Từ khám con người trong các mối quan hệ thế sự

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 59 - 62)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1.1. Từ khám con người trong các mối quan hệ thế sự

Trong văn học Việt Nam sau 1986, cảm hứng thế sự trở nên nổi bật. Con người đời tư thế sự được nhìn nhận ở phương diện cá nhân trong cuộc sống đời thường, trong muôn vàn mối quan hệ đan xen. Hòa cùng dòng chảy đó, Nguyễn Ngọc Tư cũng miêu tả con người trong nhiều mối quan hệ thế sự. Những truyện ngắn trong chặng đường đầu sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư thường viết về con người Nam Bộ trong các mối quan hệ với quê hương, làng xã, với gia đình và với những con người Nam Bộ khác. Truyện ngắn Ngọn đèn không tắt viết về mối quan hệ giữa con người với quê hương. Đó là nghĩa tình của bé Tươi dành cho làng xã nói riêng, quê hương nói chung. Tình yêu ấy em gửi vào những câu chuyện lịch sử, lan tỏa đến tất cả mọi người, tạo thành một tình yêu chung của những con người đang cùng nhau giữ lấy ngọn lửa sáng đẹp của truyền thống quê hương. Tuy không phải là mảnh đất mình

sinh ra, nhưng tình yêu của ông trưởng ấp Tư Mốt dành cho Mút Cà Tha trong Thương quá rau răm cũng vô cùng sâu sắc. Ông có thể rời bỏ cù lao nghèo nàn, lạc hậu để có một cuộc sống tốt hơn, nhưng ông chọn ở lại chỉ đơn giản vì “cái đất này cần mình”. Ông trân trọng và tìm mọi cách níu chân các bác sĩ, y tá ở lại cù lao để chăm sóc sức khỏe mọi người. Đó là những tình cảm thật đáng quý của con người đối với quê hương, với mảnh đất gắn bó.

Khi quan sát những con người Nam Bộ, có một tình cảm đẹp đẽ mà Nguyễn Ngọc Tư hết sức tự hào, đó là tấm lòng “rộng như đồng khơi” của họ. Dòng đời đưa đẩy những người xa lạ gặp nhau một cách tình cờ nhưng họ đã đối xử với nhau thật tình nghĩa. Trong Biển người mênh mông, Phi và ông Sáu, hai người lạ gặp nhau trong xóm trọ lại chăm sóc, sẻ chia với nhau như người thân trong gia đình. Khi ra đi, ông Sáu Đèo đã tặng lại Phi con bìm bịp, người bạn duy nhất của ông, để nó thay ông làm bạn của Phi. Ông Năm Nhỏ và Thàn (Cải ơi), hai con người có nhà nhưng không thể về, đã nương tựa vào nhau với một thứ tình cảm chân thành và tình nghĩa. Cái nghĩa tình ấy cũng đẹp như cách mà ông Hai (Cái nhìn khắc khoải) cưu mang một người đàn bà tội nghiệp không biết đi đâu về đâu. Tình thương, điều mà những con người Nam Bộ ấy hào phóng cho đi, dường như sau này lại là thứ thật xa xỉ trong xã hội hiện đại, khi các mối quan hệ giữa người với người đã dần méo mó. Điều ấy thậm chí còn khó tìm thấy ngay trong chính những gia đình thật sự.

Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư thường xuất hiện trong những mối quan hệ gia đình. Ở những truyện ngắn từ Cánh đồng bất tận trở về trước, tình cảm của những người thân trong gia đình thường được thử thách trong những cảnh ngộ éo le. Họ bị ba má bỏ rơi, bị lạc mất người thân hay vì những hiểu lầm mà không thể hàn gắn tình cảm. Những hoàn cảnh éo le ấy càng làm nổi bật những tình cảm cao thượng, thiêng liêng của người

Nam Bộ. Đó là tình cảm tha thiết của một người cha đã ròng rã mười mấy năm trời đi tìm đứa con vốn chẳng phải ruột thịt trong Cải Ơi. Nơi nào ông đi qua, người ta cũng nghe thổn thức hai tiếng “Cải ơi!!!...”. Tình cảm ấy cũng cảm động như tình mẫu tử mà Điệp dành cho bé Bơ – đứa con của một đào hát bỏ lại trong Chuyện của Điệp. Nhờ có bé Bơ, Điệp được làm mẹ, và hiểu thế nào là tình cảm của một người mẹ dành cho một đứa con. Sự thấu hiểu ấy khiến Điệp chủ động tìm gặp và tha thứ cho người má đã bỏ rơi mình. Trong

Duyên phận so le, Xuyến là người có cảnh ngộ buồn nhất Mũi So Le. Từng người đã rời khỏi nơi buồn tẻ này, nhưng Xuyến vẫn bám trụ, lý do duy nhất là vì nơi này có bé Bi – đứa con cô sinh ra nhưng không thể nuôi nấng. Đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi đã trở thành con của vợ chồng Thụy – giám đốc khu du lịch. Nhiều lần Xuyến định mang Bi bỏ trốn nhưng rồi lại quay về, vì không muốn làm khổ đứa bé. Cứ như vậy, cô chấp nhận cuộc sống ở nơi heo hút này, từ chối tình cảm của những người đàn ông muốn dang tay che chở, chỉ để được ở gần con. Như vậy, những khó khăn mà cuộc sống đặt ra cho các nhân vật chỉ là thử thách để họ thấm thía hơn cái gọi là tình thân.

Trong các mối quan hệ khác, người Nam Bộ cũng thường gặp phải nhiều éo le, trắc trở. Vì hoàn cảnh nghèo khổ mà nhiều chuyện tình không thành. Anh Phi và Út Thà trong Lý con sáo sang sông hay anh Hết và chị Hoài trong

Hiu hiu gió bấc đều thương nhau mà không đến được với nhau. Anh Phi là trụ cột chống đỡ cho mẹ và hai em; anh Hết nghèo không một cục đất chọi chim, vì không muốn người thương chịu khổ, họ đều ngậm ngùi để cho con sáo của mình sang sông.

Tuy rằng bên cạnh những tình cảm đẹp, Nguyễn Ngọc Tư cũng đã nhìn thấy những rạn nứt trong các mối quan hệ của con người. Chuyện một người chồng vì khối tài sản mà giết vợ (Một trái tim khô), một người cha vì hận thù

mà đày đọa những đứa con (Cánh đồng bất tận) đã phản ánh chân thực những rạn nứt ấy. Dù vậy, những dấu hiệu đó không hề làm mất đi niềm tin ở người đọc. Trong những truyện ngắn ở chặng đầu sáng tác, hình ảnh con người Nam Bộ được Nguyễn Ngọc Tư khắc họa đa phần là những người trọng tình cảm. Họ thường âm thầm chịu đựng, họ chọn hi sinh hạnh phúc riêng của mình để những người thân yêu được hạnh phúc. Những nỗi buồn toát ra từ câu chuyện của họ vì thế đều là những nỗi buồn đẹp đẽ và trong sáng, vì nó xuất phát sự hi sinh, tấm lòng vị tha mà con người dành cho nhau. Khám phá con người trong các mối quan hệ thế sự, Nguyễn Ngoc Tư đã thể hiện sâu sắc những phẩm chất tốt đẹp của người Nam Bộ.

Một phần của tài liệu Sự vận động trong phong cách truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)