Từ ngôn ngữ tự nhiên, bộc trực

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 98 - 102)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1.1. Từ ngôn ngữ tự nhiên, bộc trực

Trong những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư từ Cánh đồng bất tận trở về trước, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy một hệ thống phương ngữ vùng miền được đưa vào trang văn một cách hồn nhiên như hơi thở. Ngôn ngữ của cả người kể chuyện và nhân vật đều rất bộc trực, đúng với tính cách Nam Bộ thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy, không vòng vo, không màu mè. “Từ vựng của Nguyễn Ngọc Tư không quý phái hay độc sáng, nhưng, đối nghịch, đó là một từ vựng dân dã lấy thẳng từ cuộc sống xung quanh” [10]. Đó là cách xưng gọi rất thân mật, suồng sã với những đại từ như chế, tao, bây, ổng,… : “Thằng Tư Hải, đem mấy đứa nhỏ qua ngủ với má con tao nì. Để không ngói rớt trúng đầu, tội nghiệp tụ nó lắm nghen” (Nhà cổ). Đặc trưng ngôn ngữ Nam Bộ là hay thêm vào các từ thể hiện sắc thái: hổng, á, à, hen, hôn, phải hôn, ta, nghe, nghen, vậy nghen, chớ, chớ bộ, mà, lận, quá chừng, quá trời, vậy cà, bộ, hả, ha..., lớp từ ấy cũng đi thẳng vào văn chương của Nguyễn Ngọc Tư một cách thật tự nhiên. Nhờ có lớp từ này mà người đọc cảm nhận được những sắc thái vô cùng rõ nét: “Về cái sự chúng tôi không gặp (dù thi thoảng cũng nhớ nhau), có quá nhiều giả thuyết. Nhưng, nếu quyết lòng thì có khó khăn gì để gặp nhau, hở trời?!” (Duyên phận so le). Hãy xem một đoạn đối thoại tự nhiên như được đưa thẳng từ cuộc sống vào tác phẩm:

- Thiệt rầu hết sức, nhà tui tưởng còn ai đi kể chuyện khởi nghĩa. Hổng ấy, cho Tươi đi, chịu hôn?

-Nó nhỏ xíu , biết không?

-Nó tuổi con gà, hai chục rồi, nó lanh lắm.

-Thôi kệ, đi đại đi.

(Ngọn đèn không tắt) Đến những từ ngữ chỉ trạng thái, tính chất đậm đặc chất Nam Bộ như

lãng xẹt, im re, lỉnh lảng, buồn ác chiến, long chong, tệ hệ, dễ ợt, tém tẻ, cà chớn, sương sương,...cũng được đưa vào lời nói của nhân vật một cách tự nhiên: “Mày nói làm sao chớ, thằng Tư Đờ đâu có tệ hệ vậy, tao biết nó mấy chục năm trời…” (Nỗi buồn rất lạ); “…xe kẹo kéo của ông nổi tiếng nhờ giọng ca nhừa nhựa của thằng Thàn, nhờ giữa hai bài hát có mục “nhắn tìm con” buồn ác chiến(Cải ơi). Và đến cả lời nói của tác giả ẩn sau vai trò một người kể chuyện, hay khi bộc lộc trực tiếp trong các lời đề từ, cũng dân dã, tự nhiên hệt như lời ăn tiếng nói vốn có của người Nam Bộ: “Hay là tôi thi vị hóa cuộc sống của họ, lo chiến đấu với tuổi tác, bệnh tật mệt muốn bứt gân, hơi đâu mà yêu iếc…?!” (Cuối mùa nhan sắc). Nét tự nhiên trong ngôn ngữ Nam Bộ còn thể hiện ở sự xuất hiện dày đặc hệ thống các biến âm: mầy (mày), nầy (này), thiệt (thật), ổng (ông ấy), cổ (cô ấy), bển (bên), biểu (bảo), bịnh (bệnh), sanh (sinh), gởi (gửi), ác nhơn (ác nhân)…Hệ thống từ biến âm này được lặp lại thường xuyên góp phần làm cho ngôn ngữ truyện ngắn của chị thuần chất Nam Bộ. Bức tranh đời sống Nam Bộ vì thế hiện lên thật sinh động. Chính sự tự nhiên trong cách sử dụng ngôn ngữ đã thổi vào những trang văn hơi thở chân thật của cuộc sống. Đọc đoạn văn thuật lại cuộc nói chuyện giữa ông Hai, con vịt và người phụ nữ xin quá giang trong Cái nhìn khắc khoải, ta thấy hệ thống phương ngữ đậm đặc nhưng câu chuyện vẫn được kể thật tự nhiên, mượt mà: “Đôi chân bà dè dặt bỏ xuống đầu ghe, con Cộc cúi đầu không nói không rằng lùi lũi lại tính mổ một cái vô chân chị mừng chơi

