Từ những vấn đề về đời sống Nam Bộ

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 54 - 55)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.3.1. Từ những vấn đề về đời sống Nam Bộ

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn Nam Bộ, nhà văn có sự am hiểu sâu sắc về đời sống quê hương. So với sự phát triển chung của xã hội, Nam Bộ vẫn là nơi còn đói nghèo, lạc hậu, tối tăm, dốt nát. Thực trạng này có tác động rất nghiêm trọng đến đời sống con người. Nó tác động và làm biến dạng nhân tính con người. Trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận, người phụ nữ có được tất cả sự yêu thương của chồng nhưng vì những thèm khát vật chất, đã dùng thân mình để đổi lấy mấy tấm vải. Không chỉ nhân vật má Nương, mà hầu hết những người đàn bà lam lũ ở quê đều “trở thành trẻ thơ khi bước chân lên ghe, họ tíu tít, háo hức, họ thèm muốn đến bồn chồn rồi dùng dằng trở lên bờ với tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi...”. Cũng trên những cánh đồng ấy, “người ta đem hết những bản năng hoang dã của mình ra để giành lại miếng ăn”, và trong những cuộc ẩu đả để cướp vịt, đứa con gái mới lớn đã trở thành nạn nhân tội nghiệp. Những đứa trẻ vì tối tăm, thất học mà trở nên “nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi”. Những gì chúng được ba má dạy chỉ là làm cách nào để đánh chết tụi chăn vịt trong các cuộc tranh chấp. Cũng vì đói nghèo, thất học, lại thiếu thốn tình thương, những đứa trẻ đã phải tự học cách sống và lớn lên một cách kì lạ, méo mó. Những bỡ ngỡ trong tuổi dậy thì của Nương và Điền được miêu tả thật xót xa. Điền thậm chí còn “tự kìm hãm bản năng trỗi dậy mạnh mẽ ở tuổi dậy thì bằng tất cả sự miệt thị, giận dữ, căm thù” vì cho rằng tất cả những gì cha nó làm đều là xấu xa. Trước những suy nghĩ lệch lạc của đứa em trai, Nương xót xa “muốn kêu lên, tiếc là sự thất học khiến tôi không diễn đạt được bằng lời. Tôi không chắc lắm, nhưng dục tình và xác thịt không xấu xa, không đáng bị khinh bỉ, không phải là nguyên nhân đẩy chị em tôi đến cuộc sống nầy với những đổ vỡ nầy…”. Và Út Vũ, người đàn ông có tấm lòng rộng lượng từng cưu mang người đàn bà tội nghiệp, hết lòng yêu thương và gánh

hết cuộc sống nhọc nhằn, lại bị hận thù làm làm cho trở thành một con người thô lỗ, cộc cằn, một con người chỉ sống bằng bản năng và vô cảm với chính những đứa con của mình. Nhà nghiên cứu Phan Quý Bích cho rằng: “Cánh đồng bất tận dựng lại một thế giới có khả năng chao đảo giữa văn minh và dã man, giữa hạnh phúc và khổ đau, đúng hơn là một thế giới có thể đổi màu về phía hai cực của nó, mà con người vừa là tác giả tạo ra nó, vừa là nạn nhân” [4]. Trước tình trạng đời sống con người đang chao đảo, con người dần đánh mất đi những bản chất người, Nguyễn Ngọc Tư đặt ra cho độc giả một câu hỏi lớn về cuộc sống. Không chỉ là chuyện riêng của những cánh đồng Nam Bộ trong thời hiện đại, mà bất kỳ nơi đâu, khi đời sống không thoát khỏi đói nghèo, dốt nát và thù hận, con người không thể được sống đúng là Người.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 54 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)