…đến ngôn ngữ trau chuốt, đậm màu sắc triết lí

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 102 - 106)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1.2. …đến ngôn ngữ trau chuốt, đậm màu sắc triết lí

Trong giai đoạn sáng tác sau Cánh đồng bất tận, không khó để nhận thấy rằng Nguyễn Ngọc Tư trau chuốt hơn trong sử dụng ngôn ngữ. Ngòi bút thâm hậu hơn, từ ngữ cầu kỳ hơn. Chị sử dụng nhiều câu đặc biệt hơn, gọn gàng và dứt khoát nhưng cũng đầy nhịp điệu: “Cũ kỹ. Nhàu nhĩ. Mụ mị. Hai cô chủ quán chắc bị ngâm lâu trong cái ủ ê nên cũng ơ hờ khi khách bước vào” (Tình thầm), “Anh thấy sợ hãi ngày mai trống rỗng kia. Hoang mang. Ngơ ngác. Rã rời. Vụn nát” (Sầu trên đỉnh Puvan). Miêu tả đôi mắt của những đứa trẻ miền quê, ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư đã có những câu văn

rất trau chuốt: “Mắt nhìn vũng nước đục, nước sẽ trong, nhìn vào đêm đen, đêm sẽ sáng. Đôi mắt rất hay nói. Nó ngước lên trời, nơi những đám mây bắt đầu sà xuống, bịu xịu như một cô gái sắp khóc, ánh mắt nói rằng thằng bé rất bồn chồn” (Núi lở).

Ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư trong giai đoạn này còn có khả năng bóc tách, mổ xẻ ngôn ngữ tài tình. Chị phân tích nhiều về những tác động của ngôn ngữ từ chính những đặc điểm của chúng: “Thiên đường đó bảy năm trước Vĩnh đã có và đã mất. Bởi hai chữ “ăn cắp”, dù có dấu chấm hỏi đằng sau. Dấu thì mỏng mà hai chữ kia quá trần trụi, khiêu khích, bén ngót. Chúng róc chỗ này chỗ kia tí, nhà Vĩnh trống hoang. Đến buổi yêu ban chiều chúng còn xước mất” (Osho và bồ). Có khi hương vị của từ ngữ được nhà văn miêu tả thật tỉ mỉ, kĩ lưỡng: “Bệnh cũ trở lại, lời nói vừa chực trào ra lưỡi giữ rịt, liếm láp không chừa lại tí nào. Hương vị chúng bao giờ cũng xộc vào thật gắt, rồi bả lả dần cho đến khi mòn đến lõi. Chữ ơ của “bơ vơ” với chữ g của “nguội” vị khá giống nhau: giữa ngọt là chua, cạn đến hạt thì chát, sau chót lại bùi” (Vị của lời câm). Những độc giả đã quen với lối viết giản dị, mộc mạc của Nguyễn Ngọc Tư ở thời kì đầu ắt sẽ thấy xa lạ với ngòi bút cầu kì của Nguyễn Ngọc Tư ở những sáng tác gần đây. Ngay trang sách đầu tiên của tập truyện ngắn mới nhất Cố định một đám mây, Nguyễn Ngọc Tư đã khiến người đọc ngạc nhiên. Trong truyện ngắn Những biển, ta không bắt gặp lối vào truyện giản dị quen thuộc, những câu văn của Nguyễn Ngọc Tư cầu kì hơn, từ dùng sắc sảo hơn, mỗi từ ngữ được đưa ra đều là sự lựa chọn, chắt lọc cẩn thận: “ “Lại một ngày nữa”, Nhị nghĩ, hít một hơi ở hành lang, trước khi bước ra gieo rắc không khí tang tóc lên sảnh lễ tân, khoảng sân, con đường mé biển rồi chúng nhanh chóng lan khắp bãi Côi, nhuốm độc lên dãy hàng quán vừa mở cửa, những chiếc ghe lác đác trở về. Thấm hút sạch sự thơ ngây của ban mai, Nhị thay gió muối sảng khoái bằng thứ gió oặt bất hạnh”. Ngòi

bút của Nguyễn Ngọc Tư ngày càng trau chuốt, mang đến cho người đọc những bữa tiệc ngôn từ phong phú. Hãy xem một đoạn miêu tả con đường đầy hình ảnh và những liên tưởng phong phú của Nguyễn Ngọc Tư trong Chớp mắt mịt mù: “Cú ngoặt đó mở ra con đường tuyệt đẹp. Chuồn chuồn bay rợp những con dốc. Rặt chuồn kim. Không phải chúng bay, mà là rắc vào không khí những li ti. Không phải rắc, mà chúng gieo mình. Vào lúc em hình dung khoảnh khắc nữa thôi mặt đường đầy xác chuồn chuồn còn ấm, thì chúng vút lên thành những cơn mưa”. Nhìn vào hành trình sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, từ thứ ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, tự nhiên đến thứ ngôn ngữ được trau chuốt, gọt giũa tỉ mỉ, ta thấy ở tác giả một sự nỗ lực tìm tòi và phát triển ngôn ngữ rất đáng trân trọng.