nhưng ông la: “Cộc! Bị đòn nghen mậy”. Nó dừng lại, đủng đỉnh quay đi. Chị khịt mũi cái sột, lau nước mắt kêu: “Trời, vịt gì mà khôn quá vậy?” Con vịt ngoắc ngoắc cái đầu lại, ý nói, vịt Xiêm chớ vịt gì, thiệt tình.”

Nguyễn Ngọc Tư viết văn như nói, không cầu kỳ bóng bẩy nhưng ngôn ngữ của chị vẫn tràn đầy sức sống như chính nhịp đập của cuộc sống. Người Nam Bộ nói năng chủ yếu sao cho dễ hiểu, họ không thích quanh co nên ngôn ngữ của họ cũng bộc trực. Trong truyện ngắn Cải ơi, Diễm Thương đã bộc lộ cảm xúc một cách thẳng thắn bằng thứ ngôn ngữ thật bộc trực: “Sao tui thù con nhỏ đó quá trời, có nhà mà bỏ, có cha có mẹ mà không thèm… Cái thứ người đó, cho nó chết bờ chết bụi cũng đáng. Rồi nó nghẹn ngào, còn tui, người ta đã quăng ở đây mười tám năm, mà không ai trở lại tìm, tui chờ hoài…”. Lời bộc bạch ấy không chỉ thể hiện niềm cảm thương của cô đối với ông Năm nhỏ ròng rã tìm con mấy mươi năm trời mà còn là sự tủi thân ngậm ngùi của một cô bé khao khát gia đình. Thứ ngôn ngữ bộc trực ấy xuất phát từ tấm lòng “ruột để ngoài da” của người Nam Bộ. Người má trong truyện ngắn

Dòng nhớ cay đắng chấp nhận sự thật rằng bà được ở bên chồng nhưng mãi mãi không nắm giữ được trái tim của chồng. Những lời nghẹn ngào bà rút ra từ tận đáy lòng nghe bộc trực mà thật khiến người đọc phải xót xa: “ “Làm gì làm, má cũng phải giữ ba”, tôi đùa. Má tôi xua tay: “Ổng còn nguyên đó chớ có đi đâu, trước không mất giờ còn sợ mất mát gì nữa, mà – giọng má chợt cay đắng – hồi đó giờ ổng có phải của tao đâu mà giữ”. Đằng sau những nhân vật nói năng bộc trực ấy là một nhà văn bộc trực, với những suy nghĩ, nhận xét bộc trực bày tỏ trên những trang sách. Trong tác phẩm Huệ lấy chồng, những nỗi lòng chất chứa cần được giải tỏa được Nguyễn Ngọc Tư lí giải bằng một sự diễn đạt rất dễ hiểu: “Trời đất, buồn thương ở trong lòng, lúc nào tràn đầy thì phải khóc cho vơi chứ có phải rót nước ra từ cái ấm, lúc nào muốn rót thì rót, lúc nào không muốn thì thôi”. Chúng ta còn bắt gặp vô

