7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2.2. …đến cái nhìn trăn trở, lo âu
Trong những tập truyện Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Khói trời lộng lẫy, Đảo, Cố định một đám, ta ít bắt gặp những truyện ngắn bàng bạc nỗi buồn nhưng cũng ngập tràn những tình cảm đẹp đẽ của người Nam Bộ nữa. Vẫn là Nguyễn Ngọc Tư, nhưng cái nhìn chủ đạo giờ đây là cái nhìn đầy trăn trở, lo âu. Đó là sự trăn trở, lo âu cho những niềm tin bị đổ vỡ, những tồn tại bị lãng quên hay những thân phận vô định,... Chúng ta khó bắt gặp ở những truyện ngắn trong giai đoạn này một Nguyễn Ngọc Tư với nỗi niềm thống thiết cảm thương thể hiện rõ trong từng câu chữ. Chắc chắn trái tim của một
nhà văn nhân hậu như thế chưa bao giờ thôi xót xa trước nỗi đau của con người, nhưng niềm thương cảm dành cho nhân vật được giấu sau ngòi bút có vẻ sắc lạnh hơn. Góc nhìn của chị cũng mở rộng hơn về hành trình bất tận của những thân phận lẩn khuất đâu đó trong cuộc đời, những thân phận quay quắt với nỗi đau tột cùng hay nỗi ám ảnh dai dẳng. Rất nhiều lần nhân vật tự hỏi, những câu hỏi không có lời đáp thể hiện cái nhìn đầy băn khoăn của tác giả về thân phận con người: “Tại sao người ta không nhìn thấy mình khi mình con sống” (Gió lẻ), “Thấy ngạc nhiên và kỳ lạ, thấy không chấp nhận được khi người lớn bắt đầu tìm kiếm mình khi đã rời khỏi họ quá chừng xa?” (Ấu thơ tươi đẹp). Truyện ngắn Khói trời lộng lẫy càng tô đậm thêm một cái nhìn đã có từ Gió lẻ, đó là cái nhìn trăn trở, lo âu cho thân phận con người đơn độc, trôi dạt và lạc mất giữa cuộc đời này, không thể níu giữ bất cứ điều gì. Nguyễn Ngọc Tư thường dùng hình tượng những đứa trẻ trôi dạt với một số phận bất định, đơn độc, vô vọng giữa cõi người để thể hiện điều đó. Cô gái câm trong Gió Lẻ hay Bảy Trầu trong Khói Trời Lộng Lẫy đều những đứa con hoang “trôi đi không tăm tích gì giữa cuộc đời này”.
Những tổn thương vượt quá giới hạn chịu đựng của con người cũng khiến họ khủng hoảng niềm tin. Sói và “em” trong Ấu thơ tươi đẹp, thằng bé trong Núi lở, nhân vật “chị” trong Đường về Xẻo Đắng, hay cô gái câm trong
Gió lẻ và rất nhiều nhân vật khác trong giai đoạn sáng tác này của Nguyễn Ngọc Tư đều sụp đổ niềm tin. Nhân vật “chị” trong Đường về Xẻo Đắng đổ vỡ niềm tin về một người chồng không bao giờ phản bội khi tận mắt chứng kiến “xõa trên bắp tay anh là mái tóc đẫm mồ hôi khác. Thằng bé trong Núi lở chứng kiến ba mẹ đối xử tàn nhẫn với ông nội. “Em” trong Gió lẻ cũng sụp đổ niềm tin về người cha khi chứng kiến cha giết mẹ bằng những lời nói tàn độc rồi lại che lấp tội lỗi bằng những lời nói dối. Ông Tám Nhơn Đạo là người nhen nhóm lại cho em niềm tin vào tình người, những chính người đàn
ông nhân từ trao cho em nắm xôi ở góc chợ Mai Lâm lại giở trò đồi bại với em. Tất cả niềm tin trong em sụp đổ, chỉ còn lại sự “hoang mang với một điều về con người mà em vừa biết”. Sự hoang mang về con người, những tình yêu đổ vỡ, những niềm tin sụp đổ ấy chính là chỗ thể hiện cái nhìn đầy trăn trở, lo âu về con người của Nguyễn Ngọc Tư. Con người sẽ sống như thế nào với sự khủng hoảng ấy?
