7. Cấu trúc của luận văn
1.3.2. Môi trường văn hóa Nam Bộ
Đã có rất nhiều định danh gắn với Nguyễn Ngọc Tư như “đặc sản miền Nam”, “quả sầu riêng vùng đất mũi”. Những định danh ấy đều liên quan đến vùng đất mà chị sinh ra và lớn lên. Mỗi vùng đất đều có đủ dinh dưỡng để nuôi lớn một nhà văn có thể đại diện cho chính nó. Nếu phải chọn ra một vài nhà văn đại diện cho từng vùng đất, chắc chắn Nguyên Ngọc đại diện cho Tây Nguyên; Thạch Lam, Nguyễn Tuân đại diện cho Hà Nội; thì Nguyễn Ngọc Tư cũng xứng đáng đại diện cho vùng đất Nam Bộ, bên cạnh những cái tên khác như Nguyễn Quang Sáng, Dạ Ngân,… Nhà văn Dạ Ngân đã nhận xét: “Văn
của Ngọc Tư mang đậm chất Nam Bộ: hồn hậu, hào sảng. Văn hóa tiểu vùng khác nhau, thì sản sinh ra những chất văn khác nhau, sản sinh ra những tác giả khác nhau. Ở Bắc Hà không sinh ra văn của Ngọc Tư được, mà ở Nam Bộ không thể sinh ra được văn của Y Ban và Tạ Duy Anh được, tôi nghĩ thế” [30]. Những con người, những kỷ niệm, cuộc sống Nam Bộ lam lũ, vất vả nhưng cũng vô cùng thi vị đã nuôi dưỡng tâm hồn, vun đắp tài năng, vốn sống và khơi nguồn cảm hứng dồi dào cho sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long với văn hóa sông nước đặc trưng đã đắp bồi phù sa của nó lên những trang văn của nữ nhà văn sinh ra và lớn lên ở đó. Người dân Nam Bộ nói chung và Nguyễn Ngọc Tư nói riêng xưa nay đã sinh sống trên những con sông, những kênh rạch chằng chịt. “Tôi sinh ra ở một vùng quê, nhà tôi nằm ngay trên bờ sông, ngày nào tiếng tắc ráng, tiếng tàu máy đuôi tôm rồi chợ họp trên sông cũng nhộn nhịp” [29]. Họ uống nước sông, tắm nước sông, ngày ngày chèo thuyền trên sông, mua bán trên sông, hò hẹn trên sông,...Sông là môi trường sống bao bọc và cũng là chứng nhân của những mảnh đời quê thăng trầm như nhịp xuống lên của con nước. Không gian Nam Bộ với những cây đước, sú, tràm, ô rô, dừa nước…; với những vàm Cỏ Xước, kinh Mười Hai, Rạch Mũi, Gò Cây Quao…; với những xóm Miễu, Trảng Cò, Mút Cà Tha…đã trở thành vùng không gian đặc trưng trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Phong cách nghệ thuật phần nào được thể hiện ở sự lựa chọn vùng không gian phản ánh. Mỗi nhà văn đều có một vùng không gian trọng điểm mà họ gắn bó và am hiểu từng ngóc ngách, Nguyễn Ngọc Tư cũng thỏa sức vẫy vùng ngòi bút trong không gian mênh mang sông nước. Chính chị đã khẳng định: “Tôi tự tin vào sự hiểu biết về nông thôn quê hương tôi” [59].
Cuộc sống của những người dân Nam Bộ cũng đi vào những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư một cách thật tự nhiên. Điều này cũng góp phần hình thành thế giới nhân vật riêng biệt trong sáng tác của nhà văn. Phần đông trong thế giới nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư là những người nông dân lao động vất vả, khó nghèo, là những người nghệ sĩ đờn ca tài tử long đong, chìm nổi. Trong vùng hiện thực Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư đặc biệt quan tâm đến những số phận đáng thương, những mảnh đời bi kịch. Con người Nam Bộ có tính cách bộc trực, thẳng thắn, phóng khoáng, trọng tình nặng nghĩa,.... Trong giao tiếp, họ mộc mạc, chân chất, cởi mở, có sao nói vậy, không vòng vo quanh co. Những con người ấy, gần gũi, gắn bó với Ngọc Tư mỗi ngày; và những trang văn của chị cũng không hề xa lạ với cuộc sống hằng ngày của chính họ. Sự gắn bó của Nguyễn Ngọc Tư đối với con người và cuộc sống Nam Bộ là sự gắn bó máu thịt. Tất cả những cách suy nghĩ, nói năng của người Nam Bộ, những nét tính cách trong văn hóa ứng xử cũng như ngôn ngữ của cha ông đã là một phần máu thịt của Nguyễn Ngọc Tư, có ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ, giọng điệu của Nguyễn Ngọc Tư một cách tự nhiên, tất yếu. Và chính thứ giọng điệu riêng, ngôn ngữ riêng này tạo nên một nét phong cách đặc sắc không lẫn vào đâu được của Nguyễn Ngọc Tư.
Đối với chị, cuộc sống quê hương Nam Bộ luôn là mạch nguồn cảm hứng dạt dào không bao giờ vơi cạn của ngòi bút. Những gì chị viết ra đều mang hơi thở cuộc sống xung quanh. Tô Hoài cũng từng bộc bạch với Nguyễn Công Hoan về vấn đề này: “Nói câu này thì có người bảo là công thức, Gorki đã kể: ông học viết do ông bà kể chuyện. Tôi thấy rất đúng. Chữ nghĩa ở đây mà ra cả. Các tiếng nói ở trong nhà, ở trong xóm, của bà con bạn bè, lúc bắt đầu lớn lên, nó ăn rất sâu vào óc mình…tất cả các thứ ngôn ngữ mà tôi quen nghe, quen dùng, tạo thành cho tôi cái gốc trong tác phẩm đầu tiên và cả sau này của tôi….Một nhà văn nào không nhận cái gốc tiếng
nói của mình là từ trong nhà, trong làng và thu lượm từ ngày mình còn bé, mà lại nói khác, là anh ấy chưa dò thấy cội rễ bước đầu của mình” [42,110]. Nói như vậy thì có lẽ Nguyễn Ngọc Tư là người ý thức rõ hơn ai hết cội rễ của mình và chính chị cũng vô cùng trân quý cội nguồn ấy: “Riêng tôi, ngôn ngữ, không khí Nam Bộ đã thấm vào tôi từ môi trường sống. Bây giờ muốn gột bỏ cũng không dễ...” [13]. Bắt rễ vững chãi vào cội nguồn ấy, Nguyễn Ngọc Tư mới có điểm tựa để phóng tầm mắt ra thế giới rộng lớn ngoài kia: “Từ nơi này, tôi đã nhìn được rất xa, đã sống với nhiều nơi, làm bạn với nhiều người, vậy cũng hạnh phúc lắm rồi” [13]. Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư đã ra đời trên những “cánh đồng bất tận”, những dòng chảy miên man. Chị đã nuôi dưỡng cảm xúc về quê hương của mình một cách phong phú và bền bỉ. Viết về vùng đất quen, con người cũ nhưng chị vẫn luôn phát hiện được nét điều thú vị, mới mẻ. Như thế, nói đến những yếu tố tác động đến sự hình thành phong cách Nguyễn Ngọc Tư, không thể không kể đến môi trường Nam Bộ.