vàn những lối nói hồn nhiên, bộc trực của chính Nguyễn Ngọc Tư trong những lời đề từ hay lời dẫn chuyện. Chẳng hạn: “Chắc là khó chịu lắm, khi yêu mà giả bộ không yêu, khi buồn cố diễn mặt vui, khi đau tình phải tỏ ra vô tình”…(Nhà cổ); “Ngày ngày kẹt giữa đám đông, chen chúc trên những con đường đông nghịt người, nhiều khi tôi giật mình, trời ơi, họ kia, đồng loại mình kia, sao mình lại cô đơn đến rã rời”, “ Người ta buồn nhất, cô đơn nhất là khi ngủ dậy”, “Và khi ngoài trời đang nắng ráo mà không biết phải đi đâu, về đâu” (Biển người mênh mông). Ngôn ngữ bộc trực trong những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ thể hiện trọn vẹn tâm hồn, tính cách, nếp sống, nếp nghĩ của người Nam Bộ mà còn tạo không khí gần gũi giữa tác phẩm và người đọc, giúp người đọc dễ hiểu, dễ nắm bắt. Như vậy, Nguyễn Ngọc Tư đã rất thành công khi sử dụng ngôn ngữ miền Nam để kể những câu chuyện miền Nam từ môi trường đến tính cách con người.

Bên cạnh đó, khi nhận định rằng ngôn ngữ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư ở chặng đường đầu sáng tác là ngôn ngữ tự nhiên, bộc trực, điều đó không có nghĩa là tác giả không dụng công vào ngôn ngữ. Ngôn ngữ Nam Bộ của chị dân dã, mộc mạc, tự nhiên, bộc trực là vậy nhưng cũng rất giàu hình ảnh, giàu sức gợi, giàu chất thơ. Nguyễn Ngọc Tư có những cách diễn đạt rất hình ảnh, rất sáng tạo: “đêm giống như một bà cụ còm chống gậy chậm rãi đi qua” (Chuyện của Điệp), “một giọng nói mềm như lá lụa non” (Bởi yêu thương), “cái thở dài xao xác như lá rụng hoa rơi” (Một trái tim khô), “lòng tự nhiên như dòng chảy của sông” (Hiu hiu gió bấc); “cái cười níu chật vật làn nước mắt chực rơi ra” (Lý con sáo sang sông), “cái cười làm lấp lánh cả khúc sông” (Cánh đồng bất tận),…Những cách diễn đạt rất giản dị, như con sông, như cánh đồng nhưng lại vô cùng có sức gợi. Đọc Dòng nhớ, người đọc không thể nào quên hình ảnh về một dòng sông “đêm sáng trăng, ngồi trên nhà có thể thấy một dòng chảy líu ríu, sáng loáng”, một dòng sông không ngủ

mà “thức theo những chiếc tàu rầm rì chảy qua”. Dòng sông thức hay lòng người không ngủ được, dòng sông hay chính dòng nhớ vẫn chảy mãi trong lòng người. Trong Cánh đồng bất tận, ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư bộc trực đến trần trụi, nhưng lại giàu sức gợi. Những khó khăn, cực khổ của người nuôi vịt chạy đồng được tác giả thâu tóm trong câu văn miêu tả hình ảnh của bầy vịt đẻ trứng : “Trứng thưa thớt, những quả trứng chúng đẻ ra cũng chai ngắt, dài nhằng, nhẹ tênh, vỏ dày sần sượng”. Những câu văn tả người với nhiều từ láy liên tiếp cũng chứng tỏ khả năng vận dụng ngôn ngữ tự nhiên mà hiệu quả của nữ nhà văn Nam Bộ: “Những suy nghĩ cồn cào làm cho vẻ mặt của cha lung linh như bầu trời nhiều mây và gió. Thoắt quang đãng âm u, thoắt khoái trá, thoắt đau đớn”, “Vui được chút đó thôi, khi khuất bóng người, chị em tôi đắng đót nhìn cha hao hao người đóng tuồng vừa trút lớp. Xanh xao, lạnh lẽo đến ngơ ngác và cô đơn”. Ngôn ngữ của đời sống không thể trở thành ngôn từ nghệ thuật nếu không có bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ. Ngôn ngữ Nam Bộ vẫn tồn tại khách quan trong đời sống, nhưng để biến nó trở thành ngôn ngữ văn chương với những giá trị thẩm mĩ thì cần đến những nhà văn như Nguyễn Ngọc Tư.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 98 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)