Từ lối kể chuyện truyền thống

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 90 - 93)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1. Từ lối kể chuyện truyền thống

Ở chặng đầu sáng tác, Nguyễn Ngọc Tư thường kể lại những phận đời long đong, những nỗi buồn bàng bạc hay sự cam chịu âm thầm của người dân Nam Bộ với giọng điệu chan chứa yêu thương. Chị thiên về lối trần thuật truyền thống trong truyện ngắn. Trong nghệ thuật tự sự truyền thống, người trần thuật thường phát huy một cách tối đa vai trò của mình khi kể chuyện. Theo khảo sát, dù kể theo ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba, người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư cũng thường kể theo điểm nhìn của chính mình. Trong tổng số 20 truyện ngắn của hai tập truyện Ngọn đèn không tắt

Cánh đồng bất tận, có đến 70% truyện ngắn được kể bởi một người kể chuyện theo điểm nhìn của chính mình:

Người kể chuyện theo điểm nhìn của chính mình ngôi thứ nhất

Người kể chuyện theo điểm nhìn của chính mình ngôi thứ ba

- Lý con sáo sang sông

- Dòng nhớ

- Nhà cổ

- Cái nhìn khắc khoải

- Cánh đồng bất tận

- Thương quá rau răm

- Hiu hiu gió bấc

- Huệ lấy chồng

- Mối tình năm cũ

- Biển người mênh mông

- Nhớ sông

- Duyên phận so le

Những người kể chuyện theo điểm nhìn của chính mình nói trên tỏ ra thấu hiểu mọi thứ, không chỉ hiểu biết về các sự vật khách quan mà còn biết cả những hành động bên ngoài lẫn những suy nghĩ, cảm xúc bên trong và cả những chuyển biến của tâm hồn của nhân vật, thậm chí nhiều khi bình luận, lý giải trực tiếp khi đang kể. Với điểm nhìn này, nhà văn có cơ hội tự biểu hiện tốt nhất. Nói cách khác, đây là kiểu người kể chuyện toàn tri.

Trong truyện Cái nhìn khắc khoải, người kể chuyện am hiểu cặn kẽ hoàn cảnh, cuộc sống của ông Hai. Bằng cái nhìn toàn tri, người kể chuyện miêu tả chi tiết cuộc sống của ông: “Ông làm nghề nuôi vịt chạy đồng. Hôm nay ở đồng Rạch Mũi, ngày mai ở nhà Phấn Ngọn, xa nữa lại dạt đến Cái Bát không chừng. Ông đậu ghe, dựng lều, lùa vịt lên những cánh đồng vừa mới gặt xong, ngó chừng chừng sang những cánh đồng lúa mới vừa chín tới và suy nghĩ về một vạt đồng khác lúa vừa no đòng đòng. Đời của ông là một cuộc đời lang bạt”. Trong Cải ơi, người kể chuyện cũng kể lại, miêu tả lại tỉ mỉ, chi tiết những hành động, lời nói bên ngoài và cả những suy nghĩ thầm kín bên trong của nhân vật: “Ông già lắc đầu, thở dài, nghe buồn xao xác như

lá rụng hoa rơi, than điệu này hỏng biết cách nào tìm cho ra con Cải”, “Ông già đứng im sững, ngơ ngác giây lát, môi run lập bập hỏi Cải phải hôn con”, “Ông già nắn đầu, nắn vai nó với một nỗi vui chảy tràn”... . Với điểm nhìn toàn tri này, tác giả giúp người đọc có được một hình dung trọn vẹn về một người cha thương yêu con, khao khát mong tìm lại được con. Đọc truyện Nhà cổ, ta cũng thấy người kể chuyện đã thấu hiểu một cách sâu sắc tình cảm, tâm trạng, nỗi lòng của các nhân vật: “Năm tôi mười sáu tuổi, qua bên đó chơi, biết hai anh đều lặng lẽ để bụng thương chị Thể mất rồi”; “Chú em nhịn ăn sáng, ốm ròm, mặt mày xanh ẻo cắc củm dành tiền tha về cho chị Thể nào kẹp tóc, vòng bạc, dép, giày… Ông anh chẳng mua gì, nhưng thấy chị vo cơm thì nhảy vào thổi lửa, thấy chị sắp giặt đồ, anh xách nước để sẵn mấy thùng. Những buổi sớm mai, hai người cùng nhau xào nhân, nhồi bột, hấp bánh bao. Khói quây lấy cả hai, khói thơm ngây dại múi lá dứa. Người em thức sớm học bài, thấy cảnh đó, đọc lung tung những câu chẳng có nghĩa gì”.

Sự am tường của người kể chuyện kể theo điểm nhìn toàn tri không chỉ thể hiện ở việc kể chuyện mà còn ở những sự bình luận, giải thích về những điều mình kể. Người kể chuyện trong Dòng nhớ là nhân vật xưng “tôi”, chứng kiến câu chuyện đầy éo le của ba má và kể lại với tất cả sự thấu hiểu. Đó là nỗi đau của ba khi đã phụ bạc dì, bỏ lên bờ xây dựng gia đình mới. Người kể chuyện tỏ ra thấu hiểu khi lý giải cho tình cảnh của ba: “Con người ta, nhất là đàn ông thương ai, mà vì nỗi gì đó quay lưng lại quên mất tiêu thì đúng là không tử tế, không đáng tin chút nào. Với tôi, ba tôi thì quên hay không cũng được, ba đã sống tốt với cả nhà tôi lắm rồi. Ông sống tử tế đến vô cùng, đến thừa, dường như ông gửi gắm tình thương yêu đến cả những người vắng mặt”. Còn đối với má, nhân vật “tôi” cũng hiểu hết những ngậm ngùi của một người phụ nữ sống cạnh chồng mà hai tâm hồn cách xa vời vợi.

Thậm chí đối với dì, một người xa lạ, người kể chuyện cũng thấu hiểu những cam chịu âm thầm, những sự tha thứ đầy bao dung cho lỗi lầm của ba.

Hình thức người kể chuyện toàn tri cho phép tầm nhìn của người kể chuyện được mở rộng tối đa, có thể bao quát được cuộc sống từ nhiều chiều, nhiều phía khác nhau qua đó tái hiện cuộc sống chân thực, toàn diện, sâu sắc hơn. Người kể chuyện có thể kể lại nhiều sự kiện, nhiều hành động, nhiều suy nghĩ của nhân vật trong nhiều quãng thời gian khác nhau và ở nhiều nơi khác nhau. Truyện kể theo điểm nhìn toàn tri với sự xuất hiện khá nhiều lời bình luận, giải thích của người kể chuyện còn có ý nghĩa định hướng cho người đọc trong quá trình tiếp nhận tác phẩm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vai trò chỉ bảo của người kể chuyện quá lộ rõ khiến cho câu chuyện thiếu đi sự hấp dẫn tự nhiên, câu chuyện dễ trở nên đơn điệu. Đây cũng chính là điểm hạn chế mà phần lớn những truyện sử dụng hình thức người kể chuyện kể theo điểm nhìn toàn tri thường gặp phải. Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thiếu sự đan xen của các điểm nhìn khác nhau. Như vậy, ở giai đoạn này, nghệ thuật viết truyện của Nguyễn Ngọc Tư còn “cũ”.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 90 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)