Nguyễn Ngọc Tư cũng trăn trở và lo âu trước sự mong manh của hạnh phúc con người. Các nhân vật đều khát khao được hạnh phúc, được yêu thương và chia sẻ nhưng tình yêu và hạnh phúc đối với họ không phải là điều dễ dàng có được và cũng chẳng dễ dàng nắm giữ. Trong Sổ lồng, Lý vì chửa hoang với một tên sở khanh mà phải cưới gấp một người chồng. Anh chồng hiền lành ngày càng trở nên cọc cằn vì bị lừa dối. Những con người bên trong chị cứ sổ lồng đuổi theo những thứ đã mất. Chị mất thứ gì? Chị mất đời con gái khi chưa tận hưởng hết tuổi xuân, chị chưa từng được tận hưởng thật sự hạnh phúc của một mái ấm gia đình. Ngoại và bồ trong Đi bụi là câu chuyện về một mối tình không thành. Đến cái tuổi xế chiều, ngoại vẫn mong chờ hạnh phúc, vẫn từ bỏ tất cả để đi tìm hạnh phúc nhưng đã quá muộn. Bồ giờ chỉ là tro tàn khắp góc bể chân trời mà ngoại phải đợi chờ dòng hải lưu đưa đến. Người phụ nữ trong Một chuyện hẹn hò cũng khát khao được yêu thương, thấu hiểu. Vì khát khao ấy mà chị đã bỏ mặc đứa con, bất chấp cơn bão tìm đến người tình. Nhưng chị lại không tìm thấy ở anh một sự thấu hiểu chân thành, anh chỉ đắm chìm trong niềm vui xác thịt trong khi chị đang thảng thốt, trống rỗng, tuyệt vọng với cơn bão ngoài kia và cả cơn bão lòng. Rốt cuộc, không ai lắng nghe, không ai thấu hiểu chị. Khi chị chua xót nhận ra rằng hạnh phúc của một người phụ nữ không chỉ là được yêu, được hẹn hò, mà còn là sự bình an của những đứa con, thì chị cũng không thể quay về tìm con được nữa. Niềm hạnh phúc mà chị rượt đuổi bên người tình hay niềm
hạnh phúc bình dị vốn có bên đứa con, chị đều không thể nắm giữ được. Những nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Tro tàn rực rỡ cũng khát khao những hạnh phúc bé nhỏ như được chồng nhìn thấy, được chồng lắng nghe. Để được chồng chú ý, Nhàn không chạy khỏi đám lửa. Để được chồng lắng nghe, nhân vật “em” dựa vào những câu chuyện về những đám cháy ở nhà Nhàn, nhưng khi Nhàn mãi ở lại giữa đám cháy ấy, “em” đã không còn gì để trông đợi, “chẳng còn vụ nhà cháy để kể. Điều đó có nghĩa chồng không về nữa”. Những người phụ nữ ấy đều không thể làm chủ hạnh phúc của mình, thậm chí để có được hạnh phúc nhỏ nhoi, họ phải đánh đổi chính bản thân.
Nguyễn Ngọc Tư cũng bộc lộ một cái nhìn đầy trăn trở, lo âu về những phận người vô định dễ dàng biến tan khỏi cuộc đời. Chị viết nhiều về những con người chìm khuất đâu đó trong dòng đời, những cá nhân trôi nổi, như những chiếc bóng, có thể bốc hơi bất kỳ lúc nào. Sự tồn tại của họ cũng mong manh không cách nào cố định, để rồi con người biến mất như chưa hề tồn tại. Hảo trong truyện ngắn Biến mất ở Thư Viên đã chứng kiến nhiều sự biến mất của những người thương yêu. Tuần nào Hảo cũng tới Thư Viên, “rảo một vòng, nấn ná giữa hai kệ sách văn học một lúc, thử hình dung từ chỗ này Sinh đi đâu mất”. Suốt bảy năm liền, Hảo không đi đâu ngoài nhà sách vì hình dung Sinh đã biến mất vào trong những cuốn sách ấy. Đắm đuối với những trang sách, với những nhân vật mà Hảo nghĩ Sinh sẽ hóa thân vào, chị không quan tâm đến sự tồn tại của cậu con trai đang vùng vẫy trong một tình yêu tuyệt vọng. Để rồi một lần nữa, chính cậu con trai ấy cũng chọn cách biến mất như một vai phụ trong một màn ảo thuật, “đi vào khe của những cuốn sách, náu trong thứ bóng tối trong veo”. Những sự biến mất dễ dàng của những con người ấy khiến tác giả không thôi trăn trở về những sự tồn tại mong manh.
Một mùa sương thức cũng bộc lộ cái nhìn trăn trở của tác giả về sự “bốc hơi” của những con người trong một gánh hát. Gánh hát ấy đã từng đông đúc
nhưng từng người trong đoàn đã dần biến mất không một dấu vết. Những thị trấn nhỏ mà gánh hát đến là những nơi đặc quánh bóng tối, không có đèn đường và không có nhiều con đường để đi, nhưng có gió: “Ở đó gió biển nhiều quá, người ta dễ bốc hơi”. Sự tồn tại của con người trong truyện ngắn này được Nguyễn Ngọc Tư miêu tả mong manh đến mức gió cũng có thể cuốn đi. Và khi chị Mỹ bốc hơi khỏi gánh hát bằng một chuyến bay đường hoàng qua biển để tìm đến một chân trời mới, đứa em trai đáng thương ở lại cũng từ chối sự sống. Không còn chị, không còn ý nghĩa để tồn tại, Nhu đã ngủ một giấc dài không dậy nữa. Sự tồn tại của Nhu chỉ là “sức nặng của một hơi thở”, để khi anh trút hơi thở cuối cùng, anh mãi biến mất khỏi những con đường đêm vào thị trấn đầy bóng tối, mãi biến mất khỏi cuộc sống và tâm tưởng của chị Mỹ. Cho đến khi biến mất vĩnh viễn khỏi cuộc đời này, Nhu đã sống với mặc cảm sâu sắc về thân phận mình: “Dường như Nhu dùng ngôi “em” với tất cả những ai có chân và đi được. Kể cả con mèo”. Có thể thấy rằng, nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư trong giai đoạn sau là những con người hoang mang, băn khoăn về cuộc đời, về hạnh phúc, về chính sự tồn tại của mình. Họ thường đơn độc, vô vọng, khắc khoải giữa cuộc đời. Đó là lý do khiến Nguyễn Ngọc Tư thay đổi cách nhìn, cách cảm nhận về con người, từ cảm thương, tin tưởng trở nên lo âu, trăn trở.