Khảo sát ngôn ngữ trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư từ sau tập truyện Cánh đồng bất tận, ta còn thấy màu sắc màu sắc triết lí rất rõ. Sự xuất hiện thường xuyên của ngôn ngữ triết lí cho thấy sự trưởng thành của ngòi bút này. Trong giai đoạn đầu, ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư cũng có màu sắc triết lí, nhưng không đậm, chủ yếu là những triết lí hết sức giản dị, có phần hồn nhiên, biểu hiện qua một thứ ngôn ngữ dân dã, mộc mạc của những người lao động nghèo chân chất. Tần số xuất hiện của những triết lí ấy không quá dày đặc và nó chỉ như những suy nghĩ, những nhận xét từ chính cuộc đời, số phận, chính trải nghiệm của những kiếp người nhỏ nhoi trong tác phẩm. Người đàn ông lận đận cả đời mà cuối cùng vẫn cô đơn trong truyện ngắn Cái nhìn khắc khoải đã đúc kết được một chân lí: “Làm vịt như mầy coi vậy mà sướng. Cộc à, làm người, không làm thì thôi, làm phải cho ngon, thiệt khó”. Triết lí ấy được rút ra một cách bộc trực, giản dị. Có những triết lý rất thấm thía nhưng mới nghe lại giống như một câu nói tình cờ, một suy nghĩ ngẫu nhiên, như triết lí về cái tình của con người trong truyện ngắn Chuyện của Điệp: “Nghĩ cũng lạ, ở đời tưởng đâu người ta chửi mắng xâu xé nhau là mất

tình. Lợt lạt nhau thì cũng có tình gì đâu”. Như vậy, những tác phẩm ở chặng đầu sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư đã phảng phất chất triết lí tự nhiên, như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng để người đọc thấu hiểu về cuộc sống và cảm thông cho con người.

Ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư ở giai đoạn sau đậm đặc chất triết lý, và những triết lý mà chị rút ra cũng sắc sảo, trau chuốt hơn. Trong tác phẩm Gió lẻ, tác giả đã đã rút ra một triết lí rất thấm thía về tiếng nói của con người: “Tiếng nói của con vật không dùng để làm tổn thương nhau. Có thứ âm thanh của con người vẫn còn đẹp, đó là tiếng khóc”. Nội dung triết lí này thật ra đã được tác giả nhắc đến trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận, nhưng bằng một cách diễn đạt hồn nhiên hơn, bởi nó được rút ra từ trải nghiệm non nớt của một đứa trẻ phải tự học lấy cách sống: “Thế giới của vịt mở ra. Không ghen tuông, hờn giận, chắc tại cái đầu vịt nhỏ quá nên chỉ đủ cho yêu thương…Đắm đuối với loại ngôn ngữ mới, chúng tôi chấp nhận để cho người ta nhìn mình như những kẻ điên (miễn là tạm quên nỗi buồn của cõi-người).

Cùng một nội dung, nhưng rõ ràng cách rút ra triết lí ở hai tác phẩm trong hai giai đoạn có sự khác nhau, cách diễn đạt trong Gió lẻ có phần gọn ghẽ và sắc sảo hơn. Đôi mắt ngày càng tinh tế và sắc sảo còn giúp tác giả phát hiện ra nhiều vẻ đẹp của cuộc đời nhưng cũng đồng thời nhìn thấy sự mong manh của chúng. Nguyễn Ngọc Tư đã sắc sảo đúc kết rằng: “Có gì đẹp như trẻ con, gà con, như mạ vừa nhú lên, cỏ vừa vượt đất. Xanh lấm tấm. Xanh chưa thẳm. Mong manh” (Khói trời lộng lẫy). Những cái đẹp nguyên thủy, ban sơ ấy rồi sẽ biến mất trong những nỗ lực níu giữ vô vọng của con người. Dõi theo những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư, những triết lí xuất hiện với mật độ dày đặc khiến người đọc phải dừng lại suy ngẫm. Nói về nỗi hận thù trong cuộc sống, mượn lời nhân vật cô vợ trong Đường về Xẻo Đắng, Nguyễn Ngọc Tư bằng ngôn ngữ đậm chất triết lí đã thật sự chạm đến lòng người: “Mặt sông

yên, rách bao nhiêu cũng tự vá lành. Người ta mà làm được vậy hay biết bao nhiêu. Không oán không thù”. Sau những oán thù, con người liệu có tự vá lành lòng mình, nguyên vẹn và yên ả như mặt sông? Câu hỏi ấy khiến người đọc không thôi suy ngẫm. Vào ngày linh ái nở cũng là một truyện ngắn đầy ắp triết lí. Những triết lí ấy không hề xa lạ, nhưng khi được Nguyễn Ngọc Tư rút ra từ một câu chuyện cụ thể, bằng một thứ ngôn ngữ sắc sảo, người đọc phải gật gù tâm đắc. Đó là sự ngắn ngủi của đời người: “Nói cho cùng cái đời sống thực ấy, có khác gì chiêm bao” mà “thời gian trong mơ có dài trăm năm thì cũng gói gọn trong một giấc”. Đó là sự tồn tại của những nhân cách khác nhau trong cùng một con người: “Ai mà chẳng dung dưỡng trong người họ một vài kẻ xa lạ khác”. Và nếu cuộc đời con người vốn ngắn ngủi như một giấc chiêm bao và mỗi con người đều dung dưỡng trong thân xác này những góc khuất bí ẩn, thì “việc nhận ra nhau nhiều khi không liên quan đến mắt”, “bởi mối quan hệ xây dựng trên những giấc mơ thì đâu có phụ thuộc vào xác thân nào”. Những triết lí ấy trong Vào ngày linh ái nở quả thật sâu sắc.

Tuy ở từng thời kì, ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư mang những màu sắc khác nhau, nhưng có một điều vẫn không thay đổi, ấy là chất Nam Bộ không lẫn vào đâu được của chị. Đây cũng chính là sự vận động trên một cơ sở thống nhất của phong cách.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 102 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)