…đến cái nhìn trần trụi, bi quan

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 49 - 53)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.2. …đến cái nhìn trần trụi, bi quan

Hiện thực cuộc sống vẫn luôn thay đổi từng ngày, trước những vấn đề nóng bỏng và nhức nhối, con người cần có cái nhìn thẳng thắn để nhận thức và thay đổi thực tại. Sự thay đổi của đời sống, sự “chững chạc” trong tính cách, sự dày dặn trong trải nghiệm ắt sẽ đưa đến một cái nhìn mới, tinh tế và sắc sảo hơn nhưng cũng trần trụi và bi quan hơn ở Nguyễn Ngọc Tư. Chính tác giả cũng nhận thấy sự thay đổi trong cách nhìn hiện thực của chính mình ở những tác phẩm sau so với Ngọn đèn không tắt: “Dạo ấy còn ngây ngô, viết câu văn cũng rất ngây ngô, ý tưởng càng ngây ngô. Mà trong trẻo, giản dị. Em vẫn thường nói đó là cuốn hay nhất, bởi vì mình không thể viết lại giống vậy. Những va chạm, những trải nghiệm mới đã làm em vẫn yêu vùng đất này, nhưng yêu kiểu khác, riết róng và thực tế” [18]. Tình yêu quê hương vẫn thường trực, nhưng không chỉ tự hào, tin tưởng mới là yêu quê hương, mà sự lên tiếng kịp thời trước những biến chuyển của hiện thực cũng là biểu hiện

của tình yêu ấy, rộng hơn là biểu hiện của một nhà văn chân chính có trách nhiệm với cuộc sống.

Nguyễn Ngọc Tư bằng một cái nhìn trần trụi xông thẳng vào hiện thực đời sống hỗn độn và gai góc. So với thế giới trong trẻo và ấm áp của tập truyện Ngọn đèn không tắt, hiện thực trong một số truyện ngắn của tập Cánh đồng bất tận đã trở nên nhãu nhĩ, u ám hơn. Trong Một trái tim khô, vì khối tài sản, người chồng đã sẵn sàng giết vợ mình. Vụ giết thuê bất thành, Hậu còn sống nhưng tim Hậu thì đã như ngừng đập. Cuộc đời Hậu còn éo le và ngang trái hơn khi Hậu phát hiện ra người đâm thuê chính là người đàn ông đang che chở cho Hậu bằng tất cả tình thương. Một người đàn ông dùng tiền để thuê người giết vợ, một người đàn ông khác vì không có tiền chữa bệnh cho con mà chấp nhận làm việc trái với lương tâm. Tất cả những sự thật trần trụi đó khiến Hậu không đủ dũng cảm để mở lòng một lần nữa. Cũng với cái nhìn trần trụi ấy, Nguyễn Ngọc Tư đã lật xới biết bao góc khuất của hiện thực đời sống Nam Bộ trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận. Chúng ta thấy gì trên những cánh đồng ấy? Trên những cánh đồng mà thiên nhiên ngày càng trở nên dữ dội và khắc nghiệt, con người cũng ngày càng trở nên hung hãn và u tối. Đó là một người đàn ông bị vợ bỏ theo người đàn ông khác nên điên cuồng trả thù đàn bà bằng những cuộc tình chóng vánh. Đó là những người đàn bà làm đĩ bu theo cánh thợ gặt và những người nuôi vịt chạy đồng. Để trừng trị những người đàn bà ấy, người ta đã dựng nên một vụ đánh ghen hội đồng thật phi nhân bằng cách “đổ keo dán sắt vào cửa mình” của tình địch. Thậm chí để cứu đàn vịt vượt qua vòng sát hạch của những ông cán bộ nông thôn, một người đàn bà đã phải đút lót bằng chính thân xác của mình. Với

Cánh đồng bất tận, cái nhìn trong trẻo, hồn nhiên đã dần đổ vỡ trước thực tế khắc nghiệt. Có những sự thật dù phũ phàng nhưng chúng ta phải chấp nhận: “Có vẻ khó tin, khi một người nghĩ rằng, chỉ cần mình hết lòng yêu thương,

gánh hết sự kiếm sống nhọc nhằn thì sẽ được đền đáp xứng đáng. Có vẻ buồn cười…”. Nguyễn Ngọc Tư đã phản ánh chân thực những mảng màu u tối trên bức tranh hiện thực của chính quê hương mình. Một số người có thể cảm thấy ái ngại trước bức tranh hiện thực tối tăm, một số người có thể không quen với cái nhìn trần trụi của tác giả, có lẽ người ta sẽ dễ chịu hơn khi chị viết về những cánh đồng êm ả, bình yên. Tuy nhiên, nếu nhà văn phải là “người thư kí trung thành của thời đại” thì rõ ràng Nguyễn Ngọc Tư đã làm được điều ấy, với những nỗ lực và cả sự dũng cảm. Nhưng dù nhìn hiện thực một cách trần trụi như thế, như đã nói ở phần 2.1.2.1, ở Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư vẫn còn giữ được cái nhìn lạc quan.

