối này đổ ra con đường chạy dài tới Vịnh Dừa. Đi chút nữa là tới đám trâm bầu, chỗ con đập vào xóm Kinh Cụt, bẹ dừa kéo xuồng nằm vảnh cổ, có bẹ đã khô quắt, có bẹ còn tươi thơm. Xóm kinh ăn sâu vô đồng, từ vườn nhà Huệ dòm xéo về phía tây, bỏ cánh đồng lúa lơ thơ gốc rạ là một vệt xanh rờn của dừa, của chuối” (Huệ lấy chồng). Đó là những sinh hoạt đặc trưng của một vùng sông nước: “Sáng nay, má tôi lại ra đứng tần ngần ở chợ Ba Bảy Chín, một hồi, biểu con nhỏ chèo đò chèo dài dài chợ nổi. Chợ rao bán rau trái dậy động cả một khúc sông” (Dòng nhớ). Người dân nơi này cũng sống một cuộc sống bình yên “chiều đi ruộng về nằm võng nghe đài Hậu Giang ca cải lương, tối ra đầm đặt lú” (Nỗi buồn rất lạ).
Nữ nhà văn Nam Bộ cũng vô cùng tự hào về những truyền thống tốt đẹp của quê hương mình. Ngọn đèn không tắt kể về truyền thống lịch sử vô cùng đáng quý của người dân xóm Rạch. Cuộc khởi nghĩa đã xảy ra lâu lắm rồi, “Dân xứ này, có người nhớ, người không. Cái người không nhớ thì cũng nhớ được hai ngày. Ngày thứ nhất là ngày giỗ chung những người khởi nghĩa bị giặc bắn ngoài chợ. Ngày thứ hai là cái ngày kỷ niệm khởi nghĩa”. Họ không bao giờ quên lịch sử, nên năm nào cũng tổ chức kỉ niệm, kỉ niệm nào cũng
mời ông Hai đến kể chuyện lịch sử. Ông Hai qua đời, con ông và cháu ông nối tiếp truyền thống, thay ông kể những câu chuyện lịch sử. Những câu chuyện ấy, dù nghe bao nhiêu lần, họ đều thấy xúc động. Biết bao thế hệ trong gia đình ông Hai Tương và biết bao người dân xứ này đều chung tay giữ lửa cho ngọn đèn lịch sử cháy hoài, cháy mãi trong cuộc sống hiện tại.
Nhưng bức tranh ấy cũng có những mảng màu sắc u tối, khốc liệt. Những vấn đề cuộc hiện thực đời sống Nam Bộ đã được nghiên cứu rất cụ thể trong nhiều luận văn. Nguyễn Thành Ngọc Bảo trong luận văn Đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đã chỉ ra một số vấn đề nhức nhối của đời sống Nam Bộ như: hiện thực thiếu thốn trên các lĩnh vực y tế, giao thông, giáo dục; môi trường bị tàn phá nghiêm trọng; thái độ vô trách nhiệm và sự tha hóa của một số cán bộ lãnh đạo [3]. Bên cạnh những vấn đề đó, Ngô Thị Kim Oanh trong luận văn Đặc điểm văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư còn chỉ ra những vấn đề khác như: những thay đổi về khung cảnh thiên nhiên, đời sống kinh tế của vùng quê Nam Bộ; đời sống tinh thần con người Nam Bộ thời hậu chiến [39]. Kế thừa thành tựu của những người nghiên cứu đi trước, có thể thấy, bên cạnh niềm tự hào về truyền thống quê hương, về nếp sinh hoạt dân dã, bình dị, ta cũng bắt gặp trên trang viết của Nguyễn Ngọc Tư một nỗi niềm đau đáu, trăn trở trước hiện thực. Đất nước đã đổi mới và phát triển nhưng Nam Bộ vẫn là một vùng đất nghèo nàn, lạc hậu. Một Mút Cà Tha trong
Thương quá rau răm đói nghèo và buồn thảm, thiếu bác sĩ, thuốc men, những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối thiểu. Những đứa trẻ cù lao đã được học hành nhưng chẳng đứa nào chịu quay về, những bác sĩ lần lượt đến rồi đi. “Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu đời đắng cay” là tiếng thở dài ngậm ngùi, xót xa của người dân phải sống mãi đời “rau răm” trong tối tăm, lạc hậu. Hiện thực vùng đất Nam Bộ hiện lên trên trang viết của Nguyễn Ngọc Tư khiến người đọc không khỏi bất ngờ. Nếu phải chọn ra một tác
phẩm chứa đựng trong nó bức tranh rộng lớn và đầy đủ nhất về hiện thực Nam Bộ, người ta sẽ nghĩ ngay đến truyện ngắn Cánh đồng bất tận, nơi mà bức tranh hiện thực hiện lên khốc liệt và ngổn ngang. Môi trường Nam Bộ bị tàn phá trầm trọng, con người đang đứng trước cơn phẫn nộ của thiên nhiên: “mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này”. Vùng đất phía cuối Tổ quốc bị bao trùm bởi một màu hoang tàn, nhiều người đã bỏ xứ ra đi, người ở lại cũng không còn đất mà sống: “Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa nghẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó, đã hất hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần”. Như một nghịch lý đầy mỉa mai, “ở một xóm nhỏ bên bờ sông lớn mênh mang, người ở đây lại không có nước để dùng (như chúng tôi đi trên đất dằng dặc mà không có cục đất chọi chim)”. Người nông dân sống đời lang thang trên những cánh đồng nhiễm mặn khô cằn với cái nghề theo vịt chạy đồng đầy rủi ro, bất trắc. Những mùa dịch bệnh, số vịt chết phải chôn trong “những hố chôn lớn bằng mấy khẩu đìa công lại”. Đàn vịt chính là cả gia tài, là tất cả những gì họ có. Chừng ấy con người, đang vẫy vùng tìm cách thoát khỏi hiện thực khốc liệt, nhưng những cánh đồng Nam Bộ thì bất tận, “mà, mùa mưa vẫn còn xa lắm”. Đó là bức tranh hiện thực mang đậm hơi thở Nam Bộ mà ta không thể tìm thấy ở những vùng đất khác.