7. Cấu trúc của luận văn
2.1.1.2. …đến mở rộng đường biên hiện thực
Nguyễn Ngọc Tư đã mạnh dạn bước ra khỏi sự bao bọc của vùng đất quê hương để ào ra cuộc sống rộng lớn ngoài kia. Trong bài diễn từ của Nguyễn Ngọc Tư tại Lễ trao giải Literaturpreis 2018 tại Đức, tác giả thú nhận rằng
bản thân bị choáng ngợp trước thế giới rộng lớn: “…và vào giây phút tôi nhận ra bầu trời rộng lớn nhường nào, tôi ngộp thở. Thứ sức mạnh mà tôi có được từ ảo tưởng rằng mình là trung tâm của thế giới, cũng mất đi” [46]. Kể từ sau
Cánh đồng bất tận, đường biên hiện thực trong tác phẩm của chị dần dần được cơi nới.
Những bức tranh hiện thực Nam Bộ đã mờ dần, những vấn đề hiện thực đậm chất Nam Bộ như đói kém, hạn hán, mất mùa, dịch bệnh không còn nằm ở trung tâm trang sách. Những cánh đồng, dòng sông đã ít xuất hiện trong Gió lẻ và 9 câu chuyện khác. Trong mười truyện ngắn, chỉ có một truyện Thổ Sầutrực tiếp viết về hiện thực nghèo nàn và lạc hậu đến mức tiệm cận với đời sống nguyên thủy của con người ở vùng đất Thổ Sầu. Tuy nhiên, Thổ Sầu không chỉ là một địa danh Nam Bộ cụ thể mà còn mang theo nghĩa ẩn dụ: một vùng đất buồn sầu. Vùng đất này cũng xuất hiện trong một số truyện ngắn khác với vai trò là cái không gian nền để tác giả khắc họa những số phận buồn thương trên đó. Đó là nơi chứng kiến đứa bé gái bị hãm hiếp trên đường đi học về (Củi mục trôi về), là một điểm dừng chân trên hành trình phiêu bạt của cô gái câm, ông Buồn và anh Tìm Nội (Gió lẻ). Những khung cảnh Nam Bộ trở lại nhiều hơn trong tập Khói trời lộng lẫy với tỉ lệ 4/9 truyện ngắn. Đây là tập truyện mang phong cách quen thuộc của Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng đến tập truyện Đảo thì hiện thực Nam Bộ không còn đậm đặc. Tập truyện Đảo gồm 17 truyện ngắn, trong đó chỉ có 5 truyện ngắn thấy rõ bối cảnh hiện thực Nam Bộ. Bức tranh Nam Bộ ở đây chỉ đóng vai trò là bối cảnh chứ không được miêu tả một cách chi tiết. Đối tượng khai thác trọng tâm mà tác giả hướng đến trong những tập truyện nói trên là những bi kịch tinh thần của con người. Và những bi kịch đó cũng không phải là độc quyền sinh ra trên đất Nam Bộ, mà là những bi kịch của con người nói chung.
Nguyễn Ngọc Tư đi sâu hơn vào việc khai thác những mảng hiện thực với đầy va chạm, bụi bặm và ngột ngạt, phản ánh những lát cắt đa dạng của hiện thực cuộc sống. Trong cuộc sống ngày nay, con người vẫn thường dùng bộ mặt dối trá để đối xử với nhau. Hiện thực không có gì xa lạ nhưng chưa bao giờ cũ kỹ này được Nguyễn Ngọc Tư thể hiện một cách đầy ám ảnh trong
Gió lẻ. Sự dối trá đã chứng tỏ sự phủ sóng và ảnh hưởng khủng khiếp của nó đối với cuộc sống con người. Một cô gái mắc phải chứng bệnh buồn nôn khi phải nghe những lời nói dối. Khi loài người kết nối với nhau không phải bằng sự thật cũng là lúc sự rạn nứt mối quan hệ giữa người với người xuất hiện. Cuộc sống con người ngày càng xa cách. Thực trạng này được thể hiện rất rõ trong Chụp ảnh gia đình. Công việc ở đội chiếu bóng lưu động không cho phép người cha có thời gian ở cạnh đứa con trong khi nó cần cha nhất. Thằng bé không quen với sự tồn tại của cha trong nhà, sự xuất hiện thi thoảng của cha khiến nó xem cha như một vị khách. Khi cha thôi lang bạt, “đúng lúc con cảm thấy nhà ba người quá chật, đi đâu cũng vấp ánh mắt vướng ánh mắt cũng ngợp trong ánh mắt”, thằng bé chạy trốn lên thành phố và không hề muốn về nhà. Đây chính là một cảnh huống tiêu biểu cho hiện thực cuộc sống đầy khoảng cách của con người.