Ở chặng đường sau Cánh đồng bất tận, rõ ràng cái nhìn bi quan đã lan tỏa trong từng câu chuyện. Trong Gió lẻ, sự độc ác của người cha, của ông Tám Nhơn Đạo và nhiều người khác khiến Mỹ Ái ghê sợ thế giới loài người. Không còn âm thầm cam chịu như Nương, Mỹ Ái đã chọn cho mình cách phản kháng lại cuộc đời đầy bạc ác và dối trá: ném trả ngôn ngữ, từ chối bản chất người trong mình. Những tưởng tình yêu thương của những cơn gió lẻ trên chiếc xe tải sẽ sưởi ấm được trái tim nguội lạnh, nhưng sau cùng cô gái chết một cách dữ dội. Cô gái ấy đã có một cuộc đời tuyệt vọng, cái chết cũng không cứu rỗi được em. Trong cõi người, em sống trong câm lặng. Ở cõi ma, em bồng bềnh trong bóng tối vô tận. Cơn gió lẻ ấy, đã bay vào đường cụt, tối tăm không chút ánh sáng. Những đứa trẻ tổn thương vì bị mẹ bỏ rơi, bị cha lừa dối đã cũng phản kháng một cách thật bi quan. “Mèo Ngố” ngây thơ trong

Mùa mặt rụng đã trở thành “Carmen” – cô phục nhà hàng nóng bỏng; đứa con trai trong Coi tay vào sáng mưa chỉ vì đòi hộp bút màu mà bị mẹ bỏ rơi giữa chợ đã sống một cuộc đời giang hồ vất vưởng, trở về với bàn tay đã bị người ta chặt cụt đến nửa ống. Những đứa trẻ đã “trả thù” bằng cách quay lưng lại với cuộc đời, với người gây ra tổn thương cho chúng: “Không cách

nào cải sửa cái hình ảnh sau cùng đó: một bà mẹ nhẫn tâm”, “lìa thì cũng đã lìa rồi, mạch máu chết nên đâu nối lại được”. Ở cái tuổi dễ đau và nhớ lâu, những đứa trẻ đã phải gánh chịu quá nhiều vết thương. Không có một kết cục tươi sáng nào trong những câu chuyện ấy, cái bi quan thấm đẫm từng mẩu truyện. Thực tế cuộc sống ấy không cho phép Nguyễn Ngọc Tư mãi ngây thơ nuôi hy vọng.

Với tập truyện ngắn mới nhất Cố định một đám mây, Nguyễn Ngọc Tư đã phơi bày trên trang sách những cuộc đời bế tắc. Cái nhìn của chị đối với cuộc đời trong tập truyện này đã bi quan hơn nhiều khi phản ánh về những nỗ lực tuyệt vọng của cả những người ra đi tìm cuộc sống mới và những người ở lại tiếp tục cuộc sống mòn mỏi. Mỹ trong Một mùa sương thứcđã tìm đủ mọi con đường để thoát khỏi cuộc sống tù đọng trong những thị trấn. Ái trong Cố định một đám mây cũng quyết tâm rời bỏ bìa Nước mặn nghèo nàn. Cô gái trong Chớp mắt mịt mù cũng dấn thân vào những ngã rẽ mới để bỏ lại sau lưng cuộc sống nhạt nhẽo vốn có. Nhưng tất cả họ, đều không có một điểm đến rõ ràng. Và cuộc sống mới mà họ đang hướng tới, cũng vô cùng mơ hồ. Để rồi tất cả những nỗ lực “cố định một đám mây” của những người ở lại đều thất bại. Biền (Cố định một đám mây) dành cả tuổi mười chín để cố định Ái vào mình nhưng Biền vẫn cảm giác Ái đang chuội khỏi nó, bất lực khi “thấy mình có cố vào sâu đến mức nào cũng không sao nhập hai đứa thành một khối. Dải da thịt non xanh của con nhỏ cứ rời ra, trôi đi”. Đó cũng là cảm giác bất lực của cậu trai trẻ cố níu giữ người thương trong Một mùa sương thức: “Những mịn màng trên người Mỹ, tôi không cách nào áp mình với cho hết, cho đầy”. Người cha già cả đã “ngồi xe đò đường dài đuổi theo một bóng mây” (Từ bỏ) nhưng vẫn không thể níu giữ thằng nhỏ ngày xưa ở truồng tắm sông, trước mặt ông chỉ là một cô gái xinh đẹp và thanh tú, đã sửa hết tất cả những gì giống đàn ông trên cơ thể mình và từ bỏ luôn cả giọng nói giống đàn

ông bằng cơn phẫu thuật cắt dây nói đau đớn. Đúng như tên truyện, Từ bỏ tô đậm sự bất lực đầy bi quan của một người cha đã vĩnh viễn mất đi một đứa con. Đám mây là thứ không thể cố định, càng không thể đuổi theo. Cuộc sống của Biền ở bìa Nước mặn vẫn như thế, Biền vẫn ra bến đò dù khách du lịch đã không còn tới lui nơi này (Cố định một đám mây). Cuộc sống của thằng nhỏ mất ngủ cả tuổi mười bảy đợi chờ người yêu, rong ruổi cùng đoàn hát đi đến những thị trấn bị bóng tối nuốt chửng (Một mùa sương thức) cũng không có ánh sáng hi vọng nào . Không có một lời hứa chắc chắn và lạc quan nào về cuộc đời tươi sáng của những người ra đi nhưng cũng không có một sự thay đổi nào cho cuộc sống tù đọng mỏi mòn của những người ở lại. Thực tế cuộc sống bên cạnh mảng màu tươi sáng, trong trẻo còn có những vùng u ám, xám xịt mà con người phải đối diện. Trước hiện thực đó, cái nhìn của Nguyễn Ngọc Tư đã bi quan hơn nhiều so với cái nhìn lạc quan, tin tưởng của giai đoạn trước.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)