Cố định một đám mây là một cuốn sách chứa đựng nhiều hơi thở của hiện thực đời sống đương đại. Đó là một thực tại cuộc sống rệu rã của con người. Nguyễn Ngọc Tư đưa lên trang sách những cảnh sống rất quen thuộc của những gia đình bị khoản nợ nhà băng mỗi tháng rượt đuổi (Những biển), những cặp vợ chồng lợt lạt với nhau vì không có con (Cơn nước ngang qua), những cuộc hôn nhân chóng thành mà cũng dễ dàng tan (Thấm mệt). Đây là cảnh huống mang tính phổ phổ biến, những đặc trưng của một tiểu vùng đã không còn đậm đặc. Thực tại tẻ nhạt và ngột ngạt khiến con người sống mà như đang “mắc kẹt”. Vợ chồng Tam trong Cơn nước ngang qua mắc kẹt
trong ngôi nhà lạnh lẽo và tiều tụy. Cả hai đã vắt kiệt sức nhau bằng những dày vò không dứt, bằng những vết thương cả thể xác lẫn tinh thần, để rồi hai vợ chồng luôn ở trạng thái đóng băng trong ngôi nhà mà thời gian dường như ngưng đọng với chiếc đồng hồ mỗi ngày chỉ chạy đúng một lần, họ “thở vậy thôi, chứ như chết rồi”. Chỉ khi người đàn ông lạ mặt xuất hiện, họ mới tự “rã đông” mình, “những bệ rạc ngủ vùi suốt mùa khô bị đánh thức, kêu vang”. Và sự xuất hiện của vị khách không mời ấy đã đánh thức cả sự nữ tính tưởng như đã biến mất của người vợ. Tam nhận ra ngay trong ngôi nhà mà mình làm chủ, sự tồn tại của mình dường như vô nghĩa: “Trườn mình ra khỏi giường, tim Tam đập mạnh khi ngang qua chỗ gã khách ngáy đều, nhón chân như kẻ trộm sợ chủ nhà thức giấc. Khoảnh khắc đó, Tam nhận ra anh sợ cả con Mốc sẽ cất tiếng sủa khi nhìn thấy một bóng người rón rén bước ra sân”. Và không chỉ Tam, trong tập truyện ngắn này, còn rất nhiều những sự tồn tại như mắc kẹt khác. Đó là Biền và những con người đang mắc kẹt ở bìa nước Mặn, mảnh đất trong tư thế sẵn sàng hiến thân cho biển (Cố định một đám mây); là hai anh lính làm nhiệm vụ ở đảo Côi, nơi mà vào thời gian hoa linh ái nở thì máu như đông lại, tế bào không chia tách và tóc cũng chẳng dài ra (Vào ngày linh ái nở); là anh Chín bị kẹt trong căn phòng trú bão cùng với người tình cũ mà anh vô cùng căm ghét nhưng chưa lúc nào quên được (Bão đêm),…Tất cả họ đều cảm thấy bị thừa ra giữa thực tại cuộc sống bệ rạc và vô nghĩa. Đó cũng là cảm giác chung của con người thời đại trước cuộc đời mà mọi ý nghĩa tồn tại đều như những đám mây khó nắm bắt. Như vậy, từ hiện thực những cảnh đồng nước Nam Bộ, ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư đã tiếp cận và khám phá được nhiều ngõ ngách khác của hiện thực cuộc sống đương đại.